Chuyện đời của người nổ súng tấn công Dinh Độc Lập

ngan trang

New member
Chuyện đời của người nổ súng tấn công Dinh Độc Lập

Một giờ sáng mùng hai Tết Mậu Thân (1968), trên đường Trần Quý Cáp (TP HCM) có 3 chiếc ôtô nối đuôi nhau. Đèn xe vụt tắt. Một loạt đạn giòn tan pha lẫn tiếng nổ vang của lựu đạn. Đó là những tiếng súng mở màn cho trận tiến công Dinh Độc Lập.

3.jpg

Dinh Độc Lập. Ảnh: dindoclap.gov

Người góp công đầu cho chiến dịch là đội viên biệt động Trần Văn Lai. Ông Lai ( tự Năm Lai, sinh năm 1920) trong một gia đình nghèo ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 16 tuổi, ông theo đoàn mộ phu vào Nam Kỳ cạo mủ cao su cho đồn điền Pháp ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia vào các tổ chức tự vệ quyết tử, làm công tác vận động tài chính, phá hoại cơ sở hậu cứ địch. Sau hiệp định Geneve năm 1954, ông được cấp trên giao nhiệm vụ nằm vùng trong lòng địch. Để có điều kiện hoạt động tại Sài Gòn, tổ chức sắp xếp cho ông một cuộc “hôn nhân” với bà Phạm Thị Phan Chính (thường gọi là Phạm Thị Chinh) thuộc hàng “danh gia vọng tộc”, là cháu ruột ông chủ tiệm vàng Phú Xuân nổi tiếng.

Nhờ thế bên vợ, Trần Văn Lai nhanh chóng trở thành một nhân vật có vai vế trong giới tư sản Sài Gòn. Để che đậy hành tung của mình, ông vào vai một nhà thầu khoán tài ba với cái tên Mai Hồng Quế. Nhờ nổi danh trong nghiệp đoàn trang trí nội thất, ông đã được thu nhận vào Dinh Độc Lập, làm ở phòng Tổng thống, chuyên lo đồ cung cấp nội thất của Dinh. Năm 1964, bà Phạm Thị Chinh mất khi họ chưa kịp có với nhau một mặt con.

Hai năm sau, ông Năm “cưới” một cô vợ trẻ hơn mình tới 20 tuổi. Đồng chí Đỗ Tấn Phong, Anh hùng quân đội, cụm trưởng biệt động, kể lại: tôi thay mặt tổ chức tổ chức cho chị Đặng Thị Thiệp và anh Trần Văn Lai xây dựng gia đình trong điều kiện bí mật. Năm 1967, hai chiến sĩ biệt động này sinh người con đầu tiên (sau đó thêm 5 con nữa).

Đầu năm 1965, anh Năm Lai, được giao nhiệm vụ tìm một địa điểm an toàn để “ triển khai công tác mật”. Thế là ba căn nhà trong khu người Hoa chuyên bán ve chai giấy vụn ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) được sang tay cho nhà thầu Mai Hồng Quế. Một tuần sau, có lệnh phải tạo một hầm bí mật ngay trong nhà.

Năm Lai thuê thợ về đào hầm, sửa chữa hệ thống ống cống, nhà vệ sinh. Ông cho thợ xây hai hầm, rồi ống thông thoát nước. Nhưng đến khi việc cải tạo nhà chấm dứt, ông tự mình bắt tay vào công đoạn cuối là tái tạo hầm bí mật. Ít ngày sau, căn hầm hoàn chỉnh, sâu 3m, rộng 2,5 m với lỗ thông hơi và nắp đạy trên nền nhà rất kĩ thuật, khó lòng nhận ra.

Lợi dụng danh nghĩa mua hàng cho Dinh Độc Lập, nhà thầu Mai Hồng Quế vận chuyển hàng tấn súng, đạn và phương tiện tác chiến về cất giấu ngay trong nhà.

1 giờ ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) có 3 chiếc ô tô nối đuôi nhau hướng về đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Dù là Tết nhưng quanh Dinh Độc Lập vẫn dày đặc kẽm gai lẫn ụ cát mới được dựng lên, lập thành một vành đai phòng ngự cẩn mật. Sau các ụ cát, đủ các sắc lính với mũ sắt, áo giáp, súng ống… Đoàn xe tiến vào ngã tư Nguyễn Du- Thủ Khoa Huân, các chiến sĩ bất ngờ nổ súng diệt gọn tốp lính bảo vệ và xung phong đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Cổng Dinh bị khoá kỹ, quân ta phải dùng bộc phá để phá, nhưng khối thuốc không nổ. Thế là các chiến sĩ phải leo rào tập kích bên trong. Địch hoàn hồn và ồ ạt tăng chi viện. Tiếc là do một số thuốc nổ và lựu đạn bị hỏng, 5 chiến sĩ đã hy sinh, các đội viên còn lại bị địch bắt sau khi đã chống trả đến viên đạn cuối cùng. Ngay sau Tết, địch phát hiện ra nơi xuất quân của quân ta nên đã tịch thu nhà cửa, gia tài của nhà tư sản Mai Hồng Quế, đồng thời treo giải 2 triệu đồng cho ai “ lấy được đầu” ông.
Còn ông Năm Lai, sau khi bị địch bao vây thì nhận được lệnh bằng mọi cách phải rút lui để duy trì nội tuyến. Sau ba ngày trốn trong thùng rác ở chợ BếnThành, ông về Phú Nhuận đưa vợ con rút khỏi Sài Gòn, còn ông lại tiếp tục củng cố các cơ sở còn lại của biệt động thành.

Sau này bị địch truy lùng dữ, ông Năm Lai phải trốn về Quảng Ngãi (quê vợ) tiếp tục hoạt động. Năm 1972, ông bị giặc bắt rồi tù đày tại chi khu Sơn Tịnh cho tới năm 1975. Ông về tiếp quản Sài Gòn, dù là thương binh hạng ¼ (81% sức khoẻ), nhưng ông vẫn cống hiến cho cách mạng tới ngày về hưu. Năm 2002, ông Trần Văn Lai trút hơi thở cuối cùng.

(Theo Hà Nội Mới)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top