• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Có những nhà văn như thế.

Hide Nguyễn

Du mục số
Tiêu đề của bài viết được lấy từ cuốn sách : "Có những nhà văn như thế " của Hà Vinh - Vương Trí Nhàn. Đây là cuốn sách chân dung văn học gồm các nhà văn nổi tiếng thế giới. Trong phạm vi sưu tầm có thể , chủ đề này đề cập đến cả các nhà văn Việt Nam đã lưu danh, và các nhà văn mới có nhiều tác phẩm để lại dư âm trong lòng bạn đọc vài năm trở lại đây.

Các bạn có thể hiểu giản dị cùng Hide rằng, chủ đề này là chân dung về các nhà văn Việt Nam và Thế giới (tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm nổi bật).


-----------------



BĂNG SƠN - "CÂY" ĐOẢN VĂN CỦA HÀ NỘI


Tôi quen biết Băng Sơn từ những năm của thập niên 50, khi đó ông là người "gõ đầu trẻ" ở Trường tiểu học Cao Bá Quát trong một ngõ nhỏ (ngõ Hàng Hành) gần hồ Hoàn Kiếm.

Băng Sơn, (tên thật là Trần Quang Bốn), sinh ngày 18-12-1932, quê cha ở Bình Lục (Hà Nam); quê mẹ ở làng Sét, Thanh Trì (Hà Nội). Sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Giàng, Hải Dương, ông làm thơ và viết văn từ năm 1949 và đã có những bài viết được đăng báo từ thuở thiếu thời với những bút danh khác nhau: Băng Sơn, Mai Băng Phương, Trần Cẩm Giàng, Quang Chi....

onglao.jpg


Đã có một thời, Băng Sơn là phóng viên báo Độc Lập, sau đó ông nghỉ hưu, chuyên tâm với nghề viết. Làm báo chỉ là cái "cớ" để Băng Sơn theo đuổi nghiệp văn chương. Trong suốt một thời gian dài, ông sáng tác thơ là chính - Và người đọc thường thấy thơ của Băng Sơn trên nhiều tờ báo lớn ở Thủ đô Hà Nội với chất thơ mượt mà, thắm đượm tâm hồn con người và cảnh vật.

Sau năm 1975, Băng Sơn viết đoản văn. Có thể nói đây là thể loại văn học sở truờng của riêng Băng Sơn. Tư duy bằng ý thơ, nhưng biểu đặt bằng văn xuôi. Một cây bàng, một khóm tre, một cánh buồm, một giọt sương, một con phà, một chiếc điếm canh đê.... đều là chủ đề với lối viết đầy cảm xúc làm rung động tới tâm can người đọc của riêng Băng Sơn.

NV_Bang_Son_1.jpg


Nhà văn cùng phu nhân.

Trong mỗi chúng ta đều có quê hương, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của một thời để thương, một thời để nhớ, nhất là ký ức tuổi thơ. Với quê hương, Băng Sơn viết: "đồng quê êm ả. Đồng quê yêu thương. Có bao nhiêu là tiếng nói, tiếng gọi ta về sống lại một thời thơ ấu êm đềm, dù cho ta đang ở một phương trời xa lắc. Rồi ta tự lắng nghe trong lòng ta những tiếng đồng quê thân thương ấy cứ cát lên vô hình trong sâu thẳm tim ta..." (bài Tiếng đồng quê trong tập "Bóng bảy màu" - Nhà xuất bản Kim Đồng, 1996).

bang3.jpg

Là "thổ công" của Thủ đô muôn mến, ngàn thương, là con người gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua. Băng Sơn am hiểu tỏ tường mọi mặt đời sống xã hội của đất kinh kỳ. Ông nhớ từng gốc cây của những phố cổ và quanh hồ Gươm. Ông nhìn vào đâu cũng nhận ra kỷ niệm và bóng hình bạn bè, kẻ còn, người mất. Một đường phố cổ, một công viên có nhiều cây xanh. Một mái nhà rêu phong đến một món quà của riêng Hà Nội.... đều được con mắt tinh đời của ông "điểm mặt".

Với Hà Nội, ông có tình yêu đến lạ kỳ, vừa hoài cổ, vừa tân kỳ. Một tâm hồn văn sĩ hiểu thấu đáo Hà Nội xưa và nay đến từng chân tơ kẽ tóc. Riêng cách ăn chơi lịch lãm của người Hà Nội, Băng Sơn đã đem đến cho người đọc hai cuốn sách "Thú ăn chơi của người Hà Nội" tập 1 và tập 2 do NXB Văn Hoá ấn hành các năm 1993 và 1996, khoảng 600 trang. Chắc chắn đây sẽ là một món quà quý đối với bất cứ người dân nào của Hà Nội.

Tính đến nay, ông đã cho ra mắt bạn đọc khoảng 500 bài đoản văn đăng tải hầu hết trên các bài báo lớn ở thủ đô Hà Nội. Trong các năm 1993, 1995 và 1996 ba cuốn sách (đoản văn) của Băng Sơn: "Ngàn mùa hoa", "Con thuyền hoa". và "Bóng bảy màu" do các Nhà xuất bản Phụ Nữ và Kim Đồng ấn hành đã đến tay bạn đọc trên nhiều vùng của đất nước.

Tuỳ bút cũng là "thế mạnh" của Băng Sơn. Đến nay con số này ước khoảng 500 bài đã được đăng tải trên báo chí. Phần lớn những tuỳ bút hay được tập trung ở các cuốn "Hương sắc bốn mùa" NXB Phụ nữ 1993; "Nước Việt hồn tôi" cũng do NXB Phụ nữ ấn hành năm 1995, khoảng 300 trang. Tiếp đến là tập tuỳ bút "Nghìn năm còn lại" do NXB Hà Nội ấn hành năm 1996.

Những ấn phẩm trên nói lên điều gì?

Ở Băng Sơn không chỉ là tình yêu văn học, nỗi đắm say với nghiệp văn chương, sự suy nghĩ chín chắn của một cây viết có bề dầy năm tháng mà chính là sự miệt mài, làm việc hết mình, lao động không mệt mỏi, lao động sang tạo và nghiêm túc của một con nguời "hiến dâng" cả đời mình cho sự nghiệp văn chương. Sức làm việc của ông khiến nhiều cây bút chuyên nghiệp cũng phải vị nể. Bạn văn thường nói về ông: "Một kỷ lục gia về sức làm việc, một cây viết "dai phông". Chả vậy mà người ta tính rằng một năm có 365 ngày, chỉ từ đầu năm đến cuối tháng 9-1997, Băng Sơn đã "sản sinh" 355 bài viết được in ấn trên nhiều tờ báo lớn ở Hà Nội và trên một số địa phương khác. Nếu theo số học mà tính, mỗi ngày "cây " đoản văn này của Hà Nội đã có hơn một bài viết, một "áng văn chương" làm đẹp thêm đời sống văn hoá của người dân Hà Thành. Bạn viết có người thường nói vui: "Băng Sơn là một trong những "ngũ hổ" viết khoẻ của Hà Nội: Băng Sơn, Lê Bầu, Phong Thu, Tạ Hữu Yên, Lữ Giang".

bang2%281%29.jpg

Sức làm việc của ông thực sự là điều đầy "bí ẩn", đầy khám phá, không chỉ có sức bền mà còn đầy mẫn cảm, kỳ thú và mộng mơ. Với trà ngon và thuốc lá Thủ đô, chỉ hút một thứ "Thủ đô", làm việc thâu đêm với đèn sách. Ngày qua ngày, tháng hết tháng, năm theo năm. Băng Sơn chạy đua với thời gian không biết mệt mỏi. Với ông thời gian thực sự là vàng ngọc. Hình như con người ông sinh ra để viết, không viết không chịu được.

Coi tôi là chỗ thân tình, ông bộc bạch về những ấn phẩm chuẩn bị "trình làng" trong tương lai không xa. Từ nay đến năm 1998. có thể in "Tùm lum" NXB Kim Đồng, khoảng gần 100 trang; tuỳ bút "Đường vua đi", NXB Thanh niên khoảng 300 trang; "Cái thú lang thang"; "Hồn và mực", NXB Hải Phòng, viết về chân dung một số văn nghệ sĩ. Cả bốn cuốn sách trên đã duyệt xong ma két và đã đưa vào kế hoạch xuất bản trong thời gian tới.

- Xin anh cho biết dự kiến trong tương lai?- Tôi "phỏng vấn" nhà văn.

Với khuôn mặt đôn hậu, mái tóc xoà bạch kim rất nghệ sĩ và luôn nở nụ cuời tươi trên môi, Băng Sơn đưa tôi đọc những bài viết đầu của cuốn "100 ngôi nhà Hà Nội".

Đối với bạn tâm đắc, Băng Sơn rất trân trọng, quí mến và thường đọc cho nghe những sáng tác ban đầu của ông. Với câu nói "giàu vì vợ, sang vì bạn" là câu nói cửa miệng của người đời, thì Băng Sơn là người.... rất sang, bởi ông rất đông bạn bè. Bạn văn, thơ, hoạ, nhạc đều có cả.

Nếu nói về nhân cách của người cầm bút, thì Băng Sơn là con người giữ được phẩm hạnh của một nhà văn chân chính hành nghề, "kiếm sống" bằng chính sự làm việc cần cù, siêng năng của bản thân. Nhiều bạn thân quen ngạc nhiên khi biết ông làm việc cật lực như vậy và những tác phẩm được in ấn không phải là nhỏ nhoi, nhưng chưa là... Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông thường "chối khéo", không giải thích, chỉ trả lời bằng những nụ cười.


Bản quyền bài viết của Lê Việt, Báo Thừa Thiên Huế, số ra ngày 16/11/1997.
 
BĂNG SƠN VỚI NHỮNG TÙY BÚT HÀ NỘI

Trong lịch sư một ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội đã dung lạp biết bao nhiêu người tứ xứ đến làm ăn lập nghiệp. Người Đông Ngạc, La Khê, Đình Bảng mở hàng vải ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Người Cự Đà với nghề dệt. Người Hè, Buởi có mặt ở Nam Tràng, Ngũ Xã, Hàng Đồng. Nghề ảnh của người dân Lai Xá và biết bao nhiêu làng nghề lấy kẻ chợ làm nơi giao lưu, tiêu thụ và dịch vụ: cắt tóc Ô Kim Liên, Ô Đồng Lầm, nem Phùng, bánh giày Quán Gánh, bún Phú Đô, gạo tám Mễ Trì, lụa Hà Đông, Lĩnh Bưởi, cốm vòng tranh làng Hồ. Cái gì đẹp nhất nước, ngon nhất nước sau tiến vua là tiến cho Thăng Long, Hà Nội. Ngoại Kiều cũng tìm đến Thăng Long lập nghiệp: Tây đen bán vải, người Phúc Kiến, Quảng Đông chiếm gần hết phố Lãn ông, Hàng Buồm và xung quanh. Từ bán thuốc ê đến các thứ nhị thiên đường, những hàng ăn từ sực tắc, Lồ Mai Phàn đến các Đông Hùng Viên, Tân Phúc Điền, Mỹ Kinh.... Tây cú, tay thực dân làm nhiều nhà cho thuê ở Hà Nội. Tất cả những cái đó, ngọn ngành sâu xa và rộng lớn hơn rất nhiều đã được Băng Sơn khai thác trong các bài viết, tản văn, tuỳ bút của ông về Hà Nội.

Thạch Lam, Vũ Bằng, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân mỗi người một phong cách đã để lại trong âm hưởng người Hà Nội, Người trong cả nước và văn đàn những áng văn trác tuyệt. Đó là vàng bốn con chín của văn chương chữ quốc ngữ viết về văn hoá Hà Nội. Băng Sơn biết rằng các vị trưởng lão đó công lực thâm hậu và văn lâm đã trải chiếu hoa cho các vị đó, còn Băng Sơn phải tự đi trải cái chiếu của mình. Thật vậy, cái chiếu của ông đã được trải vài thập niên 90 sau cả một đời suy ngẫm, tích góp, đọc và ghi chép. Cái bài tản văn tuỳ bút của ông đăng tải rầm rộ trên các mặt báo với nhiều lĩnh vực của văn hoá tryền thống và đời thường Hà Nội. Ông bay bổng với rượu và cơm nguội, la đà với đào thế và búp khoai cho tương ăn với cơm nồi đất. Ông trăn trở những chân dung bạn bè và đời thường với hè phố cổ Ngõ Gạch, Sầm Công, Phất Lộc.... Băng Sơn đã căng mình ra như tiếng ve mùa hạ trong lim, trong sấu Hà Nội với sức làm việc đáng khâm phục.

Hà Nội bùng nổ về nhiều phương diện, lên cấp về mặt văn minh hàng hoá nhưng rất đáng lo ngại về mặt dân trí, đạo đức. Ông đã đề cập, cảnh tỉnh vấn đề này. Ông muốn giữ cho Hà Nội một vẻ đẹp về văn hoá, tinh thần dân tộc trong cái đi lên của văn minh vật chất. Băng Sơn lặn ngụp trong muôn mặt của văn minh đời thường của Hà Nội để cảm, để yêu, để sót xa, để giận giữ những cái Hà Nội hiện hữu.

Băng Sơn là một nhà văn, nhà thơ đa phương diện về văn hoá và đời thường Hà Nội. Thơ đã giúp ông sạch và bay bổng. Kiến thức cuộc đời và sách vở đã giúp ông lách đến tận khe kẽ của Hà Nội không chê vào đâu được.

Bản quyền bài viết thuộc về Doãn Trang, Lao động Xã hội, số 41 ra ngay 4/10/1996.
 
Có một Sơn Tùng như thế ...



Khi tôi đến, nhà văn Sơn Tùng đang ngồi ở bàn làm việc. Qua khung cửa nhỏ, ông lặng ngắm những tia nắng cuối cùng chìm dần vào hoàng hôn. Ông chợt suy tư. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, không xa nữa, những khát vọng, những hồi ức cũng sẽ theo ông chìm vào cõi vĩnh hằng.

Con người sinh ra và chết đi cũng là lẽ thường. Với Sơn Tùng cũng vậy. Ông không sợ cái ngày đó chóng đến. Ông chỉ sợ cái ngày đó sẽ đến khi ông còn chưa thực hiện xong những kế hoạch cuối cùng của cuộc đời. Đó cũng là nét riêng của Sơn Tùng. Đến cuối đời chỉ sợ mình cống hiến chưa đủ.

small_247205.JPG


Nhà văn Sơn Tùng

Có lẽ bây giờ, để tìm một người biết, am hiểu về các bực lãnh tụ cách mạng, để tìm một người gần gũi, mộc mạc đến khó tin, người ta nghĩ ngay đến nhà văn Sơn Tùng. Đã ngoại bát tuần, lại là tác giả của rất nhiều đầu sách có giá trị về lịch sử, nghệ thuật nhưng căn nhà ông ở vẫn chỉ là căn hộ tập thể cũ nát, chật hẹp. Ông cười khề khà bảo: “Tôi là nhà văn không biết làm kinh tế nên vẫn nghèo”. Nhưng có lẽ đó chỉ là cách giải thích “vụng về” cho cái không giàu của ông. Bởi nếu ai đã biết Sơn Tùng, sẽ biết chuyện ông không thèm kiện tụng để lấy lại căn nhà rất có giá trị ở trên đường Thụy Khê. Thậm chí ngay cả khi được nhà nước cấp cho 1 căn nhà, ông cũng nhường lại cho người khác.

Sơn Tùng sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo xứ Nghệ, nơi có những nhà nho với củ khoai củ sắn, chữ đầy bồ. Chính sự giản dị, thanh cao nhưng đầy nhân cách của lớp trí thức đi trước đã để lại cho Sơn Tùng những ấn tượng đẹp đẽ. Người mà ông yêu kính, nể phục nhất là cụ Đặng Văn Thụy, một vị quan thời nhà Nguyễn. Là quan nhưng cụ Thụy vẫn nhất mực thanh liêm. Ngày ngày cụ ra đồng cuốc cày cùng nông dân. Nuôi sự thanh cao, nhân cách bằng củ khoai củ sắn. Là lớp hậu sinh, chưa được gặp cụ Thụy lần nào nhưng những câu chuyện về cụ đã khắc sâu vào tâm trí ông. Để bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng ông gàn vì dám “khinh” vật chất. Ông chỉ cười hiền: “Của cải vật chất sau này mà để lại thì rồi cũng sẽ mất. Còn phẩm chất, cốt cách mới chính là vết son đẹp đẽ không thể phai mờ”.

Với Sơn Tùng, người thầy đầu tiên của ông chính là người mẹ, một người đàn bà hát phường vải nổi tiếng xứ Nghệ. Bài học đầu tiên đến trong một lần ông vấp phải chiếc ghế và bị ngã. Chị ông chạy lại đỡ em dậy và dỗ : “Chiếc ghế hư, làm em ngã”. Mẹ ông ở gần đó ôn tồn bảo: “Em bị ngã là do không cẩn thận chứ chiếc ghế có tội tình gì mà con mắng nó”. Mẹ còn dạy ông về nhân nghĩa, sống ở đời, trước khi trách một ai cũng phải ngẫm lại và không bao giờ được nghĩ đến việc trả thù. Ông tâm sự rằng thời gian, bom đạn, vết thương của chiến tranh đã lấy đi của ông nhiều thứ trong tiềm thức. Nhưng bài học đầu tiên về cuộc sống, về nhân sinh của mẹ vẫn không thể phai mờ. Nó đã được khảm vào trái tim và trở thành lẽ sống của ông.

small_247208.JPG


Tài sản lớn của ông là sách và những tác phẩm văn học có giá trị

Người thầy thứ 2 trong cuộc đời Sơn Tùng là Bác Hồ. Qua những câu chuyện và cả những lần gặp gỡ đã vun đắp cho chiến sỹ, nhà báo trẻ ngày ấy về vốn sống, về nhân cách con người. Mỗi tác phầm của ông là những phút trải lòng về người cha già của dân tộc. Đó cũng chính là thành quả của mồ hôi, nước mắt của bao lần ông lặn lội vào Nam, ra Bắc để tìm những tư liệu quý báu về Bác. Tuổi trẻ, ham tìm hiểu, ham cống hiến. Ông đã tìm đến cả những người sống cùng thời với Bác. Họ đã kể cho ông nghe những câu chuyện về tuổi thơ, về những năm tháng đầu tiên người thanh niên trẻ Nguyễn Sinh Cung còn ấp ủ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc. Được tiếp xúc, gặp gỡ những người như thế mới tìm được nguồn tư liệu quý báu mà không bút sách nào có được. Ấy thế mà khi ông công bố rằng mình biết 141 cái tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dùng trong sự nghiệp cách mạng thì không ai tin và cho rằng Bác không thể có nhiều tên như thế được. Người ta chỉ thừa nhận ông đúng cho đến khi bao nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu dày công tìm tòi và tìm ra đươc 173 cái tên Bác đã từng dùng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.

Chuyện ông viết ra những gì mình đã cất công tìm tòi cũng thật lạ. Vất vả ngược xuôi là thế, nhưng hồi đó ông không có ý định sẽ viết nó thành sách. Ông lưu giữ những mẩu chuyện có giá trị đó trong ký ức của mình và cũng để tỏ lòng tri ân với người cha già dân tộc. Sau này, ông dùng ký ức để viết lại những câu chuyện đó chỉ để những câu chuyện đó không trôi theo thời gian cũng như gánh nặng của tuổi tác. Hơn nữa đó cũng là cách thiết thực nhất để mọi người có thể tìm hiểu được một cách sâu sắc hơn về cuộc đời, nhân cách và đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi nét chữ, mỗi câu văn là những xúc cảm hiện lên từ chính trái tim ông. Ông khẳng định rằng những tác phẩm của ông có hay hay không còn tùy người đọc đánh giá. Nhưng khi đã viết lên từ trái tim thì chắc chắn là không sai.

Chén trà cuối trong cuộc trò chuyện, nhà văn Sơn Tùng đã kể cho tôi nghe về những năm tháng hoạt động cách mạng và làm báo của ông. Là câu chuyện về cô giao liên 8 tháng trời cáng ông từ chiến trường miền Nam ra đến Quảng Bình lúc ông bị thương. Là câu chuyện về bà mẹ già đã nhường ông từng chiếc giường, manh chiếu lúc ông xin ở nhờ… Biết bao nghĩa tình đã thấm đẫm trong tâm hồn ông. Ông dự định sẽ viết những câu chuyện đó ra thành sách, cũng là cách ông trả “món nợ tình” mà ông đã “vay” của những người dân mộc mạc, giản dị nhất.

Bây giờ, khi ngấp nghé tuổi 82, Sơn Tùng không dám nói trước được điều gì. Vết thương chiến tranh cũng khiến ông lên cơn đau dữ dội trong những khi ông thăng hoa cùng ngòi bút. Ông vẫn sống bằng tâm linh. Hằng ngày, từ 1 giờ cho đến 3 giờ sáng ông lại thức dậy, thắp hương lên bàn thờ phật, bàn thờ thờ những danh nhân văn hóa như cụ Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Du, Bác Hồ…và lặng lẽ ngồi thiền. Trong căn phòng khách treo đầy ảnh Bác Hồ, ngày ngày ông vẫn tiếp rất nhiều khách tới chơi. Ông vẫn ấp ủ những kế hoạch cuối cùng của cuộc đời mình, đó là những tác phẩm về Bác, những tác phẩm về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà ông tham gia và cả những mẩu chuyện về xứ Nghệ, nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông sợ thời gian sẽ không cho phép ông thực hiện những ước nguyện đó. Nếu điều đó có xảy ra, ông đành mang cái lỗi đó ra đi trong trăn trở…


Nguồn :vnmedia.vn/
 
Nguyễn Xuân Khánh - Nhà văn không có tuổi.

Nguyễn Thẩm Văn

Sau vụ chấn thương kéo dài qua nhiều mùa giải, Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện trở lại trong màu áo đội tuyển quốc gia và nhanh chóng lấy lại phong độ của mình. Đúng như những người hâm mộ anh từng kì vọng, ra sân trận này, bằng những pha đi bóng cực kì ngoạn mục, Nguyễn Xuân Khánh đã liên tiếp gây sóng gió cho khung thành của đối phương và lập tức trở nên cực kì sáng giá với hai pha dứt điểm rất đẳng cấp ngay trong hiệp một: “Hồ Quý Ly” và “Mẫu thượng ngàn” giành liên tiếp hai giải: Cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn VN và Giải thưởng hàng năm Hội Nhà văn Hà Nội.

ng%20xuan%20khanh.jpg

Có thể nhiều nhà văn sẽ phản ứng tôi khi dùng cách so sánh có phần khập khiễng này. Sao lại đem cái chân so với cái đầu, nói thế khác nào bì phấn với vôi? Vâng, đúng vậy! Song tôi vốn rất mê bóng đá, thành ra thích kiểu nói này. Xin các đại gia bỏ quá cho. Thực lòng tôi chỉ mong muốn các nhà văn ta luôn trẻ khỏe như tuyển thủ, chứ lúc nào cũng cao đạo xênh xang diệu vợi thì không khéo sẽ cũ kĩ già nua như nha may co khi gia lam (nhà máy cơ khí Gia Lâm hay là nhà mày có khỉ già lắm) thì buồn quá!

Xem như bác Nguyễn Xuân Khánh ấy, U80 mà còn rất trẻ. Trẻ cả ngoài đời và cả trong văn. Ngoài đời ông thế nào đã rất nhiều người viết, cảm giác chung sau khi đọc các bài viết đó là sự sôi nổi nhiệt thành, đôi lúc còn tếu táo thả phanh khiến bạn bè rất khoái. Còn trong văn thì phải nói rằng ông vừa già vừa trẻ, già dặn trong trải nghiệm cuộc đời còn tươi trẻ trong việc thể hiện nó ra trên từng trang viết. Nhất là khi ông viết về sex, có thể nói là hấp dẫn hơn cả xem sex thật. Đọc thấy sức vóc ông (dĩ nhiên là thông qua nhân vật) hừng hực như một gã chăn bò lang thang giữa những cô gái Digan trong đám dân du mục. Nhưng việc ông dụng công tả sex đâu chỉ đơn thuần nhằm câu khách mà còn gửi gắm nhiều ý tưởng. Đúng như ông từng tâm sự với bạn bè về yếu tố sex trong cuốn “Mẫu thượng ngàn” :”Đề cập đến nhục cảm không có gì xấu, sự giao hòa đàn ông và đàn bà là đẹp nhất và người nhất, không thể lảng tránh. Nó thể hiện sức sống Việt, phồn thực Việt và làm nên sức mạnh Việt Nam cứu rỗi dân tộc và nhân bản”.

“Mẫu thượng ngàn” quả là một cuốn sách hay. Trong cuốn sách này, tác giả đã lý giải một cách thuyết phục nhất về một vấn đề khó lý giải nhất xưa nay là “Bản sắc văn hóa Việt”. Bản sắc không thể là thứ vay mượn được, vì thế bản sắc văn hóa Việt đâu phải xuất phát từ đạo Giáo, đạo Nho, đạo Phật đã hàng ngàn năm chế ngự trên xứ sở này mà khởi nguồn của nó là Đạo Mẫu, một thứ đạo dân gian, một thứ đạo bất thành văn, phi vật thể nhưng, nói theo cách của nhà văn Nguyên Ngọc, đã thấm sâu âm thầm có lẽ từ thưở mới hình thành của dân tộc. Đạo Mẫu rất Việt, rất phương Nam, rất dồi dào, bất tận, bất tử, như Đất, như Mẹ, như người Đàn bà.

Trong tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, vấn đề này được phản ánh khá rõ nét qua những trang mô tả sinh động về những quang cảnh của lễ hội ngày xưa tại một ngôi làng có tên Cổ Đình, nơi ông chọn làm phông cảnh cho tác phẩm. Những đám rước xách về lễ “phồn thực” tục “trải ổ” rất đời thường mà vô cùng hấp dẫn, rồi những cảnh cung tiến, lễ bái, lên đồng khá là đồng bóng được thực thi một cách nghiêm cẩn đến khôi hài trong mắt người hiện đại. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì đây chỉ là một tiểu thuyết phong tục với sự phát hiện khá mới mẻ về “Bản sắc văn hóa Việt” là Đạo Mẫu. Điều đáng nể phục hơn ở Nguyễn Xuân Khánh là bên cạnh cái khung cảnh thôn dã thanh bình ấy, ông đã đặt thêm một cái đồn Tây, trong đó có một nhà truyền giáo người Pháp. Đây chính là điểm mấu chốt để nâng tác phẩm lên một tầm khái quát cao. Hãy theo dõi xem khi ông Tây xuất hiện tại ngôi làng, câu chuyện bắt đầu phát triển theo hướng khác. Sự du nhập, tiếp biến giữa hai nền văn hóa được thể hiện trong mối quan hệ đôi bên, cụ thể là mối tình mãnh liệt giữa cô Mùi và ông Philip - tên của nhà truyền giáo nọ. Và thế là một “đồng cô” xinh đẹp nhất làng trong phút chốc trở nên hiện đại không kém người Âu một chút nào. Nhất là cảnh làm tình được diễn tả một cách khoái lạc nhưng chứa đầy ẩn ý, như tác giả từng tâm sự :”Sự phồn thực được đề cập đến để thể hiện cuộc đấu tranh văn hóa giữa người Việt và người Pháp, thậm chí ngay cả trên giường ngủ...”. Từ đó giúp người đọc ngầm hiểu một điều rằng: Từ rất lâu rồi, người Việt đã rất nhạy cảm, thích ứng nhanh trước mọi biến thiên thời cuộc. Chính vì thế đã bao đời nay, mọi sự xâm thực nhằm đồng hóa dân tộc và nền văn hóa bản địa của các thế lực lớn tới đây dường như đều thất bại, có thì cũng chỉ làm tha hóa nó trên bề mặt chứ không thể xóa nhòa tất cả.

Để lý giải điều này, tác giả đã cất công tìm hiểu từ gốc tích, suy ngẫm từ cốt lõi, bản chất dân tộc Việt. Người Việt tuy nhỏ bé nhưng vô cùng cứng cỏi, dân dã quê mùa nhưng rất đỗi tinh khôn, thô sơ cảm tính nhưng lại nắm bắt mọi sự chuẩn xác hơn bất kì một trí giả nào từ bất kì phương trời nào tìm đến hòng nô dịch họ, nhất là nô dịch về văn hóa. Những điểm mạnh đó thường được che đậy bằng cái vẻ ngoài ngờ nghệch và ngoan đạo, để khi đứng trước đối thủ mạnh hơn mình gấp nhiều lần, họ vẫn tỏ ra bình thản nhún nhường kiểu “khinh ngạo cốt bất khinh ngạo thái”. Và song hành với nó là những thủ thuật tranh đấu được rút ra từ những câu tục ngữ kiểu như “Lạt mềm buộc chặt” vốn dĩ là kinh nghiệm làm ăn đồng thời là văn hóa ứng xử ít nhiều mang tính nhân nghĩa của dân tộc Việt. Chính điều này đã giúp họ nhiều lúc biến nguy thành an, chuyển bại thành thắng và cuối cùng là chinh phục được thiên hạ bằng tình cảm, tạo nên sự đồng thuận trong sự tiếp biến văn hóa từ hai phía.

Đây có thể xem là tư tưởng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong cuốn tiểu thuyết này. Một ý tưởng mang tính phổ quát cao, vừa dân tộc vừa nhân loại, vừa hiện đại vừa cổ kính, lại mạng đậm dấu ấn cá nhân tác giả.

Các nhà “Văn bản học”, khi nghiên cứu về tác phẩm của nhà văn, để có cái nhìn thật khách quan, thường cố gắng tránh sự liên hệ với nhân thân người viết. Hay nói cho đúng hơn là mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm. Trong cuốn “Đối thoại với tương lai” mới xuất bản của mình, ông Nguyễn Trần Bạt, người luôn chinh phục tôi bởi những kiến giải cực kì sáng láng trong nhiều lĩnh vực đời sống văn hóa kinh tế chính trị xã hội, khi nói về Văn học, cũng khẳng định rằng “tài năng hay thiên tài là kết quả của trạng thái thần thánh mà con người bắt gặp chứ không phải chính nó. Do vậy, đừng nhầm lẫn giữa tác giả và tác phẩm, cũng đừng nhầm lẫn giữa tác giả và con người ấy. Nếu có thiên tài thì mỗi con người chỉ là quán trọ của những trạng thái thiên tài mà thôi...”.

Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt. Nhưng không hiểu sao khi đọc Nguyễn Xuân Khánh, tôi bỗng có cảm giác trường hợp này không phải thế. Dường như tác giả và tác phẩm ở đây là một. “Mẫu thượng ngàn” thì rõ rồi, đọc tác phẩm này có thể nhận thấy sự thâm hậu của “nhà văn hóa” Nguyễn Xuân Khánh, một mặt luôn có ý thức gìn giữ nền văn hóa bản địa, mặt khác lại luôn muốn bứt ra khỏi nó để vươn tới một tầm nhìn mới, xa rộng hơn. Nghĩa là tác phẩm của ông là chính con người ông, là sự thông kim bác cổ của ông, cả tính cách đầy lãng tử của ông cũng được thể hiện rõ trong tác phẩm. Chỉ có ông, chứ không phải là ai khác, mới có thể viết ra, bày ra được các “tích trò” vừa gần gũi vừa lạ lùng như vậy. Khi đọc “Hồ Quý Ly” cũng thế, tôi luôn bị ám ảnh bởi mối quan hệ gì đó rất khó lý giải giữa ngài tể tướng đầu triều này với tiên sinh Nguyễn Xuân Khánh, đến mức tôi phải tự đặt ra câu hỏi: Phải chăng thành công của tác phẩm này nếu không phải là kết quả của trạng thái thần thánh mà con người bắt gặp thì sẽ là kết quả của sự gặp gỡ thần thánh giữa nhà văn và nhân vật của mình? Phải chăng những suy tư về thế sự của nhà văn ở thời hiện đại đã được gửi gắm vào hành động của người xưa, bởi thế mới tạo nên cách nhìn khác hẳn các sử gia kim cổ về nhân vật đó? Phải chăng Hồ Quý Ly là hiện thân của một thông điệp về sự “cải cách táo bạo” của một người cầm bút hôm nay, trong cái thời điểm ngày càng xuất hiện nhiều hơn sự du nhập và pha trộn ào ạt giữa các dòng ý thức vồn dĩ trái ngược nhau từ khắp năm châu hội tụ về xứ sở này, mà hệ quả của nó chăc chắn sẽ là sự nâng cao chất lượng sống, mà trước hết là chất lượng Người của con người? Trước một tư tưởng lớn lao như vậy, tôi luôn có cảm giác đằng sau nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, dù có hiển hiện sừng sững qua từng trang viết của Nguyễn Xuân Khánh, vẫn không che khuất được ông mà ngược lại càng làm nổi bật thêm bóng hình tác giả?

Đấy là tôi cảm nhận thế thôi. Có thể chỉ là suy diễn chủ quan, không có gì đáng phải bàn. Tôi viết bài này chỉ cốt để bạn đọc biết “nhà văn ta đang làm gì”, tiện thể nói nên đôi điều mình nghĩ. Có vậy thôi.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1932 tại Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội, tuổi Nhâm Thân, tuổi Thân vất vả nhưng do được mệnh Kiếm Phong Kim nên dẫu thế nào cũng nên nghiệp lớn. Ấy là sách Tử Vi nói vậy. Tôi không biết gì về Tử Vi, cũng không biết gì về bác Khánh. Chỉ nghe bạn bè nói ông vốn yêu văn chương từ nhỏ. Từ năm 12 tuổi đã đọc rất nhiều. Lớn lên đi bộ đội, cầm súng rồi cầm bút. Bắt đầu viết từ năm 1957. Tập truyện ngắn đầu tay ra đời bị “tai nạn nghề nghiệp”, hình như vào năm Dần, thuộc Tứ Xung, hạn lớn, phải rời khỏi cơ quan nhà nước, xoay ra làm nghề may cộng thêm việc nuôi lợn sinh nhai. Điều này không chỉ mình ông, nhiều nhà văn thời đó, do nóng lòng muốn nâng cao “chất lượng Người” một cách cả tin cũng từng gặp lắm điều bất trắc. Riêng Nguyễn Xuân Khánh, có thể do đứng chữ Nhâm nên gặp may hơn. Được biết lúc bấy giờ, do “thương vì hạnh, trọng vì tài”, các chị trong Ban biên tập NXB Phụ Nữ đã bí mật giúp ông, bằng cách dành cho ông việc dịch sách văn học nước ngoài, lấy bút danh gì đó để gia đình ông có thêm thu nhập dù rất ít ỏi thôi vì chế độ nhuận bút của ta quá thấp. Và như thế, vô tình họ đã âm thầm thắp lên ngọn lửa sáng tạo tưởng đâu sắp lụi tàn trong tâm hồn đắng đót của ông, níu lại cho ông niềm tin trước cuộc đời, khiến ông bền bỉ hơn mà vượt qua vận bĩ.

Ôi cái thiện tâm của con người ta sao mà quí hóa! Nếu lúc bấy giờ không có cái cọc phủ đầy rêu ấy cho cái người văn sắp chết đuối kia, chắc gì ngày nay văn đàn ta có một Nguyễn Xuân Khách lừng lững sử thi như vậy?
Và điều đó khiến tôi, khi gặp ông lần đầu, đã chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ngả mũ chào nhà văn một cách vô cùng kính cẩn. Cách đây ít ngày, Hội nhà văn tổ chức gặp mặt các nhà văn cao tuổi tại trụ sở Hội. Nhà văn Văn Chinh làm nhiệm vụ chụp ảnh đưa tin, thấy tôi cũng loanh quanh ở đó, anh đoán ngay là tôi muốn gặp bác Khánh, bèn vẫy lại gần, dắt tôi đến giới thiệu với ông. Đã hình dung về một Nguyễn Xuân Khánh từ khi đọc ông rồi, gặp ông tôi nhận ra ngay. Ông đúng như tôi nghĩ. Sâu sắc nhưng hơi quậy. Gương mặt già nhăn nhưng nụ cười rất trẻ. Cái răng cửa chìa ra trên cặp môi hơi trễ xuống như đang giễu cợt ai, trông rất nhộn:

- Thế hả? Định viết về mình hả? Có gì đâu mà viết. Hai cuốn kia coi như cũ rồi, cuốn mới thì chưa xuất bản.

- Nếu em không nhầm thì đó là cuốn “Đội gạo lên chùa” với độ dày không kém cuốn “Hồ Quý Ly”?

- Cũng khoảng ấy. Nhưng cậu đừng nói vội, còn đang sửa chưa xong. Mình lại sắp đi du lịch cùng mấy người bạn, cũng lâu lâu đấy. Hay cậu cứ đi viết anh em khác đi. Còn mình thì...

- Không được không được! Bọn em đâu được tùy tiện thế. Nhất định dịp này anh phải dành cho em một buổi. Anh phải hiểu rằng đây là lệnh...

- Lệnh á? Lệnh của ai?

- Của bạn bè đồng nghiệp, của công chúng, của Hội ta. Anh phải chấp hành. Dứt khoát!

- Dứt khoát thế a?

Tôi đứng lập nghiêm. Bác Khánh lại nhe răng cười, trông rất ngây ngô, như trẻ nhỏ. Và đây mới chính là cái cảm giác thần thánh mà tôi bắt gặp ở ông. Một tâm hồn trẻ thơ trú ngụ trong một ông già!

Phải chăng vì thế, dù năm nay ông đã sấp sỉ 80, người ta vẫn bảo ông là “nhà văn không có tuổi”. Đúng như thế thật. Đấy là hiểu theo nghĩa đen. Còn nghĩa bóng thì nhà văn nào chẳng thế, khi tác phẩm đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc thì anh ta làm gì có tuổi.


Hà Nội Xuân Canh Dần
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top