• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.
Sen Biển mời các em cùng giải Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 6 - có đáp án. Chúc các em làm bài tốt!
PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

CỨ VỀ THANH HÓA MỘT LẦN

Cứ về Thanh Hoá một lần
Thì em hiểu hết người dân xứ này
Vì sao hát lại “dô huầy”
Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang
Vì sao đi cấy sáng trăng
Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng
Đâu cũng thần núi, thần sông
Đâu cũng truyền thuyết thêu trong, dệt ngoài
Ngõ quê rung tiếng Trạng cười
Rạ rơm ăm ắp những lời giao duyên
Đá mơ Từ Thức lên tiên
Lưới chài rách cũng vớt lên gươm thần
Biển thì Độc Cước phân thân
Núi thì để lại dấu chân Phật Bà
Vượt sông thì vượt Hang Ma
Vượt biển thì phải vượt qua Thần Phù
Đất thì sông Mã, sông Chu
Hết Pù Nọoc Cọoc lại Pù Eo Cưa
Núi thì đâu cũng núi Nưa
Làng thì sinh Chúa, sinh Vua khắp vùng
Sức ai cũng sức ông Bùng
Chí ai cũng chí anh hùng cưỡi voi
Kinh đô Việt mấy lần rồi
Mở trang sử cứ tưởng chơi hú hà
Mồ hôi, xương máu
đổ ra
Kết dâng thành đảo gọi là Hòn Mê
Đá Mài Mực, đá Ăn Thề
Yêu nhau đem cả biển về rửa chân
Cứ về Thanh Hóa một lần
Thì em hiểu hết người dân xứ này.


(Giao mùa, Nguyễn Minh Khiêm, NXB Thanh Hóa, 2017)

Câu 1: Văn bản được viết bằng thể thơ gì? Nêu hiểu biết của em về thể thơ này.

Câu 2: Trong văn bản trên, những danh từ riêng nào gợi nên sự khó khăn, hiểm trở của vùng đất Thanh Hóa?

Câu 3: Hiệu quả của biện pháp tu từ nổi bật nhất trong 8 câu thơ đầu?

Câu 4: Em hiểu gì thêm về vùng đất và con người Thanh Hóa qua câu thơ: “Mồ hôi, xương máu đổ ra / Kết dâng thành đảo gọi là Hòn Mê”?

Đề thi thử môn ngữ văn số 7 - có đáp án - vnk.jpeg

( Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với nội dung lòng tự hào về quê hương của mỗi con người.

Câu 2: Nhà thơ Sóng Hồng từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”.

Từ bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (SGK Ngữ văn 9, tập một) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Mời các em xem gợi ý đáp án và các bài văn mẫu của phần làm văn dưới bình luận nhé! Đừng quên ghé thăm vnkienthuc.com mỗi ngày.

Sen Biển( sưu tầm)
 
Sửa lần cuối:
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU



Câu 1

HS nhận diện đúng thể thơ và nêu được đặc trưng cơ bản của thơ lục bát: số tiếng mỗi dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp…

Câu 2
Xác định được những danh từ chỉ địa danh như: Độc Cước, Hang Ma, Thần Phù, sông Mã, sông Chu, Pù Nọoc Cọoc, Pù Eo Cưa, núi Nưa…

Câu 3
HS nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp điệp ngữ trong 8 câu thơ đầu:

- Vì sao…: cách mời gọi gợi sự tò mò, gây hứng thú cho người nghe, khiến người nghe mong được đến Thanh Hóa ngay lập tức.

- Đâu cũng…: gợi sự liên tưởng về một vùng đất có nền văn hóa dân gian đặc sắc, gợi lên qua những truyền thuyết dân gian.

- Nghệ thuật điệp ngữ đã trực tiếp mở ra một vùng quê Thanh thơ mộng, giàu đặc trưng văn hóa dân gian.

Câu 4
Hai câu thơ giúp người đọc hiểu thêm về truyền thống đánh giặc giữ nước của nhân dân Thanh Hóa.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn khoảng 200 chữ (khoảng 20-25 dòng), có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn; lập luận thuyết phục, có lí lẽ và dẫn chứng cụ thể, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Lòng tự hào về quê hương ở mỗi con người.

c. Triển khai vấn đề:
* Giải thích: Tự hào quê hương là trạng thái hài lòng, ngưỡng mộ, trân trọng và hãnh diện về những điều tốt đẹp, truyền thống quý báu, đặc trưng văn hóa… mà quê hương mình có được.

* Bàn luận:
- Tự hào về quê hương mình là một trạng thái tình cảm rất đáng quý ở mỗi con người. Tình cảm đó đã được hình thành và nuôi dưỡng tự bao đời nay và đến nay vẫn là một tình cảm cần được củng cố và phát huy đa dạng hơn nữa.

- Biểu hiện của lòng tự hào về quê hương rất đa dạng, phong phú và thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau (HS lấy dẫn chứng: yêu mái đình, con sông, cây đa, giếng nước, gìn giữ di tích lịch sử,...)

* Bài học nhận thức và hành động: Phải luôn biết tự hào về quê hương mình, tìm hiểu những vẻ đẹp còn tiềm ẩn của quê hương và nhân rộng, phát huy tình cảm đó vì đó là tình cảm rất đáng quý, đáng trân trọng, một biểu hiện rõ nét nhất về tình yêu nước. Phê phán những biểu hiện làm ảnh hưởng, hoen ố vẻ đẹp truyền thống quê hương.

Câu 2
1, yêu cầu chung
- Học sinh biết huy động kiến thức về tác giả, tác phẩm văn học, kĩ năng LÀM VĂN, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
- Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng, phải bám sát và làm rõ ý kiến được nêu ra ở đề bài.

- Bài viết có bố cục chặt chẽ, trình bày rõ ràng, không sai lỗi chính tả và không mắc lỗi diễn đạt.

2, Yêu cầu cụ thể:

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, dẫn được vấn đề cần bàn luận.
- Giải thích nhận định:
- Thơ: thể loại văn học bộc lộ cảm xúc, tình cảm.

- Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp: Ý kiến này bàn về mối quan hệ giữa thơ với con người và cuộc sống thời đại đã sản sinh ra nó. Nhưng không phải miêu tả điều đó đơn giản, máy móc mà thể hiện một cách cao đẹp, nghĩa là ca ngợi, tự hào, yêu mến… bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo. Hai yếu tố con người và thời đại không tách rời nhau mà gắn bó mật thiết trong cảm xúc hình tượng thơ.

- Chứng minh vấn đề: (thí sinh có thể làm nhiều cách, chẳng hạn chỉ cần làm rõ vấn đề “vẻ đẹp con người mang đậm chất thời đại” trong bài thơ, hoặc có thể tách hai phần “con người” – “thời đại”như định hướng dưới đây, nhưng phải có có sự liên hệ khăng khít )

Con người:
+ Đó là những người nông dân mặc áo lính ra trận tham gia đánh Pháp bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, họ mang vẻ đẹp cao cả của lí tưởng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập (Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới) và luôn lạc quan, tin tưởng (Miệng cười buốt giá).

+ Tình đồng chí là một biểu hiện cao đẹp của người lính: cùng chan hòa, sẻ chia gian lao, niềm vui để gắn bó keo sơn (đôi tri kỉ - Đồng chí…); cùng hiểu những nỗi niềm riêng thầm kín (gửi bạn thân cày, mặc kệ gió lung lay, nhớ người ra lính…); cùng giúp nhau vượt qua gian lao, thiếu thốn (sốt run người, áo anh rách vai - quần tôi có vài mảnh vá…), để rồi (Thương nhau tay nắm lấy bàn tay), đó là tình cảm xúc động, thiêng liêng của con người Việt Nam trong chiến đấu.

+ Nổi bật trong bài thơ thể hiện một cách cao đẹp tình đồng chí chính là hình ảnh Đầu súng trăng treo. Đây là một sáng tạo đặc sắc, giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn. Sức gợi liên tưởng giữa súng - chiến tranh, hiện thực khốc liệt và trăng - yên bình, mơ mộng, lãng mạn, đó là một biểu tượng đẹp về người lính cũng là kết tinh phẩm chất tâm hồn Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Thời đại :

+ Vẻ đẹp của tình đoàn kết giai cấp, hình ảnh làng quê, ruộng đồng, cái nghèo… là chi tiết cuộc sống rất chân thực những năm 1948 khi tác giả viết bài thơ này (nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, ruộng nương, cày, gian nhà, giếng nước, gốc đa…)

+ Trong bài thơ, người lính xuất hiện trên cái nền của hiện thực khốc liệt những ngày đầu kháng chiến trường kì (Súng bên súng, rừng hoang sương muối, chờ giặc tới…) đã thể hiện vẻ đẹp lí tưởng anh hùng của thời đại cách mạng Hồ Chí Minh.

Nghệ thuật thể hiện con người và thời đại:

+ Ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm.

+ Hình tượng người lính cách mạng độc đáo.

+ Sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn, bay bổng.

+ Vận dụng các biện pháp tu từ đặc sắc.

+ Thể thơ và giọng điệu thủ thỉ tâm tình…

Đánh giá chung:
- Ý kiến trên rất đúng đắn vì thơ luôn lấy con người và thời đại làm cảm hứng sáng tạo. Con người chính là linh hồn của thời đại, thời đại đã tạo ra vẻ đẹp cho con người.

- Đồng chí là bài thơ độc đáo viết về anh bộ đội cụ Hồ, những người nông dân mặc áo lính, anh hùng áo vải trong thời đại Hồ Chí Minh, một tượng đài tráng lệ mộc mạc, bình dị mà cao cả thiêng liêng về con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh, trường kì chống Pháp, qua đó, cảm hóa ý thức sâu sắc tuổi trẻ hôm nay về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Sen Biển ( biên soạn)
 
Sửa lần cuối:
Bài văn mẫu phần làm văn

Câu 1: Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với nội dung lòng tự hào về quê hương của mỗi con người.

Bài làm

Quê hương có một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Nhất la đối với những con người lao động - người nông dân, họ lại càng gắn bó mật thiết với nơi ấy.
Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động, rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình.
Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi.
Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp…

Sen Biển( biên soạn)
 
Bài văn mẫu

Câu 2: Nhà thơ Sóng Hồng từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”.

Từ bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (SGK Ngữ văn 9, tập một) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Bài làm

Bàn về thơ, Xuân Diệu đã từng nói: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Đôi mắt là cử sổ tâm hồn, là nơi soi thấu nhưng gì ta suy nghĩ và cảm nhận cùng thế giới quan của mỗi người. Đôi mắt trong văn học cũng là ô cửa sổ soi chiếu quan điểm và ý kiến của tác giả. Không chỉ là ô của sổ tâm hồn của tác giả mà còn là chiếc camera ghi lại những chặng đường của một thời đại. Thông qua những dòng thơ, người đọc như một lữ khách thời gian dạo bước trên chặng đường đầy huy hoàng của một dân tộc và bước qua một tâm hồn và tư tưởng. Đôi chân dạo bước phiêu du như làn gió, bàn tay ôm trọn những tâm tình mỏng manh cùng đôi mắt tinh tường phát hiện những góc khuất trong sâu thẳm tâm tình của người viết. Có rất nhiều nhận định về thơ ca, như Sóng Hồng nói “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Thật vậy! Khi đọc bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu em càng cảm thấy nhận định của Sóng Hồng là hoàn toàn chính xác
“Văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất trên thế gian” (Pautopxki). Kì diệu làm sao khi cảm xúc được viết thành thơ và xướng lên thành khúc hát, khi một tấm lòng soi rõ hàng trăm tấm lòng khác. Sự kết nối mạnh mẽ giữa người với người dù ở thời đại nào, dù ở độ tuổi nào là một phép màu thần kì mà nhà thơ đưa vào trong thơ ca. Thơ ca sinh ra để khiến cho tâm hồn con người đơm hoa kết trái, để tiếng hát ngợi ca thời đại được xướng cao trên mỗi trang thơ. Văn học là kết tinh của cuộc đời. Mỗi tác phẩm văn học cũng là một mảnh đời, một số phận, một tiếng nói lương tri cho một thời đại.
Vậy thơ là gì mà lại có sức ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn mỗi người như thế? Thơ là thể loại văn học bộc lộ tình cảm, cảm xúc bằng những vần điệu và âm sắc. “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại” chỉ rõ mối quan hệ giữa thơ ca và thời đại gắn bó chặt chẽ với nhau vì con người xướng lên những vần điệu thơ ca dựa vào những chất liệu xuất phát từ hiên thực thời đại lúc bấy giờ. Văn chương không chỉ nói chuyện lòng người mà còn nói chuyện cuộc đời, không chỉ là những phút thăng hoa của cảm xúc mà còn là những khoảnh khắc hiện thực đầy biến cố. Khi ánh mắt của nhà thơ, nhà văn lia tới những góc khuất của thời đại thì thơ ca vừa là lời đồng cảm lại vừa là cây bút sắc bén vạch ra những mặt âm u của cả một thời đại.
Thơ ca ra đời không vì gì khác ngoài phản ánh cuộc sống của con người. Chính vì vậy mà nội dung của nó cũng đòi hỏi phải phản ánh một cách bao quát và rộng lớn về thời đại đã tạo nên nó. “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực” (Grandi). Cuộc sống luôn là nơi bắt đầu và cũng là đích đến cuối cùng của văn chương. Hơn bất kì loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực của thời đại và hút lấy những mật ngọt tinh túy nhất của thời đại đó. Ở bất kì thời đại nào, tái hiện thực tế một cách chính xác và mạnh mẽ nhưng lại đầy cảm xúc đều là hạnh phúc cao cả của người nghệ sĩ.
Thế nhưng nghệ thuật không sao chép hiện thực, nó phản ánh cuộc sống dưới ánh sáng lý tưởng. Mỗi một sự thật là tác giả tái hiện trong từng câu thơ đều phản ánh khát vọng, ước về về một lẽ phải, về cái đẹp và chân lý của nhà thơ đó – đó cũng là chân lý của thời đại. Chính sự kết hợp giữa hiện thực và lý tưởng đã tạo nên sức hấp dẫn của nghệ thuật, nó đưa ta đến một chân trời mới để ta tin rằng “tất cả những gì được kể trong đó đều diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được” (Sê-khốp). Nhận định “thơ ca là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” đã đặt ra yêu cầu của một tác phẩm nghệ thuật thực sự cũng như yêu cầu của một nghệ sĩ thực thụ.
Văn học là cuốn bách khoa toàn thư của cuộc sống. Mỗi tác phẩm là một mảnh đời, mảnh tâm hồn và là tiếng nói lương tri của cả một thời đại. Văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú và khả năng tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ với hiện thực thời đại. Do đó mà thông qua tác phẩm của một người, ta có thể thấy được vùng đất tâm tình sâu trong trái tim của người nghệ sĩ đó. Văn học không chỉ phản ảnh thời đại và còn là bài ca lòng mà người nghệ sĩ thốt lên đầy cảm xúc. Đó vừa là tiếng lòng vừa là mong ước khát vọng và cũng là con người chân chính của nhà thơ. Những tâm tình ngủ sâu nơi trái tim nay hóa thành những vần thơ da diết, như kể như hát lại giống như đang bày tỏ những cảm xúc đã kìm nén quá lâu kia.
Mỗi trang văn không chỉ là những trang đời mà còn chở những dằn vặt, trăn trở, suy tư của tác giả. Văn học bao giờ cũng phản ánh cuộc sống bằng những chân lí xã hội thẩm mĩ của người nghệ sĩ. Không những thế người đọc còn có thể bắt gặp những vấn đề lớn lao của thời đại mình, nhận thấy những quan niệm nhân sinh sâu sắc. Vậy nên nhận định “văn học là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Đó là những viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời” của Sóng Hồng đã nói lên tầm qua trọng của văn học. Dưới ngòi bút sáng tạo của người nghê sĩ những tác phẩm ấy đã tạo ra một thế giới mới. Như An-đéc-xen từng nói “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Không có tác phẩm văn học nào là không phải tác phẩm của cuôc sống hiện thực và đẹp hơn nhờ cuộc sống hiện thực. Và văn học cũng là công cụ phản ánh con người và cuộc đời một cách tốt nhất, chân thật nhất. Chính Hữu với bài thơ Đồng Chí không chỉ nói lên tiếng lòng mà còn nói lên sự bi tráng của cả một thời đại khi ấy. Như lời khẳng định của Vũ Duy Thông: “Thơ Việt Nam 1945-1975 là nguồn năng lượng quý giá để bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách Việt Nam hôm nay và những thế hệ mai sau”. Những lời này như sự khẳng định to lớn vai trò của thơ ca kháng chiến cũng như sức sống tiềm tang của nó trong lịch sử. Nền thơ thời kì này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu. Những nhà thơ trong thời kì này đều tập trung khai thác những hình tượng tho gắn liền với cuộc kháng chiến. Những vần thơ cũng vì thế mà mang âm hưởng hào sảng của cả một thời đại hào hùng. Với sự kết hợp giữa khuynh hướng sử thi và yêu tố lãng mạn vào việc cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nêu cao ý thức kháng chiến mà vẫn tràn đầy tinh thần nhân văn cao đẹp đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho thơ ca 1945-1975 khai thác triệt để từ cuộc chiến giành lại và bảo về độc lập vĩ đại này. Cái khốc liệt, dữ dội, gian khổ của chiến tranh không thể hủy diệt được những tâm hồn và tình cảm tốt đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh. Thơ ca vì thế tập trung khắc họa lên tầm vóc lớn lao và phi thường của những con người đất Việt khi ấy, điển hình là những người lính vệ quốc quân, những anh bộ đội cụ Hồ

Còn nữa...
 
tiếp theo...
Trong hoàn cảnh ấy thì Đồng chí là tác phẩm ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc cuộc chiến chống lại kẻ thù đầy oai hùm của những người lính. Là tiếng nói, tiếng hét thét lên cả một quá trình lịch sử hùng hồn mà nhân dân đã từng trải qua. Đồng Chí là bản hùng ca của cả một thời đại trong dân tộc. Khắc họa hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp . Qua đó chúng ta cũng có thể thấy được con người bên trong con người thi sĩ ấy.

Bài thơ được làm theo thể thơ tự do, 20 dòng thơ với ngôn ngữ bình dị, giọng điệu thơ thủ thỉ, tâm tình, cảm xúc dồn nén, hình tượng thơ phát sáng, có nhiều câu thơ để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Mở đầu bài thơ là hình ảnh hai người lính trẻ chụm đầu vào nhau kể chuyện tâm tình:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”


Hai câu thơ đầy ấn tượng về những vùng đất cảnh đời đầy nhọc nhằn, vất vả. Cách nói cô đúc, khắc họa rõ nét những vùng quê nghèo của những người lính. Các anh đến từ những miền quê khác nhau nhưng lại chung cái đói, cái nghèo lam lũ. Chữ nghĩa bình thường mà như đang cựa quậy như cuộc sống thực đã ùa vào trong câu chữ đem đến những cảm nhận sâu sắc về hoàn cảnh xuất thân và quê hương của những người lính. Tổ Quốc gọi các anh lên đường, họ không hẹn mà gặp gỡ ở chiến trường. Nơi đây các anh cùng chung lý tưởng, nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Tình đồng chí nảy nở bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui, đó là mối tình tri kỷ của những người bạn chí cốt mà tác giả biểu hiện bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm:

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”

Đêm Việt Bắc thì quá rét, chăn lại quá nhỏ, loay hoay mãi không đủ ấm. Đắp được chăn thì hở đầu, đắp được bên nọ lại hở bên kia. Trong những ngày tháng thiếu thốn ấy, từ “xa lạ” họ trở thành “tri kỷ”.

“Tri kỷ” là những người bạn thân thiết, hiểu rõ về nhau. Vất vả, nguy nan đã gắn kết những người lính trở thành bạn tâm giao gắn bó. Chính Hữu đã từng là một người lính, đã trải qua cuộc đời người lính nên câu thơ bình dị mà có sức nặng tình cảm trìu mến yêu thương đồng đội. Hình ảnh giản dị nhưng cảm động biết bao.

Và hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ Đồng Chí thể hiện vẻ đẹp con người trong bài thơ là hình ảnh “ đầu súng trăng treo” hình ảnh “Đầu súng trăng treo” lại là một hình ảnh vô cùng lãng mạn, thể hiện sự tinh tế của tác giả trong việc sử dụng hình tượng thơ.

Bao trùm lên toàn bài thơ là hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, kiên trung, hiên ngang bất khuất, vượt qua mọi khó khăn thử thách vẫn một lòng bền gan quyết chí hướng tới miền Nam ruột thịt, thống nhất nước nhà.

Cuộc sống dù có nhọc nhằn, gian khổ thiếu thốn vẫn không đánh bại được ý chí sự kiên trì của những con người vì dân vì nước mà hy sinh quên mình.

Người lính ra trận phải đối diện với nhiều khó khăn, hình ảnh rừng hoang sương muối, thể hiện sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Thể hiện sự khổ ải trên con đường cứu nước.

Đêm nay rừng hoang sương muối lạnh
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo


Nếu như ở câu thơ đầu tiên thể hiện sự nghiệt ngã của thiên nhiên, của địa hình Trường Sơn thì trong hai câu tiếp theo lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Hình ảnh người lính hiên ngang canh gác, chờ quân giặc tới để chiến đấu không hề run sợ lo lắng, thể hiện sự chủ động của người lính.

Hình ảnh “đầu súng trăng treo” thể hiện sự đối lập giữa súng và trăng giữa thực tại và tâm hồn người lính là hoàn toàn trái ngược nhau. Dù cuộc sống thực tại có khó khăn khắc nghiệt thì tâm hồn người lính vẫn thi vị đượm chất trữ tình, lãng mạn

Chính Hữu đã thể hiện chất liệu thơ vô cùng lãng mạn, đây là hình ảnh độc đáo thể hiện dụng ý nghệ thuật điêu luyện của tác giả. Tạo nên một nét chấm phá độc đáo làm nên hình tượng cho bài thơ nhiều sáng tạo.

Nó thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời của những người lính trẻ đang độ xuân xanh yêu đời, lòng tràn ngập ước mơ hoài bão lý tưởng sống lớn lao.

Tác giả Chính Hữu đã vô cùng đặc sắc khi xây dựng hình ảnh “Đầu súng trăng treo” tạo nhiều ám ảnh trong tâm trí người đọc, nó là hình tượng thành công nhất tạo nên nét riêng của bài thơ.

Còn nữa...
 
tiếp theo...

Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cái cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất, nhịp thở của bài thơ như nhẹ nhàng hơn, hơi thơ của bài thơ cũng như mảnh mai hơn. Dường như Chính Hữu đã thổi vào linh hồn của bài thơ tình đồng chí keo sơn, gắn bó và một âm vang bất diệt làm cho bài thơ mãi trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu. Hồi ức của những người lính, những kỉ niệm riêng tư quả là bất tận:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay


Cái chất nông dân thuần phác của những anh lính mới đáng quý làm sao! Đối với những người nông dân, ruộng nương, nhà cửa những thứ quý giá nhất. Họ sống nhờ vào đồng ruộng, họ lớn lên theo câu hát ầu ơ của bà của mẹ. Họ lớn lên trong những gian nhà không mặc kệ gió lung lay. Tuy thế, họ vẫn yêu, yêu lắm chứ những mảnh đất thân quen, những mái nhà thân thuộc....

Nhưng... họ đã vượt qua chân trời của cái tôi bé nhỏ để đến với chân trời của tất cả. Đi theo con đường ấy là đi theo khát vọng, đi theo tiếng gọi yêu thương của trái tim yêu nước. Bỏ lại sau lưng tất cả những bóng hình của quê hương vẫn trở thành nỗi nhớ khôn nguôi của mỗi người lính. Dầu rằng mặc kệ nhưng trong lòng họ vị trí của quê hương vẫn bao trùm như muốn ôm ấp tất cả mọi kỉ niệm.
Không liệt kê, cũng chẳng phải lối đảo ngữ thường thấy trong thơ văn, nhưng hai câu thơ cũng đủ sức lay động hồn thơ, hồn người: "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính". Sự nhớ mong chờ đợi của quê hương với những chàng trai ra đi tạo cho hồn quê có sức sống mãnh liệt hơn. Nhà thơ nhân hóa giếng nước gốc đa cũng có nỗi nhớ khôn nguôi với những người lính.

Nhưng không kể những vật vô tri, tác giả còn sử dụng nghệ thuật hoán dụ để nói lên nỗi nhớ của những người ở nhà, nỗi ngóng trông của người mẹ đối với con, những người vợ đối với chồng và những đôi trai gái yêu nhau... Bỏ lại nỗi nhớ, niềm thương, rời xa quê hương những người lính chiến đấu trong gian khổ:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán đầm mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày


Câu thơ chầm chậm vang lên nhưng lại đứt quãng, phái chăng sự khó khăn vất vả thiếu thốn của những người lính đã làm cho nhịp thơ Chính Hữu sâu lắng hơn. Đất nước ta còn nghèo, những người lính còn thiếu thốn quân trang, quân dụng, phải đối mặt với sốt rét rừng, cái lạnh giá của màn đêm... Chỉ đôi mảnh quần vá, cái áo rách vai, người lính vẫn vững lòng theo kháng chiến, mặc dù nụ cười ấy là nụ cười giá buốt, lặng câm.
Tình đồng đội quả thật càng trong gian khổ lại càng tỏa sáng, nó gần gũi mà chân thực, không giả dối, cao xa... Tình cảm ấy lan tỏa trong lòng của tất cả những người lính. Tình đồng chí:
Là hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa,
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa,
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà,
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết. (Nhớ - Hồng Nguyên)
Một nụ cười lạc quan, một niềm tin tất thắng, một tình cảm chân thành đã được Chính Hữu cô lại chỉ với nụ cười - biểu tượng của người lính khi chiến đấu, trong hòa bình cũng như khi xây dựng Tố quốc, một nụ cười ngạo nghễ yêu thương, một nụ cười lạc quan chiến thắng...
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Nhịp thơ đều đều 2/2/2 - 2/2/3 cô đọng tất cả nét đẹp của những người lính. Đó cũng chính là vẻ đẹp ngời sáng trong gian khổ của người lính. Vượt lên trên tất cả, tình đồng đội, đồng chí như được sưởi ấm bằng những trái tim người lính đầy nhiệt huyết, vẫn đứng canh giữ cho bầu trời Việt Nam dù đêm đầy khuya, sương đã xuống, màn đêm cũng chìm vào quên lãng. Hình ảnh người lính bỗng trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu. Xem vào cái chân thực của cả bài thơ, câu thơ cuối cùng vẫn trở nên rất nên thơ: "Đầu súng trăng treo".Quả thật, một bài thơ là một xúc cảm thiêng liêng, là một tình yêu rộng lớn, trong cái lớn lao nhất của đời người. Gặp nhau trên cùng một con đường Cách mạng, tình đồng chí như được thắt chặt hơn bằng một sợi dây yêu thương vô hình.
Bài thơ Đồng chí với ngôn ngữ chân thực, hình ảnh lãng mạn, nụ cười ngạo nghễ của các chiến sĩ đã lay động biết bao trái tim con người. Tình đồng chí ấy có lẽ sẽ sống mãi với quê hương, với Tổ quốc, với thế hệ hôm nay, ngày mai hay mãi mãi về sau.

Sen Biển( biên soạn)
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top