Di sản của bakhtin--và những vấn đề cấp bách của ký hiệu học

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Số 3 (445), tháng 3-2009
trang 101-112
--- o0o ---

DI SẢN CỦA BAKHTIN
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH CỦA KÝ HIỆU HỌC (*)
Yuri Lotman



Trong phiên khai mạc hội nghị đã nói rằng các nghiên cứu của Bakhtin có ý nghĩa liên bộ môn, vì thế tôi xin phép lưu ý những người tham dự đến một vài phương diện trong di sản lý thuyết của Bakhtin liên quan đến các vấn đề của ký hiệu học hiện đại, hẹp hơn là đến các vấn đề của trí tuệ nghệ thuật. Trong thực tế không có trí tuệ nghệ thuật, nhưng vấn đề khoa học này thì có. Nếu chúng ta nói về di sản của Bakhtin thì sẽ nảy sinh câu hỏi về quan hệ của nó đối với di sản của phái hình thức luận Nga mà vào thời đó đang là một thực tế ngữ văn sống động chứ chưa trở thành lịch sử. Chúng tôi có đầy đủ cơ sở để lưu ý đến những ý kiến mang tính luận chiến của M.M. Bakhtin. Tôi muốn đề cập ở đây hai vấn đề, nhưng đây thậm chí không phải là nói về sự luận chiến của ông với phái hình thức Nga, mà là về sự bàn luận và làm rõ ra quan niệm của Ferdinand de Saussure, người đã có lý thuyết ngôn ngữ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự không chỉ trong lịch sử ngôn ngữ học, mà trong toàn bộ các khoa học nhân văn thời kỳ này.

Không hề hạ thấp thành công và ý nghĩa các tư tưởng của de Saussure, chúng ta có quyền nói về những vấn đề sau đó đã nảy sinh trước khoa học, bởi vì mỗi hệ thống khoa học thành công đòi hỏi phải được tiếp tục phát triển, mà về mặt nào đó cũng cần đến một thái độ phê phán ở giai đoạn phát triển tiếp theo của nó. Ở đây trong di sản của Bakhtin có hai điều đáng chú ý. Thứ nhất, điều khẳng định của ông về tính động của ký hiệu ngôn ngữ. Ký hiệu bộc lộ mình không phải như một hiện hữu cụ thể, mà là một quan hệ động giữa cái được biểu đạt và cái biểu đạt, đồng thời cái được biểu đạt không phải là một quan niệm cụ thể nào đó, mà chỉ là sự vận động về phía quan niệm[1]. Bakhtin kiên trì điều này cả trong sách của Voloshinov và trong sách riêng của mình[2]. Thứ hai, đó là tư tưởng về đối thoại học. Cần phải nói ngay rằng khái niệm “đối thoại” do Bakhtin đưa ra trong các công trình của ông thường là mang tính ẩn dụ và vốn rất bất định. Khái niệm này chỉ dần dần được xác định theo đà phát triển của khoa học. Lẽ dĩ nhiên ở đây cần luôn luôn lưu ý rằng Bakhtin hoàn toàn không phải là người duy nhất nắm vững luận điểm cơ bản của F. de Saussure. Và khi xác định vị trí của ông trong khoa học thời ấy chúng ta không nên quên rằng Yu.N. Tynjanov cũng làm việc trong luồng mạch đó, nhiều công trình của R.O. Jakobson gần gũi với khuynh hướng này, toàn bộ con đường khoa học của Jakobson là duyệt xét lại theo cách của mình học thuyết của de Saussure. Còn có thể kể ra đây nhiều tên tuổi khác nữa[3].

Mỗi một nhà khoa học này tuyệt đối có lối đi riêng của mình, thường là không phải không xung đột với các đồng nghiệp. Nhưng khuynh hướng chung thì đã được vạch trước, và sự vạch trước đó không phải là ngẫu nhiên, mà là xuất phát điểm được đặt ra của một bộ môn khoa học. Vì sao điều đó lại cần thiết đến vậy? Cần tính rằng Saussure (thiên tài của nhà bác học này thì khỏi cần phải khẳng định) hiện ra trước chúng ta chỉ là qua các ghi chép của học trò ông. Các học trò bao giờ cũng nhìn ông thầy của mình hơi lý tưởng hóa, do đó ông thầy bị mất đi một phần không nhỏ giá trị của mình. Nhưng vấn đề không chỉ ở đó. Trong tư tưởng ngôn ngữ học Saussure, tức là không phải qua chính các bản ghi bài giảng của Saussure[4] mà trong hệ thống khoa học của ông xét như một chỉnh thể có một số điểm tất yếu dẫn chúng ta đến những nghịch lý. Nghịch lý đầu tiên là ở chỗ nó đưa vào tay chúng ta một hệ thống giao tiếp, một hệ thống ký hiệu với một người phát và một người nhận – và một bộ mã chung cho cả hai người. Nhiệm vụ của hệ thống này là truyền đạt thông báo từ người phát đến người nhận một cách chính xác và chân thực cao nhất. Nếu chất lượng thông báo được truyền đi thay đổi thì chúng ta giải thích đó là tiếng ồn ở kênh liên lạc, là sự méo lệch, là sai lầm, nghĩa là tất cả những thứ mà lẽ dĩ nhiên là không có trong hệ thống lý tưởng được nghĩ ra. Nếu quả thực vậy thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là: vì sao trong trường hợp đó lại hiện diện nhiều hệ thống giao tiếp song hành đến vậy? Được rồi, chúng ta trả lời, một số độ dư thông tin khi mã hóa sẽ bảo đảm độ tin cậy cho chúng ta. Vậy liệu chúng ta có thừa nhận sự tồn tại của balê bên cạnh tiểu thuyết không: liệu balê có nâng cao tính chân thực của tiểu thuyết không? Có thể, điều đó diễn ra mà không cần có balê chăng? Ta hãy thử đặt mình vào địa vị không phải của một Chúa Trời, mà của một vị “tổng công trình sư” đang tạo lập lại văn hóa nhân loại và đưa cho chúng ta chỉ những cái ông ấy thấy là thực sự cần thiết. Ông ấy có cho ta xiếc hay không? Hay chẳng cần xiếc cũng được? Chúng ta cần điện ảnh chăng? Balê chăng? Những vụ cãi cọ bất tận ngoài phố chăng? Cuộc trò chuyện của hai người trên phố chăng? Nên bỏ hết tất cả những thứ đó hay không nên? Có thể liệt tất cả những thứ đó vào gánh nặng ngôn ngữ mà vẫn không sợ bị thua chăng? Theo quan điểm học thuyết cổ điển của de Saussure văn hóa là một cơ chế xa xỉ không thể tưởng nổi. Hơn thế, nhà nghiên cứu văn hóa cũng còn biết rằng văn hóa có trong tay mình những cơ chế ngày càng làm tăng thêm sự thừa thãi đó. Trước mắt chúng ta, trước mắt thế hệ tôi, điện ảnh đã thành một nghệ thuật. Trước đây nó không phải là nghệ thuật. Khá lắm thì điện ảnh cũng chỉ là một trò tiêu khiển mua vui, chỉ mới gần đây nó mới trở thành nghệ thuật. Số lượng các nghệ thuật tăng lên không chỉ bằng cách tạo ra những sự hợp nhất mới; cho đến thế kỷ XIX các chuyên gia mỹ học hàng đầu vẫn chưa xếp tranh thánh Nga vào nghệ thuật, khá lắm thì họ cũng chỉ coi nó là thứ hội họa chưa hoàn thiện (y như tranh của Giotto hồi trước bị coi là trò trẻ con). Hiện nay không còn ai đồng ý với điều đó nữa. Số lượng những thứ chúng ta đưa vào kho thẩm mỹ của chúng ta tăng lên từng ngày. Vì sao? Cho đến nay chưa ai trả lời được điều này.

Câu hỏi thứ hai: nếu mục đích của chúng ta chỉ là tìm cách truyền thông tin sao cho đơn giản – mà vì thế mới có các hệ thống thông báo - vậy thì chúng ta sẽ định nghĩa thơ là một thông báo bình thường với một loạt những giới thuyết bổ sung. Đó sẽ là một định nghĩa hoàn toàn cụ thể. Nhưng khi đó lẽ tự nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng trong văn hóa thơ chỉ đóng một vai trò phụ, không bắt buộc phải có, mà thiếu đi cũng chẳng sao. Cần nên nói thêm: có thể thử xem, nhưng cho đến nay chưa ai thành công. Rõ ràng vấn đề không đơn giản thế. Hơn nữa, ở đây lại nảy ra những câu hỏi mới: khi nói về hệ thống ký hiệu học, chúng ta trực tiếp vấp phải vấn đề khả biến - bất biến.

Những sự sai khác so với khuôn mẫu cần để làm gì? Phải chăng chúng là do sự không hoàn thiện kỹ thuật của một bộ máy nhất định không có thể tạo ra một văn bản bất biến? Chẳng hạn, do các thuộc tính cá nhân của bộ máy thanh quản nên cách cấu âm của chúng ta khác nhau. Hay nói rộng ra lĩnh vực sinh học, chúng ta thấy tất cả mọi người ngồi họp đây có những khuôn mặt khác nhau. Đấy có phải là do tự nhiên làm không đến nơi đến chốn hay rộng tay hoang phí? Phải chăng điều đó có nghĩa là tự nhiên không thể tạo ra một hình thức bề ngoài lý tưởng rồi sao nó ra theo kiểu dây chuyền? Do xã hội chấp nhận có sự sai khác nhất định trong quan niệm về kỹ thuật nên chúng ta cho rằng việc sản xuất các mầu vật giống nhau là thuộc tính không thể tách rời của máy móc. Nói đúng hơn, đó là thuộc tính của những máy móc không hoàn thiện mà hiện thời chúng ta có thể tạo ra. Nếu những máy móc được làm ra theo một thiết kế công nghệ thống nhất mà có sai khác nhau điều gì, chúng ta coi đó là sự không hoàn thiện của chúng. Gán cho hiện tượng này các thuộc tính tiên nghiệm của kỹ thuật sẽ là không đúng. Nhưng mọi con người là những cá nhân mang tính ký hiệu học, do đó nảy sinh nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là sự chân xác của việc truyền thông tin. Điều kiện cần để người phát và người nhận có được cùng một thông tin, cùng một văn bản, là cách lập mã và giải mã nó giống nhau. Nhưng điều giản ước lý thuyết này của chúng ta không thể thực hiện được, bởi vì xen vào hệ thống mã này sẽ có kinh nghiệm cá nhân, tâm lý cá nhân và đủ loại cách mã hóa khác nhau hoàn toàn không trùng với cách của chúng ta. Điều này nghĩa là trong hành động giao tiếp thực tế chúng ta không hoàn toàn nhận được chính xác cái được truyền đi. Thế tốt hay là xấu? Trong một số hoàn cảnh đó là xấu. Chẳng hạn nếu thông báo đó là tín hiệu giao thông. Ở đây chúng ta dùng ngôn ngữ nhân tạo, cái hiển nhiên đảm bảo cho chúng ta độ chân xác của thông điệp. Nhưng khi chúng ta tiếp nhận một văn bản nghệ thuật, rõ ràng chúng ta không đạt được sự cảm nhận chân xác như vậy. Hơn thế, đập ngay vào mắt là các cơ chế của văn hóa đều hướng tới việc gây khó cho sự chân xác khi truyền tải. Các cơ chế văn hóa làm tăng tính cá nhân của toàn bộ hệ thống mã văn hóa, do đó gây khó khăn cho sự hiểu biết tương tác của chúng ta. Điều này rất xấu, và lẽ tự nhiên chúng ta đau khổ vì nó.

Bây giờ là một tình huống khác. Trước chúng ta lại có một người phát và một người nhận. Giả sử cả hai đều nắm những mã giao tiếp tuyệt đối giống nhau. Điều này chỉ có thể có trong trường hợp nếu một trong hai người là bản sao của người kia. Họ hoàn toàn hiểu nhau, nhưng vậy thì mục đích của sự giao tiếp đó là gì?[5] Như vậy, hóa ra giá trị của thông tin tỉ lệ nghịch với tính dễ hiểu của nó. Tất nhiên, không thể giải quyết vấn đề bằng nghịch lý này. Tôi sẽ không kể thêm ra những tình huống nghịch lý khác mà chúng ta bất giác sa vào nếu nghiêm chỉnh tuân theo học thuyết của de Saussure. Trong phạm vi học thuyết đó không hề có văn hóa con người và chính ngay sự tồn tại của nghệ thuật. Nói riêng, thật khó hiểu một thực tế mang tính phổ quát đối với văn hóa trái đất, đó là trong cơ chế ký hiệu học của văn hóa có hiện diện tối thiểu hai hệ thống thông báo khác nhau. Sự tối thiểu cổ điển – đó là ngôn từ và hình vẽ. Khi làm việc với những nền văn hóa cố tìm cách khép lại một trong hai kênh này (chẳng hạn có những nền văn hóa cấm lời nói và hình vẽ) chúng tôi tin chắc là điều tương tự không thể có. Nói cách khác, cái bị đuổi ra cửa chính thì nó lại nhảy vào qua cửa sổ. Vì sao, bất giác một câu hỏi bật ra.

Những mâu thuẫn này đã gây nên sự phê phán kịch liệt mà chúng tôi tìm thấy trong các công trình của M.M. Bakhtin. Nỗ lực của ông là nhằm mô tả hệ thống thông báo thông qua tính động, sáng tạo của nó. Trong việc này Bakhtin hoàn toàn không đơn độc vì có cả một loạt nhà khoa học, trong đó có V.V. Vinogradov, đã khẳng định rằng không phải ngôn ngữ nghệ thuật là bộ phận của ngôn ngữ tự nhiên, tức của khẩu ngữ, mà ngược lại, khẩu ngữ là bộ phận của ngôn ngữ nghệ thuật[6] và để hiểu được hiện tượng ngôn ngữ thì cần phải hiểu nghệ thuật. Trong ý nghĩa này nhiệm vụ nghiên cứu nghệ thuật đã từ vấn đề ngoài lề trở thành vấn đề khoa học cơ bản và trung tâm - lúc đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, sau đó trong lĩnh vực ký hiệu học văn hóa, và cuối cùng trong phỏng sinh học, nghiên cứu những vấn đề trí tuệ nghệ thuật.

Những vấn đề này không chỉ có ý nghĩa lý thuyết. Quan điểm phổ biến về việc nghiên cứu nghệ thuật như lĩnh vực giải trí của đời sống con người để những người nghiêm túc thỉnh thoảng nghỉ ngơi rồi sau đó lại trở về những công việc quan trọng của mình đã được thay thế bằng quan niệm về sự giao tiếp nghệ thuật như một vấn đề thực sự nghiêm túc của khoa học hiện đại. Thiên tài khoa học của M.M. Bakhtin đã nhận thức được vấn đề này từ những năm 1920-1930. Tôi nói ông thiên tài bởi vì vào những năm ấy cách đặt những vấn đề đó chưa có thể dựa trên các cơ sở khoa học chắc chắn. Vì thế trong các công trình của Bakhtin có thể nhận thấy cách trình bày theo lối ấn tượng. Điều này đôi khi dẫn tới những mưu toan dùng quan niệm của Bakhtin để biện hộ cho sự ba hoa chiết trung rỗng tuếch, mà những thí dụ như thế có rất nhiều.

Sự xuyên tạc như thế bắt đầu, chẳng hạn, khi từ “đối thoại” bị tước đi nội dung khái niệm chính xác của nó, hoặc khi người ta dùng nó tuy không giáo điều hay thô thiển, nhưng lại theo nghĩa rất rộng. Khi đó thuật ngữ này mất đi tính chặt chẽ khoa học của mình và ý nghĩa quan niệm chứa đựng trong nó. Từ này thực sự có ý nghĩa chỉ dưới ánh sáng của một số tư tưởng xuất hiện mãi về sau trong quá trình chúng ta chiếm lĩnh di sản lý thuyết của Bakhtin. Đó là điều hoàn toàn tự nhiên.

Ý nghĩa của khám phá vĩ đại này không phải lộ ra ngay một lúc mà theo dòng thời gian. Một trong những tư tưởng của nó tạo nên quan niệm chung về bản chất đối thoại của ngôn ngữ. Nếu một thời gian dài quan niệm về cấu trúc độc thoại của ngôn ngữ ngự trị, thì từ nay sự chú ý tập trung vào bản chất đối thoại của nó. Một ý nghĩa quan trọng khác là quan niệm về sự thống nhất của văn hóa đòi hỏi phải có tồn tại tối thiểu hai kênh[7]. Đã mười lăm năm nay trong trường học mùa hè chúng tôi nêu câu hỏi: cái gì là mô hình tối thiểu của văn hóa, mô hình làm cho văn hóa có thể thực hiện được? Tôi sẽ không dẫn ra lập luận ở đây, nhưng người ta nói về mô hình văn hóa tối thiểu nếu có hai kênh khác nhau cho một thông tin. Sau đây tôi xin chứng minh điều này.

Những tư tưởng này gần gũi một cách khá bất ngờ với quan niệm thứ ba, nó là một trong những khám phá khoa học lớn nhất trong vòng bốn năm chục năm qua. Đây đang nói tới giả thiết mô tả nguyên lý làm việc của não bộ con người trên cơ sở phối hợp hoạt động của hai bán cầu độc lập. Bán cầu trái và bán cầu phải của não bộ hoạt động nhờ các cơ chế ký hiệu học khác nhau, đồng thời giữa chúng có những quan hệ phức, chúng ta sẽ nói là những quan hệ đối thoại, gắn với việc hoạt động của bán cầu này gợi sự kích thích, hoạt động của bán cầu kia, - làm xuất hiện những quá trình kìm hãm các cơ chế truyền đạt và cứ thế.

Trên cơ sở khám phá đó đã hình thành một quan niệm có thể tóm lược như sau: hệ thống ký hiệu học, tức là tổ hợp các hệ thống giao tiếp của con người, không thể quy về cấu trúc sơ đẳng của việc truyền văn bản “từ” – “đến”. Đây là một phương diện quan trọng của vấn đề và cũng dễ nghiên cứu. Cách tiếp cận này cho rằng người phát và người nhận là chân xác, cùng dùng một bộ mã và cùng nhận (tiếp thu) cái được truyền đi y hệt nhau. Bởi mỗi ai nhận được bức điện tín đều muốn coi là nó sát đúng từng lời với bản gửi đi. Kiểu thông báo này là đặc trưng cho một vỉa tầng lớn của văn hóa, nhưng nó không phải là duy nhất. Trong thực tế ngôn ngữ song hành, một cơ chế mới đã được xây lên trên một nền tảng ký hiệu học khác – cơ chế tạo lập thông tin mới.

Chúng tôi dùng cụm từ “thông tin mới” để chỉ thứ thông tin không thể lấy bộ quy tắc được đặt ra từ trước mà tách ra khỏi văn bản được. Đến đây tôi nhớ lại câu nói nổi tiếng của Vittgenstein rằng trong khuôn khổ của lôgic học không thể nói thêm được cái gì mới nữa. Đúng quá! Trong khuôn khổ lôgic học, khi theo đúng các quy tắc của nó thì không thể bước ra khỏi giới hạn của nó. Có thể, các vị sẽ nhắc tôi câu chuyện về Newton, người không hiểu giải toán để làm gì nếu trong điều kiện của bài toán đã có sẵn lời giải và chỉ cần tìm thấy nó thôi. Như vậy, bản thân sự xuất hiện của văn bản mới là do sự có mặt của tư duy sáng tạo.

Các cơ chế ký hiệu học – đó tuyệt nhiên không chỉ là các phương tiện thông báo dùng để truyền đi chính xác văn bản, mà còn là các cơ chế của ý thức sáng tạo. Ý thức sáng tạo đòi hỏi một cấu trúc hoàn toàn khác. Nó đòi hỏi giữa việc tôi mã hóa văn bản và việc người khác giải mã nó có hiện diện không phải là sự đồng nhất tự động, mà là các quan hệ tương đương. Chẳng hạn, nếu dịch một văn bản từ tiếng Đức sang tiếng Anh và ngược lại, thì trong tay một dịch giả giỏi có thể sẽ lại xuất hiện bản gốc. Tôi không nói ở đây các văn bản nghệ thuật. Nhưng nếu chúng ta chuyển thể một cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh rồi sau đó dựa theo bộ phim viết lại cuốn đó thì nhất định chúng ta không nhận được cái gì giống bản gốc cả. Cũng vậy, nếu chúng ta dịch một bài thơ và sau đó dịch ngược lại bản dịch này, chúng ta sẽ không có được bản gốc, bởi vì hiện diện giữa các điểm của sự giao tiếp là những quan hệ không phải xác định, mà khá mập mờ với một hệ thống rất lớn gồm nhiều tầng bậc của sự truyền tải các hiện tượng văn hóa tồn tại trên các cấp độ khác nhau và độc lập nhau. Nhưng thực chất không chỉ ở đó. R. Jakobson đã dành cả đời để giải đáp câu hỏi sau: vì sao âm một âm vị lại có thể đẹp? Bởi vì điều đó hoàn toàn loại trừ bản chất quy ước của ngôn ngữ! Vì sao trong thơ những yếu tố nằm ngoài hệ thống lại tỏ ra quan trọng? Tiện thể xin nói, không chỉ trong thơ, điều này trong chừng mực nhất định cũng có ở các lĩnh vực văn hóa khác. Chúng tôi trả lời như sau: điều đó được xác định bởi sự đối thoại của bán cầu trái và bán cầu phải hay sự đối thoại trong bầu ký hiệu quyển văn hóa. Bây giờ chúng ta biết có thể định nghĩa khái niệm “đối thoại” là: cách truyền thông tin giữa các hệ thống mã hóa khác nhau. Điều này càng hiển nhiên hơn nếu tôi dẫn ra một thí dụ nhỏ trong bài báo của nhà tâm lý học Mỹ Jason, người đã nghiên cứu một đối thoại rất thú vị. Jean-Jacques Rousseau một hôm kể rằng ông đã tìm thấy một ngôn ngữ lý tưởng, thứ ngôn ngữ khiến cho không thể nói dối được. Bản chất quy ước của ngôn ngữ chứa đựng trong nó khả năng nói dối. Theo Rousseau, thứ ngôn ngữ chính xác một cách lý tưởng là ngôn ngữ của nụ cười mà người mẹ dùng để trò chuyện với đứa con đang bú.

Liên quan đến chuyện này tôi muốn nhắc tới một điều, có lẽ không phải không có ảnh hưởng của điều vừa nói, là tất cả những sự trao đổi thông tin quan trọng nhất giữa các nhân vật của Lev Tolstoy đều diễn ra không lời. Xin hãy nhớ lại: Kity hỏi nữ bá tước Secbascaia cuộc trò chuyện của bà ta với ông bố diễn ra thế nào và nghe thấy lời đáp không có một từ nào. Chỉ ánh mắt và nụ cười nói lên tất cả.

Chúng ta quay lại vấn đề người mẹ và đứa trẻ giao tiếp với nhau thế nào. Jason[8] nghiên cứu chính đối thoại “mẹ - con” này và rút ra quy luật sau. Cần phải nói thêm rằng Jason là một nhà thực nghiệm, ông quan tâm không phải các vấn đề trừu tượng, mà các sự kiện. Vì thế các kết quả của ông đặc biệt đáng tin cậy. Thứ nhất: người mẹ và đứa bé nói luân phiên nhau. Họ lần lượt bước ra “sàn diễn”. Khi đứa bé thỏ thẻ, người mẹ im lặng. Khi người mẹ kể chuyện - đứa bé lắng nghe. Vậy là đã có mối quan hệ giữa khoảng dừng và khoảng truyền, điều này hết sức đặc biệt: ở đâu không có khoảng dừng, ở đó không thể có đối thoại[9]. Thứ hai: hai mẹ con yêu quý nhau, họ quan tâm đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai người. Đó là điều rất quan trọng. Đối thoại có trước ngôn ngữ, chứ không phải ngôn ngữ có trước đối thoại. Khi có tình huống hai người muốn trao đổi, khi đó xuất hiện ngôn ngữ.

Tiếp tục. Đáng chú ý điều sau đây: đối với người quan sát, người mẹ và đứa bé nói theo cách hoàn toàn khác nhau. Bởi đứa bé có cách cấu âm đặc biệt. Tôi nhớ Jason trong công trình của mình về ngôn ngữ trẻ em đã chứng minh rằng đấy không phải đơn giản là bộ phận cấu ấm chưa phát triển, mà là bộ cấu âm chưa thoát khỏi tất cả những hạn định của nó. Khi đó đứa bé phát ra âm thanh của tất cả các thứ tiếng trên thế giới. Vậy là, chúng ta có một bên là đứa bé với cấu âm đặc biệt của nó, và một bên là người mẹ nói bằng một thứ tiếng khác, mặc dù tất nhiên là chị ta có nghĩ ra một thứ tiếng mới – bun bun bun, hư hư hư, chiu chiu chiu, rất nhiều thán từ. Vậy là có một thứ âm vị học đặc biệt được tạo nên, khác với ngôn ngữ riêng của hai mẹ con. Nhưng có một điều quan trọng khác: mặc dù thế, hai mẹ con lại như nói bằng những thứ tiếng khác nhau. Jason đã ghi hình quá trình này, lập biểu đồ âm vị và quay chậm lại tất cả. Khi đó một điều kinh ngạc hiện ra: đứa bé bắt chước điệu bộ của người mẹ. Nó bắt chước bằng các cách thức của mình, tức là đứa bé đóng vai trò người phiên dịch. Nó dịch thứ tiếng lạ sang tiếng của nó, còn người mẹ thì cũng dịch tiếng của đứa con sang tiếng của mình.

Như vậy, chúng ta đứng trước một tình huống ký hiệu học phức tạp với sự truyền đạt hai chiều, với nguyên tắc định hướng đến lời người khác, với ý muốn đưa lời người khác vào lời của mình và do đó tạo ra khả năng đối thoại. Có thể nói đó là sự khẳng định bằng thực nghiệm các tư tưởng của Bakhtin và sự khẳng định này diễn ra cả ở sự thực nghiệm chính xác lẫn ở sự giải thích rõ ràng về mặt lý thuyết.

Từ đây chúng ta không được quyền nói về “đối thoại” của Bakhtin như một ẩn dụ đẹp có thể dùng ở đâu, cho cái gì cũng được nữa, chúng ta đang làm việc với một khái niệm hoàn toàn chính xác dùng để chỉ cơ chế chiếm lĩnh thông tin mới. Thứ thông tin mà trước khi xảy ra sự tiếp xúc đối thoại thì chưa có, nhưng nó xuất hiện trong quá trình tiếp xúc đó.

Cũng có thể nói như vậy về sự bất định của ngôn từ, về tính động, tính mở của nó. Đặc trưng của ngôn ngữ thơ là thế. Cố nhiên đó là đặc trưng của bất kỳ một ngôn ngữ tự nhiên nào, nhưng yếu tố này sẽ suy giảm khi chức năng truyền đạt chính xác thông tin bắt đầu nổi lên bình diện trên. Nhưng ngay cả ở đây cũng diễn ra những điều hết sức quan trọng. Vì sao ký hiệu loại đó không có được tính xác định như tín hiệu đèn giao thông? Điều xảy ra như thế là vì trong quá trình thông báo, tự thân nó, đã diễn ra sự mã hóa qua lại phức tạp của các ký hiệu thuộc loại quy ước và tượng thánh, khi đó chúng tạo nên những nghĩa mới. Ngôn ngữ trong thơ, ở tất cả các cấp độ, chúng ta gắn nó với tính hình ảnh nhất định, đặc biệt là tính hình ảnh âm vị, hơn thế với tính nguyên do của các thuộc tính mang chức năng phân hóa; chúng ta còn đề cao ý nghĩa các yếu tố trang trí của khẩu ngữ, các yếu tố đó nằm ngoài hệ thống. Điều này có nghĩa là ngôn ngữ thơ xét trong chỉnh thể của mình là nhằm khắc phục tính trực tuyến và làm tăng tính tượng thánh của các yếu tố của mình.

Cuối cùng, có một nghịch lý cần suy nghĩ và cũng được ba nhà bác học kể trên soi xét từ những phương diện khác nhau. Một hệ thống ký hiệu học bình ổn và lý tưởng, chẳng hạn hệ thống tín hiệu giao thông đơn giản và chính xác, không có lịch sử và thậm chí không thể có nó được. Nó hoạt động ngoài sự phát triển. Hơn thế, nó bị cấm có lịch sử. Nếu các tín hiệu giao thông mà phát triển thì sẽ có nhiều điều rất khó chịu xảy ra. Nếu ta muốn thay đổi chúng, ta phải dùng mệnh lệnh, nghĩa là ta phải đặt các tín hiệu đó vào trạng thái cùng đồng thời không hoạt động và đưa những tín hiệu mới vào thay thế. Nhưng các hệ thống ký hiệu học thực tế hoạt động trong văn hóa theo cách động, chúng có lịch sử.

Điều này là ngẫu nhiên chăng và “có lịch sử” là gì? Tôi xin giải thích ngắn gọn điều khá phức tạp này. Đây là lời giải thích đơn giản mang tính giả thuyết của tôi: hệ thống có lịch sử - đó là hệ thống biến đổi và đồng thời ghi nhớ các biến đổi của mình, đó là hệ thống động có ký ức. Như vậy nếu một hệ thống không có tính động hoặc không có ký ức thì trong quan niệm của chúng tôi nó không thể có lịch sử. Ngược lại, ngôn ngữ, cũng như mọi hệ thống ký hiệu học có thể có trong lĩnh vực văn hóa, thì đáp ứng được hai đòi hỏi đó. Chúng phát triển một cách vô điều kiện, tôi những muốn nói thêm là chúng phát triển có quy luật, dù không phải khi nào cũng có thể khẳng định được điều đó. Thí dụ, tôi không dám nêu ra các quy luật của thời trang phụ nữ. Tuy nhiên đó là một lĩnh vực rất quan trọng, một đối tượng, từ đó có thể rút ra những điều đơn giản nhưng hết sức điển hình.

Đối với chúng ta điều quan trọng là hệ thống biến đổi và giữ lại những biến đổi của mình trong ký ức, tích lũy trong ký ức tất cả những trạng thái trước đây của mình. Khi đó chúng ta không chỉ giải thích có cơ chế là gì, mà chúng ta sẽ nhất định đặt ra câu hỏi, giống như khoa học cổ điển đã đặt ra, đó là: cơ chế đó hoạt động theo cách nào? Hệ thống biến đổi và phát triển vì cái gì? Câu trả lời sẽ như sau: để hệ thống có thể sinh ra văn bản mới, trong nó cần phải có những văn bản khác loại - những văn bản được mã hóa theo những cách khác nhau.

Ở đây có thể thấy thêm một điều: song song với việc trong đầu chúng ta hiện diện hai cơ chế ký hiệu học khác nhau, thì văn bản không được mã hóa đồng thời tối thiểu bằng hai cách là không tồn tại (các ngôn ngữ nhân tạo là ngoại lệ). Thông thường chúng ta hình dung về chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn như sau: một nền văn hóa có hệ thống mã phức tạp, đa dạng, tự mã hóa mình theo cách làm sao giúp mình thoát được cái giống như sự phân liệt văn hóa, và vì nó mang tính không thuần nhất, nghĩa là bao gộp vào mình nhiều cái khác nhau, nên nó có tên gọi, và khi đó có thể nói, chẳng hạn: “Chúng ta là những nhà lãng mạn”. Khi đó tất cả những cái mang tính hình thức không thuộc về trường ngữ nghĩa của chủ nghĩa lãng mạn sẽ bị coi là không tồn tại và bị loại ra khỏi ký ức. Nhưng thực tế những cái đó vẫn tiếp tục tồn tại và rồi sẽ diễn ra điều sau đây: khoảng một trăm năm sau nhà văn học sử chợt phát hiện ra một nhà văn mới. Có thể nói rằng tất cả ở đây không hoàn toàn đơn giản như vậy, bởi vì còn có chẳng hạn nền văn hóa trào tiếu mà chúng ta quên là nó không được tính vào bộ mã nghiêm ngặt đã định sẵn.

Vậy là văn hóa, ngôn ngữ, văn bản, và ý thức chúng ta hoạt động đồng thời theo hai hướng. Một mặt chúng tạo ra một tình huống ký hiệu học thống nhất, đảm bảo sự trao đổi thông tin, mặt khác - tạo ra tình huống ký hiệu học giải thống nhất bảo đảm cả khả năng sản sinh văn bản mới, cả việc truyền thông tin mới. Nếu chúng ta hôm nay nói về tất cả những điều này, nói một cách chặt chẽ là bước qua ranh giới ngữ văn học, thì chúng ta cần nên nhớ rằng con đường giải quyết các vấn đề đó trước hết là do M.M. Bakhtin[10]vạch ra.

Để kết thúc tôi muốn nói thêm một điều. Trong hội nghị đã có ý kiến rất đúng đắn nói rằng Bakhtin là một con người đa diện và ông được soi rọi theo nhiều cách khác nhau tùy theo các điểm nhìn địa lý và văn hóa. Nhưng tôi muốn lưu ý quý vị đến một điều khác: tất cả những ai có may mắn quen biết M.M. Bakhtin đều tin rằng ông không chỉ là một nhà nghiên cứu thiên tài, mà còn là nhà khoa học mang phẩm chất người cao cả, có đạo đức nghề nghiệp và hết sức trung thực khi truy tìm chân lý. Vì thế chúng ta cần phải nói không chỉ về cách chúng ta tiếp nhận Bakhtin, mà cả về hình ảnh chúng ta hiện lên trong mắt ông. Mong sao khi nghiên cứu Bakhtin chúng ta xứng đáng với những điều ông đã viết ra.

Ngân Xuyên dịch

( Nguồn: https://vienvanhoc.org.vn )
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top