Dạy học theo hướng cá thể hóa: Một “lối đi” trong đổi mới phương pháp dạy
Lứa tuổi HS tiểu học thích khám phá và ham học hỏi để được mở rộng tầm hiểu biết. Vì vậy thầy cô phải biết chia sẻ những điểm riêng đó thì sẽ khuyến khích được sự hứng thú của từng em. Ảnh: Hòa Triều
Dạy học theo hướng cá thể hóa đang được thử nghiệm và áp dụng tại các trường phổ thông trong những năm gần đây. Nhưng làm thế nào để có một giờ dạy có hiệu quả cao khi vận dụng phương pháp đổi mới này? Trong đó không thể không kể đến vai trò tổ chức của giáo viên ở bậc tiểu học.
Xét về mặt tâm lý, học sinh (HS) đến trường không chỉ có học mà còn phải tham gia các hoạt động khác hỗ trợ cho nhiệm vụ chính. Mỗi HS là một con người, một cá thể riêng biệt với một cuộc sống tinh thần riêng lẻ. Lứa tuổi các em thích khám phá và ham học hỏi để được mở rộng tầm hiểu biết. Thầy cô biết chia sẻ những điểm riêng đó thì sẽ khuyến khích được niềm hứng thú vượt trội của từng em. Thực tế cho thấy, giảng dạy của thầy cô sẽ kém hiệu quả nếu không có sự nỗ lực cá nhân HS. Lớp 2 tiếng Anh tăng cường do tôi phụ trách có sĩ số đạt chuẩn 35 em, phương tiện dạy học đáp ứng được nhu cầu đổi mới phương pháp. Vậy vấn đề là phải làm thế nào vận dụng các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với tình hình thực tế? Có được những điều kiện thuận lợi như vậy thì người thầy nên thực hiện cách dạy học theo hướng cá thể hóa.
Trước hết giáo viên phải biết sử dụng kênh hình một cách linh hoạt và hiệu quả. Tranh, ảnh, mô hình được đưa vào tiết dạy làm cho không gian lớp học phong phú sắc màu hơn. Người học càng thú vị và “nuốt” dễ dàng hơn nội dung kiến thức dù trừu tượng và khó hiểu. Tôi đơn cử như khi dạy bài Tả ngắn về bốn mùa (môn tập làm văn) thì phải có tranh tứ bình xuân hạ thu đông. Mô hình, tranh vẽ sẽ có “công năng” hơn khi dạy bài Cơ quan tiêu hóa (môn tự nhiên - xã hội). Có hình rồi cũng chưa đủ nếu giáo viên không biết hướng dẫn các em kỹ năng quan sát, tư duy hình ảnh. Động não nhưng không căng thẳng mà thoải mái, nhẹ nhàng đúng với tâm lý lứa tuổi. Muốn thế thầy cô phải khai thác và gợi ý các tình huống vui nhộn, gần gũi với cuộc sống thực tế. Sân khấu hóa bằng cách sắm vai, kể chuyện, đọc phân vai không những làm cho các em tự hóa thân vào cuộc sống, vào từng nhân vật còn nằm im trong sách mà còn khắc sâu vào tâm trí. Tùy theo từng bộ môn mà giáo viên chia ra các nhóm: đọc lưu loát - đọc còn chậm (môn đọc); viết hoàn chỉnh - viết sai lỗi chính tả, chưa tròn câu (môn viết); tính nhanh, cẩn thận - tính chậm còn sai sót (môn toán). Ngoài ra, khi thực hành giáo viên nên giao việc cho phù hợp với trình độ của từng nhóm.
Trong bài Luyện từ và câu tuần 17 nên giao cho nhóm trung bình hình ảnh so sánh cho những từ: nhanh, chậm, đẹp (kèm theo hình ảnh các con vật thỏ, rùa, cô Tiên) để các em tìm được thành ngữ thích hợp (nhanh như thỏ, chậm như rùa, đẹp như Tiên). Nhóm khá giỏi thì tìm hình ảnh so sánh cho các từ khó hơn: đỏ (như gấc) trắng (như bông), cao (như núi). Với bài Bảng nhân 4, nhóm khá giỏi đã thuộc bảng nhân thì tự ghi kết quả, nhóm còn lại chưa thuộc bảng nhân thì tiếp tục dùng các tấm bìa có chấm tròn để viết kết quả. Trong bài Cơ quan tiêu hóa đã nhắc ở phần trên, giáo viên cho nhóm trung bình nối các thẻ từ có ghi từng bộ phận phù hợp với cơ quan tiêu hóa, nhóm khá giỏi thì ghi thẻ từ ít hơn hoặc không ghi gì cả. Để giáo viên dễ quan sát, các em dễ làm việc thì nên cho các nhóm ngồi chung với nhau. Kết quả HS thụ động tự tin hơn, còn HS nhanh nhẹn thì phát huy được mọi ưu thế của cá nhân.
Đàm Thị Thanh Tuyết
(GV Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM)
Theo Báo GD TPHCMDạy học theo hướng cá thể hóa có hiệu quả thì sẽ là một lối đi trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông.