Đặc trưng của các thể loại truyện kể dân gian

Chị Lan

New member
ĐẶC TRƯNG CỦA CÁC THỂ LOẠI TRUYỆN KỂ DÂN GIAN



1. Đặc trưng chung các truyện kể có yếu tố thần kì


Truyện kể có yếu tố thần kì gồm các thể loại: Thần thoại, truyền thuyết và bộ phận truyện cổ tích thần kì. Trong bộ phận truyện cổ tích thần kì, chúng tôi chia ra thành 2 loại: cổ tích về sự tích và cổ tích thế sự. Cổ tích về sự tích là loại truyện bên ngoài thì lí giải những hiện tượng tự nhiên và xã hội nhưng bên trong lại hàm chứa những bài học nhân sinh. Truyện kết thúc bi kịch nhưng có hậu ở dạng khác, nhân vật chính tuy chết nhưng được hoá thân như: Sự tích trầu cau, sự tích núi Vọng Phu, sự tích con muỗi,… Cổ tích thế sự là loại truyện trực tiếp nêu lên những vấn đề về thân phận của con người nghèo khổ bất hạnh để truyền đạt triết lí của nhân dân: “ở hiền gặp lành”, thể hiện lí tưởng xã hội của nhân dân. Truyện kết thúc có hậu, nhân vật chính được đổi đời như: Tấm cám, Sọ dừa, Thạch Sanh,…Dù là kết thúc như thế nào thì cả hai loại truyện cổ tích thần kì đều có tham gia của yêú tố thần kì. Ở cổ tích sự tích, nhân vật được hoá thân một cách thần kì và ở cổ tích thế sự, nhân vật nhờ yếu tố thần kì mà được đổi đời.

Điểm chung của loại truyện này là có yếu tố huyền thoại nhưng ở mức độ đậm nhạt khác nhau tuỳ theo từng loại truyện. Schelling cho rằng: “Chủ nghĩa tượng trưng là nguyên tắc cấu trúc của huyền thoại nói chung”, ( Dẫn theo E.M.Meletínky: Thi pháp của huyền thoại. Trần Nho Thìn và Song Mộc dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 11). Ở thần thoại, yếu tố thần kì chi phối toàn bộ cốt truyện. Có thể nói môi trường không gian thần thoại là không gian của sự huyền ảo, là thế giới của thần thánh, bóng dáng con người rất mờ nhạt hoặc chưa xuất hiện. Thần là nhân vật tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của thiên nhiên, điều bất khả tri, bất khả chiếm lĩnh. Ở truyền thuyết, mặc dù màu sắc hoang đường thần bí đã giảm so với thần thoại nhưng vai trò của lực lượng thần linh vẫn khá mạnh, có khả năng chi phối hoạt động của con người. Tuy nhiên, ở truyền thuyết là thế giới của con người, thần và người sống xen kẽ, người bắt nguồn từ thần, người có cuộc sống như thần hoặc mang sức mạnh của thần và được thần linh trợ giúp. Thần trong truyền thuyết tượng trưng cho nguồn gốc và sức mạnh của con người. Đến giai đoạn xã hội thị tộc phát triển cao với vai trò của các lạc vương, các lạc tướng, con người là chủ nhân của thế giới nên muốn nâng cao uy thế của một lãnh tụ bộ lạc không gì hơn là khoác cho họ một nguồn gốc và sức mạnh thần thánh bất khả bại. Từ việc sùng bái tự nhiên đến sùng bái các vị lãnh tụ và anh hùng bộ lạc đều dùng phương thức huyền thoại hoá. Các vị lãnh tụ đời sau vẫn dùng phương thức này để nâng cao uy thế và cũng cố vương quyền. Phương thức huyền thoại các hoạt động của tự nhiên và xã hội loài người diễn ra đậm nét ở thần thoại và truyền thuyết với phương châm theo như Cassirer là “nhân cách hoá các vị thần và thần thánh hoá các anh hùng”,(Dẫn theo E.M.Meletinsky: Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr.57). Đến xã hội phong kiến với đầy rẫy bất công, người nghèo và bất hạnh bị thiệt thòi thì thần trong cổ tích tượng trưng cho công lý của nhân dân đem lại công bằng bác ái cho con người.

Khi bàn về thuộc tính chung của tư duy huyền thoại, E.M.Meletínky trong cuốn: Thi pháp huyền thoại, Sđd, tr. 213 cho rằng “tư duy huyền thoại là hệ quả của hiện tượng người nguyên thuỷ còn chưa tách bản thân mình một cách minh xác ra khỏi thế giới tự nhiên xung quanh và đưa vào vào các khách thể tự nhiên những thuộc tính cố hữu của mình”. Ông cho rằng “Ngữ nghĩa truyện cổ tích (cổ tích thần kì – LĐL) chỉ có thể được lý giải từ các nguồn gốc huyền thoại. Đó cũng chính là ngữ nghĩa huyền thoại, nhưng với sự thống trị của mã xã hội, cụ thể ở đây là đối lập cao/ thấp quan trọng nhất trong truyện cổ tích không mang ý nghĩa vũ trụ mà mang ý nghĩa xã hội. Nhiều huyền thoại tôtem và đặc biệt là các giai thoại huyền thoại về những kẻ láu lỉnh được phản ánh rộng rãi trong các truyện cổ tích về loài vật. nguồn gốc huyền thoại rõ ràng là ở trong các cốt truyện cổ tích thần kì hết sức phổ biến kể về cuộc hôn nhân với sinh vật thú tổ kì diệu, tạm thời từ bỏ lốt thú …Truyện cổ tích đã sử dụng rộng rãi các môtíp huyền thoại đi kèm với các nghi lễ hiến sinh”, (Thi pháp huyền thoại, Sđd, tr. 355-356). Các truyện cổ tích sự tích mà ở đó các nhân vật chính được hoá thân thành các cây, con; các truyện hoá kiếp sau khi nhân vật bị ám hại như Tấm Cám; các truyện cổ tích thần kì kể truyện hôn nhân giữa ngườicon gái với người đội lốt thú như truyện Sọ Dừa, Chàng Cóc; truyện cổ tích Thạch Sanh kể Thạch Sanh thay Lý Thông đi nộp mạng cho Chằn Tinh (Trăn tinh) là yếu tố liên quan đến việc hiến sinh.

Theo M. Arnauđốp trong Tâm lý học sáng tạo, truyện hoang đường không hề biết tới tính cách, các nhân vật có những nét cá tính. Các sự kiện diễn ra ngoài thời gian và không gian. Trong truyện hoang đường, mọi chuyện rối rắn trở nên giản lược đến mức không hình dung ra nổi vì chúng bị thay thế bởi các đặc tính đơn nhất và cố định. Trong truyện hoang đường, các tính cách đều tĩnh tại, ở chúng không có sự phát triển và hành động theo sự dẫn dắt bởi cái môtip đã được đề ra ngay từ đầu. Những điều thiện và ác được chủ tâm phân bố như thế nào để chúng không bị pha trộn vào nhau ở cùng một nhân vật. Một bên là giản dị và dịu dàng, từ tâm và ngoan ngoãn, dũng cảm và mưu trí còn một bên độc ác và tàn nhẫn, ghen ghét và xảo quyệt, sợ hĩa và ngu dốt. Ánh sáng và bóng tối ở đây không bao giờ lẫn lộn, các đặc tính mãi mãi thuần túy và cố định. Truyện hoang đường đề ra những sự phát triển rập khuôn trong tình yêu và căm ghét, chiến công và đau khổ, trung thành và phản bội. Tính ngây thơ hồn nhiên, chất hài hước trong sáng. Chủ nghĩa lạc quan không gì lay chuyển nổi đóng vai trò thống trị. Chính cái khuynh hướng muốn xây dựng một thế giới lý tưởng, nơi công lý và hạnh phúc được thực hiện đầy đủ là khuynh hướng mang ý nghĩa vĩnh viễn và phổ quát của các sáng tác dân gian này. Tính chất hoang đường của đa số truyện cổ dân gian mâu thuẫn với tính chất hiện thực của các loại dân ca phản ánh những cảnh sống chân thực. Truyện hoang đường là sản phẩm đều đặn của tưởng tượng, nó có mở đầu và kết thúc và để tránh mọi thứ chệch hướng, nó còn có cả một sự thống nhất nào đó của sườn truyện

2. Đặc trưng chung các truyện kể không có yếu tố thần kì

Truyện kể không có yếu tố thần kì là bộ phận truyện cổ tích hiện thực hay còn gọi là cổ tích sinh hoạt, truyện ngụ ngôn, truyện cười và giai thoại. Ở cổ tích sinh hoạt, nhân vật không được xây dựng từ yếu tố thần kì như thần thoại và truyền thuyết, nhân vật không được các thế lực thần kì giúp đỡ. Xung đột trong cổ tích sinh hoạt được lý giải bằng lôgic của cuộc đời chứ không giải quyết nhờ sự can thiệp của thần linh như các loại truyện truyền thuyết, cổ tích thần kì, sử thi. Cho dù có yếu tố thần kì thì nó chỉ là phương tiện thứ yếu, không ảnh hưởng gì đến số phận nhân vật. Truyện Cây khế mặc dù có nhiều tác giả nghiên cứu xếp vào truyện cổ tich thần kì nhưng thực ra, nó là loại truyên trung gian giữa cổ tích thần kì và cổ tích hiện thực bởi yếu tố thần kì không ảnh hưởng gì đến số phận nhân vật. Hai người, cả anh và em chim đại bàng đều giúp đỡ như nhau nhưng cái chết của người em là do tham lam. Như vậy, những vấn đề về số phận nhân vật, kết cấu cốt truyện, sự kết thúc truyện không do địa hạt của cái thần kì. Nhân vật cổ tích sinh hoạt không xây dựng theo phương pháp lý tưởng hoá, khái quát hoá như cổ tích thần kì.

3. Đặc trưng chung của ngôn ngữ truyện kể dân gian

Ngôn ngữ truyện kể dân gian bao gồm ngôn ngữ của người kể trực tiếp và ngôn ngữ kể gián tiếp, nghĩa là ngôn ngữ truyện. Ngôn ngữ của người kể chuyện là ngôn ngữ bình giá nhân vật, ngôn ngữ dẫn truyện. Ngôn ngữ gián tiếp là ngôn ngữ sự kiện, ngôn ngữ hành động của nhân vật, lời thoại của nhân vật, ngôn ngữ miêu tả.

Đặc điểm của ngôn ngữ truyện kể dân gian là câu kể thường là câu đơn, từ ngữ chủ yếu là thuần Việt. Truyện không chú trọng ngôn ngữ miêu tả tâm lý nhân vật mà là ngôn ngữ hành động, ngôn ngữ của sự kiện. Ngôn ngữ truyện kể mang tính cấu trúc theo một môtíp, theo đường dẫn cốt truyện của từng thể loại. Ngôn ngữ truyện kể cũng tuân theo một chức năng nhất định. Có một số chức năng cố định theo thể loại như chức năng mở đầu, chức năng dẫn truyện, chức năng kết thúc, chức năng bình giá…Mỗi loại chức năng có một số khuôn mẫu nhất định phổ biến cho hầu hết các truyện của mỗi thể loại.

4. Vai trò của những yếu tố tạo nên cốt truyện dân gian

Những yếu tố quan trọng tạo nên cốt truyện dân gian là: nhân vật, sự kiện và tình tiết. Mỗi loại nhân vật chi phối cấu trúc cốt truyện tương ứng. Nhân vật trong truyện kể dân gian là nhân vật kiểu loại chứ không phải nhân vật cá nhân. Vì vậy, nhân vật trong từng truyện của mỗi kiểu loại chỉ đóng vai trò như một tình tiết. Như vậy, sẽ hình thành nên từng kiểu cốt truyện. Kiểu cốt truyện và kiểu nhân vật tương ứng với nó có tính phổ quát. Mỗi sự kiện có những tình tiết bao quanh. Sự kiện cũng mang dấu hiệu phổ quát nhưng tình tiết lại mang dấu hiệu đặc trưng văn hoá dân tộc. Có thể nói rằng: cốt truyện, nhân vật, sự kiện có tính Quốc tế nhưng tình tiết lại có tính dân tộc. Chẳng hạn, nhân vật mồ côi trong mối quan hệ với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ có chung một cốt truyện và sự kiện cơ bản giống nhau, nhưng tình tiết thể hiện trong mỗi sự kiện lại khác nhau. Ví dụ, sự kiện nhân vật mồ côi dạng Tấm về nhà và bị ám hại chết nhưng sự hoá kiếp của nhân vật sau khi chết lại khác nhau trong từng truyện của mỗi dân tộc. Truyện của dân tộc Kinh là chim Vàng anh, của dân tộc Thái là chim Gáy, của dân tộc Chăm là Rùa vàng, của dân tộc Khmer là cây Chuối, của dân tộc Tày là bông Hoa đẹp trong lòng suối… Hình tượng hoa của người Tày có cội nguồn từ thần thoại suy nguyên. Người Tày quan niệm có đấng chí tôn vô thượng là mẹ hoa. Trong khi đó, hình tượng chim lại là cội nguồn văn hoá của người Việt (kinh) trong thần thoại và truyền thuyết về bà mẹ Âu Cơ là loài chim lớn đẻ ra bọc trăm trứng nở ra trăm con. Ở đây, tình tiết có “dấu hiệu cốt lõi là tín hiệu kéo theo của cấu trúc được diễn tả” (Dẫn theo Vũ Anh Tuấn: Tự sự học với vấn đề nghiên cứu đặc sắc tự sự dân gian Tày qua việc khảo sát liên văn bản một típ truyện kể Tày dạng Tấm Cám, Tự sự học-Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb, Đại học sư phạm, H., 2004, tr.186-189). Tín hiệu hoa của dân tộc Tày, tín hiệu chim Vàng anh của dân tộc Kinh là dấu hiệu cốt lõi dẫn đường cho các tình tiết khác nối tiếp phù hợp. Trong truyện Tua Cốc Tua Nhì của dân tộc Tày, khi Tua Cốc hoá kiếp thành bông Hoa, Hoàng tử đem bông hoa về, Hoa và người quấn quýt tháng ngày. Tua Nhì đem lòng ghen tuông bèn trộm Hoa ném cho gà ăn. Lạ thay, con gà ăn Hoa rồi trở nên mang hồn Hoa, suốt ngày quẫn quanh bên con trai Hoàng tử…”. Còn truyện Tấm Cám của dân tộc Kinh thì sau khi hoá kiếp thành chim Vàng anh, chim bay thẳng vào cung vua, Vua đi đâu chim cũng bay theo. Vua linh cảm thấy chim Vàng anh có sự gần gũi nên nói: “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo”, vừa dứt lời, chim đã chui tọt vào ống tay áo Vua. Cám giặt áo Vua, chim Vàng anh đậu trên cành cao bảo: “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch, phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”. Vua rất yêu chim, cho chim vào lồng son, đi đâu cũng dắt theo. Cám lo sợ và tức giận về nhà kể với mẹ, mụ gì ghẻ bảo Cám bóp chết chim. Cám về nhà làm theo lời mẹ, bpó chết chim Vàng anh, nướng cho mèo ăn…. Trong truyện kể, tác giả dân gian rất chú trọng đến tình tiết và sự kiện. Tình tiết là yếu tố quan trọng để xây dựng nên sự kiện và sự kiện là điểm mấu chốt của cốt truyện. Đường dẫn của cốt truyện chính là tình tiết. PGS. Nguyễn Thái Hoà nhận xét rất xác đáng rằng: “Truyện kể dân gian rất chú trọng đến những tình tiết phát triển thành sự kiện hơn là xây dựng nhân vật…Nhân vật thực ra chỉ là cái nút móc nối sự kiện, cũng như phép màu nhiệm, Bụt, Tiên, hoàng tử …là giải pháp tình thế của diễn tiến sự kiện…” (Dẫn theo Nguyễn Thái Hoà: Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb. GD, H., 2000, tr. 16-17).

(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top