Spider_man
New member
- Xu
- 0
[CHIA SẺ KINH NGHIỆM] Kỹ năng chọn bài tập
A. Bài tập tự luyện:
- “Học đi đôi với hành”, học lý thuyết xong thì đương nhiên phải kiếm bài tập để làm rồi. Nếu không đó sẽ là “lý thuyết chết” hoặc “lý thuyết suông”. Làm bài tập là chuyện đương nhiên, nhưng không phải cứ bài tập nào cũng đâm đầu vào làm vì …
B. Vì sao phải chọn bài tập để làm?
- Thời gian chúng ta ôn thi không nhiều, hơn nữa chúng ta phải ôn từ 3 – 4 môn, rất mệt, đó là còn chưa kể những môn “tua rua” gây mất thời gian nữa.
- Liệu có phải cứ làm nhiều là tốt không? Số lượng rất quan trọng nhưng không phải cứ nhiều là tốt. Bạn thử tính xem làm 30 câu trắc nghiệm mất bao nhiêu thời gian? Và còn cả thời gian chữa bài nữa? => Làm sao để làm ít nhưng vẫn “đủ chất”
- Trên thực tế, mình có xem qua tài liệu ôn thi của 1 số bạn. Chúng dày cộp, khoảng chừng 80 – 100 câu và giáo viên thì yêu cầu các bạn hoàn thành trong … 2 ngày?! Nhưng những bài tập trong đó chỉ loanh quanh 1 số dạng cơ bản, sử dụng 1 tới 2 công thức là ra, cùng lắm là chệch đơn vị. Tất nhiên là mưa dầm thấm lâu, làm nhiều ắt quen nhưng như vậy tốn thời gian không hiệu quả.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu:
Nếu bạn học dao động cơ rồi thì có thể thử làm bt sau:
1) 1 con lắc lò xo dao động với T = 1s, m = 1kg. Hỏi k =?
2) 1 con lắc lò xo dao động với T = 2s, có k = 2 N/m. Hỏi m =?
3) 1 con lắc lò xo có k = 3N/m, m = 3kg, T = ?
…
n) 1 con lắc lò xo …. Hỏi …..
3 bài tập trên khác nhau về số liệu nhưng cùng 1 công thức. Giả sử bạn làm khoảng 30 câu như thế, mỗi câu 2 phút là bạn đã mất cả 1h để quanh đi quẩn lại đúng 1 công thức. Những gì bạn nhận được, chỉ là đúng 1 công thức tính chu kì cllx!
Có nên làm tới tận 30 câu không????
Chúng ta phải làm gì để làm ít nhưng vẫn nhớ công thức????
C. Chạy nước rút:
- Trước khi học bất kì 1 chương nào, bạn nên hỏi bạn bè (học giỏi) hoặc thầy cô của bạn xem chương đó ta cần giải quyết những gì. Đừng bao giờ vội vàng đâm đầu vào học ngay vì như vậy ta sẽ không đến được đích cần đến.
- Ví dụ như ở chương dao động cơ. Đây là 1 chương khó vì vậy sẽ có rất nhiều thứ cần giải quyết. Chúng ta sẽ chia những việc cần làm ra làm 2:
+ Bài tập cơ bản:
.
.
.
+ Bài tập nâng cao:
.
.
.
Sau đó bạn đi hỏi giáo viên hoặc bạn bè (học giỏi) của bạn để điền vào. Có thể lấy ví dụ:
+ Bài tập cơ bản:
1 – Tính v, a, … của vật dao động
2 – Lực đàn hồi max min
3 - Quãng đường vật đi được trong khoảng thời gian t
4 – Con lắc đơn, con lắc lò xo: những công thức liên quan
…. (và còn rất nhiều, các bạn điền tiếp nhé)
=> 70% số điểm quyết định ở đây. Rất dễ làm, rất dễ lấy điểm
+ Bài tập nâng cao:
1 – Con lắc đơn thay đổi chu kì bởi nhiệt, điện, từ ….
2 – Con lắc thang máy, oto …
3 – Cắt ghép lò xo
4 – Dao động tắt dần
(các bạn điền tiếp nhé)
30% số điểm ở đây. Tương đối khó, phù hợp với các bạn học sinh khá giỏi
(đến đây kiểu gì cũng có bạn nhìn mấy dạng bài trên rồi nói “xì, con lắc đơn thay đổi T có gì là khó”. Ở đây chỉ là ví dụ thôi)
Sau đó các bạn học công thức, lý thuyết và làm bài tập.
- Ở phần cơ bản, các bạn chỉ cần làm 5 câu tiêu biểu (trong tài liệu ôn tập của bạn), cùng lắm là 10 câu mỗi dạng. Nếu bạn muốn năm nay thi làm được 70% Lý thì bạn phải đúng 70% + 20% = 90% (tức là 5/5 câu hoặc 9/10 câu). Đấy là kinh nghiệm của thầy mình!
Xin hãy nhớ rằng bài tập cơ bản rất quan trọng. Nếu bạn không đạt được chỉ tiêu thì hãy xem lại lỗi sai rồi làm lại 5 tới 10 câu khác.
Vì bạn mới học nên chưa cần bấm giờ. QUAN TRỌNG NHẤT LÀ PHẢI GẤP SÁCH KHI LÀM!
- Ở phần nâng cao, các bạn chỉ nghiên cứu khi có thời gian. Chính vì vậy bạn cần làm thật nhanh phần cơ bản (bạn có thể dành 1 buổi là hiểu hết bài tập cơ bản trong 1 chương) để có thời gian làm bài tập nâng cao. Đối với bt nâng cao, bạn nên làm khoảng từ 20 – 30 câu/ dạng, vì những dạng này biến hóa rất khôn lường.
=> Nếu bạn muốn làm 70% Lý năm nay, thì bạn phải làm được 70% + 10% = 80% tổng số câu hỏi (cái này cũng của thầy mình bày ra)
Hãy gặp giáo viên của bạn để hiểu bản chất của các dạng bài tập này. Tuy biến hóa nhưng chúng đều có chung bản chất. Yêu cầu giáo viên đưa ra bài tập cho bạn.
D. Cuối tuần nên soát lại toàn bộ:
- Ở cái tuổi này mình cũng như bạn, hay quên là chuyện rất bình thường. Bt nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Thế nên bạn hãy dành 1 ngày cuối tuần để làm lại các bài tập trong tuần qua, chỗ nào sai phải sửa ngay. Nhỡ học đến “điện xoay chiều” lại chẳng nhớ được con lắc lò xo có Fmax tính ntn thì ………
E. Tiết kiệm thời gian:
- Giả sử dao động cơ có 10 dạng cơ bản và 5 dạng nâng cao (giả sử thôi)
+ 10 dạng cơ bản: mỗi dạng 10 câu tổng là 100 câu, mỗi câu 2 phút bạn mất 200 phút, 30’ chữa bài là 230 phút. 1 buổi chiều tầm từ 14h đến 18h là 4 tiếng, là 60 x 4 = 240 phút. Học hành tập trung bạn sẽ dư 10’ nghỉ giải lao(!)
Mất 1 ngày để học kiến thức cơ bản 1 chương. Lý có 10 chương nên mất 10 ngày, vậy là đủ kiến thức đi thi tốt nghiệp được 9 được 10 rồi (nếu năm sau thi TN Lý)
+ 5 dạng nâng cao: Nên chia nhỏ ra từng ngày, mỗi ngày 1 dạng hoặc IQ cao thì 1 ngày 2 dạng. Vì là nâng cao nên bạn sẽ tốn thời gian đó. Hãy dùng đt để hỏi bài các bạn mỗi khi cần (xin đừng buôn đt)
Bạn mất 5 ngày
+ Chủ nhật ôn lại;
Bạn mất 1 tuần để học xong dao động cơ!
Tất nhiên điều này chỉ xảy ra khi trên lớp bạn chú ý nghe giảng và nắm rõ toàn bộ kiến thức cơ bản.
- Và như vậy, bạn sẽ dành được thêm thời gian cho “2 người anh em” còn lại, kẻo chúng nó lại so bì mất vui
(bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, tùy hoàn cảnh mà các bạn có cách xử lý riêng cho bản thân. Chúc các bạn thi tốt!)
Nguồn: diendankienthuc.net