Cô dâu Hàn mê tiếng nói Việt, món ăn Việt !

Hide Nguyễn

Du mục số
Chúc mừng Lễ thành hôn của anh chị !

Hôm nay được mới có được dịp viết đôi dòng chúc mừng anh chị. Tuy thời gian thật ngắn ngủi những có biết bao điều muốn được chia sẻ, cảm ơn anh về khoảng thời gian qua. Và ngày chị về Việt Nam là ngày vui nhất với anh cùng gia đình. Em chúc mừng anh và gia đình thật nhiều !
Thật vui và tự hào lắm anh ạ !

-----

Diễn đàn không có chuyên mục tương xứng, xin đăng bài tại đây như một lát cắt sáng, tự hào của giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Hàn anh nhé!


Cô dâu Hàn mê Tết Việt

Nhiều người nghĩ rằng người Việt đã sang đây rồi thì luôn chọn ở lại Hàn Quốc. Vì thế, khi biết mối quan hệ của tôi, một nghiên cứu sinh Việt Nam, và người yêu Hàn Quốc, họ thường tỏ ý không tán thành kế hoạch kết hôn rồi về Việt Nam. (Nguyễn Đình Quân, Hàn Quốc)

Về chuyện này, người chịu nhiều áp lực và lo buồn nhất là người yêu tôi. Tôi quyết định dù kinh tế và thời gian rất giới hạn, cũng phải bằng mọi cách đưa nàng đi thăm Việt Nam.

dh.jpg


Ảnh cưới của tác giả và cô dâu Hàn Quốc.

Năm 2005, học bổng của tôi thì ít còn bạn gái tôi vẫn là sinh viên năm thứ 3 ngành tiếng Trung đại học nữ Sookmyung. Để có dịp sang Việt Nam, nàng thi tuyển tham gia đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc về Hà Tây. Tôi cố gắng thu xếp về theo. Tiếc thay, chuyến đi ấy không như kỳ vọng vì đoàn đóng quân ở nông thôn, xung quanh là đồng ruộng mênh mông giữa nắng hè miền Bắc thiêu đốt. Một tháng ấy nàng chỉ có mấy tiếng đồng hồ thăm quan phố phường Hà Nội và bản thân tôi cũng chỉ được gặp vài lần.

Năm 2007, chúng tôi lại quyết tâm về Việt Nam, lần này là TP HCM để thăm gia đình tôi. Thú thực, khi đưa bạn gái tôi về chơi Việt Nam, điều khiến tôi lo là cuộc sống vật chất của chúng ta thua Hàn Quốc nhiều, nàng sẽ thất vọng chăng? Lẽ thế nên tôi chọn ngày Tết cho chuyến đi này vì nghĩ rằng ấn tượng đầu tiên thì quan trọng. Tết Việt Nam mà, vui gì bằng ngày Tết? Đẹp gì bằng ngày Tết của quê hương chúng ta? Người Việt Nam tôi có thể còn nghèo, cử chỉ có thể cục mịch, chứ tình nghĩa thì không bao giờ thiếu. Tôi nhủ lòng mình như vậy.

hq1.jpg


Bạn gái của tác giả tại TP HCM. Ảnh do tác giả cung cấp.

Tôi không báo trước gia đình vì muốn tạo sự bất ngờ và để người yêu tôi nhìn thấy sinh hoạt gia đình chúng tôi trung thực, không khách sáo. Một bạn thân của tôi ra sân bay đón, nhất định nhét túi tôi 2 triệu đồng bảo là chưa đổi tiền thì hai đứa cầm tiêu tạm, đồng thời chuẩn bị sẵn cho nàng một điện thoại di động đã báo trước số để bố mẹ nàng yên tâm liên lạc. Người yêu tôi sau này nói mãi: “Bạn anh tốt và chu đáo quá!”. Các bạn ơi, tôi cũng hiểu xã hội nào cũng có người này người kia, nhưng tôi cam đoan rằng ở xã hội công nghiệp như Hàn Quốc, người lịch sự thì không thiếu, nhưng không dễ có những anh em phóng khoáng, hết lòng. Vì lẽ đó, tôi mừng thầm rằng bạn tôi đã giúp Việt Nam mình ghi một điểm trong ấn tượng đầu tiên của nàng ngay từ khi bước xuống sân bay.

Đường từ sân bay về nhà tôi, nàng không ngừng ngạc nhiên trước cuộc sống ồn ào, sôi động. Xe như mắc cửi, những căn nhà với kiến trúc đa dạng, những công việc lạ mắt. Nàng thốt lên: “Sao nhiều hoa thế anh? Đẹp quá, màu sắc quá!”. Vâng, Tết Việt của chúng ta rất nhiều hoa, hoa khắp nơi, và đường phố rất nhiều sắc màu. Hàn Quốc giờ này là mùa đông rét cắt da, cho nên dù Hàn Quốc cũng đón Tết nguyên đán nhưng rất thiếu không khí lễ hội.

Tết đến ai cũng cởi mở tấm lòng, còn tôi thì về nước cùng người yêu nên lâng lâng vui sướng. Khi chúng tôi về đến nhà, anh lái taxi vui vẻ bắt tay tôi tạm biệt và chúc Tết tựa như quen nhau đã lâu. Nàng hỏi tôi rằng sao người lạ mà chúc Tết dài thế! Người Hàn chỉ nói “Năm mới chúc bạn nhận nhiều phúc” hay “Kính ông sức khỏe” thế thôi. Tôi trả lời: “Người Việt chúc Tết bằng tấm lòng, nên tùy người mà lựa lời khác nhau. Anh taxi thấy chúng ta về ăn Tết Việt Nam mà em là người nước ngoài nên anh ấy quý mến”. Bạn gái tôi rất cảm kích.

Gia đình tôi ngạc nhiên vô cùng khi ra mở cửa thấy tôi về cùng cô người yêu tôi đã giới thiệu từ mấy năm nay qua điện thoại, thư từ và ảnh chụp. Mấy năm rồi tôi không về nhà, ăn Tết chèo queo nơi đất khách. Mẹ tôi tuổi cao hơn, dáng đi như còng hơn. Ba tôi vẫn nhanh nhẹn nhưng tóc đã bạc hơn nhiều. Hai cụ quý bạn gái tôi lắm, tiếng Anh chữ được chữ mất mà ríu rít như gặp lại con gái phương xa. Anh chị tôi, các cháu tôi, ai nấy đều hiếu khách và hồn hậu. Cả nhà náo nức tiếng cười không dứt. Chị tôi và mẹ tôi ra siêu thị Coopmart mua vội vài thứ để đãi khách. Chúng tôi cùng nấu phở, làm chả giò, ăn bánh chưng. Người yêu tôi khi về lại Hàn Quốc cứ nhớ mãi ngày Tết năm ấy, bảo tôi rằng chưa bao giờ được hưởng một không khí chân tình và ấm cúng như vậy.

hq2.jpg


Ảnh do tác giả cung cấp.

Tết năm đó, gia đình một người bạn thân của tôi mời hai chúng tôi cùng về quê cậu ấy ở Bà Rịa, thắp nhang tưởng nhớ ông bà, ăn trái cây và nhận sự tiếp đãi nồng hậu của người ở quê. Rồi cả đoàn lại cùng nhau đi chúc Tết một gia đình người bạn khác ở Vũng Tàu. Các phụ huynh chào nhau, nói chuyện rôm rả và nắm chặt tay những lời tốt đẹp. Chúng tôi thì nhận phong bao lì xì rồi hát và đánh đàn. Tôi xin chú thích thêm là người Hàn ít khi mời ai đến chơi nhà, rất khách sáo và nếu có việc đến nhà nhau thì phải rào trước đón sau. Cho nên không khí thân tình ở Việt Nam khiến bạn gái tôi ngạc nhiên và cảm thấy mọi khoảng cách như không còn nữa.

hq3.jpg


Ảnh do tác giả cung cấp.

Chúng tôi về Việt Nam chiều ngày 30 âm lịch. Đêm hôm đó tôi định đưa nàng đi xem bắn pháo hoa đón giao thừa, nhưng chuyến đi từ Hàn Quốc về khá mệt mỏi nên kế hoạch ấy không thực hiện được. Sáng mùng một, trong nắng ấm, giấc mơ bao năm của tôi đã thành hiện thực, lần đầu tiên tôi đưa nàng bằng xe máy vòng quanh phố phường Việt Nam như bao đôi trai gái khác. Đường hoa Nguyễn Huệ đẹp đến nao lòng. Có 3 bạn trẻ hóa trang thành 3 ông Phúc – Lộc – Thọ chúc Tết du khách rất ngộ nghĩnh và vui tính. Chúng tôi còn nhớ, ba bạn trẻ ấy mồ hôi ròng ròng trong phục trang hóa trang nhưng nụ cười thì không hề dứt trên môi.

Những năm ở Hàn Quốc, tôi quan tâm hơn rất nhiều về xã hội. Qua báo chí, tôi buồn khi vài lễ hội ở nước ta vì một số người vô ý thức mà trở nên xấu xí. Nhưng buổi sáng hôm ấy, đường hoa Nguyễn Huệ rất sạch sẽ. Chúng tôi thật là có duyên lắm chăng vì tình cờ bắt gặp hình ảnh sau. Có hai cha con nhà kia vô ý làm bung mấy viên gạch quây thảm hoa. Họ lúi húi dưới nắng tự nguyện sửa lại chỗ hỏng ấy không đợi ai nhắc. Các bạn ơi, điều ấy thật bình thường phải không ạ? Nhưng tôi cảm kích vô cùng vì bạn gái tôi cũng như nhiều người Hàn Quốc đã “lỡ” biết về những lễ hội xấu xí ở Việt Nam và điều ấy là một trong những lý do khó trách họ vì sao luôn nghĩ Việt Nam mình rất lạc hậu, nghèo đói. Còn đây, ngay giữa Sài thành xinh đẹp, một hình ảnh hoàn toàn khác hẳn với những con người dân chủ và văn minh. Tôi chụp lại hình ảnh hai cha con người đàn ông ấy, sau về lại Hàn Quốc có chia sẻ trên diễn đàn vsak.vn của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc.

hq4.jpg


Ảnh do tác giả cung cấp.

Do công việc, chúng tôi chỉ ở Việt Nam được có một tuần. Thế nhưng một tuần quý báu đã giúp người yêu tôi biết nhiều hơn về Việt Nam. Không phải không có những chuyện nho nhỏ ngoài ý muốn, nhưng nhìn chung Tết Việt là kỷ niệm rất đẹp trong lòng cô gái Hàn Quốc của tôi. Đó là Tết của tình làng nghĩa xóm, Tết của hoa, Tết của bánh chưng, của “kim chi Việt Nam” (dưa hành, củ kiệu, tai chua) … Tình cảm của chúng tôi càng khắng khít hơn, quyết tâm đi đến hôn nhân càng mạnh mẽ hơn. Và như nhiều bạn đã biết trong bài trước của tôi, được bố mẹ hai bên cho phép, chúng tôi đã nên vợ nên chồng sau bao năm tháng thử thách.

Chúng tôi xin ghi lại một clip ngắn cùng nhau chúc Tết các độc giả của VnExpress đồng thời chia sẻ một video ngắn mà tôi ghi lại buổi trưng bày những bảo vật của hoàng cung nhà Nguyễn tại Bảo tàng quốc gia Seoul ngày mùng 1 Tết vừa qua. Lẽ ra trong video này, để thêm phần trang trọng và ý nghĩa, tôi định sẽ mặc áo dài khăn đóng và vợ tôi mặc áo Hanbok truyền thống của Hàn Quốc theo nghi thức Tết cổ truyền Á Đông, nhưng quần áo chúng tôi đã để ở Daejon vì phải chuẩn bị cho đám cưới vào mùng 10 Tết. Bạn thấy đấy, Tết lại đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt của mối tình chúng tôi.
 
Tôi chinh phục bố mẹ vợ Hàn Quốc thế nào?

mh1.jpg


Ảnh minh họa: superstock.com.

Tôi yêu nàng từ khi nàng mới 19 tuổi. Thấm thoắt đã 9 năm trôi qua, giờ đến lúc cam go nhất là thuyết phục được bố mẹ nàng cho hai đứa làm đám cưới.

> Chuyện học tiếng Hàn của nghiên cứu sinh Việt Nam


Tôi sang Hàn Quốc năm 23 tuổi, quen nàng vài tháng sau khi đặt chân tới xứ này. Nàng lúc đó bắt đầu học đại học. Vì biết rằng xã hội Hàn Quốc có tinh thần tự tôn dân tộc rất cao, thậm chí cực đoan và bảo thủ, nên cả hai đều giấu mối quan hệ tình cảm.

Sau 9 năm yêu nhau, chúng tôi quyết định đi tới hôn nhân. Còn nhớ, hồi tháng 8, tôi đăng một status lên trang facebook rằng giờ G đã đến. Đó là ngày nàng về Daejon gặp bố mẹ để nói ra một sự thật là "bạn trai con không phải người Hàn mà là người Việt Nam". Đó là ngày nàng quay lại Seoul với đôi mắt sưng húp vì bố mẹ quyết liệt phản đối. Bên ngoài tôi rất bình tĩnh nhưng thật ra lúc đó cũng chỉ còn hy vọng 50% mà thôi.

Còn hy vọng vì bố mẹ nàng là nhà giáo, có hiểu biết về cuộc sống. Còn hy vọng vì dù gì cũng là tình nghĩa đôi lứa 9 năm rồi, ai nỡ phá huống chi cha mẹ! Còn hy vọng nếu tình yêu của nàng đủ mạnh để cho mình cơ hội thuyết phục ông bà cụ.

Còn hy vọng vì tôi đã tự tay viết một bức thư dài gần 20 trang, sau đó lại tự mình vận dụng hết tiếng Hàn (cỡ bằng ... A tiếng Anh) để dịch rồi nhờ nàng sửa lại. Bức thư đó hai ông bà chưa đọc nhưng rồi sẽ đọc. Còn nếu họ giận quá xé thư vứt đi thì mình sẽ lại viết, lại gửi. (Ngồi "vẽ" chữ Hàn Quốc khoảng 2 ngày mới xong, tranh thủ bất cứ khi nào nghỉ giải lao trong lab).

Còn hy vọng vì tôi đã, đang và sẽ luôn xử sự bằng sự chân thành và lễ nghĩa hết mực của người Việt Nam, những gì mà tôi được kế thừa bởi ông bà tổ tiên, bởi sự giáo dục của thầy cô, cha mẹ. Bao năm nay tôi không còn mơ gì du học Mỹ hay châu Âu mà chỉ ở Hàn ra sức làm việc và học tập để "nâng cấp" mình lên xứng với nàng hơn, và cũng có một chút ít thành quả để tự tin khi đứng trong xã hội Hàn hay đối diện bất kỳ ai ở Hàn Quốc.

Tạm không nói đến chuyện sau đó suốt hơn 1 tháng cho đến ngày Chusok. Tôi vừa an ủi nàng, vừa tìm cách thu hẹp khoảng cách với gia đình nàng qua nói chuyện điện thọai với dì ở Mỹ và anh trai, vừa nghe ngóng xem có gì không. Và rồi cơ hội đã đến!

Nàng nói rằng bà mẹ vào Daum Cafe Việt - Hàn để hỏi những người Hàn lấy vợ Việt hoặc những người Hàn ở Việt Nam rằng đàn ông Việt Nam thế nào. Thì ra bà cụ đã có ý cho mình cơ hội. Cụ ông thì vẫn quyết liệt lắm vì nghe đâu dân Việt Nam là dân nghèo, "hiếu chiến", "lười biếng". Vả lại danh dự và tự ái của người đàn ông Hàn là rất lớn. Ông cụ sẽ là người đại diện cho gia đình tiếp xúc với xã hội mà.
Vậy là tôi mò vào Daum Cafe theo đường link của nàng chỉ. Vận dụng hết vốn tiếng Hàn nghèo nàn, tôi lần ra được cái topic gần đây nhất có nội dung: "Con gái tôi muốn lấy người Việt Nam". Và thế là nhào vào "chiến đấu" trước những giọng điệu miệt thị, cực đoan của người Hàn. Tiếng Hàn của tôi yếu lắm, làm sao đủ sức! Nhưng dù yếu cũng phải đứng ra bảo vệ danh dự dân tộc và cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến mình, chứ làm sao có thể nhịn nhục để họ hiểu sai về Việt Nam và xúc phạm danh dự người Việt phải không ạ? Vài bạn trong trường tôi biết chuyện này và cũng "chia lửa".

Có "chính nghĩa", có lý luận bài bản, nên phần "thắng" dần dần nghiêng về phía anh em tôi. Chúng tôi cho họ thấy rằng những nhận xét vơ đũa cả nắm, bâng quơ phiến diện của họ về đàn ông Việt Nam là không chính xác. Vả lại, nếu áp dụng ngay những nhận xét ấy của họ về phía đàn ông Hàn Quốc thì có khác gì đâu! Chẳng qua họ giàu có hơn nên họ quy chụp với con mắt tự cao tự đại vậy thôi.

Trước khi "rút quân", tôi để lại địa chỉ email, đàng hoàng tự giới thiệu mình là "giáo sư nghiên cứu" ở Đại học Kyunghee, bạn Hàn Quốc nào muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam thì tôi luôn sẵn sàng nhiệt tình trả lời, bởi vì tôi cho rằng quan hệ hữu nghị của hai dân tộc chỉ bền vững nếu hai bên hiểu và thông cảm lẫn nhau. Còn như ngay trong một gia đình, nếu không lắng nghe, không tôn trọng nhau, thì dù là cha mẹ con cái, anh em ruột thịt , hay vợ chồng ... cũng khó có hạnh phúc với nhau.

Thế là ... Tôi nhận được email với tựa đề: "Có phải Văn Nguyễn đang làm việc với vị trí giáo sư nghiên cứu ở Kyunghe Dae không?" từ mẹ của nàng.

Cơ hội đã đến ...

Thật ra có nhiều chuyện không thể kể hết trong thư trao đổi. Nhưng sự ác cảm của bà mẹ vợ tương lai dần dần giảm xuống. Âu cũng là trời thương! Chuyện đáng nhớ nhất là như sau.

Cụ hỏi: "Đàn ông Việt Nam ai ở Hàn cũng bảo là lười biếng. Tôi thì không biết cậu thế nào, nhưng giờ làm việc mà tranh luận mất bao nhiêu thời gian trên Daum Cafe, tôi nghĩ rằng họ đúng".

Tôi trả lời : (dịch sang tíêng Hàn chắc không hay bằng tiếng Việt đâu vì tiếng Hàn của tôi í ẹ lắm hehe).

- Thưa bác, giáo sư cháu rất nghiêm. Mọi người phải ở lab từ 10 giờ sáng đến 11-12 giờ đêm, thậm chí 1-2 giờ sáng nếu công việc nhiều. Cháu luôn nỗ lực làm xong mọi việc giáo sư giao. Còn những khi cháu viết bài trên Daum Cafe thì là cháu tận dụng hết thời gian nghỉ của mình đấy ạ.

Những người Hàn Quốc trên Daum Cafe Việt-Hàn chủ yếu là lấy vợ Việt Nam. Họ sang Việt Nam thấy nước cháu còn nghèo, lại về miền Tây quê vợ là nơi chỉ có nghề làm lúa. Nông dân Việt Nam làm việc rất vất vả dưới trời nắng nhiệt đới. Sau mùa gặt đến lượt phụ nữ tuốt lúa, còn đàn ông nghỉ lấy lại sức. Có lẽ những người Hàn đó thấy đàn ông miền này đúng thời điểm như vậy nên nghĩ sai rằng đàn ông Vịêt Nam lười biếng.

Còn thực ra, cháu có thể trình bày cùng bác mấy minh chứng sau đây cho thấy họ nghĩ sai :
1. Hàng năm, hàng nghìn người lao động Việt Nam là anh em đồng bào của cháu sang Hàn Quốc làm việc vẫn một tăng. Đó là vì các anh chị em làm việc rất tốt, có tinh thần trách nhiệm, lại khéo tay, sáng tạo. Cho nên các công ty Hàn Quốc rất ưa thích.

2. Trong 20 năm qua, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế tăng tốc ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Cháu không nghĩ rằng thành quả đó lại là thành quả của một dân tộc lười biếng.

3. Bản thân cháu được giáo sư tín nhiệm, luôn hoàn tất mọi công việc nghiên cứu được giao. Sau tốt nghiệp PhD, giáo sư cháu lại giữ cháu ở lại làm postdoc, rồi lại tiếp tục đề cử lên nhà trường cho cháu đứng vào hàng ngũ giảng viên nghiên cứu. Cháu biết ơn giáo sư và tự đánh giá mình ít ra cũng không phải là lười biếng.

Tôi cũng giới thiệu cho bác những tấm gương đàn ông Việt như Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch HĐQT công ty cà phê Trung Nguyên đại diện thế hệ 7x; Hồ Vĩnh Hoàng, chủ tịch HĐQT công ty robot Tosy đại diện thế hệ 8x, và các em học sinh nhà nghèo đậu thủ khoa đại học trong kỳ thi vừa rồi thuộc thế hệ 9x.

Thực sự mà nói, khi viết đến đoạn này mũi tôi thấy cay và mắt thì trào nước. Tại sao? Tại vì chúng ta người Việt Nam mình còn nghèo nên mới phải chịu sự xem thường, hồ nghi của người nước ngoài. Nước mắt trào ra cũng vì tự hào dân tộc, nếu không vì dân tộc mình đáng tự hào như vậy, làm sao mình có được những câu chuyện để kể ra. Nước Việt Nam nghèo, dân Việt Nam kém, nay muốn vươn lên thì có khác gì hình ảnh mấy em thủ khoa đại học nhà nghèo kia đâu phải không các bạn? Cám ơn anh Vũ, bạn Hoàng, và những em thủ khoa đại học con nhà nghèo đã làm nên những "duyên lành" giúp tôi thuyết phục được các cụ Hàn Quốc.

Và sau cái email đó thì bà mẹ vợ đã "chịu đèn". Kết quả tiếp theo là ông bố vợ. Và cuối cùng thì: xuống Daejon ăn Chusok với bố mẹ vợ, cũng quỳ lạy làm lễ y chang trong phim Hàn mà các bạn có dịp xem trên truyền hình.

Văn Nguyễn
* Bài viết được lấy trên blog cá nhân của tác giả, đã được sự đồng ý của chủ nhân. Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn :

Tôi chinh phục bố mẹ vợ Hàn Quốc như thế nào ?

Cô dâu Hàn mê tiếng Việt
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top