Con tắc kè nhớ núi

Hide Nguyễn

Du mục số
Hình như ai mới tập tọng làm nghề viết, đều rục rịch ngứa ngáy muốn khoe khoang thơ phú. Không khoe không chịu được. Với chúng tôi cũng vậy. Khi đó nhất trời, nhì thơ. Tôi coi thơ ngang với thần thánh. Ngoài làm thơ ra, chẳng có gì phê bằng.

Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được dạo quanh phố phường Mục Mã (Tên cũ của thị xã Cao Bằng). Một cái tên gợi đến những miền sơn cước xa thẳm. Tôi được nghe mọi người trong làng nhắc đến từ lâu. Nên tôi thực sự dồn háo hức lên đôi chân dép lốp, cắm đầu mà đi.

Đây là phố thị có những con phố nhỏ hẹp, nằm dưới tán cây um tùm. Những mái nhà cổ kính, lợp ngói máng, bám đầy rêu phong. Những bức tường nham nhở bởi vôi vữa đã bị thời gian làm tróc vỡ, ngả màu xin xỉn. Thị xã nằm kẹp bởi hai con sông. Sông Hiến, sông Bằng. Bốn mùa nước trong xanh, dùng dình dùng dằng trôi.

Trên các con phố khi ấy rất ít người đi lại. Hầu như ai cũng đạp xe, hoặc phần nhiều là người đi bộ. Cánh đàn ông thong dong, hai tay chắp sau lưng, trên miệng càm điếu thuốc lá cuốn. Còn đàn bà vừa đi đường vừa nói chuyện với người hàng xóm. Họ đang bóc rau bí, hoặc phơi chum tương ngoài hiên nhà. Thi thoảng có chiếc xe honda 50 kim vàng giọt lệ, phè phè phóng qua trước mặt mình. Hồi đó ai mà có chiếc xe như thế, hẳn là người giàu sang lắm.

Nguyễn Tuấn có một người chị ruột, đang dạy học ở trường cấp hai Hợp Giang. Trường nằm ngay trung tâm thị xã. Anh rể Tuấn là bạn thân của tôi hồi còn cấp một hai ba thị trấn Trùng Khánh. Hai vợ chồng họ cũng là những người say mê văn chương, từ ngày còn học sinh trung học. Nên khi biết ý định chúng tôi, anh Thành đã hăng hái giới thiệu, chỉ dẫn đường đến từng người, từng nhà.

Người đầu tiên chúng tôi được làm quen là nhà giáo làm thơ Nguyễn Đức Dụ. Anh là một con người trắng trẻo, tầm thước, lởi sởi dễ gần. Từ ngón tay bàn chân, đến đầu tóc đều toát lên một con người thư sinh nho nhã. Đúng là một dạng người “trói gà không chặt.”

Hình như anh Dụ cũng có đánh hơi biết Tuấn và tôi làm thơ từ ngày còn trong bộ đội. Nên ánh mắt anh nhìn lộ vẻ vừa tin cậy, vừa vui sướng khi gặp được những người cùng máu mê thơ phú.

Vốn là nhà giáo, nên anh Dụ rất thận trọng khi vào đề. Không việc gì vội vàng mà khoe thơ ngay. Còn hỏi thăm quê quán, học hành, yêu đương nhăng nhít ra sao. Loanh quanh một thôi một hồi anh mới lôi thơ ra đọc. Đúng là thơ của một nhà giáo. Thơ anh viết đăng đối, chặt chẽ. Câu chữ được anh cân nhắc, lau chùi đến từng dấu chấm dấu phẩy. Vì thế thơ anh Nguyễn Đức Dụ không hề có một hạt bụi, chứ đừng nói gì động đến sex xiết linh tinh. Thơ anh trong suốt một tình yêu với quê hương, dân tộc.

90329-cb1.jpg



Từ anh Dụ, chúng tôi tìm ra những anh em làm văn nghệ kỳ cựu khác. Như bác Tùng Dũng, bác Quang Ngọc, bác Nguyễn Hiền, bác Hàn Thái Lan, bác Thân văn Lư… Đó là những bậc trí thức uyên thâm được đào tạo từ thời Pháp thuộc. Thơ văn của họ phần nhiều là tiếng nói hào sảng, kể về một vùng quê có bề dày văn hóa và truyền thông lịch sử đấu tranh cách mạng. Đọc họ, ta thấy thấp thoáng hơi thở của Hygo, Duma, Stendhal, Lamartine… Với lối viết tinh tế, nhẹ nhàng, dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đến thế hệ kế tiếp anh Hoàng Triều Ân, anh Lâm Ngọc Thụ, anh Bế Việt, anh Bế Thành Long, anh Vũ Thiêm, anh Ngô Lương Ngôn, anh Nông Đình Ngô… Một vài người trong số họ là những hội viên hội văn nghệ Việt Bắc, hội viên hội Nhà văn. Có thể nói đây là những nhân cốt chính làm nên bộ mặt văn chương Cao Bằng bây giờ. Hầu như ai cũng viết văn làm thơ theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Với một tâm lực yêu đời, yêu người, yêu quê hương đất nước một cách hồn nhiên. Song, ở họ có những câu thơ, bài thơ đọc lên bây giờ vẫn óng ánh sáng như trăng bò qua vườn trúc. Tôi thấy từng giọt sương. Giọt sương. Giọt sương. Giọt sương… Lăn. Lăn. Lăn. Lăn ra từ nàng trăng.

Sau đó không lâu, tôi được biết thêm anh Thành Phan, anh Lô Hưởng Ninh, anh Trịnh Phương, chị Triệu thị Mai, chị Trần Thị Mộng Dần… Thơ của họ bắt đầu cựa quậy và có những bước đi bứt phá táo bạo, thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng ổn định của một thời.

Đặc biệt với Trần Hùng. Một con người coi làm thơ là một nghi lễ. Khi ngồi sáng tác, tôi ngờ rằng Hùng có đốt một nén trầm, hay một nén hương. Hùng ngồi đối diện với khói thơm và bắt đầu trò chuyện với thần linh. Những câu thơ bí mật nở ra, vạm vỡ, vuông vức. Viết xong, nếu thấy chưa đạt, Trần Hùng lập tức ném “thơ” vào lửa. Ném một cách quyết liệt, không thương tiếc. Hùng coi cái dở, cái xấu, cái non bấy gần như một tội lỗi.

Bây giờ tôi trộm nghĩ, Trần Hùng đúng là một nhà thơ duy mỹ. Thi sỹ độc tôn cái đẹp. Không chỉ yêu cái đẹp nhìn thấy bằng mắt, mà bằng cả trong tâm hồn tình cảm. Cứ nghĩ đến tác phẩm nghệ thuật, ắt phải đẹp. Bởi vì tôi từng chứng kiến, từ chiếc mũ Hùng đội, đôi giày dép Hùng đi, tất cả đều phải đẹp. Đẹp 100%. Không đẹp không bao giờ dùng. Không đẹp, Hùng chả bao giờ… nhìn.
Còn nhiều, rất nhiều anh chị em trẻ làm thơ khác, như Chu văn Thắng, Vũ Cẩm Linh, hai chị em Bế Thu Thủy, Bế Phương Mai, cô gái Đông Khê mỏng mày hay hạt Đinh Thị Mai Lan… mà tôi không thể nào kể hết được. Nhưng tôi vẫn nhớ thơ của họ thực sự trong trẻo. Trong trẻo đến mức ngay cả những nỗi buồn mà ngày thường đôi khi vẩn đục.

Thật may mắn, tôi được tiếp xúc, được gắn bó làm việc nhiều năm cùng các bạn. Những kỷ niệm ấy cứ nhúc nhích đi lại trong tôi. Mỗi khi nhớ lại, nếu không có họ, tôi chả làm được gì ra tấm ra món phong trào ở Hội. Xin cảm ơn tất cả.

Bây giờ, ở Hà Nội, ngồi một mình trong căn phòng chật hẹp, cũ kỹ và hôi hám, tôi như con tắc kè nhớ suối, nhớ núi, nhớ cây, nhớ những giọt sương đêm, nhớ tiếng đàn then. Nhớ tất cả, chỉ không nhớ những lỗi lầm sai sót của mình. Vậy nên tôi xin mọi người rộng lòng tha thứ.


Y PHƯƠNG_VIETIMES.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top