Đừng “vô tình” gieo thói xấu cho trẻ
Một phụ huynh đến đón con, thấy con ra về mà không chào cô giáo, chị gằn giọng: “Tại sao con về mà không chào cô?”. Đứa trẻ tỏ ra sợ sệt, đứng im một lát rồi nói như mếu: “Tại nhiều lần con chào nhưng cô không nói gì cả, cô không để ý nghe con nói”.
Một phụ huynh đến đón con tại một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TPHCM. Thấy con ra về mà không chào cô giáo, chị gằn giọng: “Tại sao con về mà không chào cô?”.
Đứa bé tỏ ra sợ sệt, đứng im một lát rồi nói như mếu: “Tại nhiều lần con chào nhưng cô không nói gì cả, cô không để ý nghe con nói”. Người mẹ như hiểu ra ý con, liền nhẹ giọng rồi chở con về. Sự im lặng đó đủ hiểu, nếu như những cử chỉ lễ phép của học sinh được sự đáp trả của người lớn chắc hẳn em này sẽ không “vô lễ” như thế.
Dịp khác, tôi may mắn được dự một tiết dạy đạo đức lớp 1 tại trường tiểu học ở quận 5, TPHCM. Tên bài học hôm đó là Trật tự trong trường học. Khi cô giáo hỏi cả lớp: “Hôm nay chúng ta học bài gì hả các con?”, các em liền giơ tay phát biểu và cô chỉ một bạn ngồi ngay bàn đầu trả lời. Em này liền đứng dậy nói: “Dạ thưa cô! Hôm nay chúng ta học bài Trật tự trong trường học ạ”. Xong, cô quay lên nắn nót viết tên bài lên bảng. Dưới lớp, lần lượt từng em tiếp theo tự động đứng lên trả lời y như bạn thứ nhất. Cứ thế, cho đến khi cô giáo nói thôi, các em mới dừng lại. Tôi nhớ lại ngày xưa mình đi học, thầy cô luôn dạy người nói phải có người nghe, thầy cho nói mới được nói, thầy cho ngồi mới được ngồi, trong lớp muốn làm gì cũng phải có khuôn phép. Đằng này, cô giáo mải viết, học sinh tự động đứng lên ngồi xuống và trả lời như một cái máy được cài sẵn, khi nào bấm tắt mới thôi.
Trong hội thảo gần đây, có phụ huynh cũng bức xúc khi nghe đứa con học lớp 3 kể: “Ở lớp, mỗi khi bạn bên cạnh làm gì sai là cô giáo yêu cầu phải đánh bạn một cái. Bạn phạm nhiều sẽ cho đánh nhiều và đau hơn”. Nhiều phụ huynh khác trong hội trường cũng không đồng tình với cách dạy của cô giáo này vì cho đây là cách làm phản giáo dục, sẽ vô tình áp vào học sinh suy nghĩ “Khi người khác làm sai, mình phải bạo lực với họ”.
Những tình huống trên đây không phải hiếm gặp trong cuộc sống, nhất là môi trường giáo dục như trường học. Người lớn đôi khi chỉ tập trung dạy những điều xa vời, cao siêu, đòi hỏi các em phải thế này hoặc thế kia. Họ quên mất rằng những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy cũng góp phần hình thành nhiều thói xấu cho các em. Học sinh, nhất là cấp tiểu học như những trang giấy trắng. Đẹp hay xấu đều do người lớn vẽ nên. Đôi khi những cái xấu lại được vẽ lên từ cách giáo dục “vô tình” ấy.
Pháp luật TPHCM.