• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Câu đồng nghĩa sử dụng lối nói vòng

vosong

New member
Xu
0
CÂU ĐỒNG NGHĨA SỬ DỤNG LỐI NÓI VÒNG

Nguyễn Hữu Chương
https://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/h...nJmNhdGlkPTcxOm5nb24tbmctaGMmSXRlbWlkPTEwNw== https://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/h...t=default&page=&option=com_content&Itemid=107



0.p1030340.jpg


1. Đặt vấn đề

Khi nói năng, dùng tên gọi chính danh thì ngắn gọn và dễ hiểu hơn nói vòng, thí dụ nói “trước ngày rằm” thì dễ hiểu hơn nói “trước lúc trăng tròn lần kế tiếp”“ngày cuối cùng của năm” thì dễ hiểu hơn nói “ngày thứ 365 của năm”, v.v… Tuy nhiên có nhiều lý do để nói vòng. Trong văn chương, thơ phú, người sáng tác thích dùng lối nói có hình ảnh. Chẳng hạn, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: “Đầu lòng hai ả tố nga…, Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” thì “mười phân vẹn mười” là lối nói vòng thay cho “đều tuyệt đẹp”. Dân gian có bài vè mỉa mai những anh chàng nghèo rớt mồng tơi mà lại hay khoe khoang nói phét là giàu có: “Giầu giẩu giầu giâu/ Kém mười trâu đầy một chục./ Lợn đẻ nhung nhúc./ Kém mười chục đầy một trăm”. “Kém mười trâu đầy một chục” là không có con trâu nào, “kém mười chục đầy một trăm” là không có con lợn nào. Đây là những cụm từ nói vòng. Trong đời thường, người ta nói vòng khi kiêng cữ, như kiêng gọi tên của người vừa mới mất, khi không biết tên của người hay vật cần gọi, khi muốn nhấn mạnh một đặc trưng nổi bật nào đó của đối tượng, v.v… Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các giáo viên ra các câu hỏi trắc nghiệm theo lối nói vòng để kiểm tra khả năng suy luận và kiến thức của học sinh, sinh viên. [NLĐ, 31.5.2009], nói

Nói vòng đã có trong tiếng nói của nhiều dân tộc. Chẳng hạn, trong tiếng Pháp: “Les bisontins ont… (Những người bisontins có… ) 1 Les habitants de Besançon ont (Các cư dân Besançon có… ) [ 6,87]. Trong tiếng Anh: (1) a. I want to go to London (Tôi muốn đi Luân Đôn) 1 b. I want to go to the capital of England (Tôi muốn đi đến thủ đô nước Anh). (2) a. The thieft killed the old woman (Tên trộm đã giết chết bà cụ già) 1 b. The thieft caused the old woman to die (Tên trộm đã làm cho bà cụ già chết). (3) a. He ran her off the road (Hắn xô cô ấy dạt sang bên đường) 1 b. He caused her to run off the road (Hắn làm cho cô ấy chạy dạt sang bên đường).
2. Khái niệm

2.1 Nói vòng là ngữ (cụm từ) giải thích cho một từ. Ví dụ: “Thủ đô nước Việt Nam” thay cho “Hà Nội” [9]. Thuật ngữ tiếng Anh là periphrasis; tiếng Pháp là périphase (c), périphrastiques; tiếng Nga là perifraza.

2.2 Nói vòng và phép thế các danh ngữ đồng sở chỉ
Nói vòng có phạm vi rộng hơn phép thế các danh ngữ đồng sở chỉ, vì nói vòng thay thế cho cả danh từ lẫn động từ, tính từ, trong khi đó phép thế các danh ngữ đồng sở chỉ chỉ thay thế cho các danh từ. Cụm từ nói vòng là cụm từ có quan hệ giải thích về nghĩa với các từ ngữ gốc cho nên ta có thể suy ra được từ ngữ gốc mà không cần phải dựa vào ngữ cảnh hay tình huống giao tiếp như phép thế các danh ngữ đồng sở chỉ. Ví dụ như nói “thủ đô nước CHXHCN Việt Nam” thì ta có thể suy ra được đó là Hà Nội. Còn đoạn văn sau đây thì sử dụng phép thế bằng danh ngữ đồng sở chỉ: “Nhân có cuộc hội ý chi bộ, Ẩn phát biểu ý kiến:
- Theo tôi tính toán, từ đây tới Côn Đảo còn 180 hải lý nữa. Khoảng 18 giờ ngày mai ta sẽ bắt được mục tiêu” [11, 117]. Nhờ ngữ cảnh ta mới biết được “mục tiêu” và “Côn Đảo” là các danh ngữ đồng sở chỉ.
Chính vì giữa cụm từ nói vòng và các từ ngữ gốc có quan hệ giải thích về nghĩa cho nên R.Martin, 1976 [6,87] đã xếp lối nói vòng vào loại câu đồng nghĩa (CĐN) ngữ nghĩa học (paraphrase sémantique) còn phép thế các danh ngữ đồng sở chỉ thì được xếp vào loại CĐN ngữ dụng học (paraphrase pragmatique).
Nghiên cứu lối nói vòng là cần thiết bởi vì đây là một phương thức diễn đạt đồng nghĩa cú pháp. Trong bài viết này, chúng tôi nêu một số lối (loại) nói vòng trong tiếng Việt và phân tích cơ sở ngữ nghĩa của những suy luận ra từ ngữ gốc. Theo lý thuyết về đồng nghĩa cú pháp của R.Martin 1976 [6] thì câu nói vòng và câu nói dùng từ gốc là hai CĐN. Chúng tôi tán thành quan điểm trên của R.Martin và đã nêu loại CĐN này vào năm 2002 [2]. Khái niệm về lối nói vòng và hướng nghiên cứu của chúng tôi khác với khái niệm về “lối nói vòng vo” và hướng nghiên cứu của Nguyễn Đăng Khánh trong Tạp chí Ngôn ngữ số 5.2005 và số 9.2007.

3. Một số lối nói vòng trong tiếng Việt

1. Nói vòng thay cho danh từ gốc chỉ quan hệ họ hàng thân thuộc
(1) “Trong nhà có đám tang? Phải, bà cụ sinh ra ông chủ mới tạ thế hồi đêm” [12, 147] (bà cụ sinh ra ông chủ n mẹ ông chủ).
(2) Nhưng mưa, giá, rét có hề chi đến bữa tiệc giỗ ông cụ đẻ ra ông chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ô tô “Con cọp” [12, 139] (ông cụ đẻ ra ông chủ n bố ông chủ)
Qua văn dịch ta cũng thấy các nhà viết văn, viết kịch nước ngoài sử dụng lối nói vòng này. Chẳng hạn:
(3) “Anh có biết thân sinh ra anh sinh ngày nào không? Charles mỉm cười không trả lời trực tiếp, chỉ nói: Có hàng vạn người không quen biết chỉ nhắc đến là tôi biết ngay, huống chi là người đẻ ra tôi” [26] (người đẻ ra tôi n thân sinh ra tôi).
(4) “Mục sư – Cô nói thế nào? Cô Engxtrand, đây là ông đẻ ra cô kia mà” [14] (ông đẻ ra cô n cha cô).
Ở một vùng ngoại thành Hà Nội, khi chửi rủa nhau, người ta cũng hay dùng lối nói vòng này. Chẳng hạn: “Chém cha cái thằng đẻ ra ông mày”, “Chém cha cái thằng đẻ ra bố mày”, “Chém cha cái con đẻ ra mẹ mày”, “Chém cha cái con đẻ ra mày”, v.v…

2. Nói vòng thay cho danh từ gốc chỉ người vợ hay người chồng trong gia đình
(1) “Cô tìm tới hỏi người đàn ông đã từng cùng cô chung sống” [ 22 – PNVNCT, 28.8.2003] (người đàn ông đã từng cùng cô chung sống n chồng/ người tình).
(2) “Cô ấy đã làm lành với bố của con trai mình” [29] (bố của con trai mình n chồng mình n Hoan Caclốt).
(3) “Mục sư sống với… mẹ của những đứa con của mình” [14] (mẹ của những đứa con của mình n vợ).
(4) “Hialmar, chắp hai tay – Đấy là mẹ của con tôi đấy” [14] (mẹ của con tôi n vợ)

3. Nói vòng thay cho người đang nói
“Bà Alvinh hạ thấp giọng nhưng cương nghị:
- Bắt đầu ngay từ ngày kia, tôi sẽ hành động như thể người quá cố chưa hề bao giờ sống trong nhà này. Ở đây sẽ không còn ai khác ngoài thằng con của tôi và mẹ nó” [14, 52] (mẹ nó n tôi)

4. Nói vòng thay cho đại từ phản thân “mình”
“Mẹ - đó là người phụ nữ luôn tin chắc rằng vợ của con trai không thể tốt bằng vợ của chồng mình và chồng của con gái sẽ tốt hơn bố nó” [16] (vợ của chồng mình n mình).

5. Nói vòng thay cho tên riêng của người
Lối nói vòng này được sử dụng khi người ta không biết tên hay không muốn gọi bằng tên của người kia. Dựa vào nghĩa của cụm nói vòng mà người nghe nhận ra sở chỉ của câu nói đó là chỉ ai. Ví dụ: “Tôi muốn gặp em của anh An”, “Bưu điện gửi giấy báo bưu phẩm đến cho bố thằng Bình”, v.v… Trong kịch nói và nhiều thể loại văn bản khác nhau người ta sử dụng lối nói này. Chẳng hạn:
(1)“Ông Cả - gọi vào nhà – Mẹ cái Phương cầm cho tôi cái chổi ra đây nhé. (Bà Cả cầm chổi ra)” [13, 96]. (mẹ cái Phương n bà Cả n vợ)
(2)“Nam: Tiếng ai như…(gọi to). Thảo ơi! Mẹ thằng cu Tuấn đấy phải không?” [15,13] (mẹ thằng cu Tuấn nThảo). Một số vùng ở miền Bắc nước ta trước năm 1954 có lối gọi con trai bằng cách đệm thêm hai chữ “anh thằng” trước tên riêng. Ví dụ:
(3)“Bà cụ Phương… cả cái tổng này có ai như vợ anh thằng Sáng không?” [18, 57] (vợ anh thằng Sáng n vợ thằng Sáng n Ngọc).
Ở Việt Nam, người ta có lối gọi thay vai: lẽ ra gọi bằng tên của cha mẹ, người ta lại gọi bằng tên của con, thường là con cả. Ví dụ (4) “Ông Bình có nhà không?” thì “Bình” là tên của con trai cả. Lối gọi này xuất phát từ lý do kiêng gọi tên của người lớn tuổi theo tập tục từ ngày xưa.
Khi muốn nhấn mạnh hay chú ý đến nghề nghiệp, địa vị xã hội hay một mối quan hệ xã hội nào đó của người khác thì người nói hay dùng lối nói vòng thay cho tên riêng vì tên riêng không có nội dung ý nghĩa, không cho người ta biết được những thông tin khác về người được nói tới. Vì vậy ngay cả trong thể văn nghị luận (bình văn, bình luận, xã luận… ) người ta cũng hay sử dụng lối nói vòng này. Chẳng hạn Ngô Tất Tố đã viết (5): “Tự nhiên tôi sinh ra hoài nghi cái sức Hán học của tác giả Nho giáo” [17, 334] (tác giả Nho giáo n Trần Trọng Kim).

6. Nói vòng bằng biệt danh thay cho tên người
Ví dụ: “Gần đây, mọi người kháo nhau “họa mi tóc nâu” sắp theo chồng bỏ cuộc chơi” [NLĐ, 31.5.2009] (họa mi tóc nâu n ca sĩ Mỹ Tâm). Sở dĩ gọi là “họa mi” vì ca sĩ này hát hay.

7. Nói vòng thay cho các danh từ chỉ đối tượng
Ví dụ: “Con này, hễ đã lên tiếng thì y như có kẻ gian vào nhà. Nó chồm hẳn lên mà cắn, thằng trộm nào vô phúc mà vào nhà này thì hẳn là mất chỗ đội nón” [12, 77] (chỗ đội nón n đầu).

8. Nói vòng thay cho danh từ chung chỉ địa điểm, nơi chốn
Ví dụ: “Cả vùng Xuân Thới Thượng này, nói đến Tư Ren, người ta dễ biết hơn là anh thương binh Lê Văn Đức. Khi trở về nơi chôn rau cắt rốn, anh thương binh loại A này không cam chịu với số phận” [CATPHCM, 28.7.1993] (nơi chôn rau cắt rốn n quê).

9. Nói vòng thay cho danh từ riêng chỉ địa danh
Ví dụ: thủ đô nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam n Hà Nội, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu n thành phố Hồ Chí Minh n thành phố mang tên Người n hòn ngọc của Viễn Đông, thành phố hoa phượng đỏ n Hải Phòng, thành phố dệt n Nam Định, quê hương quan họ n Bắc Ninh, đất nước chùa tháp nn Lào, đất nước mặt trời mọc n Nhật Bản, đàn ông xứ mặc váy n đàn ông xứ Xcốtlen v.v… Trang văn hóa nghệ thuật của các báo hay thấy lối nói vòng này. Chẳng hạn: “Tham gia trình diễn trong chương trình âm nhạc chúc mừng năm mới ở Nhật Bản hôm 29.12 vừa qua, ca sĩ Susan Boyle bất ngờ khi cô được chào đón rất nồng nhiệt ở xứ sở hoa anh đào” [NLĐ, 1.1.2010] (xứ sở hoa anh đào n Nhật Bản). Campuchia, đất nước triệu voi

10. Nói vòng thay cho tên gọi chính danh của một thứ tiếng nào đó
(1) “Sau khi bị thất thế do thứ tiếng của Shakespeare lấn át sau thế chiến thứ hai, Paris tung chiến dịch vận động dùng Pháp ngữ” [SGGP, 2.10.2004] (thứ tiếng của Shakespeare n tiếng Anh)
(2) “… sử dụng ngôn ngữ của Shakespeare thay vì ngôn ngữ của Voltaire” [SGGP, 6.3.2006] (ngôn ngữ của Shakespeare n tiếng Anh, ngôn ngữ của Voltaire n tiếng Pháp).

11. Nói vòng thay cho danh từ chỉ nghề nghiệp
Ví dụ: nghề bán cháo phổi n giáo viên; nghề gõ đầu trẻ n giáo viên mẫu giáo, tiểu học; nghề bán trôn nuôi miệng n nghề mại dâm, v.v…

12. Nói vòng thay cho tên gọi chính danh chỉ thời gian
(1) Trở về nước vào ngày ông Táo về trời. (ngày ông Táo về trời n ngày 23 tháng Chạp).
(2) “Vừa kết thúc ở sân khấu Trung tâm Ca nhạc Lan Anh, tôi phải chạy liền sang sân khấu MTV cho kịp giờ. Ngày nào cũng bắt đầu từ 20 giờ và kết thúc lúc bắt đầu ngày mới” [NLĐ, 25.2.2007] (lúc bắt đầu ngày mới n 12 giờ đêm n 0 giờ sáng).
(3) “Hoàng tử John của xứ Anwyn vì phỉ báng ngai vàng nên bị trừng phạt, biến thành cóc cho đến khi nào nhận được nụ hôn của một cô gái yêu chàng đích thực và đồng ý lấy chàng trước lúc mặt trăng tròn lần kế tiếp” [NLĐ, 31.5.2009] (lúc mặt trăng tròn lần kế tiếp n rằm tháng sau).
(4) Ngày thứ 365 của năm (ngày thứ 365 của năm n ngày cuối cùng của năm)

13. Nói vòng chỉ số lượng
(1) “Đã ngoài năm mươi khoảng tám năm, nhưng ông CTCN – GĐ một công ty xây dựng vẫn thấy tâm hồn mình trẻ trung, thơ mộng” [PNCN, số 9, 9.3.2003] (ngoài năm mươi khoảng tám năm n 58 tuổi).
(2) Lấy nhau được ba năm thì có đến nửa thời gian trong số ấy chồng đi học. (nửa thời gian của 3 năm n một năm rưỡi).
(3) Gặp NSƯT Thái Bảo ở ngoài đời, chẳng ai tin rằng chị đã bước vào cái tuổi “tri thiên mệnh”.
Người xưa có nói “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Vậy, tuổi tri thiên mệnh là 50 tuổi.

14. Nói vòng thay cho danh từ chỉ sự việc
“Làm từng ấy công việc, thằng Quýt mỗi tháng được đồng hai bạc công… và luôn luôn phát tài hàng chục cái móng giò chối xương hông” [NCH] (cái móng giò chối xương hông n cú đá đít).

15. Nói vòng thay cho động từ gốc
(1) “Anh chàng thường đến nhà chơi toàn những lúc chị Hoa bận bịu với phấn trắng bảng đen ở giảng đường” [CATPHCM, 17.3.1992] (bận bịu với phấn trắng bảng đen n dạy học).
(2) “Lân – ai rồi cũng phải trở về với đất. Đất ủ tấm thân má tôi mát mẻ, còn hơn để bả sống quần quật suốt năm tháng” [10] (trở về với đất n chết).
(3) “Nếu câu chuyện làm Bệ hạ hài lòng thì lúc đó phải chịu điều kiện: cái đầu của Bệ hạ không còn ở trên cái cổ của Bệ hạ nữa” [27] (không còn ở trên cái cổ n đứt).
(4) “NGƯỜI PHẾ BINH – Khi tỉnh cơn mê tôi mới biết mình đang nằm tại Nhà thương Duy Tân, mới biết cái chân tôi đã rời bỏ tôi” [10, 98] (rời bỏ n đứt).
(5) “… đủ kiểu nhân vật méo mó, dị dạng nhưng vẫn đẹp, hài hòa, đến độ thiên hạ phải gật gù trước khi “hở mười cái răng” [28 – KTNN số 476, 2003] (hở mười cái răng n cười).
(6) “Rồi lần ấy, cô đến muộn, thư viện chật ních không trống một chỗ nào” [24 – TGPN, 1.10.2001] (không trống một chỗ nào n hết chỗ).

16. Nói vòng thay cho tính từ
Ví dụ: “Thế còn các cặp chồng có dáng hình như vận động viên bóng rổ và vợ bé như chim chích?” [[30] Tin tức TTXVN, 15.11.2004] (như vận động viên bóng rổ n cao).

4. Cơ sở ngữ nghĩa của những suy luận ra từ ngữ gốc
Nghĩa của cụm từ nói vòng B là lời giải thích nghĩa của từ gốc A (A là B). Do vậy, dựa vào B ta suy ra được A. Vì từ gốc A có nhiều loại khác nhau: từ danh từ chung, danh từ riêng đến các loại động từ, tính từ cho nên cơ sở ngữ nghĩa của những suy luận ra A cũng khác nhau.
Từ những loại nói vòng như đã nêu ở trên, có thể nhận ra những cơ sở của nói vòng là như sau:
(1) Dựa vào quan hệ phái sinh ngữ nghĩa giữa danh từ gốc và động từ trong cụm nói vòng mà suy ra danh từ gốc. (Xem các ví dụ ở loại 1).
Tiếng Việt cũng như nhiều thứ tiếng khác có những danh từ có quan hệ phái sinh ngữ nghĩa với một động từ nào đó. Chẳng hạn như: Ông/bà sinh/đẻ ra bố mẹ; Cha/mẹ sinh/đẻ ra con; Thầy dạy trò; Trò học thầy; Thước đo vải; Gậy chống, Ghế ngồi; Chai/ lon đựng nước; Mũ/nón đội đầu, v.v… Do vậy, khi nghe một câu nói vòng như: “Bà cụ sinh ra ông chủ mới tạ thế hồi đêm” thì người nghe có thể suy ra được từ gốc của cụm nói vòng: “bà cụ sinh ra ông chủ” là “mẹ” ông chủ.
Người Việt Nam hay dùng lối nói vòng này khi không muốn nhắc đến tên chính danh (như kiêng gọi tên người vừa mất), khi không biết tên của người hay vật mình cần gọi là gì, hay khi muốn nhấn mạnh vào quan hệ giữa hai người, công dụng của đồ vật, v.v…
(2) Dựa vào quan hệ sở thuộc giữa các danh từ chỉ quan hệ họ hàng, giữa danh từ chỉ quan hệ họ hàng và tên riêng mà suy ra sở chỉ hay từ gốc (xem ví dụ (2), (3), (4) ở loại 1, các ví dụ ở loại 3, 4, 5).
Ví dụ: “mẹ của con tôi đấy” n vợ tôi; “bố của con trai mình” n chồng mình.
Những trường hợp nói vòng thay cho tên người như: “Mẹ thằng cu Tuấn có nhà không?”; “Bố thằng Bình gửi thư về này”… là lối nói hướng đến sở chỉ của người được gọi đã trở thành quen thuộc trong xã hội nước ta.
(3) Dựa vào quan hệ liên đới, quan hệ đồng nhất về hành động mà suy ra sở chỉ hay từ gốc (xem ví dụ (1) của loại nói vòng 2).
Ví dụ: “người đã cùng cô chung sống” n chồng hay người tình.
(4) Từ nghĩa của danh từ phái sinh và tên của tác phẩm mà nhận ra tên người sáng tác (xem ví dụ (5) ở loại 5).
Ví dụ: “tác giả Nho giáo” n Trần Trọng Kim; “tác giả Truyện Kiều” n Nguyễn Du.
(5) Dựa vào đặc trưng tiêu biểu trong biệt danh mà suy ra tên người, tên của địa danh (xem các ví dụ ở loại 6, loại 9).
Ví dụ: “họa mi tóc nâu” n ca sĩ hát hay có mái tóc nâu n Mỹ Tâm; “xứ xở hoa anh đào” n Nhật Bản, “thành phố hoa phượng đỏ” n Hải Phòng.
(6) Dựa vào chức năng của vật, của nơi chốn… mà suy ra sở chỉ gốc, từ gốc (xem loại 7, 8 và ví dụ “thủ đô nước CHXHCNVN” n Hà Nội ở loại 9).
Ví dụ: “chỗ đội nón” n đầu; “nơi chôn rau cắt rốn” n quê hương.
(7) Dựa vào quốc tịch mà suy ra tên của ngôn ngữ (xem loại 10)
Ví dụ: “thứ tiếng của Shakespeare” n tiếng Anh; “ngôn ngữ của Voltaire” n tiếng Pháp.
(8) Dựa vào đặc trưng của nghề nghiệp mà suy ra nghề nghiệp (xem loại 11).
Ví dụ: “nghề bán cháo phổi” n giáo viên; “nghề bán trôn nuôi miệng” n nghề mại dâm; “bận bịu với phấn trắng bảng đen” n dạy học, v.v…
(9) Dựa vào thời gian theo lịch, dựa vào tên gọi các ngày lễ, tết mà suy ra ngày tháng hoặc ngược lại (xem loại 12).
Ví dụ: “ngày thứ 365 của năm” n ngày cuối cùng của năm; “ngày ông Táo về trời” n ngày 23 tháng Chạp âm lịch; “lúc trăng tròn lần kế tiếp” n rằm, v.v…
(10) Dựa vào tính toán mà suy ra được từ ngữ gốc (xem loại 13).
Ví dụ: “ngoài năm mươi khoảng tám năm” n 58 tuổi
(11) Dựa vào lối nói ẩn dụ mà suy ra tên gọi gốc (xem các loại 14, 16).
Ví dụ: “cái móng giò chối xương hông” n cú đá đít; “dáng hình như vận động viên bóng rổ” n cao.
(12) Dựa vào lối nói hoán dụ mà suy ra từ ngữ gốc (xem loại 15).
Ví dụ: “hở mười cái răng” n cười (lấy kết quả để chỉ nguyên nhân); “trở về với đất” nchết (lấy kết quả chỉ nguyên nhân).
(13) Dựa vào phép phủ định trái nghĩa mà suy ra từ ngữ gốc (xem ví dụ (3), (6) ở loại 15).
Ví dụ: “cái đầu không còn ở trên cái cổ” n đứt; “không trống một chỗ nào” n kín (chỗ), hết (chỗ).
(14) Dựa vào nghĩa của các từ ngữ gần nghĩa, đồng nghĩa trong cụm từ nói vòng mà suy ra từ ngữ gốc (xem ví dụ (4) ở loại 15).
Ví dụ: “cái chân tôi đã rời bỏ tôi” n cái chân tôi đã đứt/ đứt lìa.

5. Về mặt nghĩa
Câu nói vòng và câu nói thẳng dùng từ ngữ gốc là những câu (phát ngôn) cùng chỉ một sự tình, có các danh ngữ đồng sở chỉ. Ví dụ: “Ông cụ thân sinh ra anh Ba đã mất” và “Bố anh Ba đã mất” là những câu cùng chỉ một sự tình, cùng có các danh ngữ đồng sở chỉ (“ông cụ sinh ra anh Ba” và “bố anh Ba”). Về các bình diện + - đồng nghĩa của CĐN xin xem thêm trong [2].

6. Nhận xét chung
Trên thực tế đã có nhiều loại nói vòng. Có những loại nói vòng lâm thời và có những loại nói vòng đã trở thành tên riêng (các địa danh). Cần đi sâu nghiên cứu mối liên hệ lôgích – ngữ nghĩa giữa cụm nói vòng và các từ ngữ gốc để ứng dụng trong thực tế. Ở nước ngoài và ngay ở Việt Nam các câu hỏi thi trắc nghiệm trong nhiều ngành học kể cả khoa học tự nhiên và xã hội đã và đang sử dụng lối nói vòng. Chẳng hạn, ở phần câu hỏi trắc nghiệm là: “Quĩ tích của những điểm cách đều là gì?” thì ở phần đáp án sẽ là “đường tròn”. Do vậy, có thể ứng dụng những kết quả nghiên cứu về lối nói vòng vào việc biên soạn các bộ đề thi trắc nghiệm.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aprexian Yu.D., Ngữ nghĩa học từ vựng. Các phương tiện đồng nghĩa của ngôn ngữ, Nxb Khoa học, Maxcơva, 1974. Chương II: Các phương tiện đồng nghĩa của ngôn ngữ và những qui tắc chuyển dạng câu nói (Bản dịch của Thư viện KHXH miền Nam, 32 trang).
2. Nguyễn Hữu Chương, Câu đồng nghĩa trong tiếng Việt, T/c Ngôn ngữ, số 10, 2002.
3. Nguyễn Đức Dân, Câu đồng nghĩa , T/c Ngôn ngữ, số 3, 1995.
4. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Quyển I, Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
5. Hurford J.R. and Heasley B., Semantics a course book, Cambridge University Press, First published, 1983, reprinted, 1984, 1985, 1986, 1987, 1988, Giáo trình ngữ nghĩa học, Nguyễn Minh (chú dẫn), Nxb Trẻ, 1997.
6. Martin R, Inference, antonymie et paraphrase, Librairie C.Klincksieck, Paris, 1976.
7. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, H., 1992.
8. Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985.
9. Lê Đức Trọng, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học (Việt – Anh – Pháp – Nga), Nxb Tp.HCM, 1993.


NGỮ LIỆU TRÍCH DẪN
10. Tùng Bách, Phía trước, Nxb Giải phóng, 1972.
11. Nguyễn Tư Đương, Đường mòn trên biển, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2003.
12. Nguyễn Công Hoan, Tuyển tập Nguyễn Công Hoan, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983.
13. Vũ Hữu – Đỗ Tin Tưởng – Bá Minh – Thúy Hải – Ngọc Lương – Vũ Đồng – Phương Khánh, Tập kịch ngắn, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, 1971.
14. Ipxen Henrie, Hồn ma bóng quỉ - Con vịt trời (Tuấn Độ dịch), Nxb Văn học, Hà Nội, 1973.
15. Vương Lan – Mỹ Lan – Như Bình – Hoài Giao, Những người mở bến (tập kịch ngắn), Nxb Lao động, 1972.
16. Shaw.B, Lịch 12 tháng 6 năm 2004.
17. Ngô Tất Tố, Ngô Tất Tố tác phẩm, tập I và II, Nxb Văn học, 1997.
18. Nguyễn Huy Tưởng, Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng, tập II, Nxb Hà Nội, 1985.
19. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh (CATP HCM).
20. Báo Người lao động (NLĐ)
21. Báo Phụ nữ chủ nhật (PNCN).
22. Báo Phụ nữ Việt Nam cuối tuần (PNVNCT).
23. Báo Sài Gòn giải phóng (SGGP)
24. Báo Thế giới phụ nữ (TGPN)
25. Báo Thể thao văn hóa (TTVH).
26. Chuyện lạ bốn phương, Nxb Tiền Giang 4.1992.
27. Kịch truyền hình thiếu nhi, 26 tháng 7 năm 1993.
28. Kiến thức ngày nay số 476, 2003 (KTNN).
29. Phim “Đơn giản tôi là Maria”.
30. Tin tức Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Theo: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top