• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.
Sen Biển mời các em cùng giải Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 17 - có đáp án, Sen Biển hi vọng với sự đồng hành của vnkienthuc.com các em sẽ đạt được những điểm số ấn tượng trong các kỳ thi phía trước.

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU


Đọc văn bản sau và thực hiện các câu hỏi bên dưới:

CẬU BÉ VÀ CÂY SI GIÀ


Bờ ao đầu làng có một cây si già. Thân cây to, cành lá xum xuê, ngả xuống mặt nước. Một cậu bé đi ngang qua, sẵn con dao nhọn trong tay, cậu hí hoáy khắc tên mình lên thân cây. Cây đau điếng, nhưng cố lấy giọng vui vẻ, hỏi cậu:

- Chào cậu bé. Tên cậu là gì nhỉ?

- Cháu tên là Ngoan.

- Cậu có cái tên mới đẹp làm sao!

- Mắt cậu bé sáng lên. Cậu nói:

- Cảm ơn cây.

- Này, vì sao cậu không khắc tên lên người cậu? Như thế có phải tiện hơn không? - Cây hỏi.

- Cậu bé rùng mình, lắc đầu:

- Đau lắm, cháu chịu thôi!

- Vậy, vì sao cậu lại bắt tôi nhận cái điều mà cậu không muốn?

(Theo Quà tặng cuộc sống)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính? Dấu hiệu nhận biết?

Câu 2: Gạch chân và gọi tên thành phần biệt lập có ở hai câu sau?

+ “Này, vì sao cậu không khắc tên lên người cậu?”

+ “Như thế có phải tiện hơn không? – Cây hỏi”

Câu 3: Thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc là gì?

Đề thi thử môn Ngữ văn 9 số 17 - có đáp án - vnk.jpg

(Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em về bức thông điệp được truyền tải ở câu chuyện trên.

Câu 2: Phân tích tâm trạng của nhân vật Phương Định trong một lần phá bom qua đoạn trích sau:

(…)Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.

Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng…
Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng.

Chị Thao thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình. (…)

(Trích Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê)

Sen Biển ( Biên soạn)

Mời các em cùng xem phần gợi ý đáp án và các bài văn mẫu dưới phần bình luận nhé!
 
Sửa lần cuối:
GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU


Câu 1
- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Kể lại một chuỗi các sự việc, sự việc này nối tiếp sự việc kia và dẫn đến một kết thúc.

+ Có nhân vật, có ý nghĩa.

Câu 2

- Này, vì sao cậu không khắc tên lên người cậu?

=> Thành phần gọi – đáp

- Như thế có phải tiện hơn không? – Cây hỏi.

=> Thành phần phụ chú

Câu 3 + Không nên đem lại cho người khác những điều mà mình không muốn (nỗi đau đớn, khổ đau, sự mất mát ...) dù vô tình hay cố ý

+ Không được ích kỉ, thờ ơ hay dửng dưng, vô tình trước hậu quả của những lời nói hay hành động mà chính bản thân mình gây nên đối với người khác.

PHẦN II. LÀM VĂN


Câu 1 * Yêu cầu về hình thức

- Học sinh biết trình bày bố cục của một bài văn nghị luận xã hội, rõ ràng, mạch lạc.

* Yêu cầu về nội dung

- Học sinh bày tỏ được quan điểm, ý kiến cá nhân về bức thông điệp.
(GV lưu ý thông điệp được xác định ở câu 3 của phần đọc – hiểu. Bài viết thể hiện rõ quan điểm của các nhân học sinh. Lên án phê phán việc làm tổn thương người khác, cần biết tôn trọng, yêu quý người khác giống như tôn trọng và yêu quý bản thân mình ...)

Câu 2 * Yêu cầu về kĩ năng:

- Bài viết trôi chảy, mạch lạc, đúng bố cục của bài văn nghị luận văn học (kết hợp khéo léo với yếu tố miêu tả và biểu cảm).

- Làm rõ sự thành công của tác giả trong việc miêu tả tâm lí nhân vật.

* Yêu cầu về kiến thức:
- Biết dẫn dắt nội dung của văn bản “Những ngôi sao xa xôi” một cách ngắn gọn để đi vào vấn đề trọng tâm.

- Nêu được hoàn cảnh và mức độ nguy hiểm của việc phá bom.

- Làm nổi bật được tâm trạng của nhân vật Phương Định trong đoạn trích:

- Khi tiến tới gần quả bom:

+ Lo lắng, căng thẳng và thoáng chút sợ hãi.

+ Giàu lòng tự trọng, ý thức cao trong công việc.

- Khi tiến hành phá bom:

+ Tinh thần dũng cảm, ý chí sắt thép, kiên cường.

+ Sẵn sàng hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ …

- Biết liên hệ, mở rộng với các tác phẩm văn học cùng chủ đề, đề tài (Vdụ: Đồng chí, Tiểu đội xe không kính, Lặng lẽ Sa Pa …) và các tấm gương lịch sử của dân tộc (Ví dụ: liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, mười cô gái Đồng Lộc …)

- Thể hiện được thái độ của bản thân đối với nhân vật: cảm phục, tự hào, biết ơn …và hình thành lý tưởng sống cho bản thân.

Sen Biển( biên soạn)
 
Bài văn mẫu

Câu 1: Viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em về bức thông điệp được truyền tải ở câu chuyện trên.

Bài làm


Câu chuyện Cậu bé và cây si già là câu chuyện nhân văn gửi gắm thông điệp về việc đừng bắt người khác làm những việc mà mình còn không chịu được. Trong truyện, cậu bé đã khắc dao lên cây si làm cho cây đau đớn; khi cây si bảo sao cậu bé không khắc lên người mình, cậu bé bảo đau thì cây si đã hỏi cậu rằng tại sao cậu bắt cây nhận điều mà chính cậu cũng không muốn. Qua câu chuyện, em nhận thấy được là điều mình không muốn nhận thì cũng đừng bao giờ làm đối với người khác. Việc ta cần làm là có thái độ sống nghĩ cho cả những người xung quanh, mở rộng tấm lòng bao dung và không làm tổn thương người khác. Đó chính là điều kiện căn bản để cuộc sống đầy ắp tình thương và hạnh phúc. Tóm lại, câu chuyện đã gửi gắm bài học về thái độ sống nhân ái và bao dung của người với người trong cuộc sống.

Sen Biển
 
Bài văn mẫu

Câu 2: Phân tích tâm trạng của nhân vật Phương Định trong một lần phá bom qua đoạn trích sau:

(…)Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.

Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng…
Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng.

Chị Thao thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình. (…)

(Trích Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê)

Bài làm

Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn. Ngòi bút của bà luôn hướng về cuộc chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" là một trong số những tác phẩm đầu tay của bà, được viết vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Phương Định - nhân vật chính của truyện là một cô gái thanh niên xung phong với nhiều phẩm chất cao đẹp như dũng cảm, bản lĩnh,... Điều này được thể hiện rõ nét trong một lần cô phá bom.
Trong lúc đơn vị “ thường ra đường vào lúc mặt trời lặn và làm việc có khi 1 suốt đêm ”thì Phương Định và tổ trinh sát mặt đường phải chạy trên cao điểm cả ban ngày, dưới có cái nóng trên 30 độ”. Nơi đây lại còn ẩn giấu những quả bom chưa nổ, tính mạng cô luôn bị đe dọa. Vậy mà Phương Định vẫn bình thản, thậm chí cô không chịu đi viện để chữa vết thương trên đùi chưa lành miệng . Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm cao với công việc, tinh thần yêu nước, đầy quả cảm của cô gái thanh niên xung phong.
Đặc biệt, nhà văn tập trung khắc họa nhân vật Phương Định trong một lần phá bom trên cao điểm ở Trường Sơn. Đây là một trong những đoạn văn xuất sắc nhất của truyện ngắn “ Những ngôi sao xa xôi ” . Ngòi bút miêu tả của nhà văn cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua của nhân vật. Sau những đợt thả bom của giặc, Phương Định cùng đồng đội chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ . Không gian lúc đó vắng lặng đến phát sợ. Nhưng cô không hề sợ hãi. Cô có cảm giác như các chiến sĩ đang dõi theo mình. Cô quyết định không đi khom, bởi Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cử đường hoàng mà bước tới. Cảm giác ấy vừa thể hiện lòng tự trọng, vừa là ý chí mạnh mẽ giúp cô dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy. Phương Định “dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom ”. Lưỡi xẻng thinh thoảng lại chạm vào quả bom“ Một tiếng động sắc đến ghê người cứa vào da thịt ... Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành".
Cách miêu tả của tác giả thật tài tình , khiến cho người đọc cũng có thể cảm thấy rùng mình như Phương Định , càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh, gan dạ của cô. Những lúc đối mặt với quả bom sắt lạnh lùng, cô cũng có nghĩ đến cái chết nhưng một cái chết rất mờ nhạt, không cụ thể ”. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua . Còn điều mà cô quan tâm lúc này là “liệu mìn có nổ không , bom có nổ không ? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai ? Như vậy , trong suy nghĩ của Phương Định , cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh . Cô quyết phá hết những quả bom chưa nổ để đoàn xe tiến về phương nam thuận lợi , an toàn.
Và chính nhờ sự gan góc, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp cô hoàn thành tốt công việc của mình. Người đọc yêu mến , trân trọng và kính phục Phương Định cũng như muôn ngàn cô gái khác trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, đang hàng giờ dệt nên những kì tích cho Tổ quốc thân yêu.
Tóm lại, truyện "Những ngôi sao xa xôi" của tác giả Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong mọi người hình ảnh tuyệt đẹp của những cô gái thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mĩ với tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm. Phương Định tuy chỉ là một ngôi sao nhỏ nhưng sẽ luôn tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam. Tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng Mĩ cứu nước.

Sen Biển


 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top