“Đáng sợ nhất là thiếu thông tin, nhiễu thông tin”

  • Thread starter Thread starter ButBi
  • Ngày gửi Ngày gửi

ButBi

New member
Xu
0
mthdzfij1urqa9psiwrm.png

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: "Thông tin và Truyền thông có sức sống mãnh liệt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào". Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.


Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT là một định hướng chính xác, kịp thời, phù hợp với tiềm năng đất nước, phù hợp khát vọng của thế hệ trẻ, phù hợp với mong ước của Bác Hồ - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định.

Trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước thềm năm mới Canh Dần, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định, công việc bao trùm nhất của ngành trong thời gian tới vẫn là việc đẩy mạnh chiến lược tăng tốc, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông.

2 dấu ấn viễn thông, 4 ấn tượng từ dư luận quốc tế
Đây là khái quát của người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông về những bước tiến vượt bậc của ngành trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều khó khăn.

“Nhiều nhà bình luận cho rằng 2 năm vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế toàn cầu trong vòng 80 năm qua, và nền kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng”, Bộ trưởng nói.

Dấu ấn thứ nhất của ngành Viễn thông là trong bối cảnh lạm phát vẫn giảm giá cho dân. Thứ hai, dù giảm giá tới 20%, ngành vẫn tăng trưởng tới 61%. Những điều này chứng tỏ ngành Thông tin và Truyền thông có sức sống mãnh liệt dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi, bởi đây là ngành kinh tế thời đại, mang hàm lượng tri thức cao.

Liên quan đến dư luận quốc tế về Việt Nam trong năm 2009, qua nhiều lần tháp tùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như dẫn đầu nhiều đoàn công tác của Bộ làm việc tại nước ngoài, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho hay thế giới đánh giá về Việt Nam với một cái nhìn lạc quan, “phù hợp với những thành tựu mà chúng ta làm được”.

Những dư luận này có thể tóm lại ở 4 điểm chính. Thứ nhất, Việt Nam là tấm gương sáng về chủ nghĩa yêu nước, chiến tranh giải phóng dân tộc. Thứ hai, Việt Nam là một quốc gia thủy chung, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn chấp nhận kinh tế thị trường, bắt tay với tất cả các đảng cầm quyền trên thế giới, đó là một nhãn quan, một bước đi mang tầm thời đại, thể hiện trí tuệ Việt Nam, phong cách Việt Nam. Thứ ba, Việt Nam là một trong số không nhiều những nước sớm bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một trong 10 nước có tăng trưởng GDP dương trong năm 2009. Và thứ tư, Việt Nam ngày nay là đất nước thanh bình, chính trị ổn định, nhân dân thân thiện, kinh tế phát triển, là địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

6 công việc trọng tâm để tăng tốc CNTT
Nhắc đến Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT mà trong năm 2009, Chính phủ đã tin tưởng giao cho Bộ xây dựng, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận định, những thành tựu trong 2 năm qua đã tạo ra những cơ hội, những tiền đề để ngành Thông tin và Truyền thông tiến nhanh hơn, mạnh hơn khi nền kinh tế thế giới phục hồi.

Cho biết hiện Chiến lược đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bày tỏ hy vọng Chiến lược sẽ được phê chuẩn trong tương lai gần. Khi đó, chúng ta sẽ có một khối lượng công việc khổng lồ phải làm, nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh đến 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, xây dựng nguồn nhân lực CNTT, cả đại trà, cả mũi nhọn. Thứ hai là phát triển công nghiệp CNTT, để Việt Nam không chỉ tiêu dùng mà còn sản xuất các sản phẩm CNTT. Thứ ba là phát triển hệ tầng băng thông rộng. Thứ tư là đưa CNTT vào từng gia đình, như điện thoại, internet, góp phần phát triển đất nước văn minh, hiện đại. Thứ năm là ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử để đảm bảo chỉ huy thông suốt từ Trung ương đến địa phương, nắm thông tin từ địa phương lên Trung ương kịp thời, xử lý kiến nghị của nhân dân nhanh nhất, tiện lợi nhất, tiết kiệm nhất. Và thứ sáu là xây dựng, hình thành các tập đoàn truyền thông có tầm quốc tế.

“Đây cũng là những khát vọng mà khi tới chúc Tết ngành Thông tin và Truyền thông vừa qua, Thủ tướng đã gửi gắm”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bày tỏ.

Nếu thực hiện tốt Chiến lược, năm 2015, CNTT – Truyền thông sẽ đóng góp từ 18 – 20% GDP, và con số này năm 2020 sẽ là từ 20 – 25%. “Ngành Thông tin và Truyền thông sẽ là mũi nhọn, là nền tảng, mở đường cho bước phát triển mới của nền kinh tế”.

“Tôi nghĩ, xây dựng Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT là một định hướng chính xác, kịp thời, nhiều kỳ vọng, sẽ đưa Việt Nam thay đổi thứ hạng nhanh hơn trên bản đồ thế giới, phù hợp với tiềm năng đất nước, phù hợp khát vọng của thế hệ trẻ, phù hợp với mong ước Bác Hồ là đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu””, Bộ trưởng nói.

“Đáng sợ nhất là thiếu thông tin, nhiễu thông tin”
Ngoài ra, tại buổi phỏng vấn, người đứng đầu ngành Thông tin – Truyền thông cũng nhắc tới hai ví dụ tiêu biểu về vai trò, tầm quan trọng của thông tin và truyền thông trong quản lý Nhà nước.

Ở lĩnh vực truyền thông, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định chương trình Việt Nam Online do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp thực hiện đã trở thành một thương hiệu có uy tín trong lòng công chúng sau 2 năm phát sóng.

“Theo tôi, trong công tác chỉ đạo, điều hành, điều đáng sợ nhất là thiếu thông tin, nhiễu thông tin, việc đưa mọi chủ trương, chính sách tới người dân để họ hiểu là rất cần thiết. Việt Nam Online đã làm tốt việc này”.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng lưu ý, chương trình cũng cần tiếp tục lắng nghe tiếng nói của người dân để phục vụ cho công tác ban hành chính sách, “những chính sách nào hợp lòng dân thì tiếp tục đẩy mạnh, chính sách nào bất hợp lý thì sửa đổi”.

Ở lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng bày tỏ những hy vọng vào Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, một Đề án được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, mang dấu ấn đặc biệt của CNTT.

Trong một biển cả những công việc phải làm, Chính phủ đã chọn cải cách hành chính là trọng tâm. Và trong cải cách hành chính, cách tốt nhất, hiệu quả nhất là đưa CNTT vào để xử lý các thủ tục hành chính. “Bởi khi công dân không cần tiếp cận trực tiếp với cơ quan nhà nước mà giải quyết các thủ tục qua mạng thì khả năng xảy ra tiêu cực là ít nhất, nhanh nhất và tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.
Theo chinhphu.vn​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top