Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn TPHCM

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (tại TP Hồ Chí Minh)
NĂM HỌC 2009 – 2010, KHÓA NGÀY 24 – 6 – 2009
MÔN THI: NGỮ VĂN (CHUYÊN)
(Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)

Câu 1: 8 điểm


“Bước vào thế kỉ mới… suy nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại qua mức sẽ cản trở sự phát triển của đất nước” (Vũ Khoan – Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới). Suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Câu 2: 2 điểm


Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện sâu sắc qua các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9.

Gợi ý


Câu 1: 8 điểm.


Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, tuy nhiên cần đảm bảo được các yêu cầu sau:

1. Giải thích câu nói:

- Thế kỷ mới: đặt trong bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của tác giả Vũ Khoan, đây là nhóm từ chỉ thế kỉ XXI, thế kỉ của khoa học, công nghệ và hội nhập toàn cầu…

- Nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại: chỉ thái độ coi trọng, tôn trọng quá mức (sùng) , bác bỏ, tẩy chay, chê bai (bài) các yếu tố bên ngoài (ngoại). Đặt trong văn cảnh có thể hiểu ngoại là các yếu tố nước ngoài.

- Nội dung câu nói: khẳng định cả hai thái độ sùng ngoại, bài ngoại đều không thể chấp nhận được, vì cản trở sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

2. Chứng minh:

- Thế kỷ mới (thế kỷ XXI) là thời kì đất nước ta đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hơn nữa “hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới” (Vũ Khoan – Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới). Bước chân vào thế kỷ mới đất nước Việt Nam, con người Việt Nam có rất nhiều cơ hội (hòa nhập, mở rộng giao lưu về kinh tế, văn hóa, khoa học, cong nghệ…) nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn thử thách ( trong đó có thử thách làm sao giũ được bản sắc, truyền thống dân tộc). Vấn đề làm sao tận dụng những cơ hội, ứng phó với các thách thức do tiến trình hội nhập đem lại là vấn đề hết sức to lớn, là mối quan tâm của tất cả mọi người.

- Nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức tất yếu sẽ nảy sinh trong quá trình hội nhập, gây nên rất nhiều hậu quả, có thể kể ra:

+ Nếp nghĩ sùng ngoại: tạo ra nếp sống, cách ngĩ xa lạ với con người Việt Nam, dẫn đến một điều nguy hại: làm mất đi bản sắc, thui chột truyền thống dân tộc, không có ý thức phát huy lòng tự tôn dân tộc.

+ Nếp nghĩ bài ngoại: ngược lại với sùng ngoại, lại tạo ra cách sống, cách nghĩ bảo thủ, trì trệ, lạc hậu…
(Lưu ý: học sinh phải lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống để chứng minh).

3. Khẳng định vấn đề, nêu suy nghĩ và phương hướng cho bản thân:

- Cả hai nếp nghĩ sùng ngoại, bài ngoại đều cực đoan là cản trở sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

- Trong thời kì hội nhập, trong “mái nhà chung” thế giới, mỗi người Việt Nam (trong đó có học sinh, thế hệ tương lai của đất nước) phải có ý thức phấn đấu học tập, hòa nhập một cách sâu rộng vào “mái nhà chung” ấy, đồng thời phải có ý thức phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc mình. Đó là một trong những hành trang bước vào thế kỉ mới.

Câu 2: 2 điểm:


Đây là một dạng đề bài tổng hợp, yêu cầu học sinh chứng minh, trình bày suy nghĩ, đánh giá, cảm nhận của mình về hiện thực xã hôi phong kiến Việt Nam được thể hiện sâu sắc qua các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9. Các em có thể trình bày bằng những cách khác nhau, song cơ bản cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:

1. Giới thiệu sơ lược về tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9:

- Văn học thời trung đại: là thời kỳ văn học lớn của dân tộc (từ thế thế kỉ X đến hêt thế kỷ thứ XIX). Đây là thời kỳ văn học ra đời và phát triển dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Vì vậy, theo quy luật phản ánh của văn học nói chung, văn học trung đại Việt Nam là tấm gương phản chiếu xã hội phong kiến Việt Nam.

- Những tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9: Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), Chuyện cũ trong phủ chú Trinh – trích Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (thế kỷ XVIII), Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, một số trích đoạn trong Truyện Kiều của Nguyễn du (thế kỷ XVIII), một số trích đoạn trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình chiểu (thế kỷ XIX). Đây là những tác phẩm văn học trung đại ra đời trong thời kì xã hội phong kiến Việt Nam suy tàn mục rỗng. Vì vậy, hiện thực được phản ánh chủ yếu trong các tác phẩm này chính là mặt trái của xã hội. Đó là sự rối ren, sự xấu xa, vô nhân đạo của xa hội với những thế lực chà đạp con người và thân phận khổ đau của con người – nạn nhân của chính xã hội ấy.

2.
Chứng minh các tác phẩm trên đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam.

Tập trung vào những phương diện chính sau đây:

· Phản ánh hiện thực rối ren, bộ mặt xấu xa, vô nhân đạo cảu xã hội phong kiến.

- Truyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ: phản ánh chế ddoooj nam quyền, chiến tranh phi nghĩa gây ra bao bất hạnh cho con người.

- Truyện cũ trong phủ chúa Trịnh – trích Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ : phản ánh cuộc sống xa hoa của tầng lớp vua chúa, sự những nhiễu của bọn quan lại thời Lê – Trịnh.

- Hoàng lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái: sự rối ren của xã hội phong kiến được phản ánh thông qua số phận bi thảm, bộ mặt hèn nhát của lũ quan bán nước, hại dân; sự đại bại của bè lũ xâm lược.

- Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) phản ánh bản chất bất nhân, phi nghĩa của bọn buôn người.

- Lục Vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu): phản ánh sự tàn ác, toan tính thấp hèn của kẻ bất nhân.

· Phản ánh số phận đau khổ, bị chà đạp của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- Là số phận oan trái, bi kịch của Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ), bị chồng nghi ngờ về lòng chung thủy, bị dồn vào bước đường cùng, phải tìm đến cái chết ở bến Hoàng Giang.

- Là số phận chìm nổi của Thúy Kiều, một người con gái tài sắc, đang sống trong cảnh ấm êm, bỗng chốc rơi vào thảm cảnh; bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích với bao nhiêu bẽ bang, chua xót (Kiều ở lầu Ngưng Bích); thành món hàng trong tay bọn buôn người (Mã Giám Sinh mua Kiều).

- Là Lục Vân Tiên nhân hậu nhưng trở thành nạn nhân của những toan tính thấp hèn, âm mưu hiểm độc (Lục Vân Tiên gặp nạn).

3. Đánh giá chung, trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân.

- Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện trong các tác phẩm nói trên được thể hiện vừa sâu sắc (trên nhiều phương diện), vừa sinh động (dưới nhiều hình thức, thể loại, các kiểu nhân vật phong phú). Hiện thực ấy đã giúp các tác giả tái hiện lại bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt làm nên giá trị hiện thực – một trong những phương diện tư tưởng quan trọng của tác phẩm.

- Thông qua hiện thực ấy, các tác giả (Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du… ) đã lên tiếng tố cáo đanh thép xã hội phong kiến, thể hiện sự bất bình cao độ, đặc biệt là cất lên tiếng nói đồng cảm, xót xa, bênh vực và bảo về con người.

- Thông qua hiện thực ấy ta hiểu được tài năng và cả tấm lòng của các tác giả văn học thời trung đại.
 
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT TP. HCM
NĂM HỌC 2009 – 2010, KHÓA NGÀY 24 – 6 – 2009
MÔN THI: NGỮ VĂN
(Thời gian: 120 phút, không kể thời gian giao đề)

Câu 1: 1 điểm

Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái và Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là những tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Hãy giải thích nhan đề hai tác phẩm trên.

Câu 2: 1 điểm

Giải thích ý nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết mỗi thành ngữ có liên quan đến phương châm hội thoại nào?

a. Ông nói gà bà nói vịt.

b. Nói như đấm vào tai.

Câu 3: 3 điểm

Viết văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương.

Câu 4: 5 điểm

Phẩm chất và số phận của người phụ nữ thời phong kiến thông qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Gợi ý


Câu 1:

Học sinh cần giải thích được nhan đề:

- Hoàng Lê nhất thống chí: ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê.

- Đoạn trường tân thanh: tiếng nói mới đứt ruột.

Câu 2:

HS cần: giải thích được ý nghĩa của thành ngữ và nêu lên phương châm hội thoại liên quan đến thành ngữ đó, cụ thể là:

a. Ông nói gà bà nói vịt.

- Ý là mỗi người nói một đằng, nói không khớp với nhau, không hiểu nhau.

- Phương châm hội thoại liên quan: phương châm quan hệ.

b. Nói như đấm vào tai.

- Ý nghĩa: nói mạnh, nói trái ý người khác, khó tiếp thu,gây khó chịu cho người khác.

- Phương châm hội thoại liên quan: phương châm quan hệ.

Câu 3:

Đề bài yêu cầu HS viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương. Đây là một bài nghị luận xã hội (về một vấn đề tư tưởng , đạo lý) với hình thức khá “mở”, tạo điều kiện cho học sinh có thể trình bày ý kiến, cảm nhận của mình về chủ đề quê hương( như vai trò của quê hương đối với đời sống con người, tình yêu, sự gắn bó đối với quê hương…). Tuy vậy, HS cần đáp ứng được hai yêu cầu chính sau đây:

· Về hình thức: trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề: văn bản nghị luận có đủ 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài), và không quá một trang giấy thi.

· Về nội dung: HS có thể diễn đạt theo nhiều cách, song cần đảm bảo được một số ý chính sau:

- Giải thích khái niệm quê hương: có thể hiểu khái quát là nơi ta sinh ra, lớn lên, có gia đình, kỉ niệm thời thơ ấu…

- Vị trí, vai trò của quê hương đối với đời sống của mỗi con người:

+ Mỗi con người đều gắn bó với quê hương,mang bản sắc, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Chính vì thế, tình cảm dành cho quê hương ở mỗi con người là tình cảm tự nhiên, sâu đậm.

+ Quê hương luôn bù đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quý (tình làng nghĩa xóm, tình cảm quê hương, gia đình sâu nặng…)

+ Quê hương luôn là chỗ dựa tinh thần vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cỗ vũ động viên, là đích hướng về của con người.
(Lưu ý: HS lấy dẫn chứng trong đời sống, trong văn học để chứng minh).

- Bàn bạc mở rộng:

+ Phê phán một số người không coi trọng quê hương, không có ý thức xây dựng quê hương, thậm chí quay lưng phản bội quê hương xứ xở.

+ Tình yêu quê hương cũng đồng nhất với tình yêu đất nước, tổ quốc.

- Phương hướng, liên hệ:

+ Xây đắp, bảo vệ quê hương, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người.

+ Là HS, ngay từ bây giờ phải tu dưỡng, tích lũy kiến thức để sau này xây dựng, bảo về quê hương.

Câu 4:

HS trên cơ sở cảm nhận về phẩm chất và số phận của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, khái quát lên phẩm chất và số phận của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến. Có thể trình bày cảm nhận, suy nghĩ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng được một số ý chính sau:

1. Giới thiệu sơ lược về tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và nhân vật Vũ Nương:

- Nguyễn Dữ là tác giả nổi tiếng ở thế kỉ XVI, học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi về sống ẩn dật như nhiều trí thức đương thời.

- Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ một truyện dân gian, là một trong 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục
– một kiện tác văn chương cổ, từng được ca ngợi là “thiên cổ kỳ bút”.

- Vũ Nương là nhân vật chính của truyện. Đây là một người phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh nhưng có số phận bi thảm.

2. Trình bày cảm nhận về phẩm chất và số phận của nhân vật Vũ Nương:

a. Là người có phẩm chất tốt đẹp:

- Ngay từ đầu đã được giới thiệu: “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.

- Là vợ đảm đang, biết giữ gìn khuôn phép, một lòng một dạ thủy chung với chồng (thể hiện trong những cư xử khéo léo để gia đình không lâm vào cảnh thất hòa, dù người chồng có tính đa nghi; trong lời dặn dò ân tình, đằm thắm khi tiễn chồng đi lính; chung thủy chờ chồng “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”.

- Là người mẹ hiền, dâu thảo: vừa một mình nuôi dạy con thơ vừa làm tròn phận sự của một nàng dâu (chăm sóc, thuốc thang khi mẹ chồng đau ốm, ma chay chu tất khi bà qua đời).

b. Là người có số phận bất hạnh:

- Nạn nhân của chế độ nam quyền, của cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa: cuộc hôn nhân của nàng không xuất phát từ tình yêu; phải đằng đẵng chờ chồng khi chồng đi chiến trận.

- Bị chồng ngi ngờ lòng chung thủy chỉ vì lời nói ngây thơ của trẻ con (chú ý các lời thoại của Vũ Nương: cố phân trần với chồng, biện bạch cho mình mà không được, đau khổ tuyệt vọng khi bị chồng mắng nhiếc, đánh đuổi đi, bị dồn vào bước đường cùng: phải thắt cổ tự vẫn ở bến Hoàng Giang để bảo toàn danh dự).

- Đoạn kết của truyện tuy mang màu sắc cổ tích (kết thúc có hậu) nhưng vẫn không làm mờ đi bi kịch của Vũ Nương: nàng không thể trở về dương gian sống bên cạnh chồng con được nữa.

c. Từ nhân vật Vũ Nương, khái quát lên phẩm chất và số phận của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến:

- Nguyễn Dữ đã đặt nhân vật Vũ Nương vào nhiều hoàn cảnh khác nhau để làm bật lên phẩm chất và số phận bất hạnh của nàng. Cách dẫn dắt tình tiết sinh động, hấp dẫn, sự đan xen giữa các yếu tố kì ảo với các yếu tố thực khiến cho nhân vật vừa mang những đặc điểm của nhân vật thể loại truyền kì vừa gắn với cuộc đời thực.

- Vũ Nương là người phụ nữ mang vẻ đẹp mẫu mực của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến xưa kia. Lẽ ra nàng phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn nhưng lại phải chết oan uổng, đau đớn. Phẩm chất và số phận bi thảm của nàng gợi phẩm chất tốt đẹp và số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia.

- Qua nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ cất lên tiếng nói thông cảm, bênh vực người phụ nữ đồng thời phản ánh, tố cáo xã hội phong kiến bất công, vô nhân đạo.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top