Chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ sau Đại chiến Thế giới II

Pokemon_kute

New member
Xu
0
Chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ sau Đại chiến Thế giới II


Từ sau chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật bản đã tiến hành những chính sách ngoại giao tương đối năng động, khôn khéo và thận trọng. Cùng với sự phát triển thành công về kinh tế, chính sách đối ngoại đã góp phần đáng kể nâng cao vị trí của Nhật bản trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.


Sau chiến tranh thế giới thứ II, chính sách đối ngoại của Nhật Bản được bắt đầu với Học thuyết Yoshida theo đó Nhật Bản dựa hoàn toàn vào Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ để phòng thủ đất nước và tập trung sức phát triển kinh tế.

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản giai đoạn thập kỷ 60 được đặc trưng bởi chính sách ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ cho nhu cầu đuổi kịp và vượt các nước phát triển khác. Mục tiêu này đã đạt được vào cuối những năm 60 khi Nhật Bản trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế trong hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Đầu thập kỷ 70, tình hình quốc tế có những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ vừa tạo điều kiện vừa thúc đẩy Nhật bản đóng một vai trò quốc tế quan trọng hơn. Trong bối cảnh đó, học thuyết Fukuda ra đời năm 1977 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật, trước hết là đối với khu vực Đông Nam Á.

Chính sách đối ngoại của Nhật trong thập kỷ 80 tiếp tục mang tính chủ động hơn, nhất là dưới thời kỳ Thủ tướng Nakasone nắm quyền. Từ năm 1985, với việc nâng giá đồng yên, Nhật bản tăng cường ảnh hưởng kinh tế trong khu vực châu A’ với mô hình đàn sếu bay với ý đồ trở thành đầu tầu cho sự phát triển kinh tế ở đây.

Chính sách đối ngoại của Nhật trong thập kỷ 90 được đặc trưng bởi việc củng cố quan hệ với Mỹ qua việc ký Tuyên bố chung về “An ninh Nhật-Mỹ trong thế kỷ 21” năm 1996 và đưa ra Phương châm phòng thủ mới Nhật-Mỹ vào năm 1997.

Bước vào thế kỷ 21, với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh chống khủng bố và tình hình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Nhật Bản tiếp tục chính sách ủng hộ mạnh mẽ Mỹ và tăng cường khả năng tự vệ của mình.


QUAN HỆ NHẬT-MỸ


Sau khi bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945, nước Nhật đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và bị đặt dưới sự chiếm đóng của quân đội Liên hiệp quốc mà thực chất là của quân đội Mỹ. Ban đầu Mỹ bắt chính phủ Nhật Bản thực hiện các chính sách như giải tán chế độ quân phiệt, phủ nhận việc thần thành hoá vai trò của Thiên Hoàng, ân xá cho các tội phạm chính trị, tịch thu ruộng đất của địa chủ v.v… nhằm không để Nhật Bản quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt. Tuy nhiên, do phát sinh cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô(cũ), nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời tuyên bố đi theo Chủ nghĩa Xã hội và đặc biệt do bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên nên Mỹ đã thay đổi chính sách đối với Nhật Bản như chấp nhận cho Nhật Bản có lực lượng phòng vệ và hỗ trợ về mặt kinh tế.


Năm 1951, việc Nhật Bản và Mỹ kí kết bản “Hiệp ước Sanfransisco” và tiếp đó kí “Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ” đã đánh dấu sự quay trở lại xã hội quốc tế của Nhật Bản đồng thời cũng biến Nhật Bản thành căn cứ “chống cộng” ở Châu Á, kể từ đó trở đi Mỹ luôn là đồng minh số một của Nhật Bản và chính sách đối ngoại của Nhật Bản luôn phù hợp với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Điều này luôn được thể hiện rõ trong sách xanh ngoại giao của Nhật Bản xuất bản hàng năm “ Mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Mỹ dựa trên Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ là trục chính của ngoại giao Nhật Bản, sự hợp tác này được thực hiện trong các lĩnh vực mà trước hết là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự. Mỹ là đối tác quan trọng của Nhật Bản”.


Không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà quan hệ kinh tế Nhật-Mỹ cũng rất lớn. Kể từ những năm 60 trở đi Mỹ luôn là bạn hàng số một của Nhật Bản với lượng kim ngạch buôn bán tăng hết sức nhanh. Ví dụ, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước đã đạt 184,29 tỉ USD vào năm 2001, trong đó Nhật Bản xuất siêu 58,11 tỉ USD.


Tuy nhiên quan hệ Nhật-Mỹ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, chẳng hạn khi Mỹ bí mật đàm phán với Trung Quốc về bình thường hoá ngoại giao đã làm cho giới lãnh đạo Nhật Bản cảm thấy bị đồng minh phản bội, hoặc những va chạm về mậu dịch cũng không ít lần gây ảnh hưởng cho quan hệ giữa hai nước. Mặc dù vậy có thể nói rằng hai nước vẫn sẽ duy trì là những đồng minh bền vững của nhau vì lợi ích an ninh và kinh tế của hai nước trong thế kỉ 21.


QUAN HỆ NHẬT-TRUNG


Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ Nhật-Trung rơi vào tình trạng đối đầu do chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, mặc dù không ít lần giới lãnh đạo hai nước tìm cách bình thường hoá quan hệ ngoại giao song đều vấp phải sự cản trở của Mỹ. Vì vậy cho đến khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1972, quan hệ giữa hai nước chỉ được duy trì qua kênh mậu dịch. Song, việc Mỹ bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đã tạo điều kiện để hai nước bình thường hoá quan hệ, tháng 9-1972, thủ tướng Nhật Bản Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã kí vào bản tuyên bố chung đánh dấu sự chấm dứt đối đầu giữa hai nước.


Sau khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước phát triển nhanh chóng nhất là trên lĩnh vực kinh tế nhưng do vào thời điểm này Mỹ vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nên quan hệ Nhật-Trung vẫn còn nhiều hạn chế và chỉ từ những năm cuối của thập kỉ 70 khi Mĩ và Trung Quốc chính thức kí hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao thì quan hệ Nhật-Trung mới phát triển một cách toàn diện hơn. Với quan điểm “ sự ổn định và phát triển của Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn đối với sự ổn định và phát triển của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”và “thị trường khổng lồ của Trung Quốc là rất cần cho nền kinh tế dựa vào ngoại thương” của Nhật Bản và quan điểm “vốn và kĩ thuật của Nhật Bản rất cần đối với phát triển kinh tế” của Trung Quốc chính là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ như vậy.


Trong lĩnh vực kinh tế hai nước nhanh chóng trở thành những đối tác quan trọng của nhau, Nhật Bản đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã vươn lên thành bạn hàng lớn thứ hai của Nhật Bản sau Mỹ. Chẳng hạn năm 2001 kim ngạch ngoại thương hai chiều giữa Nhật Bản và Trung Quốc đạt 88,89 tỉ USD chiếm xấp xỉ khoảng 20% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Ngoài ra còn một điểm nổi bật trong quan hệ kinh tế giữa hai nước là việc Nhật Bản tiến hành viện trợ ODA rất lớn cho Trung Quốc. Mặc dù là nước nhận được viện trợ ODA tương đối muộn so với các nước, nhưng cho đến nay Trung Quốc là nước nhận được nhiều viện trợ lớn thứ hai của Nhật Bản sau Indonesia với điều kiện ưu đãi hơn các nước khác là được viện trợ theo từng kế hoạch 5 năm của Trung Quốc, điều này đã góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.


Mặc dù vậy quan hệ Nhật-Trung cũng còn tồn tại nhiều vấn đề đã và sẽ còn tác động vào quan hệ giữa hai nước như vấn đề sách giáo khoa lịch sử, vấn đề lãnh thổ, vấn đề Đài Loan và gần đây là va chạm kinh tế. Cho dù hiện nay chính phủ hai nước cố gẵng làm dịu những vấn đề này bằng những nhượng bộ lẫn nhau, nhưng trong thời gian tới khi Trung Quốc đã thực sự trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự thì liệu Trung Quốc còn nhượng bộ nữa hay không? cho nên không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật Bản đã xuất hiện thuyết “ sự đe doạ của Trung Quốc”. Do đó, quan hệ giữa hai nước trong tương lai sẽ như thế nào phụ thuộc rất lớn vào nhân tố Trung Quốc nhưng cũng có thể khẳng định rằng nước Mỹ vẫn sẽ còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quan hệ giữa hai nước


QUAN HỆ NHẬT BẢN-NGA


Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản đã cố gắng bình thường hoá quan hệ với các nước đặc biệt là các nước lớn nhằm quay trở lại xã hội quốc tế cũng như xúc tiến buôn bán để khôi phục kinh tế. Song, khi xem xét quan hệ của Nhật Bản với các nước lớn, ta dễ dàng nhận thấy quan hệ Nhật-Nga là một trường hợp “ngoại lệ” mà phía Nhật Bản tỏ ra khá thờ ơ cho đến cả hiện nay cho dù xét về phương diện chính trị hay kinh tế thì Liên Xô trước đây hoặc nước Nga hiện nay đều có lợi đối với Nhật Bản.


Nếu nói đến nguyên nhân của nó, có lẽ không thể chỉ đơn thuần nêu ra ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh mà còn phải chỉ ra những nguyên nhân sâu xa hơn như: Thứ nhất, là vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại 4 hòn đảo trên quần đảo kuril mà cho đến nay hai bên cũng chưa giải quyết được và thứ hai là, có lẽ giới lãnh đạo Nhật Bản nói riêng cũng như người dân Nhật Bản vẫn chưa tin tưởng vào người Nga qua việc Nga đơn phương huỷ bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau được kí trong chiến tranh thế giới lần thứ hai để mở cuộc tấn công quân đội Nhật Bản ở vùng Đông bắc Trung Quốc. Trong đó vấn đề lãnh thổ mới là nguyên nhân chính khiến cho quan hệ giữa hai nước không tiến triển mấy.


Về quan hệ chính trị, từ đầu thập kỉ 50 để giảm áp lực của Mỹ đối với Liên Xô thông qua Nhật Bản, phía Liên Xô đã muốn kí Hiệp ước hoà bình, hữu nghị với Nhật Bản trước khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao, nhưng do Nhật Bản chỉ đồng ý bình thường hoá quan hệ trước nên tháng 5-1956 hai bên đã kí hiệp định tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Sau đó, đã nhiều lần Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay yêu cầu Nhật Bản kí Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và thường đưa ra điều kiện là trả cho Nhật 2 trong số 4 hòn đảo nhưng Nhật Bản lại yêu cầu phải trả lại cho Nhật Bản cả 4 hòn đảo thì mới kí Hiệp ước. Vì vậy, cho đến nay dù đã có nhiều chuyến thăm nhau của lãnh đạo hai nước để bàn về vấn đề này nhưng chưa có kết quả. Cũng giống như quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng không mấy khả quan cho dù Nga là thị trường lớn, chẳng hạn năm 2002 kim ngạch ngoại thương hai chiều chỉ đạt 530 tỉ Yên, còn đầu tư của Nhật Bản mới chỉ vẻn vẹn có 400 triệu Yên. Con số này cho thấy tốc độ phát triển kinh tế giữa hai nước kém xa với các nước khác.


Trong thời gian tới, quan hệ hai nước sẽ vẫn tiến triển hơn song, tiến triển đến mức độ nào còn phụ thuộc vào nỗ lực của hai bên, đặc biệt là Nga có trao trả các hòn đảo cho Nhật Bản hay không.


QUAN HỆ NHẬT BẢN-ASEAN


Để xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, từ những năm 50 Nhật Bản đã hầu như không tham dự vào vũ đài chính trị quốc tế mà chỉ chú trọng vào phát triển kinh tế. Vào thời điểm đó, ngoài Mĩ vừa là đồng minh quân sự vừa là bạn hàng chủ yếu ra, Nhật Bản đã xem các nước Đông Nam Á là thị trường thay thế cho thị trường Trung Quốc bởi đây là khu vực có dân số đông, tài nguyên thiên nhiên phong phú và nó án ngữ con đường vận chuyển hàng hoá của Nhật Bản.


Để thâm nhập vào thị trường này Nhật Bản đã thi hành chính sách “keiseibunri” tức là tách vấn đề chính trị khỏi vấn đề kinh tế do đó, Nhật Bản đã lần lượt kí các hiệp định bồi thường chiến tranh cho các quốc gia này. Có thể nói, cho đến khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nhật Bản hầu như chỉ chú trọng đến chính sách dùng viện trợ kinh tế để duy trì sự ổn định tình hình chính trị của các nước nhằm bảo vệ thị trường của mình mà không để ý đến việc nâng cao vai trò chính trị tại khu vực. Tuy nhiên việc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam và buộc phải rút quân khỏi khu vực Đông Nam Á và sự phản ứng của nhân dân các nước này trước chính sách kinh tế của Nhật Bản đã buộc Nhật Bản phải thay đổi chính sách đối với khu vực. Cùng với việc tăng cường hỗ trợ về kinh tế, Nhật Bản đã bắt đầu tìm kiếm vai trò chính trị trong việc làm chiếc cầu nối giữa các nước ASEAN với các nước Đông Dương qua việc công bố học thuyết Fukuda.


Sau chiến tranh lạnh tình hình trong khu vực có những thay đổi sâu sắc, ASEAN đã trở thành tổ chức với đầy đủ các thành viên quốc gia trong khu vực và ngày càng có uy tín trên thế giới nên quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ASEAN càng thắt chặt hơn. Trong các chuyến thăm các nước ASEAN, các vị Thủ tướng Nhật Bản đều cam kết tăng cường quan hệ với tổ chức này trên mọi lĩnh vực, điều này được thể hiện rõ nét trong các học thuyết do Nhật Bản đưa ra và hiện nay Nhật Bản là một bên đối thoại quan trọng của Hội nghị cấp cao các nước ASEAN.


Quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước ASEAN cũng không ngừng phát triển trên 3 lĩnh vực là viện trợ, buôn bán và đầu tư. Tính đến nay các nước ASEAN nhận được nhiều viện trợ kinh tế nhất của Nhật Bản, chiếm khoảng trên 30% tổng kim ngạch viện trợ hàng năm của Nhật Bản cho các nước trên thế giới. Điều này đã đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của các nước này nhất là trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á ở cuối thập kỉ 90. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng là một trong những trọng điểm đầu tư của Nhật Bản ở Châu Á song trong mấy năm gần đây do các xí nghiệp Nhật Bản chuyển trọng điểm đầu tư vào Trung Quốc nên đầu tư của Nhật Bản vào khu vực này có khuynh hướng giảm xuống.


Như vậy, có thể khẳng định rằng quan hệ Nhật Bản-ASEAN sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhưng dù vậy, mối quan hệ này vẫn còn những điểm đáng lưu tâm như: sự lo ngại về chính sách quốc phòng của Nhật Bản hoặc Nhật Bản sẽ xử lí như thế nào trước tình hình Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng xuống khu vực này thông qua kế hoạch thành lập khu vực buôn bán chung ASEAN-Trung Quốc.


QUAN HỆ NHẬT BẢN-EU


Mặc dù Nhật Bản từng coi mình là một thành viên của Phương Tây nhưng mối quan hệ giữa Nhật Bản với EU lại khác hẳn mối quan hệ giữa Nhật Bản-Mĩ hoặc Nhật Bản-Trung Quốc, Nhật Bản-ASEAN v.v… Khi xem xét mối quan hệ này người ta dễ dàng nhận ra nó có vẻ chỉ chú trọng về quan hệ kinh tế. Như mọi người đều biết, sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật Bản và các nước EU đều là đồng minh của Mĩ với vai trò ngăn cản sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô( cũ) ở Châu Âu và của Trung Quốc ở Châu Á, nhưng dường như do cả hai bên đều được đặt dưới sự bảo vệ của Mĩ nên nhu cầu tăng cường quan hệ nhằm bảo đảm an ninh cho nhau không chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của hai bên mà họ chỉ ủng hộ nhau trong những chính sách để chống lại các nước xã hội chủ nghĩa khi đó. Trái lại, quan hệ kinh tế lại được cả hai bên chú trọng nhiều hơn đặc biệt là phía Nhật Bản, Nhật Bản đã xác định EU là thị trường quan trọng thứ 3 sau thị trường Mĩ và Đông Á để phục vụ cho chính sách phát triển kinh tế dựa vào ngoại thương, cho nên đến những năm 1970 trong khi các nước EU còn đang lúng túng tìm cách giải quyết vấn đề kinh tế trì trệ thì Nhật Bản đã thành công trong việc thâm nhập vào thị trường này qua buôn bán và đầu tư. Sự lấn át của hàng hoá của Nhật Bản lớn đến mức khiến cho Uỷ ban của EU phải ép buộc Nhật Bản tiến hành đàm phán thương mại để mở của thị trường Nhật Bản cho hàng hoá của EU nhằm cải thiện tình trạng mất cân đối mậu dịch.


Khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc quan hệ Nhật Bản-EU nói chung vẫn được duy trì theo hướng trong thời kì chiến tranh lạnh song người ta thấy đã có sự hợp tác chặt chẽ hơn bao gồm cả ở trong lĩnh vực bảo đảm an ninh. Nhật Bản và EU đã có những cuộc gặp để bàn về vấn đề bảo đảm an ninh của mình sau chiến tranh lạnh hoặc vấn đề chống khủng bố sau sự kiện 11-9 xảy ra ở nước Mĩ, nhưng điểm nổi bật vẫn là quan hệ kinh tế. Tất nhiên hiện nay hàng hoá của Nhật Bản không còn xâm nhập ồ ạt vào thị trường EU như trước nữa nhưng cán cân thương mại vẫn luôn nghiêng về phía Nhật Bản bởi chiến lược khôn ngoan của các công ty Nhật Bản dưới sự hỗ trợ của chính phủ hoặc qua việc đầu tư xây dựng các xí nghiệp tại các nước EU để xuất khẩu tại chỗ.


Hiện tại, để nâng cao vai trò chính trị và sức mạnh kinh tế, EU đã liên minh thành một khối thống nhất về cả chính trị, kinh tế nhằm trở thành một cực cân bằng với Mĩ và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc kết nạp ồ ạt các nước thành viên mới, nhất là các nước Đông Âu cũ có lẽ sẽ gây ra không ít khó khăn để EU thực hiện được mục đích của mình. Mặt khác phía Nhật Bản lại có vẻ như chỉ đang chú trọng đến việc xây dựng khu vực kinh tế Đông Á nên trong tương lai gần quan hệ Nhật Bản-EU sẽ không có những thay đổi hoặc xung đột kinh tế lớn.

Nguồn sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top