Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Những năm 1920-1930, tiểu thuyết trinh thám bắt đầu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Các bộ truyện trinh thám như Fantomas, các tác phẩm của Edgar Allan Poe, Conan Doyle, Gaston Leroux, Maurice Leblanc, Georges Simenon... dịch từ tiếng Pháp, in theo dạng sách ba xu (in bằng giấy nhật trình, giá bán ba xu), được bày bán ở các đô thị và có rất đông độc giả.
Trinh thám Việt
Ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây, một số nhà văn đã mô phỏng các cốt truyện hình sự - điều tra trong truyện trinh thám nước ngoài, làm manh nha một thể loại mới: tiểu thuyết trinh thám. Tác phẩm đậm tính chất trinh thám đầu tiên phải kể là Mảnh trăng thu của Bửu Đình (1903-?), in dài kỳ trên Phụ nữ Tân văn năm 1930. Đây là một “ái tình tiểu thuyết” mang tính chất vụ án, rất hấp dẫn thời bấy giờ. Bửu Đình sau đó in Cậu Tám Lọ (cũng trên Phụ nữ Tân văn), cũng là một câu chuyện đậm màu trinh thám, kể về nhân vật Tám Lọ, một nhân vật mang dáng dấp thám tử: thường xuyên giúp người lương thiện điều tra, khám phá các manh mối tội ác.
Từ trái sang: Nhà văn Bửu Đình - ông tổ của văn học trinh thám Việt Nam,
nhà văn Phạm Cao Củng, nhà văn Thế Lữ
Từ cuối thập niên 1930 đến trước 1945 là thời kỳ phát triển nở rộ của tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam, xuất hiện cùng lúc nhiều tác giả chuyên viết trinh thám, mà các tên tuổi được nhắc đến ngày nay là Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Bùi Huy Phồn. Bùi Huy Phồn (1911-1990) có Lá huyết thư (1931), Gan dạ đàn bà (1942), Mối thù truyền kiếp (1942), Tờ di chúc (1943). Tuy nhiên các tác phẩm của Bùi Huy Phồn (ký B.H.P) là dã sử và vụ án, tính trinh thám chưa đậm nét. Tác giả đáng chú ý là Thế Lữ, nhà thơ tiêu biểu của Thơ Mới. Ông thành công trên nhiều thể loại, về thể loại trinh thám có series thám tử Lê Phong gồm Lê Phong phóng viên (1937), Những nét chữ, Lê Phong và Mai Hương, Đòn hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940). Nhân vật chính của Thế Lữ là phóng viên Lê Phong của báo Thời Thế, sau này xuất hiện thêm Mai Hương, cũng trở thành phóng viên điều tra, bạn gái và đồng sự tâm đắc của Lê Phong.
Chàng Lê Phong hào hoa xuất hiện lần đầu tiên năm 1937, lần đầu tiên được cử đi tường thuật vụ án ở Bắc Ninh, đã tỏ rõ bản năng quan sát và phán đoán sắc sảo, chàng dày dạn kinh nghiệm qua các vụ án: từ việc khám phá vụ buôn lậu ở Lạng Thương đến khám phá các vụ giết người, các băng đảng bí mật ở Hà Nội... Lúc bấy giờ, series này vô cùng cuốn hút độc giả. Người ta chờ đợi mỗi lần ra mắt của chàng phóng viên nho nhã, hào hoa Lê Phong. Trinh thám của Thế Lữ pha trộn giữa trinh thám suy luận (theo kiểu Conan Doyle) và trinh thám hành động, mang nhiều nét lãng mạn và nhiều yếu tố kịch - đây là phong cách rất riêng làm nên dấu ấn của truyện trinh thám Thế Lữ.
Tên tuổi Phạm Cao Củng
Tuy nhiên, nhà văn trinh thám thành danh đầu tiên trong văn học Việt Nam lại chính là Phạm Cao Củng. Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan có viết: “Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn”. Và ông cũng giới thiệu duy nhất tác giả Phạm Cao Ủng trong phần Tiểu thuyết trinh thám.
Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định. Năm 1936, khi còn học trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, ông bắt đầu viết truyện trinh thám. Cuốn Vết tay trên trần xuất bản năm 1936, in khoảng 100 trang lúc đó có thể coi là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học hiện đại. Ông cũng là nhà văn viết sách series đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi vào làm cho tờ Hải Phòng tuần báo của Nhà xuất bản Mai Lĩnh, ông bắt đầu cuộc đời của một nhà văn chuyên nghiệp, viết cho Tiểu thuyết nhật báo, Phong hóa, Ngày nay... Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn. Năm 1975, ông đến Hoa Kỳ và cho đến nay định cư ở bang Florida.
Phạm Cao Củng viết trên 200 cuốn sách, trong đó, hiện sưu tầm chưa đầy đủ, có hơn 20 tiểu thuyết trinh thám. Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia làm hai series mang đặc điểm khác nhau: series Kỳ Phát gồm có, chẳng hạn, Vết tay trên trần, Kỳ Phát giết người, Đám cưới Kỳ Phát, Bóng người áo tím...; series Tám Huỳnh Kỳ có Máu đỏ lòng son, Chiếc gối đẫm máu, Bàn tay sáu ngón... Trong Hồi ký (in tại Hoa Kỳ năm 1993) ông tự nhận mình “chỉ là một anh Thợ Viết không hơn không kém”, có lẽ do quan niệm như vậy nên ông không hề lưu trữ tác phẩm, và ông cũng không còn nhớ rõ ông đã viết những gì. Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia làm hai dòng: trinh thám suy luận và trinh thám mạo hiểm, ảnh hưởng rõ nét của Conan Doyle và Maurice Leblanc. Nhân vật Kỳ Phát mang đậm dáng dấp của Sherlock Holmes. Cũng giống như gã thám tử lừng danh người Anh Sherlock Holmes, chàng Kỳ Phát tôn thờ phép suy luận, trong cả cuộc đời, chàng lấy suy luận làm phương cách phá án. Dùng trí óc để suy xét, đề cao lý trí và logic các sự kiện, tên tuổi trinh thám của chàng gắn với phép suy luận. Trong các cốt truyện trinh thám ít khi có xác chết ngay từ đầu, xác chết sẽ xuất hiện tình cờ để thách thức tài năng thám tử; các án mạng kép, những liên can ngày càng mở rộng và bí hiểm; những câu chuyện dẫn dắt, những nghị luận về công việc trinh thám đan xen trong tiến trình kể chuyện, đó là kết cấu phổ biến của tiểu thuyết trinh thám phương Tây thời kỳ đầu mà tiêu biểu là Conan Doyle.
Đương thời, các nhà xuất bản in sách của Phạm Cao Củng dưới tiêu đề Trinh thám Kỳ Phát. Khai thác những khung cảnh bí hiểm, những câu chuyện lắt léo rùng rợn, các nhân vật liên quan đến các băng đảng phổ biến trong truyện kiếm hiệp, truyện đường rừng bấy giờ; nhân vật thám tử tài ba, trọng nghĩa khinh tài, với những số phận éo le sẽ được soi sáng dưới sự điều tra của nhân vật chính..., đó là các yếu tố làm nên sự hấp dẫn của trinh thám Kỳ Phát. Vào những năm trước Cách mạng tháng Tám, ở các đô thị, người ta chờ đợi trinh thám Kỳ Phát, không phải là cho đến khi in thành quyển, mà hồi hộp từ những kỳ in báo trước đó.
Series về nhân vật Tám Huỳnh Kỳ mang phong cách khác hẳn: đó là những cốt truyện nhuốm màu rùng rợn, hành động của nhân vật mang tính cách mạo hiểm. Nhân vật chính Tám Huỳnh Kỳ là thủ lĩnh một băng nhóm trộm cướp, đối tượng điều tra của cảnh sát. Đó là một mẫu nhân vật lưỡng diện, sẵn sàng làm những việc tàn bạo nhưng trong tính cách vẫn chứa đựng nét thông minh, hào hiệp, nghĩa khí của một trang nam tử, sẵn sàng giúp đỡ người yếu thế, trong nhiều tình huống thực sự trở thành một thám tử, điều tra làm sáng tỏ các vụ việc để rửa tiếng oan cho băng nhóm. Đây là nhân vật mang dáng dấp của tên trộm hào hoa Arsène Lupin trong văn học Pháp.
Cho đến nay, Phạm Cao Củng là nhà văn viết trinh thám series có số lượng tác phẩm nhiều nhất và thành công nhất ở Việt Nam. Sau ông, ở miền Nam cũng có tác giả viết truyện series, song không có ai để lại thành tựu đáng kể như ông.
Mong muốn bản địa hóa
Tiểu thuyết trinh thám ra đời trong lòng xã hội thị dân phương Tây, hình thức cổ điển của nó nằm ở phương Tây, và các nhà văn Việt Nam khi viết trinh thám đều có ý thức mạnh mẽ về bản địa hóa thể loại. Chính Phạm Cao Củng đã bày tỏ mong muốn bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám trong cuốn Hồi ký của ông: “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Âu Tây. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam, mà vai chính cần có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam.”
Tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đã có một thời vàng son trước năm 1945, do lịch sử đã phát triển đứt đoạn và rời rạc. Ngày nay, khi nhu cầu của người đọc đối với thể loại, và, vì những thành tựu và phương cách mà tiểu thuyết trinh thám thế giới đã xóa nhòa ranh giới với các thể loại văn chương “bác học”, liệu có thể bắt đầu một thời kỳ khác cho văn học trinh thám Việt Nam?
Nguồn : TT&VH
Trinh thám Việt
Ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây, một số nhà văn đã mô phỏng các cốt truyện hình sự - điều tra trong truyện trinh thám nước ngoài, làm manh nha một thể loại mới: tiểu thuyết trinh thám. Tác phẩm đậm tính chất trinh thám đầu tiên phải kể là Mảnh trăng thu của Bửu Đình (1903-?), in dài kỳ trên Phụ nữ Tân văn năm 1930. Đây là một “ái tình tiểu thuyết” mang tính chất vụ án, rất hấp dẫn thời bấy giờ. Bửu Đình sau đó in Cậu Tám Lọ (cũng trên Phụ nữ Tân văn), cũng là một câu chuyện đậm màu trinh thám, kể về nhân vật Tám Lọ, một nhân vật mang dáng dấp thám tử: thường xuyên giúp người lương thiện điều tra, khám phá các manh mối tội ác.
Từ trái sang: Nhà văn Bửu Đình - ông tổ của văn học trinh thám Việt Nam,
nhà văn Phạm Cao Củng, nhà văn Thế Lữ
Chàng Lê Phong hào hoa xuất hiện lần đầu tiên năm 1937, lần đầu tiên được cử đi tường thuật vụ án ở Bắc Ninh, đã tỏ rõ bản năng quan sát và phán đoán sắc sảo, chàng dày dạn kinh nghiệm qua các vụ án: từ việc khám phá vụ buôn lậu ở Lạng Thương đến khám phá các vụ giết người, các băng đảng bí mật ở Hà Nội... Lúc bấy giờ, series này vô cùng cuốn hút độc giả. Người ta chờ đợi mỗi lần ra mắt của chàng phóng viên nho nhã, hào hoa Lê Phong. Trinh thám của Thế Lữ pha trộn giữa trinh thám suy luận (theo kiểu Conan Doyle) và trinh thám hành động, mang nhiều nét lãng mạn và nhiều yếu tố kịch - đây là phong cách rất riêng làm nên dấu ấn của truyện trinh thám Thế Lữ.
Tên tuổi Phạm Cao Củng
Tuy nhiên, nhà văn trinh thám thành danh đầu tiên trong văn học Việt Nam lại chính là Phạm Cao Củng. Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan có viết: “Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn”. Và ông cũng giới thiệu duy nhất tác giả Phạm Cao Ủng trong phần Tiểu thuyết trinh thám.
Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định. Năm 1936, khi còn học trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, ông bắt đầu viết truyện trinh thám. Cuốn Vết tay trên trần xuất bản năm 1936, in khoảng 100 trang lúc đó có thể coi là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học hiện đại. Ông cũng là nhà văn viết sách series đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi vào làm cho tờ Hải Phòng tuần báo của Nhà xuất bản Mai Lĩnh, ông bắt đầu cuộc đời của một nhà văn chuyên nghiệp, viết cho Tiểu thuyết nhật báo, Phong hóa, Ngày nay... Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn. Năm 1975, ông đến Hoa Kỳ và cho đến nay định cư ở bang Florida.
Phạm Cao Củng viết trên 200 cuốn sách, trong đó, hiện sưu tầm chưa đầy đủ, có hơn 20 tiểu thuyết trinh thám. Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia làm hai series mang đặc điểm khác nhau: series Kỳ Phát gồm có, chẳng hạn, Vết tay trên trần, Kỳ Phát giết người, Đám cưới Kỳ Phát, Bóng người áo tím...; series Tám Huỳnh Kỳ có Máu đỏ lòng son, Chiếc gối đẫm máu, Bàn tay sáu ngón... Trong Hồi ký (in tại Hoa Kỳ năm 1993) ông tự nhận mình “chỉ là một anh Thợ Viết không hơn không kém”, có lẽ do quan niệm như vậy nên ông không hề lưu trữ tác phẩm, và ông cũng không còn nhớ rõ ông đã viết những gì. Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia làm hai dòng: trinh thám suy luận và trinh thám mạo hiểm, ảnh hưởng rõ nét của Conan Doyle và Maurice Leblanc. Nhân vật Kỳ Phát mang đậm dáng dấp của Sherlock Holmes. Cũng giống như gã thám tử lừng danh người Anh Sherlock Holmes, chàng Kỳ Phát tôn thờ phép suy luận, trong cả cuộc đời, chàng lấy suy luận làm phương cách phá án. Dùng trí óc để suy xét, đề cao lý trí và logic các sự kiện, tên tuổi trinh thám của chàng gắn với phép suy luận. Trong các cốt truyện trinh thám ít khi có xác chết ngay từ đầu, xác chết sẽ xuất hiện tình cờ để thách thức tài năng thám tử; các án mạng kép, những liên can ngày càng mở rộng và bí hiểm; những câu chuyện dẫn dắt, những nghị luận về công việc trinh thám đan xen trong tiến trình kể chuyện, đó là kết cấu phổ biến của tiểu thuyết trinh thám phương Tây thời kỳ đầu mà tiêu biểu là Conan Doyle.
Đương thời, các nhà xuất bản in sách của Phạm Cao Củng dưới tiêu đề Trinh thám Kỳ Phát. Khai thác những khung cảnh bí hiểm, những câu chuyện lắt léo rùng rợn, các nhân vật liên quan đến các băng đảng phổ biến trong truyện kiếm hiệp, truyện đường rừng bấy giờ; nhân vật thám tử tài ba, trọng nghĩa khinh tài, với những số phận éo le sẽ được soi sáng dưới sự điều tra của nhân vật chính..., đó là các yếu tố làm nên sự hấp dẫn của trinh thám Kỳ Phát. Vào những năm trước Cách mạng tháng Tám, ở các đô thị, người ta chờ đợi trinh thám Kỳ Phát, không phải là cho đến khi in thành quyển, mà hồi hộp từ những kỳ in báo trước đó.
Series về nhân vật Tám Huỳnh Kỳ mang phong cách khác hẳn: đó là những cốt truyện nhuốm màu rùng rợn, hành động của nhân vật mang tính cách mạo hiểm. Nhân vật chính Tám Huỳnh Kỳ là thủ lĩnh một băng nhóm trộm cướp, đối tượng điều tra của cảnh sát. Đó là một mẫu nhân vật lưỡng diện, sẵn sàng làm những việc tàn bạo nhưng trong tính cách vẫn chứa đựng nét thông minh, hào hiệp, nghĩa khí của một trang nam tử, sẵn sàng giúp đỡ người yếu thế, trong nhiều tình huống thực sự trở thành một thám tử, điều tra làm sáng tỏ các vụ việc để rửa tiếng oan cho băng nhóm. Đây là nhân vật mang dáng dấp của tên trộm hào hoa Arsène Lupin trong văn học Pháp.
Cho đến nay, Phạm Cao Củng là nhà văn viết trinh thám series có số lượng tác phẩm nhiều nhất và thành công nhất ở Việt Nam. Sau ông, ở miền Nam cũng có tác giả viết truyện series, song không có ai để lại thành tựu đáng kể như ông.
Mong muốn bản địa hóa
Tiểu thuyết trinh thám ra đời trong lòng xã hội thị dân phương Tây, hình thức cổ điển của nó nằm ở phương Tây, và các nhà văn Việt Nam khi viết trinh thám đều có ý thức mạnh mẽ về bản địa hóa thể loại. Chính Phạm Cao Củng đã bày tỏ mong muốn bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám trong cuốn Hồi ký của ông: “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Âu Tây. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam, mà vai chính cần có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam.”
Tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đã có một thời vàng son trước năm 1945, do lịch sử đã phát triển đứt đoạn và rời rạc. Ngày nay, khi nhu cầu của người đọc đối với thể loại, và, vì những thành tựu và phương cách mà tiểu thuyết trinh thám thế giới đã xóa nhòa ranh giới với các thể loại văn chương “bác học”, liệu có thể bắt đầu một thời kỳ khác cho văn học trinh thám Việt Nam?
Nguồn : TT&VH