Chủ nghĩa tân lịch sử - bước đột chuyển của chủ nghĩa hậu hiện đại

vanchuong83

New member
Xu
0
CHỦ NGHĨA TÂN LỊCH SỬ.BƯỚC ĐỘT CHUYỂN CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI

I)
Lý luận văn học hậu hiện đại từ phá đến xây
Nếu chỉ dừng lại với những khái niệm và vấn đề như “chủ thể phân tán”,
”đọc là quên”,”phản cấu trúc”,”sự hiện diện vắng mặt” của R.Barthes.’’phi ngoại tại”,”phi thế gian”,”phi kinh nghiệm”,”ngôn từ tự nói”,’’sự vắng mặt không thể khắc phục trong sự hiện diện của những dấu vết”(absence irréductible dans la présence de la trace),”ngược xuôi tán phát “ của J.Derrida,”tính hướng nội không xác định”(indétermanence) của I.Hassan,sự giải thể”đại tự sự” của F.J.Lyotard,”sự bùng nỗ bên trong “của J.Baudrillard.v.v...,thì quả là lý thuyết hậu hiện đại nói chung cùng mũi nhọn của nó là chủ nghĩa giải cấu trúc nói riêng đã mang ấn tượng cơ bản là phá tan lý thuyết truyền thống,phá tan hoang,mà không phải là vô căn cứ và cũng có ý nghĩa của nó.Nhưng ngay với chủ nghĩa cấu trúc trong lý thuyết hiện đại trước đó mà một tác giả chủ chốt của nó,T.Todorov cũng đã giật mình thấy rằng:”Không có một khái niệm nào bàn đến nội dung và ý nghĩa của chính tác phẩm,đến thế giới mà tác phẩm gợi ra”(Văn học đang lâm nguy),huống chi là chủ nghĩa giải cấu trúc!Nhưng quan trọng hơn ở đây là “chu nhi phục thủy”:cái gì đã đi đến tận cùng,thì có xu hướng phần nào quay trở lại.Quả vậy,tiếp theo (tất nhiên là với sự giao thoa cài răng lược trong buổi đầu) lại xuất hiện những khuynh hướng lý luận phê bình lịch sử,xã hội,chính trị: chủ nghĩa tân lịch sử ,phê bình nữ quyền,phê bình hậu thực dân.v.v...Có ý kiến cho rằng cho đây là Chủ nghĩa hậu hậu hiện đại(Beyond Posmodernism,Post-Postmoderism,Post-Pomo). Nếu đúng thế thì cũng đã cho thấy lý luận phê bình văn học phương Tây gần cuối thế kỷ trước đã chuyển từ hình thức và cấu trúc của văn bản đến quan hệ giữa nó với lịch sử,xã hội,chính trị bên ngoài và lý luận phê bình hậu hiện đại đã lỗi thời !

Nhưng thật ra vấn đề không giản đơn như vậy ! Đây vẫn là chủ nghĩa hậu hiện đại với những hệ quả diễn biến nội tại của nó.Như trước đã có đề cập đến,muốn thấy rõ điều này,chúng ta phải trở lại với các bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại,chẳng hạn M.Foucault mà tư tưởng hàm chứa cái tiềm năng ”phá” để mà “xây”.Ông phát hiện ra rằng sau hệ hình tri tnức có vai trò của quyền lực.Cho nên cái gọi là chân lý chẳng qua là do quyền lực,những sức mạnh thống trị thông qua hình thái ý thức thể hiện trong hệ thống ngôn ngữ mà tạo nên.Tư tưởng phủ nhận cái gọi là”chân lý khách quan tuyệt đối”dưới sự chi phối của mọi thứ quyền lực của M.Foucault đã đành là có tác động không nhỏ đến tính chất phản cấu trúc,phi trung tâm của chủ nghĩa giải cấu trúc,nhưng còn góp phần mạnh mẽ vào việc đặt cơ sở cho các trường phái lý luận phê bình quay về với lịch sử,xã hội,chính trị. Quán triệt tư tưởng của M.Foucault,người mở đầu cho trường phái Phê bình nữ quyền ,S.Beauvoir cho rằng sự khống chế của nam quyền đã dụ dỗ nữ giới phải mắc vào tròng “chân lý” của họ.Trên cơ sở khẳng định kinh nghiệm văn học và xã hội của nữ giới,Phê bình nữ quyền đã nghiên cứu đánh giá lại toàn bộ văn học sử, phát hiện lại địa vị và giá trị của nữ văn sĩ với những phương thức sáng tác đặc thù trong sự đối sánh với nam quyền.Còn E.Said ,người mở đầu cho trường phái Phê bình hậu thực dân cũng vận dụng tư tưởng của M.Foucault để phát hiện ra cái kết cấu ngôn ngữ-quyền lực trong thế giới ngày nay giữa tư tưởng văn hóa của các cường quốc Âu Mỹ với phần còn lại của thế giới.Có thể thấy lý luận văn học hậu hiện đại vốn đã kịch liệt phá vở những cấu trúc khép kín của văn học,và quả cũng đã từng rơi vào tình trạng phiêu diêu vô định của “cái biểu đạt”,nhưng rồi cũng đã quay về với những “cái được biểu đat” từ hiện thực lịch sử xã hội.

Riêng về chủ nghĩa lịch sử mới với tư cách là biểu hiện đầu tiên của việc chuyển biến ngay trong lòng chủ nghĩa hậu hiện đại,thì trước hết phải hiểu mặt đối lập của nó tức chủ nghĩa lịch sử (cũ)là như thế nào?Chủ nghĩa lịch sử (historicism) là phương pháp luận triết học trong việc nghiên cứu lịch sử triét hoc,lịch sử văn hóa,lịch sử văn học.v.v...Các đại biểu trong thời cận đại của nó là Vico của Ý, Rousseau của Pháp,Hégel của Đức cùng các triết gia lịch sử hiện đại như Croce, Dilthey.v.v...Mặc dù cách nhìn,luận điểm,cơ sở lý thuyết không hoàn toàn giống nhau,nhưng họ đều nhấn mạnh quan niệm phát triển tổng thể của lịch sử,kiên trì cho rằng bất kỳ sự lý giải sâu sắc nào đối với đời sống xã hội cũng đều phải được xây dựng trên sự nghiền ngẫm về lịch sử nhân loại,nhấn mạnh quy luật phát triển xã hội sẽ chi phối tiến trình lịch sử , cho nên có thể đưa ra được mô thức giải thích phương hướng phát triển xã hội và dự đoán được cả tương lai xa.Cái quan niệm lịch sử”phát triển tổng thể’’ này đến đầu nửa đầu thế kỷ XX đã bị phê phán .Nhà triết học chính trị K.Popper cho rằng lý thuyết lịch sử tổng thể,chủ nghĩa không tưởng,quyết định luận lịch sử .v.v...đều chứa đầy những điều mù mờ:”Lý thuyết vận mệnh lịch sử là thuộc loại mê tín thuần túy,khoa học hoặc bất cứ phương pháp hợp lý nào cũng đều không thể dự đoán được tiến trình lịch sử nhân loại” (1); ”Không thể có một bộ lịch sử chân chính biểu hiện quá khứ như thực,chỉ có các loại giải thích khác nhau về lịch sử,hơn nữa không hề có cách giải thích nào là cuối cùng...Lịch sử mặc dù không có mục đích,nhưng chúng ta có thể gán thêm một số mục đích cho nó;mặc dù lịch sử cũng không có ý nghĩa,nhưng chúng ta có thể cho nó ýnghĩa”(2).K.Popper còn cho rằng cái quan niệm tổng thể của chủ nghĩa lịch sử sẽ tạo ra quyền lực tập trung,khống chế và xâm hại quyền lực cá nhân,dẫn đến “xã hội phong bế” và chủ nghĩa cực quyền.Quan niệm này được giới trí thức Âu Mỹ hưởng ứng một cách phổ biến để hướng đến một “xã hội cởi mở” phi trung tâm,phân quyền lực.

Trong phạm vi lý luận phê bình ,chủ nghĩa lịch sử cũ càng bị tấn công bởi những khuynh hướng hình thức chủ nghĩa phủ nhận mối quan hệ giữa văn học với hiện thực lịch sử.Chủ nghĩa hình thức, Phê bình mới và nhất là chủ nghĩa cấu trúc chỉ coi trọng ngôn ngữ, xem văn bản tác phẩm chỉ là một kiểu tổ chức lời văn, một cấu trúc tự thân, v.v... mặc dù có nhiều khám phá, nhưng không tính đến việc biểu hiện và phản ảnh nhân tâm thế sự gì cả, cái cấu trúc văn bản tác phẩm ấy, đến lúc phải tự phá vỡ, phải đươc phân giải.Chủ nghĩa giải cấu


(1)(2)Thi học triết lý phương Tây tk XX,Vương Nhạc Xuyên,Nxb Đại học Bắc kinh1999,tr.1,259
trúc ra đời lại cho rằng “cái biểu đạt” thật ra chỉ biểu đạt một “cái biểu đạt” khác mà thôi; cấu trúc văn bản tác phẩm, do đó chỉ sản sinh ra “một dải ngân hà của cái biểu đạt”, nghĩa là ai muốn hiểu sao tuỳ thích. Cấu trúc khép kín lại thì bế tắc, phải phân giải ra thì phiêu diêu vô định, tuy rất khác nhau, nhưng chung một gốc là đều tách rời tác phẩm văn học ra khỏi bốí cảnh lịch sử xã hội. Chính những lý thuyết gia của chủ nghĩa giải cấu trúc đã có những thoáng băn khoăn về điều này: “Văn học hay lịch sử?” (R. Barthes); “Phải vượt qua chủ nghĩa hình thức” (G. Hartman);”Văn học sử và tính hiện đại”(Paul de Man).v.v.... Thế là vào cuối thế kỷ trước, chủ nghĩa hậu hiện đại đã dần dần bộc lộ cái xu thế phải trả văn học về với nơi chôn nhau cắt rốn của nó, tức là phải gắn văn học với lịch sử xã hội.Nhưng về quê cũ mà không theo lối mòn xưa, tức là không theo chủ nghĩa lịch sử vốn có dựa trên quyết định luận khách quan đã bị phê phán tơi bời như trên đã thấy.Thế là họ tìm đến quan niệm của Michel Foucault: ”Mục tiêu của tôi mãi mãi là muốn sáng lập nên một bộ môn lịch sử mới về các mô thức tạo lập khác nhau,và dựa vào những mô thức đó,loài người sẽ được xây dựng thành chủ thể trong nền văn hóa của chúng ta”(1).Ông kịch liệt phản đối “cái chân lý”của chủ nghĩa lịch sử cũ dưới sự chi phối quyền lực tuyệt đối của một thứ “quyết định luận khách quan”,mà xây dựng nền tảng lý thuyết của mình trên mối quan hệ giữa chủ thể với lịch sử.Quán triệt tư tưởng này như sẽ thấy rõ sau đây S.Greenblatt,người mở đầu cho chủ nghĩa lịch sử mới có cho rằng trong mối quan hệ giữa văn học với lịch sử có bao hàm mối quan hệ giữa nhân vật văn học với hệ thống quyền lực trong hiện thực lịch sử. Nhưng cũng như bất kỳ trường phái lý luận phê bình nào khác, chủ nghĩa lịch sử mới cũng phải được mở đầu bằng một số nhà lý luận như Hayden White, Jonathan Dollimore, Louis Adrian Montrose, v.v…nhưng tiêu biểu nhất là Stephen Greenblatt.

II)Stephen Greenblatt với sự ra đời của chủ nghĩa tân lịch sử Stephen Greenblatt (1943- ?), giáo sư Đại học Beckley Hoa kỳ, chuyên giảng
--(1)Hậu hiện đại lý luận,Trung ương biên dịch xuất bản xã,Bắc kinh 1999,tr.48
dạy văn học Anh. Công trình đầu tay là Walter Raleigh: Nhân vật văn học Phục hưng cùng vai trò của nó (1972) chưa có tiếng vang gì đáng kể. Thời đầu này ông còn kiêm giảng dạy môn Mỹ học mác-xít, nhưng theo quan điểm chiết trung, đến nỗi ngay trong giảng đường có sinh viên ngổ ngáo đã đứng phắt dậy chửi luôn: “Sao ông lúc thì bonshevit, lúc thì menshevit thế? Mẹ ông chứ! Hai cái phải chọn một mới phải!”. Đó là một cú sốc đối với một giảng viên mới trên dưới ba mươi! S.

Greenblatt lặng lẽ quay về với chuyên môn vốn có của mình là tiếp tục đi sâu nghiên cứu và giảng dạy Văn học Phục hưng Anh. Thế rồi nhiều năm sau, ông cho công bố công trình Tạo hình cho cái Tôi trong thời kỳ Văn nghệ phục hưngtừ More đến Shakespeare vang dội một thời. Như một nguồn mạch được khai thông, S. Greenblatt liên tục cho công bố những công trình tiếp theo: Tái hiện nền văn nghệ Phục hưng ở Anh (1987), Thương lượng với Shakespeare (1988), Học tập từ tai ương (1990); Lĩnh vực tuyệt vời (1991), v.v... Qua đây, S. Greenblatt tuyên bố ông đã xây dựng được môn Thi học văn hoá xuyên thấm chủ nghĩa lịch sử mới. Như thế sau đây sẽ trình bày vấn đề chủ nghĩa tân lịch sử mới đã được thể hiện từ bình diện văn học sử (Văn học thời Phục hưng) đến bình diện lý luận văn học - nội dung của một loại Thi học văn hoá.

1)Sự tạo hình cái Tôi trong văn học Phục hưng
Nghiên cứu sự tạo hình cái Tôi trong văn học Phục hưng, S. Greenblatt xuất phát từ niềm tin cho rằng thế kỷ XVI ở Anh không những đã sản sinh ra cái Tôi, mà cái Tôi này còn có thể mang lại một ý thức tạo hình. Cho cái Tôi chính là “tính chủ thể của con người”, ông đã nêu ra hai luận điểm:

a) Cái Tôi là những cảm thụ về sự tồn tại của cá nhân, là phương thức độc đáo mà cá nhân dựa vào đó để nói chuyện với thế giới, là một cấu trúc mà những ham muốn cá nhân phải tự ràng buộc, là những nhân tố tác động vào việc hình thành và phát triển của cá tính.

b) Thời đại Văn nghệ phục hưng quả là đã sinh thành một loại ý thức về cái Tôi (self-consciousness) ngày càng lớn mạnh, và từ đó đã đem những tố chất của những cá tính trong nhân loại làm thành một quá trình thăng hoa trong nghệ thuật. Sự tạo hình cái Tôi phải được hình thành trong sự “hợp lực” giữa cá nhân với văn hoá xã hội, bao gồm sự tự xác định, tức là quyền lực ý chí của cá nhân, cùng sức mạnh kẻ khác tức là những quy ước xã hội, quyền lực của gia đình và nhà nước. Quá trình xây dựng ý thức cái Tôi là quá trình hình thành cái Tôi về mặt “sức tạo hình nội tại”. Bản thân việc tạo hình (fashioming) về bản chất là một sự nhào nặn, thay đổi, cải biến. Đây sẽ không chỉ đơn thuần là tạo hình ý thức cái Tôi, mà đồng thời còn là sự nhào nặn nhân tính và là sự biểu hiện của ham muốn bằng hành động ngôn ngữ[SUP](1)[/SUP].Chịu ảnh hưởng quan niệm của M. Foucault, một bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại, S. Greenblatt cho rằng trong mối quan hệ giữa văn học và lịch sử có bao hàm mối quan hệ giữa nhân vật văn học với hệ thống “quyền lực” trong hiện thực lịch sử. Tạo hình cho cái Tôi, do đó, là hiệu quả của một cơ chế điều tiết “quyền lực”, bởi vì không hề tồn tại nhân tính độc lập bên ngoài nền văn hoá chung. Nhân tính cùng mọi sự nhào nặn chúng đều nằm trong hệ thống diễn ngôn của phong tục, tập quán, truyền thống, tức là bị chi phối bởi một hệ thống văn hoá mang những ý nghĩa đặc thù, dựa vào sự biến đổi tương tác với nhau được khống chế từ những khả năng trừu tượng đến những sự vật tượng trưng lịch sử cụ thể, từ đó sáng tạo nên được những cá tính nhất định của thời đại.

Văn học không những không rong chơi bên ngoài hệ thống diễn ngôn văn hoá, mà trái lại, đã trở thành lực lượng trung kiên của nó, phát huy được những chức năng đặc biệt theo ba phương thức liên quan với nhau. Đó là sự thể hiện những hành động cụ thể của những nhà văn nhất định, là sự biểu hiện những mã chủ cấu thành hành vi quy phạm của tác phẩm văn học, và cuối cùng là sự quan sát phản tỉnh đối với những mã chủ đó. Như thế, văn học không đơn thuần phản

1)RenaissanceSelf-Fashioming:From More to Shakespeare ,University of Chicago Press 1980,p.1
ảnh hiện thực xã hội, mà còn tác động ngược lại đối với xã hội, thể hiện từ động cơ sáng tác của nhà văn,khuynh hướng của tác phẩm và cả trong sự tiếp nhận của người đọc.Như thế, ở đây không có hiện thực lịch sử thuần tuý,mà là xuyên thấm mối quan hệ tương tác giữa chủ thể với lịch sử. Văn học chính là hệ quả của sự tương tác ấy.

Nghiên cứu văn học cũng vậy, không chỉ là câu chuyện khảo cổ, mà là sự cộng minh nhân tính. Nghiên cứu văn học thời đại Phục hưng, đã đành là do tính mơ hồ của lịch sử quá khứ, không thể đưa ra được những căn cứ khách quan toàn diện về ngữ nghĩa tác phẩm, người nghiên cứu cũng không thể nào quên hẳn bản thân là người thời nay để hoàn toàn sống trong môi trường xã hội và văn hoá văn học thế kỷ XVI, v.v... Nhưng chính những điều này, chủ nghĩa tân lịch sử lại không nhấn mạnh. Nghiên cứu văn học Phục hưng, S. Greenblatt lại ngầm triển khai cuộc đối thoại về những thể nghiệm nhân sinh giữa những con người của hai thế kỷ XX và XVI. Nghĩa là nghiên cứu văn học sử, không chỉ thuần tuý trình bày phương diện lịch sử, mà phải xuyên thấm sâu sắc phương diện chủ thể. Trong “Lời nói đầu” của Tạo hình cho cái Tôi trong nền Văn nghệ Phục hưng - từ More đến Shakespeare, S. Greenblatt có viết: “Tôi không hề lùi bước trước tính đa nghĩa hỗn tạp, nó chính là điều mà phương pháp nghiên cứu mới phải trả giá, thậm chí đây cũng chính là ưu điểm của nó. Tôi đã từng thử sửa chữa những ý nghĩa không xác định, những sai sót thiếu tính hoàn chỉnh. Phương pháp của nó là không ngừng trở về với những kinh nghiệm và hoàn cảnh đặc thù của cá nhân, rồi quay trở lại với những nhu cầu vật chất và áp lực xã hội mà những người đàn ông và đàn bà thời ấy hàng ngày gặp phải, rồi tập trung vào một bộ phận giàu tính cộng hưởng của văn bản. Mỗi chương của loại văn bản này đều được xem như là những tiêu điểm thấu thị về những đường giây giao thoa giữa các sức mạnh văn hoá thế kỷ XVI. Đối với chúng ta, ý nghĩa của chúng, không phải là thông qua chúng có thể thấy được những nguyên tắc lịch sử bị che giấu để làm tiền đề, mà là dựa vào những điểm nhìn của những tác giả này cùng những trường diện xã hội, để có thể giải thích những kết cấu tượng trưng cho sự tác động lẫn nhau giữa hai bên, đồng thời xem cả hai đã làm nên quá trình tạo hình cái Tôi vừa hoàn chỉnh vừa rất phức tạp. Thông qua sự giải thích này, chúng ta mới có thể lý giải được đặc trưng của mối quan hệ đặc trưng giữa văn học và xã hội được hình thành trong văn hoá như thế nào… Có nghĩa là, chúng ta có thể thu được sự lý giải cụ thể liên quan đến kết quả biểu đạt của nhân loại. Bởi vậy, xét từ mỗi loại cái Tôi nhất định mà nói - cái “Tôi” này là một hình thức quyền lực đặc thù, quyền lực của nó vừa tập trung trong một số cơ cấu chuyên biệt - như toà án, giáo hội, chính quyền thực dân và tổ chức gia đình - đồng thời cũng phân tán trong cơ cấu hình thái ý thức đầy ý nghĩa và trong những phương thức biểu đạt vốn có, cũng như trong những mô thức tự sự thường xuyên lặp lại”[SUP](1)[/SUP]. Qua đây có thể thấy mấy điều như sau: Một là, đi sâu vào bất cứ văn bản văn học riêng biệt nào cũng không thể chỉ dừng lại ở ngôn ngữ văn tự, mà phải “không ngừng trở về với thể nghiệm cá nhân và hoàn cảnh đặc thù”, trở về với cái gốc lịch sử của nhân tính, với tính thống nhất nguyên sơ của sự tạo hình nhân cách cái Tôi, với “tâm cảnh đồng nhất” có thể đạt đến giữa cá thể với cộng đồng… Điều này là để phân biệt với chủ nghĩa hình thức, những điểm tiếp theo sau lại để phân biệt với chủ nghĩa lịch sử cũ. Hai là, bất kỳ sự lý giải nào đối với tác phẩm quá khứ đều không thể vượt qua cái hố ngăn cách của lịch sử để có thể tìm đến cái gọi là “nguyên ý”. Trái lại, sự giải thích đối với bất cứ văn bản nào cũng là sự đối thoại giữa hai thời đại, hai cõi tâm linh, cũng có nghĩa là sự giải thích lại ý nghĩa được hiểu trước kia của văn bản, bởi vì mọi thứ lịch sử đều có thể trở thành lịch sử đương đại. Điều này có bóng dáng quan niệm “dung hợp tầm nhìn” của Gadamer. Ba là, lý giải văn bản tác phẩm nào cũng phải trở về với cái ngữ cảnh lịch sử, đồng thời cũng tức là trở về với cái kết cấu của “diễn ngôn quyền lực” lúc bấy giờ. Như thế phải

(1)Renaissance Self-Fashioming:From More to Shakespeare,University ofChicago Press 1980,p.2
làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tạo hình và bị tạo hình của cái Tôi, giữa ngôn ngữ bản thân với ngôn ngữ quyền lực, giữa sự “biểu trưng” của sinh mệnh bản thân với vận mệnh bị ngôn ngữ quyền lực áp chế. Cho nên đi sâu vào văn bản tác phẩm văn học quá khứ, phải làm sáng tỏ đâu là ý thức của cái Tôi bị đồng hóa bởi hình thái ý thức chủ đạo,đã đánh mất đi sự tỉnh táo đáng lẽ phải được kiêntrì, song vẫn còn giữ được tư tưởng, ý nghĩa, chủ đề của kinh nghiệm cá nhân, đâu là những biểu hiện của cơ cấu quyền lực áp chế trong văn bản, hơn nữa phải nỗ lực tìm đến những rạn nứt tư tưởng, những ý tưởng mới lạ nảy sinh trong sự đối kháng hoá của những phép tắc tâm linh cá thể với cơ cấu của hình tháí ý thức. Triển khai vấn đề như vậy chắc chắn sẽ tạo ra một trường diện rộng rãi cho sự cộng hưởng đối với tâm linh của con người hiện đại. Rõ ràng quan niệm này có chịu ảnh hưởng của M. Foucault .Quán triệt những quan điểm trên, từ hàng nghìn tác phẩm thời Phục hưng ở Anh, S. Greenblatt đã chọn ra tác phẩm của năm nhà văn là T. More, T. Wyatt, E. Spencer, C. Marlo, W. Shakespeare v.v... những mong thông qua sự nghiên cứu cá thể hoá để “đạt đến được những mô thức văn hoá càng lớn hơn”. Những cách thức cụ thể mà ông sử dụng như sau: a) Truy vấn rồi giải đáp phẩm chất của mỗi người, thậm chí còn đào sâu vào những thành phần không xác định như cố ý làm dáng, v.v... đã biến hình và phát triển như thế nào. b) Phát hiện những chuyển động theo kiểu thăng hoa muốn làm “ca sĩ văn hoá” cùng những chuyển động mang tính chất ý thức hệ “vô cùng khẩn trương” đang tiềm ẩn của những nhân vật này. c) Thông qua sự chọn lựa giá trị cùng sự biến đổi bản thân của những nhân vật này, để thấy trong cảnh ngộ văn hoá nhạy cảm nhất lúc bấy giờ, họ đã biểu hiện ra như thế nào những thoả mãn hoặc âu lo mang tính chủ đạo của nền văn hoá ấy. d) Chú trọng đến tình trạng “lệch pha” của chữ nghĩa và cơ cấu quyền lực sinh tồn trong sáng tác, cùng những áp lực lịch sử của những xung đột còn tiếp diễn chưa được giải quyết bộc lộ trong tác phẩm của những nhân vật này. Từ đó, S. Greenblatt đã viết rất nhiều bài phân tích tỉ mỉ nội tâm bên trong cùng những xung đột và vai trò quyền lực ở hoàn cảnh bên ngoài, rồi rút ra một số kết luận cho rằng những tác giả như T. More, T. Wyatt chuyển động theo phương hướng liên hệ giữa bản thân với quyền lực đi từ giáo hội qua sách vở đến chính thể chuyên chế. Còn những người như E. Spencer, C. Marlo, nhất là W. Shakespeare thì từ chỗ ca ngợi chuyển sang phản nghịch, mặc dù vẫn giữ vẻ cung thuận bên ngoài. Bản thân những tác giả này từ chỗ bị ràng buộc bởi tổ chức xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, dần dần tiến đến chỗ xem sáng tác của mình với ý thức chuyên nghiệp đầy trách nhiệm, từ đó vạch ra trạng thái chuyển động vô cùng phức tạp của quyền lực cá nhân trong tổng thể quyền lực xã hội.

Qua thực tế nghiên cứu, S. Greenblatt đã vạch ra khuynh hướng không thống nhất giữa sức mạnh cá nhân với quyền lực của hình thái ý thức. Có nghĩa là hình thái ý thức chiếm địa vị thống trị trong xã hội của một thời đại nhất định không tất yếu trở thành hình thức chủ yếu trong phương thức sinh tồn thực tế của nhà văn cùng nhiều người khác, thậm chí có khi nảy ra mâu thuẫn xung đột âm ỉ bên trong cho dù với vẻ ngoài bằng lặng. Như thế sự tạo hình bên trong không phải lúc nào cũng thuận chiều, mà có nhiều khi xuất hiện với sắc thái dị đoan, xa lạ, khó chịu và dần dần đi đến chỗ đối lập. Tóm lại, quyền lực xã hội khống chế văn học làm cho nó phục tùng và lợi dụng nó để hoá giải và làm tiêu hao những lực lượng phản kháng trong xã hội. Nhưng cũng chính sự khống chế đó đã làm nảy sinh ngay trong lòng văn học tinh thần phản kháng và có tác dụng nuôi dưỡng lực lượng phản kháng ngoài xã hội. Đó là điều cần lưu ý trong khi nghiên cứu “văn bản trong lịch sử” cũng như “lịch sử trong văn bản” không phải chỉ đối với thời đại Văn nghệ phục hưng mà đối với mọi thời đại.

2)Một loại thi học văn hóa
Cũng có thể nói S. Greenblatt vốn muốn văn học vươn đến một loại thi học văn hoá có ý nghĩa phổ quát trên cơ sở chủ nghĩa tân lịch sử , song phải bắt đầu từ văn học Phục hưng. Nhưng đâu là nguyên nhân của sự chọn lựa này? Trên một ý nghĩa nhất định, có một sự đồng dạng nào đó giữa thời đại ngày nay với thời đại Phục hưng, vì cả hai đều là những thời kỳ quá độ lớn trong lịch sử nhân loại. Cái sau là thời kỳ quá độ từ thời tiền hiện đại (tiền công nghiệp) sang thời hiện đại (công nghiệp). Cái trước là thời kỳ quá độ từ thời hiện đại (công nghiệp) sang hậu hiện đại (hậu công nghiệp). Đã nói quá độ thì dứt khoát là phải quanh co phức tạp, trồng tréo. Con người trong thời hậu hiện đại phải suy tư phức tạp mà nghiệt ngã về nhân tính, tâm linh, chủ nghĩa nhân đạo, giá trị lịch sử, tiền đồ nhân loại, v.v... bỗng cảm thấy tiền thân của chúng đã xuất hiện từ thời kỳ quá độ trước tức là thời Phục hưng. Tất nhiên thời Phục hưng đã trở thành quá khứ tuyệt đối, một giai đoạn lịch sử đã hoàn kết, vậy có thể tập trung mổ xẻ giai đoạn lịch sử cũng khá điển hình này trong lịch sử nhân loại, những mong tìm ra kết luận có ý nghĩa phổ quát, nhất là đối với ngày nay. Từ đó hình thành được một loại thi học văn hoá, phân biệt với các loại thi học văn hoá khác bằng chủ nghĩa tân lịch sử mới, mang những đặc điểm như sau:

a) Tính chất “hình thái ý thức lịch sử”. Toàn bộ công trình của S. Greenblatt toát lên tính chất phê bình ý thức lịch sử. Phản đối quyết định luận khách quan của chủ nghĩa lịch sử cũ, chủ trương lấy mối quan hệ chủ thể - lịch sử làm nền tảng, S. Greenblatt cho rằng con người là sản vật của mọi hợp lực lịch sử phản kháng sự khống chế phi nhân đối với cá thể. Văn học của con người, do đó, có tác dụng đấu tranh, văn hoá luôn mang tính chất phê phán đối với hình thái ý thức chủ đạo. Cuộc đấu tranh phê phán này không phải nhằm thay thế, mà là để “vượt qua mọi hình thái ý thức”, đạt đến sự chuyển hoá bao dung lẫn nhau giữa các mặt đối lập.

b) Tính chất của “Tiểu lịch sử qua sự giải thích đối với đại lịch sử”. Thi học văn hoá của S. Greenblatt thường chuyển hoá “Đại lịch sử” (History) thành “tiểu lịch sử” (history). Ông cho rằng nghiên cứu phê bình văn học theo chủ nghĩa lịch sử mới không phải là hồi quy văn học về “Đại lịch sử”, mà chỉ là đưa ra một cách giải thích về lịch sử, tức “tiểu lịch sử”. Nó không thể tự biến thành cái cô lập, mà phải được gắn chặt với mọi mặt của đời sống xã hội, mà nổi bật nhất là kinh tế chính trị. Cho nên không phải ngẫu nhiên ông hay dùng những thuật ngữ của các phương diện này vào trong nghiên cứu phê bình, như cho rằng thực tiễn văn học cũng phải đi vào lĩnh vực “lưu thông” (circulation), phải được “trao đổi” (exchange) để có lợi nhuận. Giữa nghệ sĩ với nhau cũng có “thương lượng” (négotiation) để làm cho tác phẩm hàm chứa ý nghĩa. Văn học nghệ thuật, do đó, không phải chỉ chịu sự chế ước của cơ sở kinh tế, mà đã trở thành một bộ phận của cơ sở kinh tế, chứ không phải mang tính chất kiến trúc thượng tầng thuần tuý.

c) Tính chất “chính trị học văn hoá”. Thi học văn hoá đã giải thoát nghiên cứu phê bình văn học ra khỏi tháp ngà kinh viện, trở về với hình thái ý thức, tâm lý xã hội, đấu tranh quyền lực, truyền thống dân tộc, bản sắc văn hoá, v.v... S. Greenblatt nói: “Viết văn mà không tham dự, không phê phán, không gắn liền giữa quá khứ với hiện tại thì sẽ không có bất cứ giá trị nào cả” (Học tập từ tai hoạ). Nhưng tính chính trị trong thi học văn hoá không phải là nhằm lật chế độ hiện tồn, mà là xuất phát từ lĩnh vực văn hoá để phán xét nền tảng tư tưởng chính trị của chế độ xã hội, từ đó phát hiện ra những nhân tố bất an trong thực tế do sự áp chế của hình thái ý thức chủ đạo mang lại, khám phá được những phương thức biểu đạt quanh co của phẩm chất xã hội và ý hướng chính trị trong sản phẩm văn hoá cùng mối quan hệ phức tạp của nó đối với quyền lực trong trạng huống phức tạp của một hình thái xã hội nhất định.Theo S. Greenblatt, đối với văn học cùng những lực lượng phản kháng trong xã hội, quyền lực thống trị thường kết hợp sử dụng các thủ đoạn đồng hoá với đả kích, lợi dụng với trừng phạt để giải quyết những hiện tượng bất an. Còn sản phẩm văn hoá cùng các tác giả của chúng thì không tránh khỏi có những biểu hiện phản khống chế, chống quyền lực, ít nhiều mang tính chất phá hoại hình thái ý thức thống trị. Như thế trong không ít trường hợp giữa quyền lực khống chế với sức mạnh phá hoại xuất hiện một trạng thái cân bằng, tất nhiên trạng thái này có khi còn do sự thoả hiệp của một bên .S. Greenblatt từng nói: “Những nhân tố phá hoại chân thực và mãnh liệt đó - vốn vì tính chất nghiêm trọng của nó có thể làm cho tác giả của chúng chịu hình phạt phải vào tù - trái lại có khi chúng lại được sức mạnh quyền uy hoà giải”[SUP](1)[/SUP].

Có thể thấy nghiên cứu phê bình theo chủ nghĩa tân lịch sử đã vượt qua cái mô thức tư duy đối lập nhị nguyên của các tư trào cấp tiến tả khuynh phương Tây, chuyên chống đối phủ nhận một chiều đối với hình thái ý thức quan phương, ngôn ngữ quyền lực, văn hoá thống trị, v.v... trái lại biết xem xét ngoài quan hệ đối kháng, còn có những sách lược giao thoa như cầu đồng, lợi dụng, hoá giải, thoả hiệp, v.v..Nếu đơn giản hoá một chiều phương diện xung đột, đấu tranh, mâu thuẫn, thì sẽ không nhận chân sự diễn biến phức tạp quanh co ở cả hai phương diện sinh thành và cấu trúc của các sản phẩm văn hoá trong lịch sử.

d)Tính chất “nghiên cứu liên ngành”. S. Greenblatt đã vận dụng vào môn Thi học văn hoá xuyên thấm chủ nghĩa lịch sử mới của mình cả lịch sử học với nhân loại học, triết học với nghệ thuật học, chính trị học với kinh tế học. Từ trong trường diện rộng rãi như vậy, chúng ta còn thấy khá nhiều thành tựu của các học thuyết như chủ nghĩa Mác phương Tây, nhất là trường phái Frankfurt, chủ nghĩa nữ quyền của E. Showalter và A. Kolodny, chủ nghĩa giải cấu trúc của R. Barthes và J. Derrida, lý thuyết diễn ngôn quyền lực của M. Foucault cũng như quan niệm “vô thức được cấu trúc như ngôn ngữ” của J. Lacan, v.v... Nhiều mũi tiếp cận như vậy, cho nên nền móng thêm phần vững chãi, nhưng lại thiếu sự xuyên suốt những phạm trù trung tâm, những khái niệm then chốt, một điều mà các đối thủ lý thuyết thường chỉ trích.

III)Các tác giả khác của chủ nghĩa tân lịch sử
1)Louis Adrian Montrose bàn về mối quan hệ giữa văn bản với lịch sử L.A.Montrose ,giáo sư Đại học Chicago cho rằng mối quan hệ giữa văn bản và lịch sử bao gồm hai mặt giao thoa nhau là”tính lịch sử của văn bản”(the


(1)Hậu thực dân chủ nghĩa hòa Tân lịch sử chủ nghĩa đích văn học lý luận,Vương Nhạc Xuyên,Sơn đông giáo dục xuất bản xã 2005,tr.1historicity of texts) và “tính văn bản của lịch sử”(the textuality of histories ). Tính lịch sử của văn bản chỉ những thể nghiệm cá nhân của nhà văn luôn mang tính lịch sử đặc thù,kết quả của việc biểu hiện những hiện tượng mâu thuẫn trong một tình trạng xã hội nhất định.Điều này dễ hiểu,nhưng thế nào là Tính văn bản của lịch sử?Nhà nghiên cứu phê bình văn học không thể nào tiếp xúc được toàn diện hoàn cảnh lịch sử đã qua.Tất nhiên lịch sử ít nhiều còn bóng dáng trong hiện tại,nhưng nhà nghiên cứu phê bình cũng không thể nào thể nghiệm được đầy đủ ,sát đúng và cụ thể tính liên đới và tính liên tục của nó. Nhưng may thay lịch sử ít nhiều,dạng này hay dạng khác đều còn lưu lại những văn bản làm vốn cho những nhà nghiên cứu phê bình ở thế hệ sau.Có điều những văn bản đó đã được lọc qua lăng kính của chủ thể không thể đồng nhất hoàn toàn với hiện thực lịch sử,nhưng vẫn là vốn quý không thể thay thế cho viêc tìm hiểu lịch sử.Và đó là Tính văn bản của lịch sử theo nghĩa đơn giản nhất.Nhưng văn bản trong lịch sử ngày càng tích tụ thành kho tàng văn hiến trong xã hội,làm thành cơ sở cho nền khoa học nhân văn ở các thòi đại sau.Theo tinh thần đó ,chủ nghĩa tân lịch sử sẽ ra sức xây dựng đằng sau những sự kiện lịch sử một loại “Lịch sử- viết hoa”(History –Xin lưu ý lối diễn đạt văn tự này có ngược với S.Greenblatt),tức là một loại lịch sử đã kinh qua giải thích,càng chân thực,càng thể hiện được sự vận động của quyền lực cùng quỹ tích (trục di chuyển)của hình thái ý thức,tức là một loại”Văn hóa-viết hoa”(Culture).Loại văn hóa này là một hình thái tự sự mang tính chất tu từ ,trần thuật lại những hành động văn hóa mà thông qua nó phản ảnh được tinh thần văn hóa trong bản chất của những hoạt động lịch sử.Đây là nơi gặp gỡ giữa tính lịch sử của văn học với tính văn học của lịch sử,có sức đề kháng với cả chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa lịch sử cũ.Thông qua loại “Lich sử-viết hoa”và“Văn hóa-viết hoa” sẽ phát hiện được loại “Quyền lực-viết hoa” (Power) để thăng hoa tính chủ thể trong nghiên cứu phê bình ,bóc trần được những thoái hóa,gạn lọc ra tính mới mẻ của lịch sử.Từ đây sản phẩm văn hóa văn học sẽ”vừa do lịch sử quyết định ,vừa quyết định lại lịch sử.

2)Hayden White bàn về Siêu lịch sử
“Siêu lịch sử”(Metahistory) theo nghĩa rộng là triết học lịch sử,nhưng là triết học lịch sử tư biện,khác với triết học lịch sử phân tích phê phán.Nguyên tắc phương pháp luận của nó là ra sức xây dựng một hệ thống nguyên tắc giải thích thuyết minh cho tiến trình và quy luật phát triển của lịch sử .Dưới ánh sáng của triết học đó,lịch sử sẽ không còn là những sự kiện ngẫu nhiên đứt đoạn,mà là sự diễn biến liên tục ,tất yếu của những sự kiện.Từ đó,với tư cách là chỉnh thể,lịch sử nhân loại sẽ được giải thích với ý nghĩa cũng như động hướng phát triển .Tất nhiên trong quá khứ có nhiều loại triết học lịch sử như “Mọi việc phát sinh trong lịch sử đều được triển khai theo một kế hoạch thần định” thời Trung cổ,”Sự tiến bước của lịch sử đều xây dựng trên cơ sở của kinh nghiệm thuần túy” thời Phục hưng hay”Lịch sử phát triển đều căn cứ theo sự dự đoán của lý luận “thời Khai sáng.v.v...Rồi trong thế kỷ XX có triết học lịch sử của Tonbye, Gadamer.v.v.. Trên cơ sở những quan niệm đó ,H.White nêu ra những kiến giải riêng của mình.Trước hết ông cho rằng việc lý giải lịch sử phải là một kết cấu ngôn ngữ.Bởi vì tất cả những cái gì của lịch sử có thể còn lại trước mắt chúng ta đều không phải là bản thân lịch sử,mà cho dù tối ưu cũng chỉ là những biểu hiện của nó.Đó là những “chất liệu” sẽ được lý giải và liên kết lại trong một văn bản trần thuật.Sự lý giải và liên kết đó không thể thoát ly lăng kính của chủ thể trần thuật,những cái mà lịch sử còn lại cho thế hệ sau chẳng qua cũng chỉ là những văn bản trần thuật không hoàn toàn giống nhau như vây.Quan niệm này phảng phất kiến giải của Heidegger và Gadamer.Nhưng H.White còn nói rằng việc lý giải và liên kết của chủ thể trần thuật không tránh khỏi thành phần tưởng tượng và hư cấu,cho nên lịch sử phải kết hợp với văn học và sẽ xuất hiện trong tư thế đầy chất thơ.Điều này lại phảng phất quan niệm của Aristote cho rằng thơ ca triết lý hơn lịch sử bới vì nó mang tính phổ biến hơn,v.v...

Trên cơ sở những quan niệm nói trên,H.White cho rằng văn bản trần thuật lịch sử có ba bình diện:bình diện thẩm mỹ (chủ yếu là để chọn loại kết cấu trần thuật),bình diện nhận thức (chủ yếu là để chọn mô hình giải thích), bình diện luân lý (chủ yếu là để chọn khuynh hướng ý thức).Ở mỗi bình diện như vậy, H.White đã nêu ra bốn khả năng khác nhau để tác giả lựa chọn tùy theo đối tương và tư tưởng của mình.Ở bình diện thẩm mỹ thì mang tính chất của các loai truyền kỳ lãng nạn,hài kịch,bi kịch,văn mỉa mai châm biếm.Ở bình diện nhận thức thì ông đưa ra bốn mô hình giải thích:Biểu ý (luận chứng hình thức?)là cách trần thuật khách quan sự kiện lịch sử;Tình thế là đặt sự kiện lịch sử trong một tình thế nhất định mà trần thuật;Hữu cơ là trình bày lịch sử như một cục diện hoàn chỉnh;Cơ giới là chỉ trần thuật một khía cạnh của lịch sử như kinh tế,chính trị.v.v...Ở bình diện luân lý thì H.White cho rằng có bốn xu hướng là vô chính phủ,bảo thủ,cấp tiến,tự do.v.v...Ông khẳng định:”Không ngại các sử gia tự cho không có khuynh hướng hình thái ý thức,trong phân tích lịch sử xã hội nên tránh những quan niệm về hình thái ý thức,bởi vì một khi tỏ rõ lập trường trên vấn đề phải dùng hình thức nào để biểu hiện lịch sử thì họ đã đứng trong phạm vi một hình thái ý thức nhất định rồi” (1).Có thể thấy H.White nhận rõ mối liên hệ giữa ý thức với hình thức.Cho nên phải chăng có thể cô kết quan niệm của H.White trên vấn đè này theo một sơ đồ theo những trục tương ứng như sau:1o)Ý thức vô chính phủ--Biểu ý—Tính chất truyền kỳ lãng mạn.2o)Ý thức bảo thủ--Hữu cơ—Tính chất hài kịch.3o) Ý thức cấp tiến—Cơ giới—Tính chất bi kịch.4o) Ý thức tự do—Tình thế--Tính chất mỉa mai châm biếm H. White còn lưu ý thêm để bộc lộ ý thơ trong những văn bản trần thuật lịch sử,cần tăng cường những biện pháp tu từ chuyển nghĩa(trope) như ẩn dụ (metaphor) ,hoán dụ(metonymy),đề dụ (synecdoche),phúng dụ (irony)(2).

Trên đường tiến bước, chủ nghĩa lịch sử mới luôn gặp đối thủ của mình. Chủ nghĩa lịch sử cũ thì chê nó thiếu tính khách quan lịch sử, các trường phái hình thức thì công kích nó đã chính trị hoá học thuật. Những nhà lý luận hữu (1)(2)Hậu thực dân chủ nghĩa dữ tân lịch sử chủ nghĩa văn luận.Vương Nhạc Xuyên,Sơnđông giáo dục xuất bản xã 2005,tr.203
khuynh thì phê phán nó theo đuôi chủ nghĩa Mác phương Tây, v.v... Mặc dù vậy, chủ nghĩa tân lịch sử vẫn là một bước tiến trong tư duy văn hoá văn học cuối thế kỷ trước ở phưong Tây. Trong ngữ cảnh hậu hiện đại, sau khi chủ nghĩa giải cấu trúc đã phân giải, phá vỡ những cấu trúc, những mô thức văn học thuần tuý hình thức, chủ nghĩa lịch sử mới đã hồi quy văn học về với xã hội, với lịch sử, mà mổ xẻ, phân tích, khái quát. Nhưng đó không phải là quan niệm quyết định luận khách quan, trái lại, nó được đặt cơ sở trên quan hệ chủ thể- lịch sử. Chủ thể ở đây bao gồm hai phương diện. Trước hết là chủ thể vốn có trong tiến trình lịch sử với tư cách là đối tượng, nhưng sự chủ động của nó không chỉ đề kháng, chối bỏ, mà tuỳ cơ, còn có sự hoà hợp, nhượng bộ, cân bằng với ngoại cảnh - một cách nhìn toàn diện hơn đối với diễn biến thực tế của lịch sử. Chủ thể còn là giới nghiên cứu, đánh giá về sau đối với giai đoạn lịch sử đã qua, khi nào cũng vốn mang sẵn ý thức thời đại và thiên hướng cá nhân. Do đó, không thể nào đi đến được một chân lý tuyệt đối khách quan vốn có trong lịch sử. Chủ nghĩa lịch sử mới chỉ nỗ lực tiến đến một sự lý giải hợp lý thoả đáng nhất có thể được, trên cơ sở mặt bằng tư duy tối ưu của thời đại. Nó đã ra sức vận dụng những nhân tố hợp lý của mọi hệ thống lý thuyết đương thời. Nhưng vấn đề còn ở chỗ việc chọn lựa để vận dụng, kể cả chính sự vận dụng đã đúng đắn và đầy đủ chưa? Cho nên cũng như bất cứ hệ thống lý thuyết nào khác, chủ nghĩa lịch sử mới rồi sẽ bị vượt qua. Song chắc chắn đó sẽ là sự phủ định có kế thừa!
Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top