Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.
BÀI LÀM
Bước vào nền văn học Việt Nam, ta bắt gặp một nữ sĩ tài danh hiếm có, nữ sĩ ấy chính là Bà Huyện Thanh Quan ở thế kỉ XX. Bà đã dùng ngòi bút để giãi bày tâm sự, gửi gắm tình cảm của mình đối với thiên nhiên, đối với đất nước mà bà đã yêu tha thiết. Bài thơ Qua đèo Ngang là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của bà.
Mở đầu bài thơ là cảnh buổi chiều trên Đèo Ngang. Tác giả dừng bước tới Đèo ngang cũng là lúc ánh ngày sắp sửa đi qua:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
"Bóng xế" đã thể hiện một khung cảnh vắng vẻ, trầm buồn, không ồn ào náo nhiệt. Đây là quãng thời gian thích hợp để bộc lộ sự nhớ nhung khắc khoải. Còn thiên nhiên ở đây lại mang dáng vẻ hoang sơ, có còn chăng là những tia nắng yếu ớt cuối ngày. Không gian gợi nỗi buồn man mác, đặc biệt buồn hơn đối với người lữ khách tha phương như Bà Huyện Thanh Quan. Bà rất buồn vì phải rời xa quê hương để làm nhiệm vụ. Nhìn thấy cảnh vật ở Đèo Ngang, bà có dịp bộc lộ tâm trạng của mình, đó là cách tả cảnh ngụ tình mà Bà Huyện Thanh Quan cũng như các nhà thơ cổ điển đã sử dụng. Cảnh thiên nhiên càng trở nên lạnh lẽo bởi vẻ thưa thớt của con người:
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Đây là sự vắng vẻ, đơn điệu cảu cuộc sống chốn Đèo Ngang. Đèo Ngang thật kì vĩ nhưng còn hoang sơ, tẻ nhạt. Bóng dáng nữ sĩ dường như bị mất hút vào không gian mênh mông, bất tận ấy. Hình ảnh con người chỉ thoáng bóng, đó là những người lao động khổ cực, bầu bạn với núi rừng, sông núi. Hình ảnh này đã làm cho tâm hồn nữ sĩ mang nỗi buồn thương man mác. Khung cảnh đã buồn, tâm trạng bà lại buồn hơn. Buồn vì đất nước đang lênh đênh trong những triều đại phong kiến. Bà đã mượn tiếng kêu chiều của chim rừng để bày tỏ nỗi lòng mình:
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Sự đơn điệu trong câu thơ thật hay, thật ấn tượng. Có phải chăng "quốc" ở đây là nước còn "gia" là nhà? Tiếng cuốc kêu hay chính là lời non nước? Tiếng gia gia trong câu thơ có phải là lời nhắn gọi của quê hương, gia đình và người thân mà ngày đêm bà hằng mong nhớ. Là phụ nữ thì bà cũng không thể thoát khỏi "nữ nhi thường tình" ấy. Đến đây nỗi nhớ nước và nỗi thầm lặng cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan hiện lên rất rõ. Nỗi buồn tâm sự mỗi lúc một dồn nén. Cảm nhận ban đầu là hình ảnh của không gian, cảnh vật rồi đến cuộc sống con người, âm thanh vang vọng trong cuộc sống. Tất cả đã làm cho tình cảm tác giả sâu lắng rồi chất chứa và cô đọng thành nỗi buồn vô tận, nỗi cô đơn không cùng ai chia sẻ:
Dừng chân đứng lại, trời, non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Tác gia đang đứng trước một không gian rộng lớn với chan chứa nỗi buồn. Đứng trên đỉnh cao của Đèo Ngang, tác giả nhìn thấy cảnh trời non nước, nhìn rõ cảnh tượng thoáng đãng mà heo hút, hoang sơ, thấy rõ cảnh đượm buồn của đất nước và tâm trạng u hoài của chính mình. Bà Huyện Thanh Quan và cảnh Đèo Ngang đang có một điểm tương đồng. Đó là dáng vẻ trầm buồn, day dứt. Nỗi buồn cô đơn chỉ một mình bà bày tỏ, Bà Huyện Thanh Quan đã mượn cảnh tả tình, tâm sự sẻ chia nỗi buồn cùng cảnh vật. Nhà thơ đã tự gặp lại mình trong nỗi buồn thương da diết khôn nguôi của mình bà trước cuộc sống đương thời.
Với bút pháp tả cảnh và biện pháp đảo ngữ mà tác giả đã sử dụng, bài thơ đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng, đượm buồn trong buổi chiều tà ngả bóng, đồng thời thể hiện một nỗi buồn sâu lắng cô đơn của tác giả. Dù tác giả đi làm quan nhưng vẫn khắc khoải nhớ về quê hương. Tâm trạng bà ngổn ngang bao nỗi niềm với đất nước. Đó là cái cao quý ở Bà Huyện Thanh Quan.
Bà đã để lại cho đời những áng thơ đặc sắc. Bài thơ Qua Đèo Ngang mang đậm thời thế cuộc đời, nó đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Theo Những bài văn hay 7*