Chậu cá cảnh của bé Min

vunhan209

New member
Xu
0
CHẬU CÁ CẢNH CỦA BÉ MIN

Từ ngày có chậu cá cảnh, Min vui hẳn lên. Mỗi lần đi học về, Min vội vã đến ngay chậu cá, thả mồi cho chúng ăn rồi vỗ tay, huýt sáo, reo hò vang nhà:

-Mẹ ơi, con đặt tên cho đàn cá rồi mẹ ạ. Con màu vàng hoe gọi là Hoàng Yến. Con màu đất là Kim Nhung. Con mình xanh như lá lúa là Phương Thảo. Con ngắn tũn, có cái miệng rộng ngoác như miệng gầu là Trư Bát Giới và con có cái đầu vẹo vọ, trông bướng bỉnh con đặt là Tôn Hành Giả. Có được không hả mẹ? Và con dặn cúng cặn kẽ: con Phương Thảo là của mẹ , con Kim Nhung là của bố, con Hoàng yến là của con, Trư Bát Giới và Tôn Ngộ Không để chơi chung mẹ nhé?

Nó nhắc đến bố là mẹ nó lại nhòa lệ. Thế rồi từ dưới bếp bà cố nén lòng nói vọng lên:
-Hay lắm! Hay lắm! Mẹ bảo: - Con đã cho nó ăn chưa? Hôm nay mẹ đi chợ mua quà cho con và cá đấy.
-Quà gì đó hả mẹ?
-Gói hạt lả trắng tinh, thơm phức, là sản phẩm lúa nếp hoa vàng ở cánh đồng làng ta đấy con ạ. Phần con một nửa, cá một nửa.
Cầm gói hạt lả, Min lặng lẽ chia đôi theo lời mẹ dặn. Trước khi cho cá ăn ,Min lại đọc mấy câu hệt như cô Tấm gọi Bống ngày xưa: “Cá cá, cờ cờ. Tao cho mày ăn no. Đừng có ngủ khò. Trộm vào bắt cóc. Chịu khó mà học. Sau này làm vua. Con nào học thua. Ra chùa mà ở”

Cả năm con cá ngẩng cao đầu gật lia lịa như vâng lời Min dặn, rồi chúng lại hụp xuống sâu, lững lờ bơi lượn trong bình nước trong veo.

Sau bữa trưa, Min lên giường nằm ngủ, vừa mới chợp mắt lại thấy văng vẳng từ phía bình cá ngân vang:
“Chúng tôi là cá cờ, sống nơi ao tù nước đọng. Hôm ấy bác chài lưới săn đuổi đến kiệt cùng. Con tôm, cái tép, nằm nép bờ ao, miệng thở phì phào, phen này hẳn chết. Còn chúng tôi bé bỏng nhất loài cũng chằng được tha. Số phận đang chờ câu nói của người xưa: “ Cá nằm trên thớt”. May sao gặp cô đến van xin, người chài lưới mủi lòng thương, ném cả năm chúng tôi lọt thỏm vào bàn tay nhỏ xíu của cô. Mỗi ngày ba bữa cô cho ăn no, tắm mát, lại được học hành. Chúng tôi xin hết lóng cám ơn và hứa sẽ cùng cô dùi mài kinh sử sao cho “công thành, danh toại” để khỏi phụ lòng chăm sóc của bà, của cô”.

Mỗi khi nhìn thấy Min, thậm chí chỉ nghe tiếng nói, hoặc bước chân nhẹ nhàng từ phía xa là đàn cá trong bình lại tung tăng vũ hội. Cứ sau mỗi buổi học chiều, Min vội vàng đi quét nhà, quét sân rồi lại đến ngồi bên bình cá. Cô ra hiệu bằng tay mà đàn cã cứ răm rắp nghe lời. Cô chỉ ngược ngón tay lên trời là chúng bơi. Cô xòa bàn tay úp xuống là chúng nằm. Cô nắm tay lại là chúng ngủ khò khò. Cô gõ chiếc thước kẻ xuống cạnh bàn “Cạch! Cạch! Cạch!” dáng điệu y như cô giáo, cả đàn cá đứng im lìm. Cô dõng dạc hỏi:

-Hoàng Yến lên bảng. – Con cá sắc vàng như tơ, lững lờ tiến ra phía trước. Cô đọc tiêng “O”. con Hoàng Yến há to miệng, sủi lên từng chùm bong bóng nhỏ li ti. Cô vỗ tay hoan hô rồi cho mười điểm.. Mấy con khác đứng bên cũng phe phẩy cái đuôi mừng rỡ.
-Tôn Hành Giả đâu? – Lập tức chú cá trông dáng võ sĩ, phóng vút lên trên mặt nước phất phơ đôi vây. Cô đọc tiếng “A” nó há miệng đớp mồi chộp choạp. Cô đọc tiếng “C”, nó nghiêng mình uốn cong người lại giống như mảng trăng cuối tuần. Cô vui sướng cười phà lên, cả đàn lại nhảy múa một hồi.
-Trư Bát Giới đã thuộc bài chưa mà chậm chạp thế hả? – Con cá mồm rộng đến mang tai cứ lặng thinh như không biết. Cô quát lên: Trư Bát Giới ra học bài. Cô hỏi chữ “Ô”, nó lắc đầu. Hỏi chữ “B”, nó cũng lắc đầu. Cô chỉ tay vào mặt nó rồi mắng: “Lợn ơi là lợn”. Mẹ cô ngồi giường bên phải bịt tay vào miệng cười khùng khục. Bà lên tiếng:
-“Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn”. Đánh cho nó mấy roi con ạ.
-Con không đánh đâu. – Nói với mẹ rồi cô lại quay sang mắng cá: Chiều nay mày phải viết kiểm điểm nhé! Trư Bát Giới nghe rõ chưa? Trư Bát Giới chúi đầu bơi thẳng xuống đáy bình, nằm im thin thít vẻ xấu hổ.

Đầu xuân năm nay, hội làng tổ chức thi cá cảnh. Hai mẹ con Min cảnh mẹ góa, con côi ngờ đâu lại có tác phẩm đẹp mắt ra trình làng. Chỉ là mấy con cá cờ rẻ mạt, đựng trong bình ngâm rượu, của hồi môn duy nhất của mẹ. Ánh nắng mặt trời dọi vào, chậu cá cảnh lung linh đủ bảy sắc cầu vồng. Con bơi, con lượn, con chào khách, con học bài. Min cứ liếng thoắng như người dạy thú. Min giơ tay trái, rồi giơ tay phải, miệng đọc “O”, “A”. Mỗi lần Min biểu diễn, hàng loạt tiếng vỗ tay hoan hô. Hầu như tất cả người xem đều là cổ động viên của Min. Một chù phóng viên công kênh Min lên vai rồi hỏi:

-Cháu giỏi lắm. Ai dạy cháu chơi cá cảnh?
-Cô Minh Vượng hay làm trò trên tivi để mọi người vui. Nhà cháu không có tivi, cháu đi xem nhờ nhà bạn Cải, nhưng phải ngồi phía sau tức anh ách. Cháu nuôi mấy con cá cờ để mẹ cháu không buồn.
-Mẹ cháu làm nghề gì? Sao lại buồn?
-Mẹ cháu đi cấy suốt ngày ở ngoài ruộng, quần áo lấm lem, không có tiền lương như bố, mẹ bạn Cải. Bố cháu lại vừa mất năm ngoái.
-Bố cháu mất vì sao?
-Bố cháu đi cày, bỗng dưng cô Mây, chú Gió từ đâu ầm ầm kéo về, bủa vây tứ phía, đen nghịt bầu trời để cho ông Sấm, ông Sét độc ác soi đèn pin loang loáng giữa ban ngày rồi nổ súng “Đùng! Đoàng!”. Con trâu sợ hãi ù té chạy, còn bố cháu nằm bất động trên luống cày lõng bõng nước. Hôm bố cháu mất, mẹ cháu khóc, cháu khóc, ông Trời cũng khóc. Thôi, cháu không nói nữa đâu.
Tất cả các chậu cá cảnh đắt tiền phải nhường chỗ cho mấy cô, cậu cá cờ quê kệch ra nhận vương miện cùng cô bé Min lon ton ôm gói quà khự lự. Min cúi đầu chào mọi người miệng nói: “Bai bai!”
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top