Trong lịch sử dựng nước và đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, mảnh đất Thăng Long – Hà Nội có vinh dự là nơi chứng kiến sự hình thành và công bố hai tác phẩm văn hóa chính luận bất hủ của hai tác giả danh tiếng, hai Danh nhân văn hóa Thế giới. Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vào đầu thế kỷ XV và Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa thế kỷ XX. Hai tác phẩm trên cùng với bài thơ Nam quốc sơn hà được coi là của Lý Thường Kiệt, vào nửa sau thế kỷ XI, được các nhà sử học coi như “Ba bản Tuyên ngôn Độc lập” của dân tộc Việt Nam.
Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên cáo độc lập, do Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi thảo ra sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước. Đây là một áng văn chương tuyệt tác nổi bật nhất trên văn đàn thế kỷ XV. Về hình thức, bài văn viết theo thể “tứ lục”, lời lẽ hùng tráng, mạnh mẽ, từng cặp hai câu biền ngẫu, đối nhau khá tề chỉnh, đã được ca ngợi là “thiên cổ hùng văn” (bài văn lời lẽ hùng tráng lưu thiên cổ). Về nội dung, bài văn toát lên một tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc về quá khứ vẻ vang và nền văn hiến lâu đời của dân tộc, một ý chí căm thù giặc bốc lên hừng hực như muốn phá tan tất cả và mô tả lại đầy đủ, gọn gàng quá trình khởi nghĩa Lam Sơn đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang. Chủ nghĩa yêu nước chân chính, tư tưởng nhân nghĩa, ý chí hòa bình là những điểm chủ yếu trong nội dung bài tuyên cáo lịch sử ấy.
Và đây, chúng ta cùng nhau đọc lại đoạn cuối của Bình Ngô đại cáo, để thấy chất “hùng văn” mà người xưa từng ca ngợi:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Kiền khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc.