Chia Sẻ Cuộc chiến đấu bảo vệ công xã Pari

Trang Dimple

New member
Xu
38
CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ CÔNG XÃ PARI
Sau ngày 18 tháng 3, chính phủ Chie hầu như không có quân đội trong tay. Trốn thoát về Vecxai, Chie tập hợp lại một cách khó khăn mới được chừng 12.000 quân đã mệt mỏi, mất tinh thần, sẵn sàng đào ngũ. Chie đã lợi dụng thời gian rảnh tay không có sự tấn công của lực lượng cách mạng để chuẩn bị chiến tranh đánh lại Pari. Quân số được bổ sung bằng những viện binh của các tỉnh, vì vào cuối tháng 3, phong trào ở các tỉnh đã thất bại. Nhờ đó, quân số của Vecxai đã lên tới 65.000 người.

Các lực lượng của Pari lúc thành lập Công xã có chừng 10 vạn chiến sĩ vệ quốc quân. Sau tăng lên gần 20 vạn, nhưng trong số đó chỉ có 2 hay 3 vạn người được luyện tập. Ngoài ra phải tính đến sự đóng góp đáng kể của những ngoại kiều, có khi gồm cả một đội quân như đội quân người Bỉ, người Ý, người Ba Lan v.v... tham gia cuộc đấu tranh vũ trang của Công xã. Về phương tiện chiến đấu, Công xã có hơn 40 vạn khẩu súng trường, 1.740 khẩu đại bác, quân nhu cũng có nhiều. Nhưng sử dụng được ít, một phần do bọn phản động phá hoại, một phần không có pháo thủ nên chỉ có 320 khẩu đại bác được sử dụng.

Việc cung cấp vũ khí và đạn dược thường rất chậm chạp. Ngày 2 tháng 4, quân Vecxai bắt đầu tấn công Pari. Các chiến sĩ Công xã, nam nữ công nhân thủ đô đã chiến đấu rất dũng cảm, biểu hiện khí thế anh hùng cách mạng và sự hy sinh cao cả. Nhưng những cố gắng phản công của các chiến sĩ không tránh khỏi thất bại vì tổ chức quân sự còn yếu, chuẩn bị chưa đầy đủ, sử dụng pháo kém, kỷ luật của quân vệ quốc còn lỏng lẻo và lãnh đạo quân sự thì lại không tập trung. Trong tháng 4 và đầu tháng 5, quân Vecxai đã chiếm được phần lớn các pháo đài ở phía tây và phía nam Pari.

Từ trung tuần tháng 4, Pari bị bắn phá liên tiếp. Bọn phá hoại, gián điệp hoạt động ngay trong nội thành mà Công xã không kiên quyết tiêu diệt, không kịp thời đóng cửa các báo chí phản động. Mãi đến đầu tháng 4, Công xã mới bắt đầu bắt giữ những tên tay sai của Vecxai. Công xã thiếu cảnh giác để cho bọn gián điệp của Chie luồn vào các đoàn thể, kể cả Chi nhánh Quốc tế Pari để chúng chui vào tận Bộ tổng tham mưu. Chúng còn tổ chức việc đánh cắp bản đồ các lũy chướng ngại và các pháo đài, tổ chức việc mở cửa Pari khi quân Vecxai tiến vào.

Bọn phản động phá nổ một xưởng đúc đạn và phạm nhiều tội ác khác. Công xã còn mắc sai lầm không đụng đến nhà ngân hàng Pháp là nơi còn giữ những món tiền khổng lồ để cho bọn quản lý nhà băng chuyển tiền cho Chie. Trong khi chiến sự đang diễn ra ở Pari thì đại diện của Chie ký với Bixmác một hòa ước nhục nhã ngày 10-5-1871 tại Phrăngxoa trên sông Mainơ. Theo hòa ước đó, Pháp nhượng cho Đức vùng Andát và một phần vùng Loren, phải trả một khoản bồi thường chiến tranh là 5.000 triệu phrăng.

Mặc dầu Bixmác cướp bóc nước Pháp như vậy, nhưng kẻ bại trận và kẻ thắng trận, giai cấp tư sản Pháp và bọn địa chủ Phổ, Chie và Bixmác đã câu kết với nhau để tiêu diệt cách mạng Pari. Theo sự cầu xin của Chie, Bixmác thả 10 vạn tù binh Pháp, giúp cho Chie sử dụng số tù binh ấy vào việc tấn công tiêu diệt Pari cách mạng. Sau khi ký hòa ước, Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Phổ đã cho quân Vecxai đi qua phòng tuyến quân Phổ để tiến công công xã ở mặt bắc là nơi Công xã không để phòng. Bộ chỉ huy quân Phổ còn tham dự tích cực và có hệ thống cùng các tướng lĩnh Vecxai bàn luận tất cả các chi tiết về việc vây hãm và tấn công Pari.

Ngày 20 tháng 5 quân Vecxai bắt đầu tổng tiến công vào thành phố. Bọn tay sai của Chie hoạt động trong thành phố đã chỉ điểm cho chúng biết một khu vực không có phòng thủ của Công xã. Ngày hôm sau, 21 tháng 5 quân Vecxai tràn vào Pari qua cửa Xanh-Clu. Từ đó diễn ra một cuộc chiến đấu ác liệt ở các đường phố mà sử sách gọi là “Tuần lễ đẫm máu” kéo dài từ 21 đến 28-5. Giai cấp công nhân đã chiến đấu anh dũng, có nhiều năng lực kỳ diệu. Quân thù tiến đến đâu chiến lũy mọc đến đấy.

Các chiến sĩ Công xã bảo vệ từng khu phố, từng căn nhà, từng tấc đất. Tuy lực lượng rất chênh lệch, nhưng những người anh hùng của Công xã thà hy sinh trong cuộc chiến đấu chứ không chịu khuất phục. Trên chiến lũy, Đômbrốpxki đã hy sinh oanh liệt.

Đặc biệt là cuộc đề kháng ở các khu phố công nhân đã diễn ra rất quyết liệt, ở đây có gần 1 vạn nữ công nhân và trẻ em nắm chắc tay súng chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ tự do. Ngày 27-5, bọn Vecxai chiếm được khu công nhân Benlơvin. Gần 200 chiến sĩ Công xã rút vào cố thủ trong nghĩa địa Perơ Lasedơ.

Bị vây từ 4 giờ sáng, nhưng cho đến 6 giờ chiều các chiến sĩ Công xã vẫn đánh bật mọi cuộc tấn công và khi cổng bị phá đổ thì các chiến sĩ Công xã không khuất phục, dùng gươm giáo quyết chiến với quân thù qua từng nấm mồ cho đến người cuối cùng bị tàn sát dưới bức tường của nghĩa địa, mà từ đó được gọi là “Bức thành chiến sĩ Công xã”.

Để kỷ niệm sự kiện anh hùng đó, hàng năm nhân dân lao động Pari tổ chức kỷ niệm Công xã bằng cách đặt hoa tại “Bức thành chiến sĩ Công xã”.

Ngày 28 tháng 5, chiến lũy cuối cùng ở ngã tư của hai phố Rămponnô và phố Tuốcti thuộc khu vô sản lọt vào tay quân địch. Vecxai đã thắng, cuộc kháng cự của Pari bị thất bại.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top