• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chế Lan Viên (1920-1989)

Hide Nguyễn

Du mục số
Chế Lan Viên với "Điêu tàn" và "Vàng sao"


Tập thơ Điêu tàn ra đời năm 1937, khi Chế Lan Viên mới 17 tuổi và đang là học sinh năm thứ ba trường Trung học Quy Nhơn. Giữa bình nguyên nhiều màu sắc của Thơ mới hồi ấy, Điêu tàn “đột ngột xuất hiện như một niềm kinh dị”, “một Tháp Chàm lẻ loi và bí mật” (Hoài Thanh). Bút danh Chế Lan Viên gắn với tập thơ đầu tay này rồi sẽ còn có ảnh hưởng rộng dài trong thơ Việt Nam suốt thế kỷ. Điêu tàn cùng một lúc kết hợp và thăng hoa thành thơ nhiều yếu tố: những ám ảnh tuổi thơ với những Tháp Chàm cô đơn sừng sững trong hoàng hôn, nỗi cô đơn và bế tắc của một thanh niên vừa lớn lên đã thấm thía nỗi buồn thời đại, và sau nữa, là một tâm hồn thi sĩ thiên phú. Năm 1942, Chế Lan Viên cho ra đời tập văn Vàng sao - một tập bút ký văn chương - triết luận như để hoàn tất chân dung tinh thần của nhà thơ trên chặng đường này. Hai tác phẩm - một thơ, một văn xuôi như một cặp song sinh tinh thần của một giai đoạn sáng tạo cùng nhằm về một hướng, tụ lại một điểm: hành trình đầy hứng khởi mà cũng đầy đau đớn vào một thế giới tâm linh thần bí và siêu hình.

Bước vào văn chương
, người thi sĩ trẻ nhất của Thơ mới này đã gửi vào bút danh mình bao nhiêu là ký thác, bao nhiêu là kỳ vọng: “Trong ba chữ tên rõ ràng, cái nợ hồ cả một đời kết đọng. Ta ngỡ đấy là một viên ngọc rạng và nó chói ngời lên cho đến hư vô” (Vàng sao). Khác và rõ hơn bất kỳ nhà thơ nào trong Trường thơ Loạn, Chế Lan Viên khao khát bộc lộ tận cùng Bản thể của nhà sáng tạo. Ý thức rõ hơn ai hết sức mạnh của cá thể, cá tính, khát khao tạo lập một cõi riêng trong văn chương đã đồng hành và thúc đẩy Chế Lan Viên từ những dòng khai bút: “Một kiếp sống phụng khai thần bút. Thế là cuộc đời mở cửa- bao nhiêu sức mạnh trong sáng ùa ra, ruộng đất khởi sự cày bừa, sông suối bắt đầu tuôn chảy” (Vàng sao). Viết, như thế, là một lễ nghi phụng khai thần bút, là một cách khơi nguồn sự sống, còn Nhà thơ - Kẻ Sáng tạo là người được trao cho sứ mệnh thiêng liêng: tạo lập một cõi tinh thần.

Điêu tàn quả là một cõi riêng và đằng sau nó là cả một quan niệm thẩm mỹ mới. Bởi thế, Điêu tàn nằm trong bối cảnh chung của Thơ mới mà vẫn khác lạ. Thơ mới sinh thành ra nó mà vẫn bỡ ngỡ khi nó chào đời. Nó được đón nhận một cách dè dặt tuy vẫn không ít những lời khen tặng. Hoài Thanh đã rất sâu sắc khi dùng hai chữ “lẻ loi” và “bí mật” để nói về Điêu tàn. Lẻ loi giữa không khí chung của Thơ mới. Bí mật vì nó là một thế giới đầy bóng tối, siêu hình, khép kín, có lúc làm rợn ngợp và hoang mang người đọc. Đó cũng là một thế giới bí ẩn của nghệ thuật để đến hơn nửa thế kỷ sau và có lẽ còn tiếp tục với thời gian, nó vẫn được tiếp tục tìm hiểu và giải mã, cùng với sự giải mã tư tưởng sáng tạo của Chế Lan Viên thời kỳ này. Điêu tàn là một độc sáng của thơ Chế Lan Viên - cái ánh sáng ma quái và hấp dẫn chỉ lóe lên một lần trong đời thơ ông, một cuộc đời sáng tạo còn kéo dài cho đến nửa thế kỷ sau với những sắc màu đối nghịch.

Cùng với - và trực tiếp hơn những nhà thơ của Trường thơ Loạn, cả trong tuyên ngôn cũng như trong thực tiễn sáng tạo, Điêu tàn khởi sự một mỹ học mới trong sáng tạo thi ca. Nó đã đưa ra một quan niệm khác lạ về thơ và làm hiển hiện một kiểu chủ thể trữ tình mới. Chế Lan Viên viết Tựa Điêu tàn: “Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó thoát Hiện tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói: Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy...”. Người ta nhận ra sự phóng thoát tuyệt đối khỏi quan niệm quen thuộc của thơ trữ tình. Thơ không còn là sự diễn tả xúc cảm của con người; cái hiện có của hiện tại biến mất nhường chỗ cho cái hỗn mang của quá khứ và cái vô định của tương lai, làm thơ là thả hồn lạc vào mê lộ của cái phi thường, cái dị thường. Và nhất là giọng điệu, nó không nói bằng giọng nói quen thuộc của con người mà là những tiếng khóc than, gào rú...


Điêu tàn không nằm trong quan niệm về Cái Đẹp của thơ ca đương thời và có thể nói, nó là một sự tuyên chiến với mỹ cảm chung của Thơ mới lúc đó, dù không tuyên bố. Phóng thoát khỏi mô hình Thơ mới lãng mạn đã nảy nở trọn vẹn, cõi thơ siêu thực mà nó mở ra đó vượt khỏi tầm đón đợi của người đọc, của thi đàn Thơ mới và đó cũng là lý do khiến người ta dè dặt khi đón chào nó. Nó làm một bước ngoặt, vạch một con đường, tự hoàn thiện một khai mở, đồng thời cũng là một kết thúc: cuối con đường ấy, sừng sững mọc lên một ngọn tháp thơ bí ẩn. Đó chính là dấu ấn độc đáo của tư duy sáng tạo, được hình thành như một đột khởi, một lóe sáng xuất thần. Trong thế giới Thơ mới, Điêu tàn tạo lập một cõi riêng với ý nghĩa ấy.

Điêu tàn đối nghịch với Thơ mới ở nhiều phương diện. Chất liệu của nó không là hoa bướm mộng mơ, là các cảm xúc nhân sinh, những rung động tình ái quen thuộc... mà là bóng tối, mồ hoang, sọ người, xương khô, máu tủy và những hồn ma vất vưởng. Thơ mới xôn xao tình điệu của “vườn trần”, của cõi người gần gũi thì Điêu tàn tìm đến tha ma, mộ huyệt. Thơ mới có thoát ly thì cũng tìm chốn Bồng lai, nơi tượng trưng cho cái đẹp cao khiết của lý tưởng, còn Điêu tàn thì thống thiết: Hãy trả tôi về Chiêm quốc; Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh.., mong tìm về một quá khứ tàn lụi, một cõi- không- người. Cái đẹp hài hòa mà Thơ mới gắng sức tạo lập là mối giao cảm giữa người với người, giữa người với cảnh được thay thế bằng những hình ảnh quái dị, ghê rợn được mô tả đầy khoái cảm. Chân dung giai nhân được thay thế bằng hồn ma Chiêm nữ. Nhạc của Điêu tàn không chỉ là Nhạc sầu (Huy Cận), Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê (Xuân Diệu) mà là Điệu nhạc điên cuồng như tên một bài thơ. Tư thế sáng tạo của nhà thơ là “buồn bã âu sầu trong đêm tối - người vẫn nằm há miệng đớp sao rơi”...

Phân tích những yếu tố cấu thành Điêu tàn
, không thể không nói đến ngọn nguồn tinh thần cùng chất liệu cơ bản đã được nhào nặn và được thi sĩ xây cấtthành thơ - đó là quá khứ nước Chiêm và hình ảnh những ngọn tháp Chàm ám ảnh hồn thơ Chế Lan Viên từ thời niên thiếu. “Sinh sống trên đất của nước non Chiêm, mắt luôn nhìn thấy những cảnh tượng điêu tàn của một dân tộc, tai thường nghe những âm thanh lạ lùng ghê rợn xuất phát từ một cõi đêm nào đầy bóng ma quái ở nội thành..., bấy nhiêu cơ hội và cảnh trí trên đã trở thành bối cảnh đặc biệt cho sự phát sinh con người Lan Viên”(1). Những quang cảnh đó đã thấm nhiễm vào hồn người thơ tuổi niên thiếu, khơi gợi tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ về sự biến thiên tàn lụi vốn cũng là hiện trạng của đất nước trong vòng nô lệ tăm tối. Đó là những khởi phát đầu tiên cho cảm xúc nhà thơ để rồi cùng với sự mẫn cảm và trí tưởng tượng phi thường, tất cả những điều đó giúp nhà thơ tạo lập một cõi khác - một thế giới kinh dị, ma quái. Và hơn nữa, chất liệu thơ ấy là thích hợp nhất để nhà thơ có thể giải phóng mọi năng lực sáng tạo mạnh mẽ thiên bẩm của mình. Không còn một bất cứ một ràng buộc nào, hồn thơ tìm đến sự phóng thoát tuyệt đối để có thể nếm trải mọi khoái thú đau đớnvà tạo lập một thế giớiriêng của Điêu tàn.

Với Chế Lan Viên, sáng tạo thi ca là một cuộc phân ly kinh dị giữa xác và hồn, là sự nghiệm sinh cái chết của Hữu thể để sống phần Tâm linh, Vô thức. Không một nhà thơ nào của Thơ mới - kể cả Hàn Mặc Tử - diễn tả đầy đủ quá trình này như Chế Lan Viên. (Phải nói thêm rằng, thơ Hàn Mặc Tử là cõi mê sảng tự thân và thường trực, còn ở Chế Lan Viên, là sự nhập thân vừa mê cuồng vừa tỉnh táo vào thế giới ấy). Chắp nhặt những đứt nối, mê sảng của hành trình này có thể tìm thấy một mạch liền gợi ra phác đồ của tâm lý sáng tạo thi ca được thể hiện trong Điêu tàn. Có thể đó là một buổi chiều “lạc bước - vào nơi đây thế giới vạn cô hồn”. Có thể là một đêm u sầu “nằm há miệng đớp sao rơi”. Có thể chỉ là một phút chán nản tận cùng “nhắm mắt lại cho cả bầu bóng tối - mênh mang lên bát ngát tựa đêm sâu”. Sáng tạo là khởi sự một hành trình, một sự xuất thần, thực hiện một cuộc phiêu du của linh hồn. Cứ như thế, một thế giới của cõi âm dần hiển hiện. Ban đầu vẫn còn chút ít âm thanh cảnh vật của cuộc sống, nhưng rồi tiếng chó sủa làng xa lẫn với tiếng khóc trẻ thơ chỉ còn văng vẳng... Trong bóng đêm u ám của hàng mi, một thế giới được tạo lập như tên một bài thơ tập trung diễn tả quá trình này. Hiện dần ra trong thơ một cõi Âm, một thế giới của cô hồn, tiếng thịt người nảy nở, tiếng xương rên trong mộ, tiếng máu Chàm ri rỉ chảy không thôi... Hồn lạc lối, hồn trôi, hồn bay... là một trạng thái phiêu du vô định, để tâm linh bắt đầu cuộc sống của riêng nó, để sự nghiệm sinh cuộc thoát xác bắt đầu. Chút ý thức còn lại của thi nhân chỉ đủ để cảm nhận cơn mơ đang đến. Mơ rồi! Mơ rồi! Ta mơ rồi! là những câu chữ lặp lại trong mê sảng.

Trong cõi Âm giới ấy, thơ hiện ra, chắp nối từ những âm thanh ghê rợn, những hình ảnh ma quái, những động thái điên cuồng:

Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ
Ta sẽ ca những giọng của hồn điên
(...) Ta sẽ cắn lưỡi ta cho nhỏ máu
Phun lên nền xương trắng rợn hơi ma
Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta tuôn chảy những lời thơ

Có lúc hồn phiêu du bay vào không gian vời vợi xa thẳm của một đêm trăng tràn trề để vo lụa trăng, vo cả giải Ngân Hà... - những hình ảnh có những nét tương đồng gần gũi với thơ Hàn Mặc Tử trong Chơi giữa mùa trăng, Ta vo tiếc mến như vo lụa... Cũng có khi hồn vơ vẩn “đợi người Chiêm nữ”, bài thơ thấp thoáng dáng vẻ của một áng thơ tình với những mong ngóng chia ly quen thuộc, nhưng rồi vẫn chỉ là trong mộng mị và cái tuyệt vọng của đợi chờ ly biệt vẫn mang màu sắc riêng biệt của Điêu tàn:


Hồn ta bay trong một làn khói tỏa
Chẳng biết rồi lưu lạc đến nơi đâu

Thoát khỏi cái Ta quen thuộc của đời sống con người để vươn tới một Cõi Ta rộng lớn - Cõi Ta ấy bao gồm cả Âm giới lẫn Vũ trụ bao la, đó là cái khát vọng chủ đạo của hồn thơ Chế Lan Viên. Không cần những va đập, chà xiết hay những rung động quen thuộc của đời sống để có thể tạo ra một bài thơ, một thế giới thơ. Thi sĩ tự cảm thấy mình có quyền của Đấng Sáng tạo để sinh thành một thế giới. Bài Tạo lập có ý nghĩa quan trọng về phương diện này. Trước hết, đó là sự chối bỏ tuyệt đối “những sắc màu hình ảnh của Trần gian”, để từ đó nhà thơ tạo lập một cõi âm riêng cho mình bằng tưởng tượng:


Nhắm mắt lại cho cả bầu bóng tối
Mênh mang lên bát ngát tựa đêm sâu
Cho hồn phách say sưa trong giả dối
Về cõi âm chờ đợi đã bao lâu

Những hình ảnh quái dị, những bóng quỷ ma dần hiển hiện với lời kêu, tiếng rú... Và trong sự say sưa tột cùng, hồn bay lên cao vời để ngắm nhìn và kiêu ngạo về cái thế giới do mình vừa sáng tạo:


Cho hồn ta vụt bay lên vòi vọi
Trong bóng đêm u ám của hàng mi
Kiêu ngạo rằng: “Đây là bầu thế giới
Tạo lập ra trong một phút sầu bi”


Nếu như “thoát ly” của Thơ mới là một trạng thái tâm lý- xã hội, thì Thoát ly ở Điêu tàn mang một chiều kích khác, một bản chất khác. Đó là khát vọng vươn tới khám phá cái thế giới không cùng của Bản thể, xóa đi cái hữu hạn của nhận thức và lý trí. Trong cái khát vọng ấy, bất chấp những điều hợp lý quen thuộc, sức tưởng tượng của nhà thơ tìm đến cái phi phàm, cái quái dị. Bộ não con người là quá nhỏ hẹp, và thi sĩ muốn có một cái Đầu mênh mang (tên một bài thơ) đủ sức tự nó ôm chứa cả Vũ trụ trăng sao, muốn “cắt phăng làn cổ” để lắp vào những thành sọ lớn có thể chứa bát ngát cả không gian, cả vạn linh hồn, “cho ta đựng cả một bầu sao rụng - cả một vừng trăng sáng cả muôn hương”... Đúng như nhận xét của Hoài Thanh: “Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được”(2) .



Điêu tàn tràn ngập những “máu xương”,“xương vỡ máu trào” như tên hai bài thơ trong tập. Cảm giác điên cuồng đến khoái thú bệnh hoạn thể hiện trong nhiều bài thơ. Ở đấy, thi sĩ muốn để hồn lặn vào huyệt mộ, hơn nữa, muốn tìm một nấm mộ hoang, chôn mình vào đấy để rồi “ta sẽ uống máu lan cùng tủy chảy - ta sẽ nhai thịt nát với xương khô - lấy hơi ma nuôi sống tấm hồn mơ”.


Ta và Cõi ta - tên hai bài thơ - cũng là hai phạm trù tinh thần, hai khái niệm siêu hình cơ bản của Điêu tàn, mở ra vô tận không gian và thời gian nghệ thuật của Điêu tàn. Đó là cõi riêng mà trí tưởng tượng của nhà thơ sở hữu. Trong Cõi ta của riêng mình, mọi sự vật hiện tượng như được sinh ra lần đầu và được định danh lần thứ nhất để trở thành những biểu tượng riêng cho thế giới ấy. Thi sĩ đặt cho nó những cái tên viết hoa và cho nó những ý nghĩa mới: Sông Linh, Cõi U Buồn, Cõi Tang, Cõi Hư vô, Màu Quên lãng, Xứ Trăng mây, Suối Khổ và cả những cảm xúc quen thuộc cũng được viết hoa để mang nội hàm mới: Lầm lạc, Ảo huyễn, Mơ mộng, Chán nản... Trong thế giới ấy, nhà thơ có thể nhìn thấy như diễn ra trước mắt đàn chiến tượng Chàm bước đi rung chuyển rừng xanh và lắng đón lấy những âm thanh chiến trận hùng tráng thuở nào (Chiến tượng). Trên đường về, trong sự dẫn dắt của tưởng tượng, nhà thơ có thể sống lại những cảnh tượng thanh bình, huy hoàng hay trầm mặc của vương quốc Chiêm Thành xưa:

Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc
Những cô thôn vàng ruộm ánh chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui

Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành...

để rồi: “Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập - Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời”. Những ấn tượng của một lần tìm lại quá khứ ấy sẽ là ám ảnh mãi mãi của người thơ trong cõi sống. Những bước trở về đầu tiên còn không ít những vẻ đẹp trong sáng, những hình ảnh gợi cảm không xa lạ bao nhiêu với thơ ca đương thời. Người đọc có thể nhận ra ở đấy những tình cảm đẹp nhất đối với quá khứ đã tàn lụi của một dân tộc.

Nhưng cuộc hành trình trở về quá khứ ấy ngày một phức tạp hơn, đau đớn hơn. Nước Chiêm xưa nay chỉ còn lại những nấm mồ, những hồn ma mà nhà thơ gặp trên đường về. Chủ đề Chiêm Thành không còn là toàn bộ Điêu tàn; nó là nỗi bi thương đầu tiên mở ra những chuỗi bi thương khác diễn ra trong hồn thi nhân. Nỗi đau Chiêm Thành nhường bước dần hay nói đúng hơn, tụ lại trong một chủ đề khác, khái quát hơn và ghê rợn hơn: Đau thương và Cái chết. Không cần một bám víu hiện thực nào khác, chỉ với những chất liệu được tạo ra bằng trực giác và tưởng tượng, thơ Chế Lan Viên chuyển hẳn sang địa hạt thơ siêu thực. Ở đây, cái thực đã hòa trộn cái mê sảng, những cảm giác được thay bằng ảo giác và cuộc sống trần thế nhường chỗ cho cõi tinh thần và tâm linh, những trải nghiệm ngoại giới quay ngược lại thành những nghiệm sinh nội tâm. Cái được mô tả, trải nghiệm trong Điêu tàn chỉ còn là những giấc mơ siêu thực. Thi sĩ có thể Ngủ trong sao: “Rồi trần truồng ta nằm trên điện ngọc - Hai tay cuồng vơ níu áo muôn tiên”, thi sĩ có thể nhận ra mình tắm trăng với những cảm giác say sưa điên cuồng nhất, ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn: “cho trăng ghì, trăng riết cả làn da”; thi sĩ có thể nói với người tình Chiêm nữ: “Mà mảnh trăng cũng điên rồi em ạ - Bỗng dưng sao rơi xuống đáy hồ sâu?” Cứ như thế, tưởng tượng và trực giác mở ra cho Điêu tàn một thế giới rộng rinh vô bờ bến. Cả một cuộc sống của trực giác và tâm linh đã được thể hiện trong Điêu tàn. Trực giác và linh hồn không phải chỉ “sống” trong thực tiễn sáng tạo mà nó nằm ngay trong quan niệm sáng tạo của thi sĩ. Trong tập văn xuôi Vàng sao, Chế Lan Viên viết: “Như nhà thơ nọ quay cuồng trong ngôn ngữ - chung đụng với sự vật - bao lâu nay chúng ta chỉ toàn gặp những khối vô tri. Thế rồi cũng có một lúc nào - cái vỏ che đậy của chúng vỡ ra, trên mỗi cục sạn trên mỗi chiếc lá, trên mỗi cành hoa, như một lối trời, hé ra một khung cửa nhỏ. Phóng trực giác chúng ta qua đấy như một con dao, chúng ta sẽ đâm trúng linh hồn sự vật. Đưa linh hồn ta qua khỏi đó, ta sẽ tìm ra những gì đã mất ban đầu...”.

Nếu như trong Thơ mới, chủ đề ái tình như là tình cảm đắm say và nhân bản nhất của con người vốn được liên tục làm mới và không ít những phân nhánh phong phú thì khi được thể hiện trong thế giới siêu thực của Điêu tàn, nó đã mang một dáng vẻ khác, chuyển sang một ranh giới khác. Thân xác như không còn nữa, chỉ còn là linh hồn thi sĩ quấn quýt với những hồn ma Chiêm nữ. Cũng có những đợi chờ tuyệt vọng - Nàng không lại và nàng không lại nữa - cả thân ta dần tan trong hơi thở; những phút giây im lặng nhìn nhau - ta cùng Nàng nhìn nhau không tiếng nói - sợ lời than lay đổ cả đêm sâu; cả những ái ân thân thiết - Đưa môi đây này môi anh chan chứa - rượu yêu đương nồng cháy của tình si; và cuộc chia tay giữa hồn thi sĩ với hồn ma khi vầng ô đã rạng, gỡ hồn nàng ra khỏi mảnh hồn ta... Điêu tàn không ít những câu thơ hay về ái tình và trong cuộc tình với hồn ma, không thiếu những tình cảm tha thiết, những lời nói dịu dàng - Này em trông, một vì sao đang rụng - Hãy nghiêng mình mà tránh đi nghe em..., nhưng người đọc vẫn khó có thể cảm nhận nó trong sự tiếp nhận quen thuộc: đó là những câu thơ của cõi ảo, của những chiều kích khác mà sức ám ảnh của nó vượt ra ngoài những rung động bình thường của cõi người. Nói về ái tình, những câu thơ tình của Điêu tàn do thế trở thành ảo não và tuyệt vọng nhất của Thơ mới về chủ đề này.

Trong cõi Ta tuyệt đối tự do ấy, con người thi nhân được bộc lộ đến tận cùng Bản thể. Thi nhân vật vã trong cuộc lột bỏ mọi vướng bận, mọi ngăn trở của Hữu thể để mong tìm thấy một sự hòa nhập tuyệt đối và tuyệt đích với Vũ trụ và Tự nhiên:

Ta cởi truồng ra! Ta cởi truồng ra!
Ngoài kia trăng sáng chảy bao la...
Ai cởi giùm ta? Ai lột giùm ta?
Chưa lõa lồ thịt còn nằm trong da!
Chưa trần truồng óc còn say trong ý!
Trăng chưa lấp đầy xương, chưa ngấm tủy
Hồn vẫn còn chưa uống hết hương hoa


Cũng trong cõi Ta ấy, thi nhân được sống những phút điên cuồng, được hét, được gào, được nếm trải mọi cảm giác rùng rợn. Thơ mới nói nhiều đến nỗi buồn, đau thương và cũng từng chạm đến Thú đau thương: Hãy lịm người trong thú đau thương. Ở Điêu tàn, những đau đớn thụ động, cam chịu như thế không đủ nữa. Đau thương ở đây đã lên đến tột cùng để trở thành thú vui hưởng thụ, được bộc lộ như một thứ khoái cảm vật chất. Nhà thơ kêu gọi những hồn ma: Hãy về đây! Về bên ta mi hỡi! - Đem cho ta những phút rởn kinh hồn. Quả thật, ở Điêu tàn, cái gì của nó cũng tột cùng. “Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy...”. Sự điên cuồng ấy là biểu hiện tận cùng của Đau thương. Đau thương, với tác giả Điêu tàn và Vàng sao, đó không chỉ là một trạng thái tâm lý. Nhà thơ biết ơn nó, tôn sùng nó và coi nó như là kẻ gieo những hạt mầm màu nhiệm của thơ ca. Chế Lan Viên đã từng giãi bày trong Vàng sao: “Như trái đất tạo ra một bầu không khí để lên hoa cỏ - ta sẽ tạo ra một bầu cô liêu để trong ấy thờ mi. Đau khổ! Người thợ cày ác liệt, lưỡi cày mi quá sắc - và mi đã đang tâm rạch nát hồn ta. Nhưng đau khổ, ta vẫn quỳ xuống bên đường- trong những luống cày kia, mi đã bỏ giống cho bao nhiêu màu nhiệm” (Trốn lửa). Nỗi buồn là một trạng thái tâm hồn điển hình của Thơ mới, còn Điêu tàn đã đẩy trạng thái ấy đến tột cùng như một biểu tượng bao trùm của cõi người và đặt nó lên một ngôi cao của vị Thần sáng tạo. Chối bỏ thực tại, Điêu tàn trình bày cuộc hành trình thống khổ và ghê rợn của cái tôi nhà thơ đi tìm bản ngã và cuộc sống đích thực của nó trong miền hoang tưởng. Khép cánh cửa ngoại giới, mở to mắt nhìn vào nội tâm, Điêu tàn đã thể hiện một đời sống tâm linh sôi sục, vọt trào rộng rãi nhiều khi đến điên loạn trên những trang thơ. Ruổi theo những cảm xúc biến hóa và cuồng dại, Điêu tàn không có và nó cũng không bận tâm đi tìm cái tinh tế và cái hoa mỹ trong hình thức thơ. Nó cần cái nguyên sơ tươi mới của ngôn từ để diễn đạt cảm giác bản năng vừa bắt chợt chứ không phải là những vần điệu được dụng công sắp đặt. Nhiều câu thơ trụi trần, ngôn ngữ chỉ đuổi theo bám lấy ý thơ - những ý thơ đang “bay đi theo tiếng cười điệu khóc” - để kịp cho nó một hình thức tồn tại. Bởi thế, cũng có thể nói “nếu so sánh với thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử về phương diện nghệ thuật trong thơ, thì giá trị tập Điêu tàn không có gì đáng được xét đến”(3). Sức mạnh nghệ thuật của Điêu tàn không dựa nhiều ở hệ thống kinh nghiệm mỹ từ pháp quen thuộc của Thơ mới nhưng vẫn có cách thể hiện độc đáo của riêng nó: sắc thái ngữ nghĩa của mỗi con chữ được đẩy đến ranh giới tận cùng để diễn đạt cho hết những cảm giác mãnh liệt nhất của thi nhân. Trong cuộc phân thân cho linh hồn phiêu diêu trong cõi Ta tưởng tượng, thi sĩ đã nhiều khi cảm thấy đánh mất Bản thể, hoang mang lạc lối, không còn phân biệt đâu là Âm dương, đâu là Cõi sống thật của con người:

Lòng hỡi lòng, biết đâu là Âm giới!
Biết nơi đâu Cõi Sống của muôn người?
Trong U minh hồn ta đương lạc lối
Trông tháng ngày, yên để lệ sầu rơi!


Có những phút thi nhân vật vã trong cuộc phân thân ấy khi chính mình cảm thấy rợn ngợp, không cưỡng lại nổi cái thế giới xa lạ kinh hoàng của hoang tưởng đang cuốn mình vào vô định, khi không còn có thể làm chủ bản thân mình:

Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?
Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai trào lên trong đáy óc
Để bay đi theo tiếng cười điệu khóc?


“Biết làm sao giữ mãi được ta đây?” là một câu hỏi tuyệt vọng, đau đớn tận cùng của thi nhân. Chính nhà thơ, đấng sáng tạo từng kiêu ngạo vì tạo ra một Cõi Ta riêng biệt, khoái thú lặn ngụp trong những cảm giác mê cuồng đã có lúc thốt ra điều mong muốn duy nhất: “Ôi biết làm sao cho ta thoát khỏi - Ngoài Cõi Ta ngập chìm bóng tối?”. Sự chối bỏ cuộc sống hiện hữu để tìm đến một thế giới tâm linh; khát vọng sáng tạo tuyệt đối của người nghệ sĩ thể hiện bi kịch tinh thần của nhà thơ đã kết thúc bằng một bi kịch khác, còn lớn hơn nữa: thấm thía nỗi tuyệt vọng khi con người tự đánh mất mình. Hơn bất cứ nhà thơ nào, Chế Lan Viên đã diễn đạt một cách thành thật và đau đớn không phải chỉ là nỗi cô đơn mà là nỗi cô đơn tự hủy.

Những câu thơ thấm đẫm máu tủy và hơi ma từng là niềm sung sướng của hạnh phúc sáng tạo đang trào tuôn đầy trang giấy có những lúc “bỗng run lên kinh hãi dưới tay điên”. Nhà thơ bỗng ghê sợ, ân hận nhận ra những trang giấy “tiết trinh” trong trắng đang bị vấy bẩn bởi chính những vần thơ hắc ám. Nhà thơ hốt hoảng kêu gọi thống thiết:

Có ai không nắm giùm tay ta lại!
Hãy bẻ giùm cán bút của ta đi


Kết thúc cuộc phân thân để đi tìm Bản ngã đích thực, để được phiêu du vô định và tìm cảm hứng sáng tạo trong một Cõi Ta tự mình tạo lập là một câu hỏi hoang mang tuyệt vọng về chính sự tồn tại của cái bản ngã ấy:

Ai bảo giùm: Ta có, có Ta không?

Tựu trung lại, Điêu tàn thể hiện một sự bi quan tuyệt vọng đến tận cùng và cũng bởi thế, chủ đề bao trùm nhất của Điêu tàn chính là Khối Đau thương, là Khối U sầu không thể sẻ chia hay đập vỡ mà Quả đất chính là biểu trưng cao nhất của nó:

Quả tim ta là một Khối U buồn
Mạch máu ta là một khối đau thương
Mà Quả đất là Khối sầu vô hạn...


Nỗi sầu ấy, rộng lớn hơn nữa, còn lan tỏa, bao trùm đến cõi Hư vô:

Quả đất chuyển, giây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư vô


Nỗi sầu ấy trùm lấp không gian và cũng hòa trong dòng thời gian vô tận: “Cả Dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận - Cả Tương lai là chuỗi huyệt chưa thành - Và Hiện tại, biết cùng chăng hỡi bạn - Cũng đang chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh”.

Có thể nói, nỗi buồn thấm thía trong Thơ mới cho đến Điêu tàn đã tìm thấy một cung bậc khác, tồn tại trong một chiều kích khác để đi đến tận cùng tuyệt vọng: sự chối bỏ cõi sống như một chọn lựa không thể nào khác. “Thượng đế hỡi, hãy trả tôi về Chiêm quốc - Hãy đem tôi xa lánh cõi Trần gian”; “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh - Một vì sao trơ trọi cuối trời xa - Để nơi ấy, tháng ngày tôi lẩn tránh...” là những mong ước thể hiện sự chối bỏ tận cùng ấy.

Bên cạnh chủ đề về một quá khứ tàn lụi và một không gian thơ ngập tràn cái chết và tuyệt vọng, đậm đặc bóng tối vẫn có những hé sáng của cái đẹp cuộc đời trong nhiều vần thơ Điêu tàn. Từ bỏ cái thế giới siêu hình rợn ngợp để trở về với Đời, thơ như được reo lên niềm hân hoan trong sáng của Phục sinh. Xuân về, Thu, Trưa đơn giản là sự sống thiên nhiên, con người được hoàn nguyên trở lại; chính vì thế đó là những câu thơ vào loại đẹp nhất của Điêu tàn, và của Thơ mới:

Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô

(Xuân về)

Trưa lên trời. Và xanh thẳm bầu trời
Bỗng mê ly nhìn thấy trắng mây trôi
Trưa gọi kêu, nâng ngực gió lên trời
Bên vú trái tròn, lá bỗng run môi

(Trưa đơn giản)

Cũng mới độ nào trong gió lộng
Nến lau bừng sáng núi lau xanh
Bướm vàng nhè nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước thành

(Thu)


Điêu tàn là một tập thơ phức hợp nhiều dòng cảm xúc đối nghịch, vọt trào, là dòng vận động không ngừng của tư tưởng. Vọng tưởng đau đớn về một đất nước Chiêm Thành đã chỉ còn là dĩ vãng, cảm hứng thơ chuyển sang một tâm thế hiện tại - Nỗi Sầu lớn của thi nhân, và rộng hơn, cái Vô nghĩa của tồn tại. Trong cuộc phân thân để rời bỏ thế giới hiện hữu tầm thường, nhà thơ tìm cách tạo lập riêng cho thơ một thế giới rợn ngợp đầy những hình ảnh chết chóc, ghê rợn và kiêu ngạo về kết quả sáng tạo ấy để rồi cuối cùng, hoang mang và tuyệt vọng cực độ về chính sự đánh mất bản ngã. Và đây đó, như không thể khác, thơ Chế Lan Viên sau những tưởng tượng điên cuồng và siêu hình vẫn lần về bám víu vào những cảnh thực, đời thực để tìm ở đấy ít nhiều khoảng sáng trong lành.

Trong bi kịch tinh thần của nhà thơ, có bi kịch của dân tộc, có nỗi buồn của thời đại. Bởi vì, như nhà thơ nói trong Lời tựa Điêu tàn: “Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu dấu của tôi đâu? Kia kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi...”. Tiếng dội ấy, dù ít dù nhiều, người đương thời vẫn phải lắng nghe, nhất là khi nó vang dội thông qua những vần thơ đầy sức ám ảnh. Nó đồng vọng cùng thời đại và lòng người trong cảnh nô lệ, mất còn của dân tộc. Đó là ý nghĩa xã hội tích cực, chút cảm khái thời đại, là tiếng gọi của hồn nước xa xôi trong Điêu tàn.

Điêu tàn quả thực là một dòng thi cảm khác lạ và đặc biệt của Thơ mới. Tuy thế, như lời một nhà phê bình thời ấy: “Trừ khi ông đi vào một con đường khác thì không kể. Với thi cảm này, mặc dầu lạ lùng, mặc dầu quý báu, ông sẽ không thể nói được nhiều. Nói nữa, ông sẽ không khỏi rơi vào sự sáo, ông tự sáo với chính ông...”(4). Đó là một nhận xét có lý bởi nó ít nhiều đã nói lên được điều này: nhà thơ đã dốc mình đến cạn kiệt cho một chủ đề độc đáo nhưng vẫn là lạ lùng trong không khí thơ thời đại, và tiếng nói nhà thơ cũng đã ở những cung bậc cao nhất trong một cách thể hiện đầy tính cực đoan và siêu hình.

Đồng điệu và hòa điệu với cõi thơ Điêu tàn là tập văn xuôi Vàng sao xuất hiện sau đó ít lâu (1942). Ở tập văn xuôi triết luận này, nỗi buồn nhân thế và những khắc khoải về bản ngã còn mang tính triết lý sâu đậm và siêu hình hơn. Xuyên qua sự phức tạp và đầy tính trừu tượng của ngôn ngữ tùy bút- triết lý, đây đó sáng lên những ý tưởng sâu sắc và độc đáo của người thi sĩ trẻ nhất của Thơ mới. Lệ, Chiều tin tưởng, Trốn lửa, Đêm giao thừa, Bỏ trường mà đi, Tuổi vàng, Giao thừa, Khai bút, Tượng trưng..., mỗi bài là một mảnh tâm tưởng, một lời tự thú, là những dằn vặt muôn đời của người nghệ sĩ nhạy cảm hơn ai hết trong việc đi tìm lẽ tồn tại của con người. Trong Vàng sao, có sự đan dệt của triết học và thi ca, không gian vô tận và thời gian vô cùng, tự nhiên và con người, cái khoảnh khắc và cái vĩnh cửu... Chế Lan Viên hướng về vũ trụ bao la, thần bí, nhìn ngắm những đêm sao bằng con mắt trí tuệ để “trước mắt ta hiện lên cái ý nghĩa của đêm trời”, để suy nghĩ triết lý về sự vận động vô cùng vô tận của thế giới. Hơn một lần, lại thấy tiếng nói khẳng định Bản ngã và sức sáng tạo của người nghệ sĩ như một cách khẳng định mình trong sự vận động lớn lao và bất diệt của Tự nhiên. Nhà thơ viết: “Bất diệt. Ta cóc cần bất diệt. Cát bụi cũng riêng giá trị. Ta lấy lại hình thể của ta một điểm không gian. Và hạt vàng hiện giữa đêm vàng, ta cũng sẽ chói sáng lên như một miền châu ngọc”. Cả cái tôi bản thể và cái tôi nghệ sĩ của tác giả đều muốn vượt lên cõi tục để tạo nên một Tháp nghĩ, một Đài thơ và rồi trên đài cao ấy hướng tới hư vô, tìm trong đó sức mạnh sáng tạo: “Đào xới hư vô. Tuôn chảy hư vô. Cả hai đều do lòng ta sáng tạo và bằng một sự tuần hoàn như máu cả hai trở về sáng tạo lòng ta”.

Cái đẹp cứu rỗi thế giới (Đôtxtôievxki). Và Chế Lan Viên kế tiếp tư tưởng ấy: “Lời kêu gọi thì ở chân trời nhưng biết đâu sự cứu vớt lại chẳng tìm thấy nơi tôi”. Khó có thể nói hay hơn thế và quyết liệt hơn thế về thiên chức của người nghệ sĩ: con người đảm đương một sứ mệnh, con người sáng tạo một thế giới. Xét đến cùng, đó cũng là một cách khẳng định giá trị của con người, của mỗi cá nhân, một tiếng nói của tinh thần nhân văn.

Xu hướng tìm đến những tượng trưng siêu hình từng được thể hiện trong Điêu tàn lại một lần nữa được nhấn mạnh trong Vàng sao. Thông qua cách nhìn trực giác, “mọi sự vật cứ thế thành tượng trưng. Không, không, không phải tượng trưng mà là sự thực”. Và đi đến tận cùng của những tượng trưng ấy, Chế Lan Viên ca tụng cái đẹp linh thiêng, tìm đến sùng bái những tượng trưng tôn giáo: “Thích Ca! Giê su! Khổng Khâu! Lão tử! Tôi đều thành tâm cúi đầu trước uy linh thần diệu của các ngài”... Nhưng sau tất cả những suy tư thần bí, phóng trực giác xuyên qua những miền tâm linh u uẩn, vẫn còn đấy cõi người và cuộc đời. Nhà thơ đã tìm lại được mình, “ta đã đây rồi, mệt nhọc như ngủ giữa hoa thơm mà dậy” để đốt lên ngọn lửa sáng tạo giữa đời: “Thôi đốt vài nhành gai, nhen lên ngọn lửa, chúng ta thành tâm gợi khêu lên hình bóng của cuộc đời”. Dù cũng chỉ là một ngọn lửa nhỏ mới được nhen lên, cũng có thể coi đó là chân lý được tìm thấy cuối chặng hành trình nhọc nhằn và đau đớn của tư tưởng sáng tạo Chế Lan Viên trong Điêu tàn và Vàng sao.

Điêu tàn và Vàng sao đánh dấu một chặng đường khởi đầu độc đáo và phát lộ tài năng của sự nghiệp văn chương Chế Lan Viên. Tập thơ Điêu tàn, với tất cả sự bí ẩn phong phú của nó trong tư duy và cảm xúc thơ đã thực sự có được một vị trí riêng trong Thơ mới, và rộng hơn, trong đời sống thơ ca thế kỷ./.

__________________

([1]) Hoàng Diệp: Chế Lan Viên, thi sĩ tiền chiến. Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1969.
(2) Thi nhân Việt Nam. Nxb. Văn học, H, 1942, tr.221.
(3) Hoàng Diệp. Bài đã dẫn.
(4) Lê Thiều Quang: Cảm tưởng của tôi khi đọc Chế Lan Viên. Tạp chí Tao Đàn số 5, 1939.


( Theo Vũ Tuấn Anh )
 

chelanvien.jpg
Chế Lan Viên (1920-1989)



Chế Lan Viên (1920-1989)
, tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 tại Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị. Ông một nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời ông cũng là một nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem đây là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định.
Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn Vàng Sao, tập thơ triết luận về đời với mầu sắc siêu hình, huyền bí.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, sau ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn-đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương[1].

Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo "Văn học". Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở Phòng Văn nghệ, Ban tuyên huấn Trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo "Văn học" (sau là báo Văn nghệ). Từ năm 1963 ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V, VI; Ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi.

Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Chế Lan Viên là bố của nhà văn Phan Thị Vàng Anh.



Quan điểm và phong cách sáng tác

Con đường thơ của Chế Lan Viên "trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ"[2], thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958).

Trước Cách mạng tháng 8, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn": "kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn [3] với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm. Những tháp Chàm "điêu tàn" là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên, qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.

Sau Cách mạng, thơ ông đã "đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng"[4], và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, "thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái "tôi" trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống"[5].

Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo, nổi bật nhất là "chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa"[6]



Các bút danh

Ngoài bút danh Chế Lan Viên nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận "Những bước đường tư tưởng của tôi" của Xuân Diệu, đăng trên báo "Văn học" tháng 9/1958, ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo "Thống Nhất", xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này.

Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo "Văn học", phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập "Vào nghề" và "Nói chuyện văn thơ" của tác giả Chàng Văn.
Trong mục "Nụ cười xuân" trên báo "Văn học", Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là "Ngô bói Kiều" và "Lý luận Đờ Gôn" ký tên Oah (tức Hoan).



Tác phẩm chính

Thơ
  • XuânChế Lan Viên
  • Điêu tàn (1937)
  • Gửi các anh (1954)
  • Ánh sáng và phù sa(1960)
  • Hoa ngày thường (1967)
  • Chim báo bão (1967)
  • Những bài thơ đánh giặc (1972)
  • Đối thoại mới (1973)
  • Ngày vĩ đại (1976)
  • Hoa trước lăng Người (1976)
  • Dải đất vùng trời (1976)
  • Hái theo mùa (1977)
  • Hoa trên đá (1984)
  • Ta gửi cho mình (1986)
  • Di cảo thơ I, II, III (1992, 1993, 1995)
Văn
  • Vàng sao (1942)
  • Thăm Trung Quốc (bút ký, 1963)
  • Những ngày nổi giận (bút ký, 1966)
  • Bác về quê ta (tạp văn, 1972)
  • Giờ của đô thành (bút ký, 1977)
  • Nàng tiên trên mặt đất (1985)
Tiểu luận phê bình
  • Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1952)
  • Nói chuyện thơ văn (bút danh Chàng Văn, 1960)
  • Vào nghề (bút danh Chàng Văn, 1962)
  • Phê bình văn học (1962)
  • Suy nghĩ và bình luận (1971)
  • Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976)
  • Nghĩ cạnh dòng thơ (1981)
  • Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981)
  • Ngoại vi thơ (1987)
  • Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (tập I, 1985; tập II, 1990)
  • Tuyển tập thơ chọn lọc
  • Nàng và tôi (1992)
Chú thích
  1. Có tài liệu ghi ông sinh ngày 14 tháng 1 năm 1920.
  2. Thực ra trong thời gian 1945-1950 Đảng không ra hoạt động công khai mà tuyên bố tự giải tán, chỉ có một bộ phận "công khai" mang tên "Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin".
  3. Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá, Văn học 12, NXB Giáo Dục, 2007, trang 119
  4. Sđd, trang 119
  5. Sđd, trang 119
  6. Sđd, trang 119
 
Hôm nay (19/6) tròn hai mươi năm mất nhà thơ Chế Lan Viên (1920 - 1989). Bài này là bài tôi viết nhanh khi ở Sài Gòn đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày mất của ông để tham gia một cuộc tưởng nhớ ông lúc ấy. Chế Lan Viên là một hiện tượng văn học đa diện và phức tạp, còn cần phải được khám phá, soi chiếu nhiều chiều. Tôi đưa lại bài viết này cùng hai bài thơ di cảo của ông và một bài thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc như một sự tưởng nhớ Chế Lan Viên sau hai mươi năm ông từ cõi thế.
Trong Di cảo I, ở trang 81, Chế Lan Viên có bài thơ

Tháp Bayon bốn mặt

Anh là tháp Ba on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc

Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình

(Mùa bệnh 1998)

Sinh thời nhà thơ bài này đã đăng báo. Một năm sau ông qua đời. Con đường thơ của ông đi từ tháp Chàm đến tháp Bayon. Mười sáu tuổi ông hóa mình khóc cho một vương quốc đã tuyệt diệt. Bảy mươi tuổi ông hóa tháp Angkor khóc mình lúc sắp vào "xứ không màu". Chế Lan Viên - ông là ai? Cho đến bây giờ, và chắc lâu sau nữa, ông vẫn là niềm "kinh dị" đối với những người làm văn học và yêu văn học Việt Nam. Ở đây tôi thử đi tìm một câu trả lời.

1. Ông già Chế, dẫu bao thăng trầm thế sự văn chương, vẫn còn lại một chút gì của cậu thiếu niên Chế thuở xưa. Đó là sự tự tin vào tài năng của mình và dám kiêu hãnh khẳng định điều ấy. Trong Di cảo ông nhiều lần dằn vặt mình về cái lẽ tài hèn mọn mà ham làm lớn, thích thành bất tử, đó là chuyện khác. Nhưng chỉ riêng việc dám lấy cái hèn mọn của mình mà so với các bậc khổng lồ tiền nhân khắp cõi, mà đối với trời đất bao la thời gian vô cùng không gian mênh mông, đủ thấy Chế Lan Viên đến cuối đời vẫn nguyên một phẩm chất của giống nghệ sĩ muôn đời: thị tài. Hãy nghe cậu bé Việt lấy họ dân Chàm chưa qua tuổi trăng rằm tung ra những lời có cánh như sau: "Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý" . Cậu bé đó xin tiền của mẹ, của chị in tập thơ đầu tay của mình mà người đời đọc được là phúc cho người đời, khi đó cậu ngồi trên chín tầng mây kêu vọng xuống nhân thế: "A ha, bay ơi, loài người đã hiểu ta rồi!". Và từ đây, cậu bé đã là ông già, thâm trầm hơn sâu sắc hơn, đến cuối đường ngoái lại cả con đường gật đầu với mình: "Anh là tháp Bayon bốn mặt". Họa sĩ lớn người Mêhicô Xikâyrốt bảo nhà thơ lớn người Nga Evgeni Evtushenko là có 99 khuôn mặt. Những nghệ sĩ lớn không bao giờ là một mặt cả. Nguyễn Tuân thích nhất câu nhận định về ông là người phức tạp, nghĩa là nhiều mặt. Mặt trong mặt ngoài, mặt trên mặt dưới, mặt phải mặt trái, mặt sấp mặt ngửa, mặt sáng mặt tối, mặt dữ mặt lành, mặt mình mặt ta... Đáng chán nhất là một mặt, nhất là văn học nghệ thuật.

2. Nhưng Chế Lan Viên đã chỉ sống với một mặt. Tháp Bayon bốn mặt là Quá Khứ, còn "giấu đi ba, còn lại đấy là anh" là Hiện Tại. Đối diện với cái chết ông đã dũng cảm "lộn trái" mình ra. Định nghĩa về Chế Lan Viên sẽ có nhiều, cả do ông và do người khác đưa ra, nhưng theo tôi đây là định nghĩa thành thực nhất, chính xác nhất và cay đắng nhất của ông về ông. Gần với câu này là cái câu nói về người đóng vai "Anh đóng giả trăm vai, lại đánh mất mình" cũng có thể vận cho cho người thơ. Thành thực giãi bày và thừa nhận những góc khuất đời thật của mình, đó là điểm khả thủ của Di cảo thơ Chế Lan Viên. Vấn đề là tại làm sao như vậy. Có sự lựa chọn ở dây không? Tự do hay ép buộc? Những năm sau 1945 các văn nghệ sĩ trước 1945 hào hứng theo cách mạng đi kháng chiến, tự nguyện làm những cuộc "lột xác", "nhận đường", thanh thản từ bỏ những đứa con tinh thần một thời của mình, nhẹ nhàng cắt khúc quãng đời trước và cuộc đời sau. Nhưng hành trình cách mạng - dân tộc càng đi xa càng thấy không lý gì lại tự mình làm khổ và làm nghèo mình đi như vậy. Lần lần những cái vất đi được âm thầm lấy lại. Hiện tượng văn học sử này gợi nhớ đến một lời khuyên của Gogol không riêng với một đời người cụ thể mà cả với một đời văn thơ, một nền văn học và rộng hơn nữa: "Hãy mang theo tất cả để lên đường khi từ những năm niên thiếu dịu dàng bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ, hãy mang theo tất cả xúc cảm của tâm hồn nhân loại, đừng bỏ nó lại dọc đường để rồi sau đó lại nhặt lên". Trong cái thời lãng mạn ngây thơ và nghiệt ngã ấy, Chế Lan Viên có phần quyết liệt chối bỏ mình với tư cách một thi sĩ nhiều hơn các đồng nghiệp khác. Ông bằng lòng sống một mặt, song le "chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc". Trước người ta tưởng ông chỉ có một mặt này. Nay đọc thơ Di cảo, người ta biết ông còn nhiều mặt nữa, tất cả đều mặt thật, duy chỉ ông chọn sống bằng một mặt ấy mà thôi, các mặt khác ẩn chìm chịu đau đớn khi cái mặt ngoài cười nói đủ màu sắc cung bậc. Chế Lan Viên không dừng lại ở đây trên quá trình "phản tỉnh". Ông đã dám lột mặt mình ra, đồng thời ông cũng không che đậy cái động lực khiến ông thuận đeo mặt: bánh vẽ. Và ông không trút bỏ trách nhiệm phần mình trong chuyện này "người khác thấy anh ngồi thì họ cũng ngồi thôi". Đẩy tới một bước mới là câu hỏi gay gắt Ai ? Tôi ? mà ông nhận lấy về mình. Tôi nhớ vào dịp đó (1987) một nhà thơ thế hệ chống Mỹ cũng đã quyết liệt cất tiếng Ai vấn hỏi lịch sử về những thăng trầm khốn khó của dân tộc sau ngày chiến thắng trong một bài thơ thế sự có dẫn một câu thơ của Chế Lan Viên như chứng tích một thời. Hai nhà thơ cùng lúc bật ra một câu hỏi chung nhưng họ đưa ra những câu trả lời khác nhau do dự phần trách nhiệm lịch sử khác nhau.

3. Cuối cùng, thời hiện tại của Chế Lan Viên cũng sắp qua. Ông chuẩn bị cho cuộc đời vào miền tương lai vĩnh viễn. Mỗi người có một cách thế chuẩn bị riêng cho cuộc đi này. Xuân Diệu, chẳng hạn, mọi dằn vặt ưu tư đều bỏ lại sau chỉ một chữ yêu không bỏ: "Trong hơi thở chót dâng trời đất, Còn vẫn si tình đến ngất ngư". Chế Lan Viên thì khác. Dù sau khi ông nằm xuống Tố Hữu ngợi ca "Mai sau những cánh đồng thơ lớn, chắc có tro anh bón sắc hồng", nhưng trước phút hát"từ thế chi ca" ông có mối bận tâm khắc khoải. Đó là phải hiện diện đúng mặt mình. Tôi nghĩ ông có nỗi lo hậu thế hiểu sai ông, lo những lớp người sau không thấy đủ bốn mặt Bayon Chế Lan Viên. Xấu tốt hay dở thế nào là việc phán xét của mai hậu, nhưng giờ là lúc không thể giấu mặt được nữa, tháp phải nguyên lại tháp, không phải biến thành trụ cây số bên đường. Chế Lan Viên - người giấu mặt. Và Di cảo thơlà hành trình người đi tìm mặt của Chế Lan Viên. Điều này tăng thêm giá trị cho ông và nói được nhiều với hôm nay.


Sài Gòn 6. 1994
Rút từ Di cảo

Trừ đi

Chế Lan Viên



Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ - tôi giết
Cái cánh sắp bay - trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển - Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình


(Tạp chí Văn, Paris 1992)




Bánh vẽ



Chế Lan Viên


Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai nhồm nhoàm


(Prométheé 86, Văn học và Dư luận, 8-1991)

Cảm tác trong đêm Đà Lạt
(Đọc di cảo thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên)


Bùi Minh Quốc



Mấy thi sĩ thế kỷ này ngồi nhồm nhoàm nhai bánh vẽ
Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng
Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ
Tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung



Anh ngồi nhắm lai rai, dẫu biết thừa bánh vẽ
Bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình
Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để
Chúc tụng tía lía và ăn uống thật tình


Cốt một chỗ thôi để có ngày được nhai thứ thiệt
Mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm
Thứ thiệt mãi xa vời, chỉ rất gần là cái chết
Cái chết này là chết thật hay oan?


Tôi rùng mình đọc bài thơ Bánh vẽ
Mỗi chữ tạo lên cột số dặm đời
Thể phách đã an hòa cùng đất mẹ
Tinh anh còn lạnh buốt suốt thời tôi


Đà Lạt 13/9/1991


Theo : Pham Xuân Nguyên.

 
Những bút danh của nhà thơ Chế Lan Viên



Nhà thơ Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan. Ông sinh ngày 14/1/1920 tại Đông Hà (Quảng Trị). Lấy bút danh họ Chế, nhà thơ đã nổi tiếng khi mới tròn tuổi 17 với tập thơ đầu tay "Điêu tàn".

Nói như nhà phê bình văn học Hoài Thanh, tập thơ Điêu tàn ra đời như một niềm kinh dị trong thi đàn đương đại!

Trong bài giới thiệu tập tiểu luận Những bước đường tư tưởng của tôi - tác giả Xuân Diệu - đăng trên báo Văn học tháng 9/1958, nhà thơ ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo Thống Nhất xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5/1975, ông cũng ký bằng bút danh này.

Từ năm 1959 đến năm 1963, Chế Lan Viên làm biên tập báo Văn học (nay là báo Văn nghệ), phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc về công việc bếp núc văn chương. Khi ấy, ông ký tên là Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập Vào nghề và Nói chuyện văn thơ tác giả Chàng Văn.

Trong mục Nụ cười xuân trên báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn đả kích Mỹ Diệm là Ngô bói Kiều và Lý luận Đờ Gôn ký tên Oah (tức Hoan).

Như vậy, trong sự nghiệp văn chương của mình, Chế Lan Viên có 4 bút danh.

(Theo Tiền Phong)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top