• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Đi đường của người tù Hồ Chí Minh

Thandieu2

Thần Điêu
Xu
36
"Đi đường"của người tù Hồ Chí Minh


BÀI LÀM

Bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, giải tới giải lui hơn một năm trời qua mấy chục nhà lao tỉnh Quảng Tây, Bác làm nhiều thơ trên đường đi. Đây là trên đường bị giải đi. Ta có thể kể : Chiều tối, Mới đến nhà lao Thiên Bảo, Cảnh ngoài đồng, Giải đi sớm, Từ Long An đến Đồng Chính, Trên đường đi, lính gác khiêng lợn cùng đi, Đi Nam Ninh, Trượt ngã, Giữa đường đáp thuyền đi huyện Ung, Hoàng hôn, Giải đi Vũ Minh... Tất cả hơn hai mươi bài. Có bài nói về nỗi gian khổ, vất vả phải chịu đựng, có bài ghi lại cảnh dọc đường, có bài ghi cảm tưởng... mỗi bài một vẻ nhưng đều toát ra phong thái Hồ Chí Minh.

Đi đường, bài thơ thất ngôn tứ tuyệt được dịch thành 4 câu lục bát. Bản dịch khá hay, nói chung sát nguyên tác, đảm bảo được thần thái của nguyên tác.

Hai câu thơ đầu :
Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Có người cho rằng câu thơ nêu một thực tế, mở đầu bằng một sự thật. Sự thật “Đi đường mới biết gian lao”. Câu thứ hai và tiếp theo câu 3, 4 là câu thơ “đón nhận”. Từ ý thức về gian nan, Bác đã chuyển tới sự đón nhận. Không hẳn là thế. Đi đường lại là “Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”, Bác mới rút ra kết luận : “Đi đường mới biết gian lao”. Vấn đề ở đây là tại sao Bác lại “đảo” như thế ? Thì ra, tuy bài thơ làm về đi đường, có thể làm ngay lúc đang đi, song không phải nhằm, hay chính xác hơn không chú ý đến con đường gian lao, gập ghềnh, trập trùng núi với núi mà điều hứng thú là từ sự vất vả gian nan này rút ra bài học lí thú cho bản thân. Cái “mất” là phải chịu vất vả, khổ nhọc nhưng cái “được” là được nhìn ngắm : “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Đi đường mới biết gian lao
...........
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Trong gian lao, trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Bác vẫn tìm ra được những điều để “đón nhận”, “hưởng thụ” thú vị. Thanh tao, điềm tĩnh, tràn đầy lạc quan, ung dung “là ở chỗ này”. Vì thế bài thơ còn cho ta cảm tưởng có thể không phải làm lúc đang đi, ngẫu hứng thành, mà làm lúc đã dừng chân, nghĩ lại, rút ra “bài học”, thú vị về chuyện đi đường.

Nếu đặt bài thơ trong cảnh bị tù đầy, giải đi của Bác ta càng thấy cái lớn, đẹp của bài thơ. Bài thơ có vẻ như là sự ngoạn cảnh của thi nhân hay của đạo sĩ. Hình ảnh cuối cùng thật đẹp, lớn lao. Một con người đứng trên đỉnh cao của dãy núi trập trùng trải dài rộng ra, thu tất cả thiên nhiên, núi non ấy vào trong tầm mắt. Hình ảnh con mắt với tầm bao quát rộng lớn nổi lên như một hình tượng hấp đẫn, lấp lánh của bài thơ. Đây chính là cái cảm hứng, cái tứ thơ “lên núi” ta từng thấy ở Bác, ở thơ Bác. Bài Mới ra tù tập leo núi cũng hình ảnh một con người như thế.

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo trước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa

Bài “Trời hửng” cũng vậy :
Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi

Sau này là các bài Thượng sơn (Lên núi), Đăng sơn (Lên núi) hay Vọng Thiên Sơn (Trông Thiên Sơn).

Con người ấy đứng trên cao, nhìn ngắm “thu vào tầm mắt muôm trùng nước non”, nhưng lại hoà nhập với non nước, thiên nhiên. Con người lớn lao, vĩ đại nhưng không nổi lên một mình, tự cao tự đại, nhìn dưới tầm mắt mình tất cả. Đó chính là Bác.
 

Thandieu2

Thần Điêu
Xu
36
Đi dường là một trong những bài thơ thuộc hình thức tự khuyên mình của HCM.
Qua bài thơ, em rút ra được bài học gì?

Gợi ý:

'Đi đường' - một bài thơ triết lý từ cuộc sống

Trong thơ của Bác Hồ có nhiều bài viết về đề tài Đi đường. Đặc biệt trong Nhật ký trong tù có tới gần chục bài (Giải đi sớm, Trên đường đi, Đáp thuyền tới huyện Ung, Mới đến nhà lao Thiên Bảo...). Con đường Bác đi trong Nhật ký trong tù là con đường chuyển lao. Bác bị giải đi từ nhà tù này đến nhà tù khác ở tỉnh Quảng Tây.
Trên con đường đó Bác đã xúc động, đã suy ngẫm thành thơ - trong đó có bài Đi đường:

Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

Nguyên tác:
Tẩu Lộ Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian

Dịch nghĩa:

Có đi mới biết đường đi khó.
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác.
Lên đến đỉnh cao chót vót của rặng núi trùng điệp ấy.
Ngoái nhìn lại, muôn dặm non sông đã thu cả vào tầm mắt.
(Nhật ký trong tù - Nhà xuất bản Văn học - 1990).

Mở đầu bài thơ là một phán đoán: Đi đường mới biết gian lao.
Một phán đoán luận lý có nội dung và hình thức rất gần với phán đoán hiện thực (chỉ thêm một chữ “mới”). Đó là một nhận thức, một nhận thức có tính khái quát rút ra từ thực tiễn, rất phù hợp với quy luật của nhận thức: “Thực tiễn - nhận thức - thực tiễn”. Câu thơ tiếp là hình ảnh miêu tả cụ thể khách quan về đường đi gian khó, cũng là sở cứ của câu thứ nhất: Núi cao rồi lại núi cao trập trùng. Con đường ấy là con đường chuyển lao nhưng cũng là con đường cách mạng, con đường sự nghiệp, con đường đời.

Một con người đã trải qua con đường cách mạng dài lâu như Bác vẫn nghiệm lại nhận thức của mình. Một ý thức chủ động lao vào thực tế... Nhận thức và thực tiễn, thực tiễn và nhận thức đã chuyển thành ý chí và hành động...

Nếu hai câu đầu là nhận thức về gian lao của đường đi thì hai câu sau lại là kết quả của quá trình trải qua gian lao đó: Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Đỉnh cao của đường đi cũng là đỉnh cao của gian lao chuyển hóa thành đỉnh cao của cảm xúc và nhận thức. Một hình ảnh thực (Núi cao tận cùng), kết quả thực của tri giác, chuyển hóa thành một thu hoạch của tâm hồn, trí tuệ (thu vào tầm mắt...), câu thơ là một kết luận triết học nhưng trước nhất vẫn là một cảm giác sảng khoái, cảm giác thực của con người khi lên tới đỉnh núi sau một chặng đường dài khó nhọc, được đứng lại nhìn cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp trải rộng dưới chân đến hút tầm mắt. Nhưng cảm giác đó mặc dù rất nhân bản vẫn không hẳn là đích của bài thơ. Đích của bài thơ là một bài học, một quy luật: Muốn có tầm cao về tâm hồn, trí tuệ phải chịu khó vượt qua nhiều gian lao thử thách. Gian lao càng nhiều, thử thách càng cao thì tâm hồn, trí tuệ càng được nâng cao, mở rộng. Đỉnh cao của gian khó chuyển thành đỉnh cao của tâm hồn, trí tuệ, cũng là đỉnh cao của hạnh phúc, hạnh phúc của “đại giác”. Gian khó được coi là cái giá của tầm cao tư tưởng và tâm hồn. Cao Bá Quát xưa cũng viết:

“Bất kiến ba đào tráng/ An tri vạn lý tâm”. (Nếu không thấy ba đào hùng tráng, Thì biết sao được tấm lòng muôn dặm).
Những tư tưởng lớn gặp nhau, nhưng Hồ Chí Minh nói giản dị hơn. Vương Chi Hoán, nhà thơ đời Đường xưa trong bài: Đăng quán tước lâu, cũng có câu: “Dục cùng thiên lý mục - Cánh thượng nhất tằng lâu”. (Muốn tầm mắt nhìn thấu ngàn dặm. Hãy lên cao thêm một tầng lầu). (Thơ Đường tập I - Nhà xuất bản Văn học năm 1987 - tr.111).

Nhưng kết quả thu nhận ở đây giành được có vẻ dễ dàng hơn vì đó là thu nhận, dẫu có tính triết học, cũng là của người ngoạn cảnh, còn trong bài Đi đường của Hồ Chí Minh, sự thu hoạch thuộc về người tự xác định mình là “chinh nhân” ở trên “chinh đồ” (Giải đi sớm, Nhật ký trong tù). Người đó là chiến sĩ nhưng cũng là thi sĩ nên đã trải trái tim mình trên suốt chặng đường đi. Người ấy cũng là triết nhân nhưng không hề tư biện, không minh hoạ tư tưởng có sẵn bằng hình ảnh sáo mòn mà suy ngẫm trong sự sống đầy cảm xúc của chính mình. Điều đó làm cho bài thơ triết lý vẫn rung động lòng người và tư tưởng của nó đã đi sâu vào tâm trí người đọc và ở lại đó như một điều tâm đắc, một điều chiêm nghiệm và từ đó trở thành phương châm sống, thành ý chí và hành động của con người. Và đó cũng là một bí quyết thành công, một đặc điểm thi pháp thơ triết lý, thơ suy tưởng của nhà thơ Hồ Chí Minh.
 

Thandieu2

Thần Điêu
Xu
36
Đi đường là bt tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời: vượt gian lao chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang.
Hãy cm.

Gợi ý:

“Lão phu nguyên ái bất ngâm thi, Nhân vị tu trung vô sở vi, Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật, Thả ngâm thả đãi tự do thì” – “Già này vốn không thích ngâm thơ, Nhân vì trong tù chẳng có việc gì để làm, Tạm mượn việc ngâm thơ cho quên ngày dài, Vừa ngâm vừa đợi ngày tự do” (1), cảm xúc trong bài thơ Khai quyển (Mở đầu tập nhật ký) đã thể hiện rõ quan điểm của tác giả khi viết Nhật ký trong tù (NKTT). Đặc trưng nổi bật của tập thơ là tính chân thực, bởi vừa được viết theo thể nhật ký, lại bằng thơ, nên cảm xúc ở mỗi bài thơ là cảm xúc chân thật, trực tiếp của chính tác giả. Với cảm xúc đó chúng ta nhận ra con người trong thơ Hồ Chí Minh là con người hướng nội – con người độc thoại với chính mình và con người với cảm thức nhân loại. Bài biết này chỉ bàn đến con người hướng nội trong bài thơ: Tẩu lộ (Đi đường).

Bài thơ đều được viết theo thể thơ tứ tuyệt nên mang những đặc trưng của thơ tứ tuyệt: hàm súc tối đa về mặt ngôn từ và cấu trúc cân đối, hài hoà, ổn định; đồng thời với dung lượng gọn nhỏ tuyệt cú rất đắc dụng trong việc thoả mãn nhu cầu “tốc ký nội tâm” và “câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy ngắn nhưng nghĩa lại xa”…

Bản lĩnh và nghị lực là hai yếu tố quan trọng giúp người tù Hồ Chí Minh vượt qua 14 tháng đày ải trong tù và đó là bản lĩnh, nghị lực của con người nắm vững quy luật “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan” (Có đi đường mới biết đường đi khó) (4). Câu thơ như tự sự, như độc thoại nội tâm, như suy ngẫm, suy ngẫm từ thực tế khắc nghiệt của những cuộc giải tù bất tận, những cuộc giải tù phi lý, phi nhân…

Từ cảm nhận “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan”, nhà thơ chuyển sang miêu tả “Trùng san chi ngoại hựu trùng san” (Hết lớp núi này, lại tiếp lớp núi khác), câu thơ đã miêu tả cảm nhận thật thấm thía, suy ngẫm thật sâu sắc của người tù trong chuyện đi đường. Dân gian cũng từng mượn chuyện đi đường để nêu lên triết lý cuộc đời “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, với Hồ Chí Minh lại là thực tế của những cuộc giải tù phi lý, phi nhân mà diễn tả nỗi gian lao, vất vả triền miên dường như không dứt qua phép lặp ngữ “trùng san” và hư từ “hựu”, phép điệp ngữ và cách sử dụng hư từ đã nhấn mạnh, đã khắc sâu trong tâm khảm người từ những ấn tượng về chuyện “đi đường mới biết đường đi khó”. Câu thơ vừa tả thực “hành trình từ Tĩnh Tây đi thiên Bảo… Con đường này theo Hồi ký Đặng Văn Cáp, dài chừng 20 cây số toàn núi cao hiểm trở (5) vừa gợi liên tưởng đến con đương cách mạng, đường đời.

Miêu tả, cảm nhận chuyện đi đường cũng là cách để bày tỏ nỗi lòng xa quê, nỗi lòng nhớ nước “Trùng san đăng đáo cao phong hậu, Vạn lý dư đồ cố miện gian” (Vượt các lớp núi, sau khi lên đến ngọn núi cao, quay đầu nhìn Tổ quốc, thêm lưu luyến non sông muôn dặm) (6). Ở hai câu thơ này của bài thơ, cả bản dịch thơ của Nam Trân lẫn phần Gợi ý phân tích ở Sách giáo viên Ngữ văn lớp 8(7) chưa phù hợp với nguyên tác cũng như tâm sự của nhà thơ. Cụm từ “cố miện gian” dịch chưa hết ý, cũng như cụm từ “Cao phong” - núi cao - được dịch là “đỉnh cao chót, nên mới có gợi ý là “Trèo lên đỉnh cao chót (Đăng đáo cao phong hậu) là lúc gian lao nhất nhưng đồng thời cũng là lúc mọi khó khăn vừa kết thúc, người đi đường đứng trên cao điểm tột cùng” (8) và “câu 4 từ tư thế con người bị đày đọa tới kiệt sức, tưởng như tuyệt vọng, người đi đường cực khổ ấy bỗng trở thành người du khách ung dung say đắm ngắm phong cảnh đẹp”().

“Vạn lý dư đồ” - non sông muôn dặm, “cố miện gian” - quay đầu lại - cụm từ “cố miện gian” đã từ lâu được dùng trong văn học cổ chỉ mối tình cố quốc, tha hương - “Quay đầu nhìn Tổ quốc, thêm lưu luyến non sông muôn dặm” (theo bản dịch Trần Đắc Thọ). Ý thơ diễn tả mối tình của Bác với quê hương đất nước vừa lưu luyến vừa nhớ thương như thế, làm sao có thể phân tích theo nghĩa “ngắm cảnh quên gian lao”. Mới ra tù, tập leo núi Người cũng gửi gắm tâm sự và nỗi nhớ “Dao vọng nam thiên ức cố nhân” (Xa ngóng trời Nam, nhớ cố nhân”) - “Ức cố nhân” vốn đã gợi lên cái dằng dặc xa xăm của thời gian, lại thêm các từ “dao”, “vọng” càng gợi lên một khoảng cách xa vời của không gian, nên hai chữ “Bồi hồi” trong câu thơ “Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh” càng trở nên vộ hạn. Cái vô hạn của tình bạn tri kỷ tri âm, cái vô hạn của tâm trạng xao xuyến, bồi hồi vì sắp gặp lại đồng chí đồng bào...

Đọc kĩ bài thơ Tẩu lộ chúng ta không chỉ cảm nhận bản lĩnh, nghị lực phi thường của người tù Hồ Chí Minh mà còn kính yêu một tâm hồn, một nhân cách và mối tình của Bác với quê hương đất nước. Tình cảm này từng được kể trong hồi kí về Bác hoặc từng được Bác thể hiện trong NKTT cũng như những sáng tác thơ văn khác của Người. Vẻ đẹp tâm hồn này cũng chính là “cảm thức nhân loại” trong NKTT. Hiểu đúng nguyên tác bài thơ cũng là để nhìn nhận đúng giá trị đích thực của NKTT và từ đó cảm nhận hết giá trị vĩ đại của tập thơ.

Bài thơ Tẩu lộ là chuyện đi đường, chuyện gian khổ, chuyện vượt khó; là kinh nghiệm đi đường và cũng là thực tiễn đi đường, là triết lý đi đường, là con đường thực, con đường đời, con đường cách mạng, là chuyện có đi có biết... nghĩa là kinh nghiệm, là từng trải, là chịu đựng và vượt qua mọi thử thách... Cả hai bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc và cảm nhận đầy tính nhân văn ở hình ảnh “con người hướng nội” với những khao khát bình thường như những con người bình thường, và mối tình cố quốc tha hương dằng dặc “Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước” trong suốt “mười bốn trăng tê tái gông cùm”.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top