Chia Sẻ Cây dừa -Trần Đăng Khoa

Trang Dimple

New member
Xu
38
Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao

Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh
Ai mang nước ngọt, nước lành
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa
Cay-Dua-Xiem-720x510.jpg


Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo
Trời trong đầy tiếng rì rào
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra...

Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi


1967

Nguồn:
1. Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, Nxb Văn hoá dân tộc, 1999
2. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002
 
Trần Ðăng Khoa nổi tiếng là thần đồng thơ từ năm lên tám tuổi với những bài thơ giản dị, ngộ nghĩnh viết về những điều quanh mình. Gần đây, anh lại gặt hái được thành công trong lĩnh vực phê bình khi viết chân dung văn học bằng một giọng văn hài hước nhưng thâm thúy.

Tiểu sửTrần Ðăng Khoa, sinh ngày 26-4-1958 tại thôn Ðiền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, Hải Dương. Hiện ở Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977).

Trần Ðăng Khoa tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp Học viện Văn học Thế giới mang tên M.Gorki (CHLB Nga), từng là lính Hải quân, học viên trường Sĩ quan Lục quân. Hiện là biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội.

Nổi tiếng là “thần đồng” thơ từ khi mới 7, 8 tuổi. Tập thơ Từ góc sân nhà em in ở Nhà xuất bản Kim Ðồng lúc vừa tròn 10 tuổi. Ngoài thơ còn viết phê bình văn học.

Tác phẩm chính

Từ góc sân nhà em (thơ, 1968); Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968, 1973, 1976… tái bản lần thứ 20 năm 1995); Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 1, 1970); Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974); Trường ca Trừng phạt (thơ, 1973); Trường ca Giông bão (thơ, 1983); Bên cửa sổ máy bay (thơ, 1986); Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 2, 1983); Chân dung và đối thoại (1998); và nhiều tập khác được dịch in ở nước ngoài.

Tự bạch

“Trần Ðăng Khoa là con thứ ba trong một gia đình nông dân ở bên bờ sông Kinh Thầy. Thuở nhỏ, y từng ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp và suốt đời làm thơ về làng quê, cảnh quê, những vui buồn của người dân quê ở nơi xóm mạc. Nhưng rồi, cũng như nhiều thợ cày trong làng, y lên đường nhập ngũ vào những tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ và trở thành nhà thơ khoác áo lính.

Ðối với Trần Ðăng Khoa, thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Suốt đời, y luôn có ý thức vươn tới loại thơ đó. Tuy nhiên, theo lời y, để làm được điều ấy một phần còn do ông giời. Nhưng phần ấy là bao nhiêu? Ông giời ở đâu? Tính khí ông ta thế nào, thì suốt đời y không thể hiểu nổi?

Bài thơ đầu tiên của y được in báo Văn nghệ vào tháng 5-1966. Khi đó, y tám tuổi, đang học ở học kỳ II lớp một trường làng. Bấy giờ, người làm thơ còn ít. Trẻ con làm thơ lại càng ít, nên tự dưng, y thành của hiếm, thành đặc sản. Nhiều người tò mò vượt hàng trăm cây số bom đạn, lặn lội đến nhà y, chỉ để xem y như xem… ma quỷ hiện hình. Không ít người còn bắt y xòe tay, ngó đường chỉ, vạch tóc xem xoáy đầu rồi lặng lẽ ra đi với gương mặt rất bí hiểm.

Bây giờ y đã già và dứt khoát không phải kẻ đắc đạo. Vậy mà y vẫn phải còng lưng, ỳ ạch vác cây thánh giá của cái tuổi trẻ con.

Những năm gần đây, ngoài làm thơ, y còn viết báo, viết bình luận văn chương và chân dung văn học. Ðề tài y quan tâm là các nhà văn và những vấn đề của văn học Việt Nam đương đại. Ngoài những trang viết, mà ở đấy phần nhiều y dồn hết tâm lực, còn ngoài đời, y là tay nhạt nhẽo và tầm phào. Y chẳng đam mê gì, và nói chung, y là gã vô tích sự”.

Nhận định
Trần Ðăng Khoa, tác giả của nhiều bài thơ hay mà bản thân tôi đã hai lần viết bài giới thiệu và bình luận, là nhà thơ 10 tuổi năm 1968, mà tôi đã sung sướng hướng dẫn đoàn truyền hình Pháp về quay phim “Thế giới nhỏ của em Khoa” tại xã Quốc Tuấn – Hải Hưng; tôi còn là người đầu tiên dịch thơ Trần Ðăng Khoa ra tiếng Pháp, đưa cho nữ đồng chí Madeleine Riffaud. Chị Riffaud về đăng lên báo Nhân đạo (Humanité) của Ðảng Cộng sản Pháp; sau đó tôi lại dịch cả một tập thơ Khoa ra Pháp văn, từ đó giới thiệu thơ Trần Ðăng Khoa, dịch ra nhiều tiếng trên thế giới. Tôi lại giới thiệu và giúp đỡ nhà thơ Cuba Félix Pi la Rodriguez dịch ra tiếng Tây Ban Nha, và tôi đã bình hai bài thơ Mưa và Em kể chuyện này ở rất nhiều nơi trên miền bắc, ở Sài Gòn và các thành thị phía nam (1975-1976).

(Xuân Diệu – Công việc làm thơ, 1984)

Ðọc thơ Trần Ðăng Khoa, chúng ta thấy rất rõ điều này: Thơ Trần Ðăng Khoa chủ yếu viết bằng tình cảm, bằng lòng yêu thương… Yêu thương từ cây cỏ đến loài vật, từ người thân trong nhà đến bà con trong làng. Từ Bác Hồ kính yêu đến các thầy cô giáo các bạn bè cùng lớp…, các anh bộ đội, các cô bác công nhân đào than…

Một trong những yếu tố giúp cho Trần Ðăng Khoa có được những cái riêng, từ những quan sát nhỏ đến những tình cảm, những ý nghĩ lớn, đó là sức liên tưởng phong phú và mạnh mẽ của em…

(Phạm Hổ – Ðọc thơ Trần Ðăng Khoa, 1995)

Có lẽ còn lâu mới lại có được một thần đồng tám tuổi lại thành một nhà thơ để lại được sự nghiệp trong nền thơ Việt Nam như Trần Ðăng Khoa.
Thơ Khoa gắn với cái vườn, ngôi nhà, cánh đồng và làng xóm quanh Khoa. Nay mai làng hóa phố, hoặc thành những trang trại lớn, thơ Trần Ðăng Khoa còn giá trị biết mấy…
Sau này Trần Ðăng Khoa chuyển sang viết chân dung. Tập Chân dung và đối thoại của Khoa cũng là một tác phẩm góp vào văn nghiệp của thần đồng xưa. Nhưng thơ Thần đồng thì mọi người vẫn rất dễ nhất trí, yêu thích, và tự hào, mến phục.
Thật sung sướng cho một nhà thơ được mãi mãi hồn nhiên và đẹp với một hồn thơ thời tám, chín tuổi…
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top