CON CẦN MỘT LỜI TIẾP SỨC, THẦY ƠI...
Con cần một lời tiếp sức, thầy ơi...
Dạ thưa thầy!
Con còn nhớ buổi học phương pháp giảng dạy của lớp chúng ta tại nhà học ba tầng. Thầy dạy chúng con rằng: "Trong mọi hoàn cảnh phải đổi mới phương pháp giảng dạy...".
Nhưng mà thầy ơi, sự thật cuộc sống không phải thế. Đổi mới gì mà
lớp học vẫn có sĩ số trên 40 em, phòng học vẫn là những băng ghế dài
sòng sọc bốn em một bàn.
Đổi mới gì mà chúng con không được đụng đến cái máy overhead mà thầy
từng khản cổ mắng chúng con là lười biếng không biết nâng cấp kiến
thức. Đổi mới sao được khi mà con vừa chia nhóm để HS thảo luận thì đã
bị tổ trưởng chuyên môn nhắc nhở rằng giờ dạy của con đã để HS làm ồn
đến các lớp bên cạnh (!). Còn hiệu trưởng thì nhắc nhở con kết quả tốt
nghiệp không cần đến những buổi thảo luận ồn ào thế đâu. Con phải làm
thế nào, thưa thầy?
Dạ thưa thầy!
Trưa nay, một nữ sinh lớp con đang ngồi trong lớp tự nhiên ho khan,
mặt tái xanh rồi nôn thốc nôn tháo ở cuối lớp. Vốn có chút kiến thức y
học, con nhìn con bé rồi mặt con cũng tái xanh theo. Rốt cuộc, con bé
và thằng bé người yêu của nó chuẩn bị ra hội đồng kỷ luật. Một đám cưới
đã diễn ra, thầy ạ. Đám cưới mà buồn hơn đám ma...
Con buồn và thấy mình bất lực quá. Tại sao nhà trường chúng ta
không dạy giáo dục giới tính cho trẻ? Chúng ta sợ vẽ đường cho hươu
chạy hay là để mặc hươu chạy vào bụi rậm? Thầy ơi, con đau lòng biết
mấy khi biết hiện nay tỉ lệ nạo phá thai của trẻ vị thành niên ở nước
ta thuộc vào hàng cao nhất thế giới.
Con thấy trách nhiệm đè nặng lên vai mình. Chúng con - những thầy cô
giáo - có lỗi quá phải không thầy? Tại sao chúng con không dám mạnh dạn
nói đến những điều đó trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm? Tại sao chúng con
biết mà vẫn mũ ni che tai?
Dạ thưa thầy!
Chiều nay con đi dạy về, băng qua ngã tư đèn xanh đèn đỏ con nhìn thấy
một cụ già mù râu tóc bạc phơ, ăn mặc rách rưới đang đứng chìa tay xin
tiền. Một tốp học sinh chạy ngang vứt vào đó nhiều tờ giấy cắt hình chữ
nhật, chúng nó đợi ông lão cất tiếng cảm ơn rồi cười hô hố.
Thầy ơi, lòng con đau đớn quá! Đám học trò ấy không đeo phù hiệu trường
con dạy, con đã thoáng thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện điều ấy, rồi con
lại thở dài. Biết đâu chừng học trò của con cũng làm vậy mà con chưa
bắt gặp. Thầy ơi, có phải lỗi tại chúng con không biết dạy các em kính
trọng người già, thương yêu kẻ bần hàn, không biết cách thắp lửa nhân
ái trong lòng các em?
Thầy ơi, chúng con dạy môn giáo dục công dân với những bài hàng chục
trang sách cho HS khối 10 về cơ bản triết học, về qui luật vật chất và
ý thức. Tuổi 16 của học trò con có hiểu được triết học không hả thầy?
Dạ thưa thầy!
Tại sao chúng con không được dạy cho HS những bài học giáo dục công dân
bắt đầu từ tình yêu quê hương gia đình hàng xóm, yêu con đường nho nhỏ
dẫn ra bờ sông, yêu mùa lúa vàng trĩu bông đượm giọt mồ hôi của người
cày cấy... Sao chúng con không được dạy giáo dục công dân cho HS bằng
những mẩu chuyện về tâm hồn cao thượng, rằng một người mạnh là người
nâng người khác trên đôi vai của mình?
Dạ thưa thầy!
Tháng rồi con nằm viện mà đêm cứ mơ về kỳ thi chọn HS giỏi của tỉnh
con. Thầy ơi, con vẫn nhớ lời thầy dạy, dạy học trò giỏi là dạy học trò
tư duy và phương pháp. Thế nhưng khi con lãnh đội tuyển, hiệu trưởng
không nói như thầy mà giao chỉ tiêu bao nhiêu giải. Thầy tha lỗi cho
con khi con dạy học trò đi trên những lối đi quen mòn để bảo đảm cho có
kết quả.
Con hèn quá phải không thầy? Thầy vẫn dạy con mỗi nhà giáo là một nhà
khoa học, phải đam mê khoa học mình theo đuổi suốt đời. Vậy mà con đã
không dạy học trò mình đam mê mà chỉ dạy chúng đối phó với các kỳ thi
HS giỏi. Rồi con lại phập phồng lo sợ chúng không học vẹt bằng những
đứa khác, sợ những bất công trong thi cử làm chúng bị rớt. Con thật
chẳng ra gì phải không thầy?
Dạ thưa thầy!
Sáng qua, đứa học trò thông minh nhất của con đã hỏi con rằng lớn
lên nó có nên làm nghề giáo như con không? Câu hỏi ấy giống như câu mà
con đã hỏi thầy nhiều năm trước đây. Con chẳng biết trả lời thế nào.
Đang phân vân thì nó lại hỏi tiếp rằng tại sao thầy cô giáo cứ dạy
những điều mà bản thân họ không thích hay biết không hợp lý mà vẫn dạy.
Nó nói rằng nó đã đọc trong một tháng để biết sơ qua những tác phẩm của
Nguyễn Du và cần thêm ngần ấy thời gian để đọc Hồ Xuân Hương. Thế mà
tại sao con chỉ dạy có mấy tiết làm sao nó hiểu!
Thưa thầy, tại sao chúng con là giáo viên trực tiếp đứng lớp mà
không ai cho chúng con quyền được lên tiếng về những bất cập của chương
trình và sách giáo khoa mà chúng con đang dạy?
Dạ thưa thầy!
Thầy hãy trả lời con biết nên làm thế nào để đi tiếp cho trọn đường
trần với nghề giáo mà con đã trót yêu? Bức thư này con viết cho thầy
trong một đêm dài của tháng mười một. Con thành tâm chúc thầy và những
bạn đồng nghiệp của con sớm có lời giải đáp cho những câu hỏi nhức nhối
tận đáy lòng. Có một điều chắc chắn rằng con sẽ đi tiếp con đường mình
đã chọn. Bởi vì nếu bỏ chạy là hèn nhát. Nhưng con cần một lời tiếp
sức, thầy ơi!
(ST)