Cách quản lý giáo viên ở Mỹ
Đã có lần, khi bàn về giáo dục ở VN, tôi đã có ý kiến với Dân trí về việc “học sinh đánh giá thầy ở Mỹ”, nhưng không được đăng. Lần này tôi lại muốn trao đổi ý kiến về vấn đề này và nói rộng hơn về quản lý giáo viên ở Mỹ.
Tôi là thầy giáo ở Mỹ được 18 năm, và cứ vào cuối mỗi học kỳ nhà trường lại phát cho học sinh trong lớp tôi một mẫu đánh giá ( Evaluation Form ) để học sinh của tôi đánh giá tôi trong học kỳ sắp kết thúc. Ngoài ra, ban giám hiệu của trường cũng thỉnh thoảng ghé qua lớp tôi dạy để dự thính (không báo trước) xem tôi dạy như thế nào, và cuối năm học thì tôi có một buổi họp với ông giám đốc học vụ của nhà trường để được nghe ông ấy đánh giá việc dạy học của tôi tốt chỗ nào, chưa tốt chỗ nào, chỗ nào tôi cần làm tốt hơn nữa v.v...
Chưa hết, cứ 5 năm một lần thì hội đồng tái duyệt Teaching Credential lại đến thanh tra đột xuất lớp học của tôi, thường thì có 3 vị thanh tra giáo dục tiểu bang California và Liên Bang, và sau đó thì họ lại họp với Ban Giám hiệu nhà trường đễ tái duyệt teaching Credential đối với tôi. Nếu họ không tái duyệt thì nhà trường sẽ cho tôi thôi việc. Ở Mỹ, việc làm nào cũng đều phải có License để hành nghề, và mới đây ở California, luật mới được ban hành cũng đòi hỏi ngay cả tiếp viên ở nhá hàng (restaurant) cũng phãi có license!
Trở lại việc học sinh, sinh viên đánh giá thầy thì đây là chuyện bình thường trong các trường học ở Mỹ. Tôi có một anh bạn có bằng tiến sĩ , làm việc cho một hãng chế tạo máy bay ở vùng Nam California; anh bạn của tôi đã được một trường đại học cho thôi việc chỉ sau semester đầu tiên vì sinh viên trong lớp anh đã đánh giá là anh ấy dạy đa số sinh viên không hiểu được, và sau kỳ thanh tra tại lớp của nhà trường. Riêng tôi thì đã bám trụ được 18 năm cho đến năm nghỉ hưu và tôi là người may mắn !
Tuy Can tuy@hotmail.com
LTS Dân trí - Bài viết ngắn trên đây của một giáo viên phổ thông gốc Việt tại Mỹ đã cho biết khá rõ cách thức quản lý và đánh giá thực chất năng lực chuyên môn cũng như kết quả giảng dạy của giáo viên tại một nước có nền giáo dục tiên tiến.
Đối chiếu với Việt Nam, ta thấy có những bài học cần rút ra về cách thức quản lý giáo viên còn nặng về hình thức, mà chưa có thực chất. Vẫn còn thực hiện chế độ biên chế suốt đời; thanh tra hay dự giờ đều có báo trước; lại chưa thực hiện việc học sinh đánh giá giáo viên theo những tiêu chí khách quan.
Nếu thật sự quan tâm đến việc đổi mới quản lý giáo dục cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giảng dạy thì nên học tập cách làm của các nước có nền giáo dục tiên tiến thay vì việc mở các cuộc vận động này nọ mà xem ra không đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo Dân Trí