Đằng sau hào quang học sinh giỏi quốc gia

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
ĐẰNG SAU HÀO QUANG HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

- Kỳ 1: Giỏi cũng phải... chi tiền

Trên đường chạy đua giành giải học sinh giỏi quốc gia, những gia đình có con em vào đội tuyển đầy danh giá phải đóng góp những khoản chi phí tốn kém, có khi lên đến vài chục triệu đồng.

ImageView.aspx


Cô giáo hướng dẫn học sinh đội tuyển Phú Thọ tra cứu số liệu trong một cuốn sách tham khảo - Ảnh: Ngọc Hà

ImageView.aspx


Tại Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), mỗi lớp khối 10, 11 phải trích 4 triệu đồng để góp “họ” vào quỹ luyện học sinh giỏi - Ảnh: Vĩnh Hà

Chúng tôi ngạc nhiên khi biết L. - một học sinh ở Hải Phòng đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi môn văn thành phố - bị loại khỏi đội dự tuyển kỳ thi quốc gia.

Một giáo viên của L. lý giải: “Chuyện thi cử không biết thế nào. Về sức học em có khả năng vượt qua vòng hai, nhưng điều tôi biết rõ là em ấy không muốn vào đội tuyển quốc gia vì gia cảnh quá nghèo”. Nhận xét lấp lửng của cô khiến chúng tôi càng muốn tiếp cận L..

Không tiền, không vào tuyển

Không dễ để L. mở lòng nhưng rồi em cũng cho biết: “Sau khi vượt qua vòng 1 (kỳ thi học sinh giỏi thành phố), bố mẹ em tìm hiểu kỹ về việc vào đội tuyển sẽ phát sinh nhiều yếu tố mà gia đình em không đủ điều kiện để theo. Dù vẫn được bố mẹ động viên nhưng em không muốn dồn sức cho một việc quá khả năng của gia đình”.

Gia đình L. rất nghèo, anh em L. phải ở nhờ ông bà vì nhà bố mẹ đi thuê quá chật, không có chỗ học tập. Hằng ngày sau giờ học, L. phụ bán ốc luộc với bố mẹ. Bữa ăn sum họp của cả nhà cũng ở ngay trên vỉa hè.

“Từ đáy lòng em rất mong được tham gia vô tư, hết mình với các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi dù có giải hay không. Em nghĩ chẳng cần có giải mà chỉ cần được vào đội tuyển đã là vinh dự lớn. Nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép em quyết tâm thực hiện” - L. chia sẻ.

H., một cựu học sinh đội tuyển văn của Hải Phòng, cho biết: “Năm đó mỗi thành viên đội tuyển văn phải đóng 7 triệu đồng/người cho quỹ phụ huynh”. H. cho biết thêm cùng năm với mình có một học sinh được chọn vào đội tuyển lịch sử phải xin rút vì không có tiền. Tiền là mối lo của nhiều học sinh trước và sau cuộc tuyển chọn chỉ vì những quy định được áp dụng nhiều năm ở đất cảng.

ImageView.aspx


Tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), mỗi học sinh phải đóng quỹ luyện học sinh giỏi 300.000 đồng. Trong ảnh: học sinh đội tuyển văn của Phú Thọ - Ảnh: Vĩnh Hà

Tăng thu theo trượt giá

Khôi phục việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ
Trong quy chế thi học sinh giỏi quốc gia áp dụng cho năm 2007, Bộ GD-ĐT bãi bỏ quy định “tuyển thẳng học sinh đoạt giải vào các trường ĐH, CĐ”. Cũng năm 2007, Bộ GD-ĐT có quy định “các trường chuyên không được phép mời người ngoài trường ôn luyện, tập huấn cho giáo viên và học sinh để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào”.

Năm 2010, theo kiến nghị của nhiều trường chuyên, Bộ GD-ĐT có quy định dỡ bỏ “lệnh cấm” người ngoài trường chuyên được tham gia ôn luyện, tập huấn cho giáo viên, học sinh chuyên dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia ban hành ngày 25-11-2011 khôi phục quy định học sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo đúng nhóm ngành do bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cho từng môn thi.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hỗ trợ việc tập huấn học sinh giỏi, Hải Phòng đã chi 330 triệu đồng cho 11 đội tuyển dự thi quốc gia, mỗi đội lĩnh 30 triệu đồng. Theo ông Phạm Tuấn Hùng - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hải Phòng, số tiền này được chuyển thẳng cho Trường THPT chuyên Trần Phú nhằm chủ động chi cho việc tổ chức tập huấn. Thế nhưng ông Bùi Văn Phú - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú - cho rằng: “Tiền hỗ trợ quá eo hẹp nên phải xã hội hóa để đảm bảo mục tiêu tập huấn đội tuyển”.

Ông Phạm Tuấn Hùng tiết lộ ngay khi có danh sách “chốt”, các đội tuyển sẽ tổ chức họp phụ huynh và việc thu thêm được thống nhất trong chính cuộc họp có sự tham gia của cả giáo viên và chuyên viên bộ môn của Sở GD-ĐT tham dự. Ông Phú từ chối cho biết mức thu cụ thể của các đội tuyển nhưng khẳng định: “Các đội tuyển sau khi xây dựng kế hoạch tập huấn, mức chi phí và thống nhất việc thu quỹ phụ huynh đều có báo cáo lãnh đạo nhà trường”.

Ông Phú chỉ cung cấp thông tin: “Năm trước, trung bình mỗi đội tuyển thu thêm của phụ huynh 10-15 triệu đồng/người”. Một số giáo viên phụ trách đội tuyển khẳng định: “Năm nay phải thu cao hơn năm trước vì trượt giá”. Ông Phú giải thích: “Nhìn vào con số thu trên đầu một học sinh thì thấy cao, nhưng đội tuyển chỉ có 8-10 em nên tổng thu không nhiều lắm”.

Tuy nhiên, nếu lấy con số 10-15 triệu đồng của năm trước để tính, mỗi đội tuyển phải đóng góp thêm từ 80 đến hơn 100 triệu đồng. “Riêng đội tuyển sử năm nay thu 10 triệu đồng/học sinh (năm trước 7 triệu đồng). “Đội tuyển hóa năm trước thu 10 triệu đồng, năm nay cũng thu nhiều hơn” - ông Hùng nói.

Tại Hà Nội, nơi được xem là thuận lợi nhất do không phải di chuyển, không phải mời thầy “liên tỉnh” và chi phí trả cho giảng viên được thành phố hỗ trợ nhưng theo chị M. - một phụ huynh có con ở đội tuyển sinh, phụ huynh vẫn phải đóng 4 triệu đồng/suất học đội tuyển cho đợt tập huấn hơn một tháng.

Tại Hà Nam, dù tiền trả cho thầy được tỉnh hỗ trợ nhưng mỗi đội tuyển cũng thu của học sinh khoảng 20 triệu đồng. M., một học sinh trong đội tuyển sinh, cho biết: “Đội nào mời được giáo sư đều phải đóng tầm 2,5 triệu đồng/học sinh. Vì tiền chi cho một buổi của thầy rất cao. Nhà trường chỉ cho 10 triệu đồng/đội”. Được hỗ trợ nhiều nhưng theo học sinh đội tuyển tin học của Nam Định, kinh phí đến Hà Nội luyện thi các em vẫn phải đóng góp 3 triệu đồng/em.

Ông Hoàng Văn Cường, hiệu trưởng Trường chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), tính: “Tỉnh hỗ trợ đội tuyển học sinh giỏi quốc gia 50.000 đồng/học sinh/ngày, 400.000 đồng/buổi học/giáo viên (mời từ Hà Nội) trong thời gian tập huấn khoảng 40 ngày. Nhưng số tiền này cộng vào vẫn quá ít để chi cho việc mời thầy và đưa đội tuyển đi tập huấn.

“Thực tế thuê giáo sư giảng phải mất 3 triệu đồng/buổi. Với mức hỗ trợ vài trăm nghìn đồng/thầy, chả lẽ trường phải kê thầy dạy cả trăm buổi mới bù nổi vào khoản thực chi?” - ông Cường lý giải.

Trường chủ động, sở không biết?

Trao đổi thêm xung quanh chuyện thu tiền của phụ huynh cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, ông Đỗ Thế Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - khẳng định:

- Đã là xã hội hóa thì do phụ huynh tình nguyện nộp chứ không thể bắt buộc.

* Nhưng việc Trường THPT chuyên Trần Phú bổ đầu mỗi lớp 10 và 11 của trường nộp 4 triệu đồng để chi cho việc tập huấn đội tuyển không đúng tinh thần tự nguyện. Bên cạnh đó, thành viên đội tuyển học sinh giỏi của Hải Phòng cũng phải nộp tiền để hỗ trợ việc tập huấn, việc này có phải chủ trương của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng?

- Không phải chủ trương của sở. Việc xã hội hóa do trường chủ động.

* Theo nhiều học sinh trong đội tuyển của Hải Phòng, họ được miễn học một số môn để tập trung học đội tuyển, việc này có phải chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hải Phòng không?

- Sở không quy định những việc nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu có chuyện đó là do nhà trường tự làm.
Một giáo viên dẫn đội tuyển của Nam Định đến Hà Nội “trọ học” ở khách sạn Sơn La (Q.Thanh Xuân) cho biết tiền thuê khách sạn 400.000 đồng/ngày đêm, chưa kể chi phí ăn uống, đi lại và mời thầy. Trong khi để yên tâm đi thi, mỗi đội tuyển có khi phải di chuyển đến Hà Nội 2-3 đợt, có những đợt 7-10 ngày, có tỉnh đưa đội tuyển ra Hà Nội cả tháng. Chi phí việc này rất tốn kém và không có mức chung cho các đội mà còn tùy thuộc vào kế hoạch của mỗi đội, thầy được mời là ai, tài ngoại giao của lãnh đạo đội và sự kỳ vọng vào từng đội tuyển. Nhiều khi phải tới lúc kết thúc kỳ thi mới biết được chi phí cho cuộc chạy đua này là bao nhiêu. Đó là những lý do các địa phương đưa ra để buộc học sinh các đội tuyển dự thi quốc gia phải đóng tiền. Mức thu mỗi địa phương khác nhau. Có tỉnh chỉ thu 2-3 triệu đồng/học sinh để “góp thêm tiền thuê thầy”, còn chi phí ăn ở học sinh tự túc. Có tỉnh tiền đóng trọn gói là vài chục triệu đồng/học sinh.

Góp “họ”, “dồn vốn”... đón thầy

Chẳng những thế, một số trường còn có “độc chiêu” huy động tiền khá khác người. Ngoài số tiền hàng chục triệu đồng thu từ mỗi học sinh tham gia đội tuyển thi quốc gia, Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) còn kêu gọi tất cả các lớp 10, 11 trích quỹ lớp với mức đồng đều 4 triệu đồng/lớp để dành tập trung cho học sinh khối 12 mời thầy từ Hà Nội về bồi dưỡng.

Ông Đoàn Kim Đức, phó hiệu trưởng trường này, khẳng định: “Đây giống như hình thức chơi họ (chơi hụi). Học sinh lớp 10, 11 đóng góp cho các anh chị lớp 12 để năm sau, năm sau nữa các em cũng được thế hệ dưới mình đóng góp”. Điểm duy nhất khác với cách chơi họ thông thường là không phải người nào đóng họ cũng sẽ đến lượt nhận phần tiền của mình. Mỗi đội tuyển chỉ có 6-10 học sinh, nên không phải học sinh nào góp “họ” cũng được đi thi.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) số tiền phải đóng là 300.000 đồng/học sinh/năm x 1202 (38 lớp) = 360,6 triệu đồng/năm.

“Quỹ đóng góp này của cả trường là hơn 300 triệu đồng, nhưng do có nhiều hoạt động khác nên số tiền thực chi cho đội tuyển quốc gia chỉ khoảng 200 triệu đồng” - ông Cường nói.

Việc tổ chức thu tiền phụ huynh theo mức được ấn định cụ thể trở thành “giải pháp tài chính” số 1 của một số trường trong cuộc đua các đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.

Từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn thu đáng kể từ học sinh trong và ngoài đội tuyển, chi phí cho cuộc chạy đua giành giải có những nơi đến hơn trăm triệu đồng/đội tuyển. Đó là chưa kể đủ kiểu ôn luyện căng thẳng mà người ngoài cuộc khó có thể hình dung nổi.
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - ĐĂNG NGỌC
 
Kỳ 2: Luyện “gà chọi” cấp tốc

Kỳ 2: Luyện “gà chọi” cấp tốc

Tiền bạc được huy động từ nhiều nguồn khác nhau cuối cùng chảy vào túi một số ít người. Trong khi đó, những học sinh đã vào đội tuyển có nghĩa là phải chấp nhận hi sinh rất nhiều thứ.

ImageView.aspx


Trong các đội tuyển của Phú Thọ, đội tuyển toán được kỳ vọng nhiều nhất. Trong ảnh: học sinh trong đội tuyển toán trao đổi sau đợt ôn luyện tại khách sạn ở 25 Doãn Kế Thiện, Hà Nội - Ảnh: Vĩnh Hà
Khoảng một tháng trước kỳ thi có thể xem là giai đoạn “luyện thi cấp tốc” của tất cả đội tuyển học sinh giỏi quốc gia trên cả nước. Nếu như các năm trước việc “rước thầy từ Hà Nội về” hay di chuyển cả đội tuyển lên Hà Nội luyện thi không phải tỉnh nào, đội tuyển nào cũng làm, thì năm nay rất nhiều đội tuyển đã lao vào cuộc chạy đua để “xin thầy trung ương chỉ giáo”. Và việc tập huấn trở thành một cuộc đua để giành giật thầy giỏi, thầy tham gia ra đề thi, thầy có thể định hướng đề thi, truyền kinh nghiệm để có giải...

Tiền thầy bỏ túi


Tr. - một giáo viên dẫn đội vật lý của Nam Định đang “đóng quân” tại khách sạn Sơn La, cho biết: “Chúng tôi mới mời được hai thầy, chi phí 1-1,5 triệu đồng/thầy/ca học. Thường phải điện thoại trước liên hệ hoặc lãnh đội phải tìm cách gặp thầy mình cần mời, sau đó mới đưa đội tuyển lên”. Tại khách sạn Sơn La thời điểm này còn có nhiều đoàn các tỉnh khác lên thuê chỗ, vừa làm nơi ở vừa là lớp học. Theo một giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đã nhận lời đến dạy, đoàn Thái Nguyên lần lượt đưa tất cả các đội tuyển đi Hà Nội. Khách sạn Sơn La như một “lò luyện thi”, cả những tỉnh vùng miền núi phía Bắc cũng lặn lội đưa học sinh đến luyện.


Tại một khách sạn tư nhân khác ở 25 phố Doãn Kế Thiện, Hà Nội, đội tuyển toán của Phú Thọ và Vĩnh Phúc cùng thuê trọ để tiện mời thầy dạy tại chỗ. Tại đây, theo các học sinh, có 4-5 thầy được mời dạy trong 10 ngày. Đây là đợt lên Hà Nội lâu nhất. Trước đó, các bạn có lên vài đợt nhưng mỗi đợt chỉ hai ngày. Việc phải đi nhiều đợt là do không kết nối được với thầy trên Hà Nội.

Theo một số giáo viên của Trường chuyên Hùng Vương- Phú Thọ, giá thuê thầy phổ biến 2-3 triệu đồng/ca học (hai đến hai giờ rưỡi). Tiền trả cho thầy dạy tại Hà Nội ít hơn so với mời về tỉnh. Để tiết kiệm, trước khi đưa cả đội tuyển lên Hà Nội, một số đội tuyển của Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã được ghép với nhau (tại Phú Thọ hoặc tại Vĩnh Phúc) để cùng học, chi phí trả cho thầy 4 triệu đồng/ca, mỗi bên chịu 50%.

Bạn M., học sinh đội tuyển Hà Nam, cho biết: “Nếu thầy chỉ dạy một buổi, tiền cho thầy 5 triệu đồng/buổi, chưa kể tiền ăn, ở vì phải mời thầy về tỉnh. Còn thầy dạy hai buổi chi phí sẽ đỡ hơn, 7-8 triệu đồng/cả đợt. M. cho biết: “Đội tuyển địa còn phải trả 6 triệu đồng/buổi”.

Theo một giáo viên phụ trách đội tuyển ở Hải Phòng, “mời được thầy về tận nơi vẫn là phương án tốt nhất”. Để được như thế có khi phải cho xe lên Hà Nội đón. Do lịch của thầy đã kín nên có khi đón buổi sáng, chiều phải đưa thầy về để vài ngày sau lại đón. Hải Phòng có đội tuyển đã hẹn hò cẩn thận, đưa quân lên Hà Nội, nhưng thầy bận đột xuất, học sinh lại nằm khách sạn chờ được “xếp lịch”. Những đội không đón được thầy thì phải cho đội tuyển lên Hà Nội.


Theo học sinh và giáo viên ở nhiều tỉnh, mỗi môn chỉ có 5-7 thầy chuyên luyện “gà chọi”. Trong khi tỉnh nào cũng muốn đón thầy. Thế là có tỉnh cạnh tranh bằng mối quan hệ, thái độ phục vụ, có tỉnh nâng giá thuê thầy. Một giáo viên phụ trách đội tuyển ở Phú Thọ tâm sự: “Đội nào may thì có giáo viên có quan hệ tốt với các “thầy trung ương”. Cũng có thầy về đây kể: “Vì quý nên chỉ nhận 2 triệu đồng/buổi, trên Hà Nội có nơi đã trả thầy 3 triệu dạy tại chỗ”.

Ông Hoàng Văn Cường - hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương - phân trần: “Nếu không cho phép thu của phụ huynh, chúng tôi không biết lấy tiền đâu ra. Hiện nay chúng tôi đang cố gắng kêu gọi các mạnh thường quân và xin thêm quỹ khuyến học của tỉnh”.

Bị biến thành “gà chọi”


M., thành viên đội tuyển Hà Nam, cho biết: “Từ một tháng nay chúng em không phải học chính khóa. Sáng từ 7g-10g30 và chiều 2g-4g, chúng em chỉ học tại đội tuyển. Rất mệt vì phải học suốt, lại lo lắng nữa. Dù thế, buổi tối vẫn phải đi học thêm bên ngoài để dự phòng phương án phải thi đại học nếu không có giải”.


Theo một số học sinh đội tuyển Phú Thọ, “nhà trường đã miễn học một số môn nhưng vẫn rất lo”. Có bạn than: “Giờ phải tập trung luyện thi học sinh giỏi, em lo không biết thi tốt nghiệp THPT có lấy được bằng trung bình không”. Lo lắng này không phải không có cơ sở khi học sinh đội tuyển phải dồn gần như tối đa thời gian cho kỳ thi của những “chú gà chọi”. Tại Hải Phòng, các học sinh trong đội tuyển văn cũng cho biết “đã được miễn học các môn phụ”. Thời điểm này, theo giáo viên phụ trách đội tuyển: “Các em chủ yếu chỉ học môn chuyên để đi thi”.

Gặp những “chú gà chọi” trong các “lớp học” ở nhà trọ, khách sạn tại Hà Nội, chúng tôi chứng kiến các bạn đang phải chịu một áp lực quá lớn, một áp lực về thành tích, áp lực phải chiến thắng sau khi đã đầu tư quá nhiều tiền bạc, công sức, thời gian. Các bạn phải ngồi chen chúc trên giường khách sạn để học và học. Phòng không có bàn, giấy vở để trên đùi mà viết hoặc nằm bò ra giường, phòng thiếu khí, thiếu sáng. Nhưng các bạn không thể đòi hỏi hơn khi phần lớn chi phí đã dùng vào việc trả cho thầy.

Với quy định phải thi thực hành (môn vật lý, hóa học, sinh học) và thi nói (ngoại ngữ), nhiều đội tuyển phải quen với việc “đột xuất lên đường” bất cứ lúc nào khi thầy, cô thuê được phòng thí nghiệm, bố trí được thầy truyền kinh nghiệm thi thực hành, thi nói.
Một thực tế mà nhiều học sinh đội tuyển quốc gia cũng phần nào nhận thấy là nếu đoạt giải, con đường của các em rộng mở, nhưng không có giải, các em sẽ là những học sinh phổ thông tốt nghiệp với sự thiếu hụt nghiêm trọng những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết. Bởi vì đơn giản các bạn là những “chú gà” được luyện riêng cho một trường đấu.

Mời “người của bộ” tập huấn Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bộ phận ra đề thi, ngoài thành viên là người của Bộ GD-ĐT còn có các chuyên gia ở trường đại học, giáo viên phổ thông... Không biết từ nguồn nào mà nhiều đội tuyển đều cho rằng nhóm ra đề tập trung ở các trường: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), Viện Khoa học giáo dục. Và không phải ngẫu nhiên mà danh sách các thầy giáo đang “đắt sô” trong việc luyện “gà chọi” hiện nay đều ở những trường, viện kể trên. Không những thế, trao đổi với chúng tôi, đại diện một số trường chuyên trần tình: “Các năm trước thấy tỉnh bạn mời, chúng tôi cũng mời các chuyên gia của Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT). Khi đó, Vụ Giáo dục trung học lo khâu ra đề thi. Nhưng từ khi kỳ thi chuyển giao cho Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) thì thôi không mời chuyên viên vụ nữa”. Giải thích về chuyện “mời người của bộ tập huấn” một số lãnh đội cho biết: “Vì hi vọng có thể được định hướng ra đề thi”. Năm nay, khi trao đổi về hướng mời thầy “trung ương” tập huấn, một số lãnh đội vẫn úp mở việc “mời người của bộ nhưng đang chờ trả lời để xếp lịch”.


V.HÀ - N.HÀ - Đ.NGỌC - TTO
 
Nhưng đi qua hết một chặng đường đến hôm nay nhìn lại thì m, cái gì không thuộc về bạn, bạn không xứng thì đừng cố mua bán, cố sống chết mà đoạt...bởi sau đó bạn sẽ phải mất đi một thứ gì đó khác, giống như sự trả giá vậy! Mà đôi khi cái mất mát kia quan trọng gấp ngàn lần cái bạn cố giành giật... Bằng chứng là những người bạn yếu, đã chạy chọt vào đội tuyển (vì nghĩ rằng sẽ có cửa chạy giải, có giải sẽ được tuyển thẳng không phải thi đại học) thì đều trượt giải và khi thi đại học thì đều trượt đại học (vì trước đó phải tập trung dồn sức chỉ học một môn cho đội tuyển tới tận nửa năm) Các bạn có giải được tuyển thẳng sau đó vào đại học thì hầu hết ít may mắn trên con đường học hành tiếp theo.

Tuy nhiên phải nói rằng, phần lớn việc này là do lỗi của phụ huynh và người lớn, chứ các em học sinh (Cấp 3) chưa nhận thức hết quy luật nhân-quả, và không được giáo dục để chủ động hành động.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top