Địa lý Nông nghiệp-Các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

Bút Nghiên

ButNghien.com
CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP

1. Khái niệm

Con người luôn gắn với một lãnh thổ nhất định, nơi họ sống và làm việc. Chính ở đây, họ đã tạo ra được một hệ thống các mối quan hệ qua lại hợp lý nhất giữa con người với tự nhiên. Hệ thống này, một mặt, cho phép con người sử dụng tốt nhất các nhân tố lãnh thổ của sản xuất với chi phí xã hội thấp nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất và mặt khác, tạo nên các điều kiện thuận lợi cho cuộc sống và lao động của mình. Đó là bản chất của việc tổ chức xã hội theo lãnh thổ. Tổ chức xã hội theo lãnh thổ bao gồm hai hình thức chủ yếu: tổ chức nền sản xuất xã hội và tổ chức môi trường sống của con người, trong đó hình thức thứ nhất giữ vai trò quyết định.

Cùng với ngành công nghiệp, TCLTNN với tư cách là việc tổ chức ngành sản xuất vật chất, ngành kinh tế then chốt đang được quan tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của nền sản xuất xã hội.

Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp được hiểu là một hệ thống liên kết không gian của các ngành, các xí nghiệp nông nghiệp và các lãnh thổ dựa trên cơ sở các qui trình kỹ thuật mới nhất, chuyên môn hoá, tập trung hoá, liên hợp hoá và hợp tác hoá sản xuất cho phép sử dụng có hiệu quả nhất sự khác nhau theo lãnh thổ về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, nguồn lao động và đảm bảo năng suất lao động xã hội cao nhất.

Như vậy, TCLTNN thể hiện một số đặc điểm nổi bật sau đây:

- Phân công lao động theo lãnh thổ cùng với việc kết hợp các điều kiện tự nhiên, kinh tế và lao động là cơ sở để hình thành các mối liên hệ qua lại theo không gian (lãnh thổ).

- Trong TCLTNN, khía cạnh ngành và khía cạnh lãnh thổ kết hợp chặt chẽ, qua lại với nhau.

- Các đặc điểm không gian (lãnh thổ) của sản xuất nông nghiệp được xác định bởi tính chất của việc khai thác và sử dụng các điều kiện sản xuất hiện có.

- Hiệu quả kinh tế và năng suất lao động là tiêu chuẩn hàng đầu của TCLTNN.

TCLTNN luôn thay đổi, phù hợp với các hình thái kinh tế- xã hội. Trong điều kiện hiện nay, TCLTNN gắn liền với khoa học công nghệ, với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cùng với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, của khoa học công nghệ, nhiều hình thức TCLTNN đã và đang xuất hiện, mang lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

2. ý nghĩa kinh tế- xã hội của việc nghiên cứu TCLTNN

- Việc nghiên cứu TCLTNN nói chung và các hình thức tổ chức của nó theo lãnh thổ tạo ra những tiền đề cần thiết nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực về tự nhiên, kinh tế- xã hội của cả nước cũng như của từng vùng, từng địa phương.

- TCLTNN tạo ra những điều kiện làm đẩy mạnh và sâu sắc chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Khi chuyên môn hoá phát triển đến một mức độ nhất định, tất yếu sẽ dẫn đến quá trình hợp tác hoá, liên hợp hoá trong phạm vi vùng, quốc gia và quốc tế.

- Việc hoàn thiện các hình thức TCLTNN tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động xã hội.

- Nghiên cứu các hình thức TCLTNN góp phần vào công tác quy hoạch theo lãnh thổ nền kinh tế quốc dân.

3. Các hình thức TCLTNN

TCLTNN có nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Về đại thể, có ba hình thức TCLTNN quan trọng nhất. Đó là xí nghiệp nông nghiệp, thể tổng hợp nông nghiệp và vùng nông nghiệp.

3.1. Xí nghiệp nông nghiệp là một trong các hình thức của TCLTNN, trong đó có sự thống nhất giữa lực lượng lao động với tư liệu lao động(đất đai) và đối tượng lao động (cây trồng, vật nuôi) để tạo ra lương thực, thực phẩm cho con người và nguyên liệu cho các ngành kinh tế. Các nông hộ, trang trại, hợp tác xã, nông trường quốc doanh, đồn điền... được coi là xí nghiệp nông nghiệp.

a) Hộ gia đình (nông hộ)

Nhìn chung ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam, người ta thừa nhận “hộ” là “gia đình” và “kinh tế hộ” là “kinh tế gia đình”. Hộ là một đơn vị kinh tế- xã hội tự chủ cùng một lúc thực hiện nhiều chức năng mà ở các đơn vị kinh tế khác không thể có được. Hộ là một tế bào của xã hội với sự thống nhất của các thành viên có cùng huyết tộc, mà mỗi thành viên đều có nghĩa vụ và trách nhiệm làm tăng thu nhập, đảm bảo sự tồn tại. Hộ còn là một đơn vị sản xuất và tiêu dùng.

Hộ gia đình là hình thức vốn có của sản xuất nhỏ, tồn tại phổ biến ở các nước đang phát triển thuộc châu á, trong đó có Việt Nam. Các thành viên trong hộ gia đình có mối quan hệ gắn bó về huyết thống cũng như về kinh tế, cùng chung sống trong một mái nhà, cùng tiến hành sản xuất và có chung một nguồn thu nhập. Các đặc điểm cơ bản của hộ gia đình là:

- Về đất đai, qui mô canh tác nhỏ bé, biểu hiện rõ tính chất tiểu nông. ở ấn Độ bình quân diện tích đất canh tác < 2ha/hộ, ở Philippin < 3ha, ở Việt Nam từ 0,5ha (ở miền Bắc), đến 0,6- 1ha ở đồng bằng sông Cửu Long. ở nước ta, hộ gia đình không có quyền sở hữu ruộng đất mà chỉ có quyền sử dụng.

- Về vốn, đại bộ phận rất ít, qui mô thu nhập nhỏ, khả năng tích luỹ thấp làm hạn chế khả năng đầu tư tái sản xuất. Vật tư được mua phục vụ cho sản xuất từ tiền bán nông phẩm.

- Về lao động, chủ yếu sử dụng lao động gia đình. Sức lao động của nông hộ không phải hàng hoá, mà là tự phục vụ nhằm thoả mãn nhu cầu của gia đình.

- Kỹ thuật canh tác và công cụ sản xuất ít biến đổi, mang nặng tính truyền thống.

- Qui mô sản xuất (đất đai, vốn, lao động) rất nhỏ bé.

Đối với các nước đang phát triển, hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn xã hội, phát triển kinh tế nông thôn, là cơ sở đảm bảo cho kinh tế tập thể tồn tại và thúc đẩy nông thôn quá độ tiến lên một trình độ cao hơn: nông thôn sản xuất hàng hoá.

b) Trang trại

Trang trại có nguồn gốc từ hộ gia đình được phát triển dần dần trong quá trình chuyển dịch của nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc sang nền kinh tế hàng hoá. Trang trại là hình thức tổ chức sản xuất cao hơn hộ gia đình, là sự phát triển tất yếu của nền nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá. Chính công nghiệp hoá đã tạo ra yêu cầu khách quan cho việc phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại hình thành và phát triển.

Trang trại là kết quả tất yếu của hộ gia đình gắn với sản xuất hàng hoá, là hình thức tiến bộ của sản xuất nông nghiệp thế giới. Trang trại xuất hiện lần đầu tiên ở các nước Tây Âu gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, sau đó phổ biến ở tất cả các nước công nghiệp châu Âu, Bắc Mỹ, rồi lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc và hiện nay xuất hiện ở nhiều nước đang tiến hành công nghiệp hoá thuộc khu vực Nam á, Đông Nam á, trong đó có Việt Nam.

Hoạt động của kinh tế trang trại chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường và tuân theo qui luật cung cầu, chấp nhận cạnh tranh. Các đặc điểm nổi bật của trang trại bao gồm:

- Mục đích chủ yếu của trang trại là sản xuất nông phẩm hàng hoá theo nhu cầu của thị trường. Đây là bước tiến bộ từ kinh tế hộ tự cấp tự túc lên các hộ nông nghiệp hàng hoá.

- Tư liệu sản xuất (đất đai) thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (như ở Việt Nam) của một người chủ độc lập (tức là người có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh).

- Qui mô đất đai tương đối lớn, tuy có sự khác nhau giữa các nước. Ví dụ, qui mô trung bình của trang trại ở Hoa Kỳ là 180ha, ở Anh 71ha, Pháp 29ha, Nhật 1,38ha, Việt Nam 6,3ha.

- Cách thức tổ chức sản xuất tiến bộ, đẩy mạnh chuyên môn hoá (chứ không sản xuất đa canh), tập trung vào những nông sản có lợi thế so sánh và khả năng sinh lợi cao hơn và vào việc thâm canh (đầu tư tương đối lớn về vốn, công nghệ, lao động... trên một đơn vị diện tích).

- Các trang trại đều có thuê mướn lao động (lao động thường xuyên và lao động thời vụ).

Ở Việt Nam, trang trại mới phát triển từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, song đã tạo ra những biến chuyển mới trong nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để nông nghiệp nước ta chuyển nhanh sang sản xuất hàng hoá. Hiện nay, cả nước có trên 51,5 nghìn trang trại với các loại hình khác nhau như trang trại nông nghiệp, trang trại lâm nghiệp, trang trại nông- lâm nghiệp, trang trại lâm- nông- dịch vụ... Về quy mô của trang trại, lớn nhất là 1.000ha và nhỏ nhất từ 2 đến 3ha.

Trang trại có vai trò to lớn trong sản xuất nông nghiệp ở các nước phát triển bởi vì phần lớn nông phẩm cung cấp cho xã hội được sản xuất ra từ các trang trại. Còn tại các nước đang phát triển, vai trò tích cực và quan trọng của trang trại thể hiện rõ nét ở cả ba mặt: kinh tế (phát triển cây trồng vật nuôi có giá trị hàng hoá cao, tạo nên vùng chuyên môn hoá, tập trung hàng hoá...), xã hội (tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động) và môi trường (sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, trồng rừng và bảo vệ rừng, cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái).

c) Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN)

Hợp tác xã nông nghiệp là hình thức phổ biến trong nền nông nghiệp thế giới ở cả các nước phát triển và đang phát triển, tuy tên gọi có thể khác nhau như hợp tác xã (các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam á), nông trại tập thể (LB Nga, các nước Đông Âu), công xã nhân dân (Trung Quốc).
HTXNN là một tổ chức kinh tế do nông dân tự nguyện lập ra với nguồn vốn hoạt động do chính họ góp cổ phần và huy động từ các nguồn khác, nhằm duy trì, phát triển kinh tế hộ gia đình và tăng nhanh tỷ suất hàng hoá, đạt hiệu quả kinh tế cao cho các chủ trang trại.

HTXNN là đòi hỏi tất yếu của nông dân vì trong cơ chế thị trường có nhiều thành phần, có cạnh tranh để tồn tại và phát triển, đòi hỏi các hộ gia đình, các chủ trang trại phải hợp tác với nhau trên các lĩnh vực cần thiết để đấu tranh bảo vệ lợi ích của chính mình. Kinh tế hộ và trang trại càng phát triển thì nhu cầu hợp tác càng cao.

Mục tiêu hoạt động của HTXNN không chỉ vì lợi nhuận cho các thành viên góp vốn vào HTX, mà là nhằm phục vụ tốt nhất các dịch vụ để mang lại thu nhập và lợi nhuận cao nhất cho các hộ, các chủ trang trại.

Có hai loại hình HTXNN: HTX đơn ngành, phổ biến ở các nước Âu- Mỹ, cung ứng từng loại dịch vụ; HTX đa ngành (hay tổng hợp), phổ biến ở các nước châu á với nhiều loại dịch vụ.

Ở Việt Nam, trước năm1986 mô hình HTX hoạt động dựa trên cơ sở sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất (ruộng đất, trâu bò, các nông cụ chính) và sản xuất theo kiểu tập trung, bao cấp. Kết quả lao động của người nông dân được trả theo công điểm. Sau 1986, dựa trên chính sách khoán đến hộ gia đình, giao khoán đất 10- 15 năm, các HTX trao quyền sử dụng đất, quyền tự chủ sản xuất cho xã viên. Hoạt động của HTX chỉ tập trung cho các khâu mà từng hộ không làm được hoặc làm không có hiệu quả, hay thực hiện các hoạt động dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng dẫn sản xuất, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển.

Hiện nay cả nước có 9.147 HTXNN đang hoạt động dưới nhiều hình thức và qui mô khác nhau, trong đó chủ yếu là các HTX chuyển đổi (từ HTX kiểu cũ) và các HTX mới thành lập. Các HTX này đều làm dịch vụ cho các hộ nông dân và các trang trại phù hợp với cơ chế thị trường và luật HTX năm 1996. Các HTX đã thu hút 1,6 triệu lao động, hơn 6 triệu hộ xã viên, trong đó có 1.459 HTX dịch vụ làm đất, 4.678 HTX dịch vụ thuỷ nông, 3.301 HTX dịch vụ bảo vệ thực vật, 2.473 HTX dịch vụ giống, 1.756 HTX dịch vụ phân bón. Hầu hết các HTXNN đã đảm nhiệm những dịch vụ mang tính cộng đồng, trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chất lượng và giá cả dịch vụ do HTXNN cung ứng nói chung tốt và rẻ hơn so với dịch vụ tư nhân hoặc hộ tự làm.

d) Nông trường quốc doanh (NTQD)

Như một hình thức phổ biến ở các nước XHCN, nông trường quốc doanh là cơ sở kinh doanh nông nghiệp trên qui mô lớn về đất đai nhằm cung cấp nông sản cho thị trường trong nước hoặc cho xuất khẩu.

NTQD có những đặc điểm sau đây:

- Là xí nghiệp nông nghiệp của nhà nước, thuộc thành phần kinh tế quốc doanh.

- Qui mô đất đai lớn (tới vài trăm nghìn ha), được trang bị cơ sở vật chất kĩ thuật tốt, có hướng chuyên môn hoá rõ, khả năng cơ giới hoá cao.

- Mỗi nông trường có bộ máy riêng về quản lí và điều hành sản xuất kinh doanh. Lao động làm việc trong nông trường được gọi là công nhân nông nghiệp, được hưởng lương do nhà nước trả.

ỞViệt Nam, NTQD được thành lập chủ yếu ở vùng trung du, trên các cao nguyên hay là vùng mới khai hoang. Các NTQD hiện nay có sự thay đổi về hình thức và chức năng. Nhiều nông trường đã giao khoán đất đai, vườn cây, đồi rừng cho các hộ gia đình.

3.2. Thể tổng hợp nông nghiệp (TTHNN)

TTHNN là một hình thức cao của TCLTNN, trong đó áp dụng rộng rãi phương pháp công nghiệp và vì thế, nông nghiệp có điều kiện kết hợp với công nghiệp chế biến và các hoạt động dịch vụ.

TTHNN là sự kết hợp chặt chẽ giữa các xí nghiệp nông nghiệp với các xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ qua lại với nhau trên một lãnh thổ và bằng các qui trình công nghệ tiên tiến cho phép sử dụng có hiệu quả nhất vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội sẵn có để đạt năng suất lao động xã hội cao nhất.

Đặc điểm chủ yếu của TTHNN là:

- Nông phẩm hàng hoá do TTHNN sản xuất ra được qui định bởi vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và kinh tế- xã hội, các mối liên hệ qua lại giữa các xí nghiệp nông nghiệp với các xí nghiệp công nghiệp chế biến nông sản.

- Hạt nhân của TTHNN là các xí nghiệp nông- công nghiệp và chúng thường được phân bố gần nhau về mặt lãnh thổ nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

TTHNN không phải được hình thành một cách tự phát. Điều kiện bắt buộc đối với mọi TTHNN là sự có mặt của các xí nghiệp có liên quan chặt chẽ với nhau, qui định lẫn nhau và là cơ sở cho chuyên môn hoá của thể tổng hợp.

Loại hình phổ biến nhất của TTHNN là các TTHNN ngoại thành. Đặc trưng cho các thể tổng hợp này là ở chỗ sản phẩm hàng hóa chủ yếu của chúng do nhu cầu thực phẩm của dân cư thành phố chi phối. Các TTHNN ngoại thành hình thành chủ yếu ở xung quanh các thành phố, trung tâm công nghiệp lớn. ở đây, yếu tố nhu cầu đóng vai trò chủ yếu, còn các yếu tố tự nhiên tuy được tính đến nhưng thường giữ vai trò thứ yếu. Qui mô của các thể tổng hợp có thể rất khác nhau tuỳ thuộc vào qui mô số dân của thành phố.

Thể tổng hợp ngoại thành gồm các xí nghiệp nông nghiệp chuyên trồng rau xanh, cây thực phẩm; chăn nuôi gia súc, gia cầm lấy thịt, trứng, sữa và các xí nghiệp chế biến các sản phẩm này nhằm cung cấp cho nhu cầu ăn uống hàng ngày của dân cư thành phố.

3.3. Vùng nông nghiệp

Vùng nông nghiệp là hình thức cao nhất của TCLTNN, bao gồm trong đó các hình thức tổ chức lãnh thổ ở cấp thấp hơn.

Thực chất, đây là những lãnh thổ sản xuất nông nghiệp tương đối đồng nhất về các điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, được hình thành với mục đích phân bố hợp lí và chuyên môn hoá đúng đắn sản xuất nông nghiệp trên cơ sở sử dụng đầy đủ và có hiệu quả nhất các điều kiện sản xuất của các vùng trong cả nước cũng như trong nội bộ từng vùng.

Việc phân chia các vùng nông nghiệp có ý nghĩa to lớn nhằm phân bố hợp lí cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với các điều kiện sinh thái nông nghiệp, điều kiện kinh tế- xã hội và hình thành các vùng chuyên môn hoá nông nghiệp sản xuất hàng hoá.

Vùng nông nghiệp là một bộ phận lãnh thổ của đất nước bao gồm những lãnh thổ có sự tương đồng về:

- Điều kiện sinh thái nông nghiệp (điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước...).

- Điều kiện kinh tế- xã hội (số lượng, chất lượng và sự phân bố dân cư, lao động nông nghiệp, kinh nghiệm và truyền thống sản xuất).

- Trình độ thâm canh, cơ sở vật chất kĩ thuật nông nghiệp, chế độ canh tác.

- Cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm chuyên môn hoá.

Ở Việt Nam hiện nay có 7 vùng sinh thái nông nghiệp làTrung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: ĐHSP ĐT
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top