Bước 1: Thu thập thông tin
Kiến thức mà các em cần thu thập (thông tin) đã có sẵn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, không nên cố học thuộc lòng cả bài như cách sách giáo khoa đã trình bày mà các em hãy lựa chọn ra những thông tin quan trọng cần ghi nhớ. Môn sinh học tuyệt nhiên không phải là môn học thuộc lòng đơn thuần. Mặc dầu nếu không nhớ kiến thức thì ta chẳng làm được gì, nhưng nhớ kiến thức mà không hiểu nó là cái gì hoặc không hiểu nó một cách thấu đáo thì khi ngươì ta đặt câu hỏi một cách khác đi ta cũng chẳng biết cách trả lời. Vì vậy, đầu tiên các em cần đọc kỹ bài và tìm xem những câu chữ nào quan trọng rồi dùng bút đánh dấu hoặc bút gạch chân các từ ngữ hoặc các câu đó (làm như vậy dễ cho việc ôn tập vì khi ôn bài ta chỉ cần liếc qua những dòng đã đánh dấu mà không phải đọc lại cả bài). Thông thường, ngay trong sách giáo khoa, những thông tin nào quan trọng nhất ở mỗi bài cũng được in nghiêng hoặc nhấn mạnh lại trong phần tóm tắt của bài. Tuy nhiên, các em phải tìm thêm các ý để dẫn đến kết luận quan trọng mã sách đã nêu ra.
Nếu có thể, sau khi đã tìm được các ý quan trọng, các em hãy ghi chúng vào một vở ghi theo từng chủ đề nhất định để sau này dễ ôn tập. Bài ghi trên lớp cũng là ngờ uồn thông tin quan trọng vì thầy cô đã chọn ra các thông tin quan trọng hộ các em và còn giảng giải ý nghĩa của các thông tin đó để các em hiểu sâu sắc hơn.
B) Bước 2: Xử lý thông tin
Chúng ta không nên cố ghi nhớ thông tin khi không biết thông tin đó có ý nghĩa gì. Chúng ta phải tự mình đặt ra các câu hỏi như: Tại sao lại như thế? Cái này dùng để làm gì? Có ý nghĩa gì? Và nếu là một học sinh giỏi thì không những thế em còn phải đặt ra câu hỏi: Làm thế nào người ta biết được điều đó? Tất cả các loại câu hỏi trên mà thầy khuyên các em khi học nên đặt ra là nhằm giúp ta xử lý và tìm ý nghĩa đích thực của thông tin. Ban đầu học như thế này sẽ chậm hơn so với các em học thuộc cả bài một cách máy móc. Với bộ nhớ tuyệt vời của tuổi trẻ thì các em có thể học thuộc lòng cả một vài trang sách rất nhanh mà chẳng cần hiểu nó là gì. Tuy nhiên, cái gì nó cũng có giá của nó. Học kiểu này có nhớ nhanh nhưng lại quên cũng nhanh và đặc biệt là khi gặp những câu đòi hỏi sự vận dụng kiến thức thì cách học như vậy sẽ chẳng giúp gì được cho các em.
Nếu khi học các em cố tìm hiểu kỹ thông tin, biết cách xử lý thông tin bằng hàng loạt các câu hỏi để hiểu bài một cách sâu sắc hơn thì mặc dầu ban đầu học có chậm nhưng bù lại các em sẽ nhớ tốt hơn và điều quan trọng hơn cả là các em biết sử dụng các thông tin đó một cách linh hoạt. Có nghĩa là đối với các câu hỏi đòi hỏi sự vận dụng kiến thức ở các mức độ khác nhau các em có thể nhanh chóng tìm ra lời giải.
c) Bước 3: Lưu trữ thông tin
Lưu trữ thông tin có thể thực hiện dưới hai hình thức:
- Lưu trữ ở “bộ nhớ ngoài”: Đây thực chất là chúng ta ghi thông tin một cách tóm tắt và có hệ thống vào vở ghi của mình. Ta có thể tự tìm cách sắp xếp thông tin theo cách riêng của mình miễn là cách đó giúp ta nhớ tốt thông tin hoặc nếu cần ta có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, khoa học nhất. Cũng giống như những đồ dùng trong nhà của các em, nếu cứ bạ đâu ta vứt đó, không sắp xếp nó một cách khoa học gọn gàng thì đến lúc cần dùng ta sẽ rất mất nhiều thời gian tìm kiếm thậm chí có khi tìm mãi mà chẳng ra. Việc này cũng cần phải học và kiên trì học. Vở ghi bài trên lớp nên để lề rộng một phần ba trang sách. Để lề rộng như vậy một mặt nó có thể giúp ta có chỗ bổ xung thêm thông tin từ các sách hoặc ngờ uồn khác, mặt khác có chỗ cho ta ghi các câu hỏi nảy sinh khi ta học bài. Các câu hỏi nảy sinh mỗi lúc mỗi khác, ở các góc độ khác nhau, thậm chí không phải do ta nghĩ ra mà bạn bè hoặc thầy cô đặt ra. Tất cả các loại câu hỏi rất đa dạng như thế sẽ rất quí, chúng giúp ta hiểu bài tốt hơn nhiều so với việc ta chỉ chấp nhận kiến thức một cách thụ động.
- Ghi nhớ thông tin: Đây chính là quá trình ta tìm cách nhớ tất cả các thông tin vào trong bộ óc của mình (bộ nhớ trong). Như trên đã trình bày, nhớ thông tin không phải là khó, cái khó chính là làm sao để nhớ lâu và đặc biệt là làm sao để lúc cần thiết ta có thể lấy ra thông tin một cách nhanh nhất (tái hiện lại thông tin nhanh nhất). Nhiều khi đồ vật của chúng ta, vốn cẩn thận ta cất kỹ quá nên có lúc ta lại không biết để nó ở đâu để mà lấy ra dùng. Muốn nhớ lâu thì chúng ta cần phải xử lý tốt thông tin để hiểu nó một cách thấu đáo. Tuy nhiên, những thông tin mới muốn nhớ lâu ta cần tạo ra mối liên hệ với các thông tin đã biết. Có thể ví những hiện tượng, kiến thức đã học với những gì xẩy ra hàng ngày xung quanh ta, quen thuộc với chúng ta. Ngoài ra, để dễ tái hiện lại thông tin (nhớ lại kiến thức) chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống lưu trữ kiến thức. Cũng giống như khi làm việc với máy tính, chúng ta phải biết mình đã ghi thông tin vào ổ đĩa nào? Trong thư mục nào? Tập tin nào? vv... Có như vậy khi truy cập vào máy ta mới nhanh chóng tiếp cận được thông tin. Vậy thì kiến thức chúng ta học cũng phải ghi nhớ nó theo một cách nào đó tương tự để khi cần ta có thể nhanh chóng lấy nó ra mà làm bài.
Nếu chúng ta thực hiện được cách học như trên thì lúc cần thiết các em có thể dễ dàng tái hiện lại thông tin một cách nhanh chóng. Trên đây là nguyên lý chung có thể áp dụng để học cho mọi môn học chứ không phải chỉ riêng cho môn sinh học. Sau đây chúng ta sẽ lấy một ví dụ cụ thể, một bài học trong sách giáo khoa sinh học để minh hoạ cho cách học trên.
Thí dụ, học bài :”Quá trình tự nhân đôi của ADN”
a) Thu thập thông tin:
- Xẩy ra chủ yếu ở trong nhân tế bào.
- Xảy ra vào kỳ trung gian khi mà nhiễm sắc thể đang ở trong giai đoạn giãn xoắn cao.
- Quá trình nhân đôi ADN: Trước hết cần phải có một số enzym giãn xoắn và tách hai mạch của phân tử ADN thành hai mạch đơn. Mỗi mạch đơn của phân tử ADN mẹ sẽ được dùng làm khuôn để tổng hợp nên mạch bổ xung với nó. Tiếp đến enzym ADN polimeraza sẽ lắp ráp các nucleôtit tạo thành mạch mới có trình tự nucleôtit bổ xung với trình tự của mạch làm khuôn. Việc lắp ráp các nucleôtit được thực hiện theo nguyên tắc bổ xung, cứ trên mạch khuôn có A thì trên mạch mới có T và ngược lại, trên mạch làm khuôn có G thì trên mạch mới tổng hợp sẽ có X và ngược lại.
- Từ một phân tử ADN mẹ tạo ra hai phân tử ADN con có trình tự nucleôtit giống hệt như phân tử ADN mẹ.
B) Xử lý thông tin
- Tại sao việc nhân đôi ADN lại chủ yếu xẩy ra ở trong nhân tế bào?
Vì rằng tuyệt đại bộ phận thông tin di truyền (ADN) được bảo quản trong nhân tế bào. Nơi đây thông tin di truyền được sắp xếp trên các nhiễm sắc thể. Có thể ví nhân tế bào như một thư viện. Thông tin được ghi lại trên từng quyến sách và được đặt trên các giá sách chống mối mọt và được bảo quản bởi một hệ thống của khoá nghiêm ngặt và chỉ được người có trách nhiệm lấy ra khi cần thiết. Thông tin di truyền cũng được mã hoá dưới dạng trình tự các nucleôtit (mỗi nuclêôtit tương ứng với các chữ cái) và được sắp xếp trên các nhiễm sắc thể (các quyển sách). Nói là chủ yếu trong nhân là bởi vì còn một lượng nhỏ thông tin được lưu trữ trong ty thể và trong lục lạp gây nên hiện tượng di truyền qua tế bào chất (hay di truyền ngoài nhân).
- Tại sao lại xẩy ra trong kỳ trung gian?
Vì ở thời kỳ trung gian giữa hai lần phân chia tế bào nhiễm sắc thể đang ở trạng thái giãn xoắn cao nhất do đó các enzym mới có điều kiện tiếp xúc với ADN để thực hiện quá trình tự sao chép.
- Có phải mỗi phân tử ADN trước khi nhân đôi phải được tách hoàn toàn thành hai mạch đơn rồi mới dùng mỗi mạch đơn làm khuôn để tổng hợp nên mạch bổ xung?
Không, ADN chỉ được nhân đôi từng đoạn một, nhân đôi đoạn nào thì hai mạch đơn của đoạn đó được tách rời nhau ra vì vậy đoạn phân tử ADN khi đang nhân đôi trông có dạng hình chữ Y (chạc sao chép).
c) Ghi nhớ:
- Xảy ra ở đâu?
- Xẩy ra khi nào?
- Xảy ra như thế nào?
- Kết quả?
- Ý nghĩa của quá trình tự nhân đôi của ADN?
Nhờ có khả năng tự nhân đôi nên ADN mới có thể đảm nhận được chức năng truyền đạt thông tin di truyền. Nếu chỉ có khả năng mang thông tin và bảo quản thông tin không thôi thì thông tin đó cũng không bao giờ được truyền lại cho thế hệ sau (từ tế bào này sang tế bào khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác).
TÓM LẠI LÀ EM CHỈ CẦN THỐNG KÊ VÀ LƯU TRỮ THÔNG TIN PHA THÊM CHÚT TƯỞNG TƯỢNG LÀ NHỚ BÀI CỰC NHANH