Sau khi đã an tâm chấp nhận một cảnh ngộ thì ta sẽ cảm thấy bình tĩnh trong tâm hồn và lý trí sẽ sáng suốt hơn để ta suy nghĩ và cải thiện tình thế.
Chấp nhận điều tồi tệ nhất - một phương cách vượt qua sự lo âu
Đây là phương pháp do Willis H.Carrier đã tìm ra: Ông là một kỹ sư đã sáng tạo ra kỹ nghệ điều hòa không khí và đứng đầu tập đoàn Carrier ở Syracuse. Phương pháp này là một trong những phương pháp thần diệu để giải quyết những vấn đề rắc rối.
Ông nói:
“Khi còn trẻ, tôi giúp việc công ty luyện kim Buffalo ở New York. Người ta giao cho tôi sáng tạo một máy lọc hơi để dùng trong một nhà máy lớn ở Crystal City, tại bang Misourri. Công việc đó tốn hàng chục nghìn đô la, có mục đích lọc hơi trong lò cho hết chất bẩn, rồi dùng hơi đó để đốt than mà không hại cho máy.
Phương pháp lọc hơi đó còn mới mẻ, từ trước mới thí nghiệm có một lần và trong những điều kiện không thuận tiện lắm. Khi tôi bắt tay vào việc ở Crystal City thì những trở lực bất ngờ mới hiện ra.
Cái máy tôi tạo ra chạy cũng được nhưng không hoàn hảo, không đúng như lời chúng tôi cam kết. Khi sự thất bại đó đã hiển hiện rõ ràng thì tôi choáng váng gần như có kẻ nào đập mạnh vào đầu óc tôi vậy. Dạ dày và ruột tôi như cuộn lại, tôi lo lắng tới nỗi mất ngủ trong một thời gian dài.
Sau cùng lương tri nhắc tôi rằng: lo lắng như vậy vô ích và tôi kiếm ra một phương pháp để tự giải quyết sự ưu tư đó, phương pháp ấy đã đem cho tôi một kết quả thần diệu, trên ba mươi năm nay, tôi luôn dùng để diệt lo lắng.
Nó giản dị vô cùng, ai cũng áp dụng được. Có ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất:
Tôi can đảm phân tích tình thế một cách ngay thẳng và tự hỏi: Nếu thất bại thì kết quả tai hại nhất sẽ ra sao? Không ai bỏ tù, hoặc bắn tôi mà sợ, điều đó thì chắc chắn, có lẽ tôi sẽ mất việc, cũng có lẽ hãng sẽ gỡ bỏ bộ máy của tôi đi và làm như vậy cái vốn 20.000 đô la mà hãng đã bỏ vào việc đó sẽ tan ra như khói.
Giai đoạn thứ hai:
Sau khi đã nghĩ tới những hậu quả tai hại nhất có thể xảy ra, tôi nhất quyết đành lòng nhận nó, nếu cần.
Tôi tự nhủ: “Sự thất bại đó là một vố đập vào danh tiếng ta và có thể làm cho ta mất việc, nhưng dầu việc này mất, ta vẫn có thể tìm kiếm được việc khác, thì đã lấy gì làm tai hại cho lắm? Còn về phần các ông chủ của tôi, thì họ sẽ nhận là công ty đang thí nghiệm môt phương pháp mới để tẩy hơi. Thí nghiệm ấy làm tốn cho họ hai mươi ngàn đô la. Song họ có thể chịu được sự lỗ đó. Họ sẽ tính vào quỹ nghiên cứu, vì như đã nói, đây chỉ là một cuộc thí nghiệm”.
Sau khi đã xét được những kết quả tai hại nhất có thể xảy ra và đành lòng nhận nó, nếu cần, tôi cảm thấy một điều cực kỳ quan trọng là: tức thì tinh thần tôi lại thảnh thơi, bình tĩnh như xưa vậy.
Giai đoạn thứ ba:
Từ lúc ấy, tôi bình tĩnh dùng hết thời giờ và nghị lực để tìm cách giảm bớt tai hại của những hậu quả mà tôi đã cam lòng chịu nhận.
Tôi rán tìm cách cho bớt lỗ, tôi thí nghiệm nhiều lần và sau cùng thấy chắc chắn rằng, nếu chịu bỏ thêm 5.000 đô la nữa, để cải tạo một bộ phận thì máy của chúng tôi hoàn hảo.
Chúng tôi làm đúng như vậy và hãng chúng tôi chẳng những đã chẳng lỗ 20.000 đô la còn được lời 15.000 đô la là khác.
Tôi tin chắc rằng không bao giờ tôi nghĩ ra được cách cải tạo đó, nếu tôi cứ rối rắm như trước. Vì sự lo lắng đưa ta tới hậu quả tai hại là làm cho ta mất hết khả năng tập trung tư tưởng.
Khi ta lo, óc ta luôn luôn chuyển từ ý này sang ý khác và cố nhiên ta mất năng lực quyết định.
Trái lại, khi chúng ta can đảm nhìn thẳng vào những tai họa khốc hại, vui lòng chịu nhận nó, thì lập tức ta bỏ ngay được hết những nỗi lo lắng tưởng tượng để tự đặt ta vào một tình cảnh khách quan có thể giúp ta tập trung hết tư tưởng vào vấn đề mà ta đang cần giải quyết.”
Chính giáo sư William James, người sáng lập ra khoa tâm lý thực hành, đã khuyên học sinh của ông: “An tâm nhận cảnh ngộ ấy đi” vì “nếu ta bằng lòng nhận ra sự đã xảy ra, ấy là bước đầu đi tới sự thắng những tai hại do bất cứ biến cố nào”.
Sau khi đã an tâm chấp nhận một cảnh ngộ thì ta sẽ cảm thấy bình tĩnh trong tâm hồn và lý trí sẽ sáng suốt hơn để ta suy nghĩ và cải thiện tình thế.
Nguồn: Quẳng gánh lo đi và vui sống - Dale Carnegie - Phan Hiếu, Nguyễn Hiến Lê dịch