Chủ nghĩa tự do: Quá trình phát triển và ảnh hưởng của nó đối với thế giới hiện đại

Bút Nghiên

ButNghien.com
Chủ nghĩa tự do: Quá trình phát triển và ảnh hưởng của nó đối với thế giới hiện đại

Chủ nghĩa tự do (CNTD) - hệ tư tưởng chính trị, triết học, đạo đức, là át chủ bài của giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội (CNXH). CNTD tuyệt đối hóa tự do cá nhân, phủ nhận vai trò của cộng đồng xã hội và sự can thiệp của nhà nước, do đó là hệ tư tưởng đối lập với chủ nghĩa xã hội. CNTD tuy có vai trò tích cực nhất định trong sự phát triển kinh tế, xã hội ở các nước tư bản, nhưng những hậu quả tiêu cực của nó cũng không nhỏ.

Do đó, công cuộc xây dựng CNXH và việc giáo dục tư tưởng chính trị, triết học, đạo đức xã hội chủ nghĩa (XHCN) đòi hỏi phải nhận diện đối thủ nguy hiểm này để một mặt tìm hiểu, kế thừa những yếu tố hợp lý, mặt khác ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong điều kiện nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay.

1. Khái niệm

Chủ nghĩa tự do (Liberalism, từ tiếng latin liberalis – tự do) không phải là một hệ tư tưởng nhất quán. CNTD có nhiều biểu hiện đa dạng: một số đại biểu nhấn mạnh tự do trong lĩnh vực kinh tế, trong khi đó những người khác nhấn mạnh tự do trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức. Sự khác nhau của họ cũng còn thể hiện ở phương thức thực hiện các quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên các đại biểu của CNTD đều có điểm chung là tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân và chủ trương hạn chế sự can thiệp của nhà nước đối với các hoạt động của cá nhân (1) .

2. Chủ nghĩa tự do cổ điển

CNTD ra đời vào đầu thế kỷ XIX cùng với sự ra đời của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Nó chống lại chế độ chuyên chế cùng với những đặc quyền phong kiến và ủng hộ một nhà nước lập hiến, đại nghị. Nó chủ trương một chủ nghĩa tư bản hoàn toàn tự do theo kiểu ai muốn làm gì thì làm (laissez-faire capitalism) và lên án bất cứ sự can thiệp nào của nhà nước (2) .

Cơ sở triết lý của CNTD là chủ nghĩa cá nhân. CNTD coi cá nhân là một thực thể độc đáo, hoàn toàn độc lập, giữ vai trò quyết định và phải được ưu tiên trên hết so với cộng đồng, tập thể, xã hội, nhà nước. CNTD tin rằng cá nhân hoàn toàn có đầy đủ lý trí và năng lực để làm chủ bản thân và quyết định tất cả hành vi của mình, do đó cá nhân được hoàn toàn tự do trong mọi hành động, miễn là hành động của cá nhân này không làm tổn hại đến cá nhân khác. CNTD chủ trương mọi cá nhân đều được bình đẳng về nhân phẩm, tuy nhiên do các cá nhân không có năng lực như nhau nên không bình đẳng về thu nhập. CNTD chủ trương xây dựng một xã hội trong đó mọi cá nhân được tự do phát triển, được lựa chọn, theo đuổi những điều tốt đẹp theo quan điểm của anh ta, không có sự can thiệp của xã hội và nhà nước.

Tư tưởng tự do chủ nghĩa lúc đầu được các nhà triết học và kinh tế học tư sản thế kỷ XVII-XVIII, như Giôn Lôccơ (John Locke, 1632-1704), Giăng Giăccơ Rutxô (Jean Jacques Rousseau, 1712-1778), Ađam Xmit (Adam Smith, 1723-1790), I. Cantơ (Immanuel Kant, 1724-1804) … đưa ra.

CNTD về chính trị là quan niệm cho rằng cá nhân là cơ sở của luật pháp và xã hội. Xã hội và những thiết chế của nó phải tạo điều kiện bình đẳng giúp cho cá nhân thực hiện mục đích của mình, chứ không phải bắt cá nhân làm theo qui định của xã hội và nhà nước. Trong thời kỳ CNTB đang lên, CNTD về chính trị là một biểu hiện tiến bộ trong việc chống lại chế độ chuyên chế phong kiến. Trong “Hai chuyên luận về chính phủ” (1690), Lôccơ bác bỏ quan niệm về quyền lực thần thánh của nhà vua, phủ nhận chế độ quân chủ chuyên chế và đưa ra quan niệm về một “chính phủ dân sự”, về “quyền tự nhiên”. Nhà nước phải bảo vệ những quyền đó, trong đó quan trọng nhất là quyền sở hữu. Lôccơ ủng hộ tự do tín ngưỡng và sự tách nhà nước ra khỏi tôn giáo. Nhiều nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII đề xướng thuyết “Khế ước xã hội” (Social contract), theo đó cá nhân công dân tham gia làm ra luật pháp và tự nguyện tuân thủ luật pháp, thực hiện quyền bình đẳng công dân trong bầu cử, không phân biệt giới tính, điều kiện kinh tế.

CNTD trong lĩnh vực kinh tế là tư tưởng ủng hộ quyền tự do tư hữu, tự do hợp đồng kinh tế, đòi nhà nước không can thiệp vào công việc kinh doanh của cá nhân cũng như vào thị trường và cạnh tranh tự do. Nhà nước chỉ có trách nhiệm đảm bảo cho sự tự do kinh doanh của cá nhân này không xâm hại đến quyền tự do của cá nhân khác.

Nhà kinh tế học Anh Ađam Xmit trong cuốn sách The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia) công bố năm 1776 đã đề xuất tư tưởng về loại bỏ mọi sự can thiệp của nhà nước vào những vấn đề kinh tế bằng những biện pháp hạn chế hoặc thuế quan. Ông lập luận rằng nền kinh tế thị trường tự do sẽ tự điều tiết một cách tự nhiên, và sẽ sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn một nền kinh tế với thị trường bị kiểm soát. Ađam Xmit được coi là cha đẻ của tư tưởng thị trường tự do tư bản chủ nghĩa hiện đại.

CNTD về văn hóa tập trung vào quyền cá nhân về tư tưởng và lối sống, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do tình dục; bảo đảm nhà nước không xâm phạm cuộc sống riêng tư của cá nhân. Hămbôn (Wilhelm von Humboldt, 1767-1835), trong tác phẩm “On the Limits of State Action” (Về những hạn chế trong hành động của nhà nước) công bố năm 1810 đã dũng cảm bảo vệ những quyền tự do được đưa ra trong thời kỳ khai sáng. J.S. Minlơ (John Stuart Mill, 1806-1873), trong tác phẩm “On Liberty” (Về tự do) công bố năm 1859, đưa ra nguyên tắc “không làm hại” (harm principle), theo đó mọi người đều được tự do làm những điều mình muốn, kể cả điều có thể làm hại chính mình, miễn là hành vi của người này không làm tổn hại đến người khác và xã hội. Minlơ lập luận rằng nếu hành vi của cá nhân liên quan đến một mình anh ta thì anh ta được tự do tuyệt đối, “cá nhân có toàn quyền đối với cơ thể và tinh thần của anh ta”. Ngày nay, CNTD thường chống lại sự kiểm soát của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, cờ bạc, tình dục, mại dâm, phá thai, sinh đẻ, uống rượu, sử dụng ma túy, v.v..

3. Chủ nghĩa tự do mới

Sang thế kỷ XX, CNTD có những biến đổi nhất định được gọi là “chủ nghĩa tự do mới” (new liberalism) hay “chủ nghĩa tự do xã hội” (social liberalism). L.T. Hôphauxơ (Leonard Trelawny Hobhouse, 1864-1929) với tác phẩm “Liberalism” (Chủ nghĩa tự do) công bố năm 1911; I. Bơclin (Isaiah Berlin, 1909-1997) với tác phẩm “Two Concepts of Liberty” (Hai quan niệm về chủ nghĩa tự do) công bố năm 1958 bị bắt buộc phải thừa nhận vai trò của sự can thiệp của nhà nước trong việc đảm bảo điều kiện tối thiểu cho sự tồn tại của cá nhân (3) . Nguyên nhân sự biến đổi có tính bước ngoặt này chủ yếu là do sự xuất hiện và phát triển của chế độ phát xít trong những năm 30-40 với sự tập trung toàn bộ quyền lực chính trị, kinh tế trong tay nhà nước và sự ra đời của các nhà nước XHCN với quan niệm về một nhà nước chăm lo mọi mặt của đời sống nhân dân đã làm thay đổi cách nhìn của các nhà tự do chủ nghĩa về vai trò của nhà nước và của cộng đồng. Họ lý giải sự xuất hiện hiện tượng này là do sự nghèo khổ của khối đông đảo quần chúng đã buộc quần chúng phải chấp nhận giải pháp chế độ chuyên chế, trong đó nhà nước có trách nhiệm bảo vệ phúc lợi kinh tế của công dân. Các nhà tự do chủ nghĩa phê phán cả CNTB tự do cạnh tranh lẫn CNXH. Học thuyết kinh tế của J.M. Keynes (John Maynard Keynes, 1883-1946) ủng hộ sự can thiệp của nhà nước bằng chính sách tài chính – tiền tệ nhằm làm giảm nhẹ sự suy thoái kinh tế đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng tự do trên cả thế giới, nhất là ảnh hưởng đến cương lĩnh các đảng tự do (liberal party) ở Anh, Mỹ, Canada, Đức, Nhật. Quốc tế Tự do (Liberal International) với Tuyên ngôn Tự do Oxford năm 1947 là tổ chức quốc tế các đảng tự do cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc những quan điểm của Keynes. Trong tác phẩm nổi tiếng “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ” xuất bản năm 1936, Keynes luận chứng cho quan điểm nhà nước phải can thiệp trực tiếp vào kinh tế để tạo việc làm cho toàn xã hội, giải quyết tận gốc nạn thất nghiệp và góp phần tích lũy tư bản. Tư tưởng của Keynes có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy kinh tế chính trị đương thời và chính sách kinh tế của thế kỷ XX và là cơ sở của quan niệm về “nhà nước phúc lợi” ra đời ở Anh, Pháp và sau đó ở Mỹ.

4. Chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism)

Từ thập kỷ 1970, CNTD lại có xu hướng khôi phục lại lập trường cổ điển của nó khi nó chủ trương giảm thiểu vai trò của nhà nước và ủng hộ việc sử dụng các nguyên tắc thị trường tự do (4) .

Đối lập với học thuyết của Keynes là quan điểm của nhà tự do chủ nghĩa gốc Áo F.A. Hayek (Friedrich August von Hayek, 1899-1992). Năm 1944, Hayek xuất bản cuốn “The Road to Serfdom” (Con đường dẫn tới chế độ nông nô) (5) nhằm phê phán mạnh mẽ lý luận của chủ nghĩa can thiệp nhà nước vào kinh tế của Keynes. Với học thuyết của Hayek, người ta biết đến một khái niệm mới – chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism), hay còn được gọi là chủ nghĩa tự do hiện đại (modern liberalism). Tuy nhiên, mãi cho tới năm 1974, chủ nghĩa tân tự do của Hayek mới giành vị thế độc tôn và đánh bại hoàn toàn học thuyết CNTD xã hội của Keynes. Cần phân biệt neo-liberalism (tạm dịch là chủ nghĩa tân tự do với new liberalism (chủ nghĩa tự do mới – hình thức của chủ nghĩa tự do đầu thế kỷ XX).

Theo Hayek, phải để cho thị trường quyết định không chỉ là kinh tế, thương mại mà cả những vấn đề lớn về xã hội và chính trị. Chủ nghĩa tân tự do tuy không phủ nhận hoàn toàn vai trò của nhà nước nhưng chủ trương một nhà nước tối thiểu; nhà nước phải giảm bớt sự can thiệp vào kinh tế, gỡ bỏ các rào cản kinh tế, để các tập đoàn tư bản phải được hoàn toàn tự do kinh doanh. Hayek chống lại chủ nghĩa tập thể vì theo ông “chủ nghĩa tập thể là sự chấm dứt chân lý” tất yếu dẫn đến chế độ độc tài” (6) . Hayek không chỉ chống lại CNXH mà còn đồng nhất CNXH với chủ nghĩa phát xít và cực lực lên án “kế hoạch hóa tập trung” ở các nước XHCN, vì theo Hayek, nó cưỡng bức cá nhân và tước đoạt quyền tự do lựa chọn của họ, là con đường dẫn đến chế độ độc tài. Hayek đề xuất quan điểm về “kế hoạch hóa tự do” trong đó, kế hoạch hóa tự do và cạnh tranh tự do không chống lại nhau mà còn được kết hợp với nhau (7).

5. Ảnh hưởng chủ nghĩa tân tự do trên thế giới hiện nay

Ngoài việc đánh bại học thuyết của Keynes, tình trạng khủng hoảng và sụp đổ của CNXH ở Liên xô và Đông Âu trước đây và sự chuyển dịch nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường ở một số nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam cũng được nhiều học giả và chính trị gia phương Tây coi là sự đắc thắng của chủ nghĩa tân tự do.
Nhiều thủ lĩnh chính trị ở các nước tư bản ủng hộ mạnh mẽ học thuyết của Hayek và đi tiên phong trong việc áp dụng chủ nghĩa tân tự do thường được kể đến là các cựu tổng thống Mỹ R. Nichxơn (Richard Nixon), R. Rigân (Ronald Reagan), cựu Thủ tướng Anh M. Thatchơ (Margaret Thatcher) và nhà độc tài Pinôchê (Pinochet) ở Chilê, v.v..

Chủ nghĩa tân tự do áp dụng ở nước Mỹ đã gây ra những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng, gặp không ít sự phản kháng của nhiều nhà kinh tế học, trong đó có các nhà kinh tế học được giải thưởng Nôben như Joseph Stiglitz, Amartya Sen, nhà hoạt động chính trị Mỹ Noam Chomsky.
John Gray, Giáo sư Trường Kinh tế học Luân Đôn nhận xét về tình trạng nước Mỹ như sau: “Mỹ đã cảm nhận được cơn thịnh nộ của kinh tế thị trường đã tàn phá cơ sở gia đình của nó, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, làm cho nhà tù chật ních người, làm cho giới trung lưu lo lắng, và thật sự đã làm sụp đổ chính chủ nghĩa tư bản tự do. Tuy thế, nó vẫn muốn tiếp tục làm như vậy và tìm cách áp đặt những điều hoang tưởng của nó cho người khác. Với một kiểu cách ngạo mạn nước lớn và bị ám ảnh bởi “những ảo tưởng cứu thế”, Mỹ không thể chịu đựng được sự thật là nó bị vượt qua bởi những người khác có phẩm chất cao thượng hơn. Dự án trung tâm của nó chắc chắn bị phá sản” (8).

Ngày nay những nhà tổng thống của Mỹ từ Bill Clinton đến G.W. Bush tuy chưa từ bỏ những ảo tưởng của chủ nghĩa tân tự do nhưng đều buộc phải thừa nhận vai trò của một “Chính phủ lớn” (Big government) thay cho quan niệm về “sự can thiệp giảm thiểu của chính phủ” trước đây.

Chủ nghĩa tân tự do không chỉ là hệ tư tưởng của các đảng tự do ở nước Anh, mà nó còn lôi kéo được những người thuộc đảng bảo thủ đứng về phía mình. Cựu Thủ tướng Anh Magaret Thatcher là một ví dụ. Trong bài phát biểu ngày 31-10-1987, Bà tuyên bố: “Không có cái gọi là xã hội, chỉ có những cá nhân con người và những gia đình. Không một chính phủ nào có thể làm gì nếu không thông qua con người và con người trước hết phải lo cho mình rồi sau đó mới lo cho những người làng giềng …”

Chủ nghĩa tân tự do áp dụng ở các nước châu Mỹ latin đã gây ra những hậu quả tiêu cực rõ rệt, như cắt giảm chi phí nhà nước cho phúc lợi xã hội, giảm thu nhập của công nhân; tư nhân hóa hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước; làm hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ phá sản; tài nguyên quốc gia lọt vào tay tư bản nước ngoài. Đã đến lúc các chính phủ ở các quốc gia Nam Mỹ phải điều chỉnh lại chính sách kinh tế - xã hội của họ. Hiện nay đã có ít nhất 7 quốc gia ở châu Mỹ latin đã từ bỏ con đường chủ nghĩa tân tự do và chuyển sang con đường xã hội chủ nghĩa. Venêduyêla dưới sự lãnh đạo của Hugo Chavez là một ví dụ điển hình về việc tuyên bố thẳng thừng chống lại chủ nghĩa tân tự do và đưa đất nước đi theo con đường “chủ nghĩa xã hội dân chủ”.

Khách quan mà nói, CNTD nói chung có điểm hợp lý không thể chối bỏ được, đó là sự đánh giá cao vai trò của cá nhân. Một xã hội muốn phát triển thịnh vượng trước hết phải phát huy tính độc lập, sáng tạo của mọi cá nhân. Muốn làm được như vậy phải có một môi trường xã hội tự do, thông thoáng. Chính Anbe Anxtanh cũng đã vạch rõ, “có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức quý giá mà chúng ta nhận được từ xã hội nếu truy về quá khứ qua vô số thế hệ thì thấy rằng chúng đều xuất phát từ những cá nhân”. Và ông kết luận “Chỉ cá thể đơn lẻ có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo”. Einstein cũng cho rằng “Nền văn hóa Hy - Âu - Mỹ nói chung, đặc biệt là cao trào văn hóa thời Phục hưng ở Ý - chấm dứt đêm trường Trung cổ châu Âu - đã đặt nền tảng trên sự giải phóng cá nhân và sự tách biệt một cách tương đối giữa cá nhân với cộng đồng”. Do vậy, theo ông, sự lành mạnh của một xã hội phụ thuộc vào mức độ xã hội tôn trọng tính độc lập của cá nhân và sự gắn kết của cá nhân với xã hội về mặt chính trị” (9).

Tuy nhiên, CNTD có cách nhìn phiến diện về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, cá nhân và nhà nước. Trong khi tuyệt đối hóa tự do cá nhân, CNTD quên rằng trong một xã hội có giai cấp, có kẻ thống trị người bị trị, có kẻ mạnh người yếu, thì sự tự do của giai cấp này là sự mất tự do của giai cấp khác, tự do của kẻ mạnh là sự mất tự do của người yếu, hoặc như I. Beclin trong “Hai quan niệm về tự do” viết: “Tự do cho con sói có nghĩa là cái chết của con cừu”. Do đó, vai trò của sự can thiệp nhà nước để đảm bảo công bằng xã hội là không thể thiếu được trong những điều kiện nhất định. Điều này ai cũng có thể nhận thấy được trước tình trạng suy thoái kinh tế, nạn đầu cơ, tăng giá nhất là giá năng lượng và lương thực, trước những hành vi tiêu cực của nhiều doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, trong quan hệ của doanh nghiệp với với môi trường, trước sự giảm sút về đời sống của nhân dân lao động. Ngay cả ở những nước theo chủ nghĩa tân tự do như Mỹ trong thời gian gần đây cũng phải thừa nhận vai trò của sự can thiệp nhà nước nhằm cứu vãn nền kinh tế quốc dân trước tình trạng khủng hoảng, suy thoái hiện nay của chủ nghĩa tư bản.

Việt nam đang phát triển nền kinh tế thị trường, phải tuân thủ nhiều quy định của WTO về thị trường tự do do, do đó không tránh khỏi tiêm nhiễm những quan niệm cực đoan của CNTD. Do vậy, trong khi kế thừa và áp dụng những yếu tố hợp lý của CNTD để phát triển xã hội, chúng ta cần nêu cao cảnh giác trước sự tấn công của những quan niệm sai lầm phiến diện, cực đoan của nó. Trong bất cứ điều kiện nào chúng ta cũng không được để xảy ra tình trạng chệch hướng XHCN. Chỉ trong một môi trường có sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội, khi vai trò quản lý và điều chỉnh của nhà nước không ngừng hoàn thiện và nâng cao mới có thể tạo điều kiện phát triển tự do và toàn diện của mọi cá nhân, phát huy được mọi tài năng và khả năng đóng góp của cá nhân vào sự phát triển xã hội, mới có thể ngăn chặn được sự quay trở lại của giai cấp bóc lột, của chiến tranh và bạo lực. Tuy nhiên, sự can thiệp quá sâu, quá đáng của nhà nước có thể dẫn đến tình trạng mất đi tự do và khả năng tự chủ, sáng tạo của cá nhân và các tổ chức kinh tế, xã hội ở cơ sở, do đó cần phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa quan liêu, cực quyền, mất dân chủ trong quản lý nhà nước (10).

PGS. TS. Nguyễn Tấn Hùng, Đại học Đà Nẵng.
Nguồn: Tạp chí Sinh hoạt lý luận, Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực III, số 6​
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top