• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cùng đọc và suy nghĩ về những bài học - lời khuyên khởi nghiệp.

Giao Su Vọc

New member
Xu
0
Tôi là một người tự học, và tôi đang đi tìm kiếm một con đường...

Hãy học từ những người đi trước bạn. Vậy bạn nhé !!

Thời gian trôi qua nhanh thật. Mới hồi nào tôi nhớ mình cùng anh em trong công ty quyết định khởi nghiệp, vậy mà đến giờ đã thấm thoát một năm trời. Có thể nói chưa năm nào mà tôi cảm thấy "vất vả" như năm vừa rồi, công việc bù đầu bù cổ chứ không còn cảnh nhàn nhã như hồi đi làm ở các công ty. Nhưng đổi lại đó là những kinh nghiệm giúp tôi ngày một dày dạn trường thành hơn cũng như những cảm xúc vui buồn thú vị mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ có nếu không thử một lần khởi nghiệp. Hôm nay rảnh rỗi nên cũng ráng ngồi tổng kết lại để rút kinh nghiệm cũng như chia sẻ với những bạn bè cùng chí hướng xung quanh

Về cá nhân

Tôi nhận ra rằng mình chưa đủ điều kiện để trở thành mẫu người làm việc lớn ;)). Người làm việc lớn có lẽ cần phải có một sự quyết tâm và tham vọng cao độ, đòi hỏi hy sinh rất nhiều thứ trong khi tôi vẫn còn sống rất tự do cảm xúc, vẫn còn ham ăn ham ngủ ^_^. Ngoài ra tôi thuộc tuýp người thích tìm tòi khám phá và ứng dụng cái mới nên có lẽ một môi trường thật thoải mái pha lẫn một chút áp lực sẽ là thích hợp nhất để tôi có thể phát huy tối đa kỹ năng của mình. Còn trong một môi trường khởi nghiệp với khá nhiều áp lực buộc tôi phải làm rất nhiều thứ nên đôi lúc sẽ hạn chế những thế mạnh mà tôi đang có.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa quá trình khởi nghiệp là một sai lầm mà điều tôi muốn rút ra ở đây là có lẽ là để thành công, tôi cần phải tìm thêm cho mình một môi trường mà cụ thể là những người mạnh mẽ dày dạn để có thể làm ...rào chắn bớt những chướng ngại, giúp tôi phát huy tối đa thế mạnh của mình.

Về công việc

- Web 2.0 VN không phải là một thị trường béo bở như mọi người nghĩ. Trình độ user còn thấp, hạ tầng chưa hoàn thiện, thị trường còn quá nhỏ... cùng với sự cạnh tranh gay gắt của rất nhiều công ty đa quốc gia trong một thế giới phẳng đã khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi đến bao giờ các công ty Web 2.0 mới có thể tự nuôi mình. Cộng tất cả điều này lại với nhau ở thời điểm hiện tại thì web 2.0 có lẽ chỉ còn là cuộc đua của những kẻ dư tiền. Và liệu những công ty này cần ...đốt tiền tới đâu thì cũng chưa ai dám chắc.

- Việt Nam hiện vẫn là một nước đang trong quá trình công nghiệp hóa nên mọi nỗ lực hiện nay của chính phủ đều tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Hạ tầng còn ngổn ngang thì khó có thể trông đợi có thể xây dựng một cái gì vững chắc và bền vững so với những nước trong khu vực và hẳn nhiên điều này đã gây ra rất nhiều hạn chế cho các công ty công nghệ Việt Nam.

- Ngoài ra còn rất nhiều thứ VN vẫn chưa sẵn sàng. Nhiều vườn ươm, tổ chức được lập ra nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng do đội ngũ còn chưa chuyên nghiệp và chưa có kinh nghiệm nên bản thân những người trong cuộc vẫn phải tự lo là chính. Các nhà đầu tư angel về công nghệ hầu như không có, các quỹ đầu tư cũng không giúp được nhiều ngoài việc trao đổi thông tin, rồi các yêu cầu về tài chính, marketting... Cộng đồng IT ở VN thì vẫn còn quanh quẩn ở các forum chủ yếu bàn tán những vấn đề ...thư giãn là chính.

Tóm lại không phải vì ...chưa thành công mà tôi than khó ;)), mà thực sự khởi nghiệp ở VN là một quá trình gian nan, và những công ty công nghệ Internet sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Riêng tôi sau khi trải qua với tư cách là người trong cuộc, nhìn lại mới thấy outsource có lẽ vẫn là hướng đi tốt cho VN hiện nay. Vừa có nhiều tiền lại có kinh nghiệm. Sẽ là một trường hợp tối ưu nếu có thể outsource cho các công ty công nghệ Mỹ trong những lĩnh vực R&D và mới như cloud computing... Rồi dùng chính hướng đi này làm bàn đạp để xây dựng các giải pháp cho các công ty trong nước, rồi từng bước mon men ra khu vực. Như vậy xét ở khía cạnh nào thì cũng có ích, vậy thì tại sao không thử nhỉ ^_^

Trích từ Blog: Ngopham.
 
Sự khác biệt giữa dân công nghệ và kinh doanh

Có cơ hội chơi với nhiều người trong cả hai giới công nghệ và kinh doanh, trao đổi về các dự án ý tưởng, tôi nhận thấy có một sự khác biệt rõ nét trong suy nghĩ của những con người thuộc hai thế giới này.

Đối với dân kinh doanh, trước một công nghệ mới, họ thường suy nghĩ chỉ cần tìm hiểu sơ qua về công nghệ này để xem có thể ứng dụng tạo thành những ý tưởng thế nào kinh doanh được là ok. Điều này nghe có vẻ rất hợp lý nhưng tôi có cảm giác một điều gì đó không ổn. Có lẽ điều này chỉ đúng cho những công nghệ đơn giản, còn với những công nghệ phức tạp thì tôi nghĩ phải thực sự là người trong cuộc mới có thể hiểu sâu mọi khía cạnh của vấn đề. Ngoài ra thêm một điều nữa là dân kinh doanh cũng hay có suy nghĩ ý tưởng kinh doanh là cái quan trọng, còn công nghệ chỉ là yếu tố phụ, cứ thuê mấy người coder trung bình là dư sức làm rồi ;)). Điều này dễ dẫn tới những ứng dụng cũng có một kiến trúc ...trung bình, không vững chắc và dễ vỡ. Tôi đã chứng kiến một số công ty thất bại với cách suy nghĩ như vậy.

Còn đối với dân công nghệ, trước một công nghệ mới, họ thường tìm hiểu về những yếu tố mới do công nghệ này đem lại so với công nghệ cũ. Rồi họ suy nghĩ với yếu tố mới này thì liệu mình có thể tạo nên được những ứng dụng với những tính năng ưu việt thế nào so với những cái hiện có. Và thế là họ sẵn sàng bắt tay vào làm mà ít để ý tới việc đầu ra của sản phẩm có bán được hay không. Đa phần những giải pháp này mang tính chờ thời là chủ yếu và thành công đến được với sản phẩm có lẽ cũng phần nhiều nhờ yếu tố may mắn.

Từ hai hướng suy nghĩ khác nhau ở trên, tôi nhận thấy để có được những dự án công nghệ với khả năng thành công cao nhất, thì rất cần những người có khả năng kết hợp được những điểm mạnh của hai hướng này. Đó là những con người với một tầm nhìn về kinh doanh sâu sắc đồng thời am hiểu về công nghệ để có thể vẽ ra được một kiến trúc ứng dụng vững chắc cho cấp dưới triển khai.

Xét về tình hình thực tế hiện nay thì đa phần những người đáp ứng được tiêu chí trên đều xuất phát từ dân công nghệ với một sự nhạy bén trong kinh doanh. Họ từng bước xây dựng sản phẩm cốt lõi, tổ chức bộ máy nhân sự và thống lĩnh thị trường ở lĩnh vực thế mạnh của mình. Còn dân kinh doanh nếu đi theo cách tự làm như này sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi họ không đủ mức độ am hiểu như những người công nghệ, rốt cục những người kinh doanh làm công nghệ thành công đa phần đều xuất phát từ những sản phẩm phân phối lại của nước ngoài.

Từ đây tôi nhận ra một bài học, với những team start-up ban đầu rất cần hiểu rõ những thế mạnh của mình để có thể tận dụng tốt nhất những ưu điểm trước các đối thủ. Một team công nghệ không thể lấy yếu tố kinh doanh làm lợi thế và ngược lại một team về kinh doanh không thể quá chủ quan về mặt công nghệ. Tất nhiên cả hai đều phải nỗ lực để có thể kết hợp hài hòa cả hai yếu tố này. Đến một lúc nào đó vượt qua được một ngưỡng thành công nhất định thì sự khác biệt này không còn quan trọng nữa bởi họ đã có đủ sức và thế để tìm những đối tác bổ sung cho mình :)

Trích từ Blog: Ngopham.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top