Dựa vào các hình ảnh, bố cục của bài "Sang thu", hãy viết một bài văn ngắn diễn tả cảm nhận của Hữu Thỉnh trước sự biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa.
BÀI LÀM
Mùa thu là mùa thơ của thi nhân. Từ xưa, bao thi nhân đã gửi gắm lòng mình vào những bài thơ thu đem đến cho ta những xúc cảm tinh tế. Với từng cách nhìn, cách nghĩ khác nhau, mỗi nhà thơ tạo nên những ấn tượng riêng về mùa thu. Hữu Thỉnh cũng là một trong số những nhà thơ như thế. Với con mắt nghệ sĩ, tâm hồn nhạy cảm và ngòi bút tài hoa, Hữu Thỉnh đã có những cảm nhận mới mẻ trước sự biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa. Đọc Sang thu ta thấy rất rõ điều đó.
“Sang thu” ở đây là chớm thu, là lúc thiên nhiên “giao ca”. Mùa hè vẫn chưa hết mà thu mới có những tín hiệu đầu tiên. Trước những thay đổi tinh vi ấy, phải nhạy cảm lắm mới cảm nhận được.
Với Hữu Thỉnh, mùa thu bắt đầu thật giản dị :
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Nhà thơ chợt nhận ra một mùi hương quen thuộc phảng phất trong gió se lạnh. Đó là hương ổi - mùi hương quê kiểng. Rồi cảm nhận làn sương mỏng đang giăng mắc như chùng chình qua ngõ rất chậm rãi. Bất ngờ trước những tín hiệu mùa thu đến lúc nào không hay, nhà thơ ngỡ ngàng tự hỏi lòng mình : Hình như thu đã về. Rất dịu dàng, nhẹ nhàng. Dường như nhà thơ cảm được cả bầu khí thu trong veo, một không gian thu lặng lẽ yên bình có chút gì mơ màng. Câu thơ ngỡ ngàng ngay với lòng mình làm nên tiếng ngân trong hồn người.
Sau cái bỡ ngỡ ban đầu là những cảm nhận rõ nét từng sự biến chuyển của thiên nhiên. Nhà thơ đang giương mọi giác quan để, thu lấy “dáng hình” của độ thu sang:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Những sự vật : sông, chim, mây, nắng, mưa, sấm đều có sự biến chuyển. Trong sự đổi thay, vận động ở bên trong, từng sự vật lại hiện lên đầy sinh động với những liên tưởng thú vị.
Sông vào mùa thu nước đầy nhưng trong, dòng sông lững lờ trôi khoan thai chứ không cạn như nước mùa xuân, mùa đông, không đục và chảy xiết như nước mùa hạ. Cảm nhận về một dòng sông thu êm đềm, chậm rãi rất hợp với nhịp điệu mùa thu.
Nổi bật trên cái nền bình lặng của con sông thu là không khí rộn ràng của bầy chim chuẩn bị đi tránh rét. Không gian trở nên xôn xao, không có âm thanh nhưng câu thơ lại gợi được cái động. Ấy thực là một sự nhạy bén trong quan sát !
Song hay và tinh tế nhất là cảm nhận về mây:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Dường như trong đám mây thu còn vương nắng hạ nên nhà thơ mới có liên tưởng thú vị đến chừng ấy. Từ “vắt” rất gợi hình, tạo dáng. Ngỡ những đám mây kia là những dải khăn mềm làm ranh giới hai mùa - ranh giới của thời gian. Đám mây trong Sang thu thật nên thơ và có hồn ! Tâm hồn thi sĩ thật mộng mơ!
Sau những sự vật, hiện tượng khi chớm thu, nhà thơ chú ý đến những yếu tố thời tiết. Trong cảm nhận này, nhà thơ luôn có sự liên tưởng, so sánh với mùa hạ nhằm tạo nên ấn tượng rõ nét. Nắng vẫn còn vàng tươi nhưng nắng thu trong và dịu hơn nắng hạ. Mưa vẫn còn nhưng đã vơi nhiều so với những cơn mưa bong bóng kéo dài của mùa hạ và sấm cũng bớt đến đột ngột và bất ngờ. Những biến chuyển nhỏ tinh vi : vẫn còn, vơi dần, bớt khó lọt qua con mắt quan sát, sự cảm nhận tinh vi. Sang thu vẽ lên những nét tranh thu ở làng quê trung du thật ấn tượng, đem lại cho chúng ta những điều ta không cảm nhận được vì bị cuốn vào cuộc sống không có lúc lắng lòng để hướng tới thiên nhiên, hướng tới quê nhà.
( Lưu Thị Thanh Thuỳ )