Cách mạng tháng mười nga - 1917 - bước ngoặt phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở đông nam

Thach Thao

New member
Xu
0
Vào thế kỷ XVI, sau những phát kiến mới về địa lý “báo hiệu buổi bình minh của thời đại tư bản chủ nghĩa”, nhiều nước tư bản phương Tây bắt đầu quá trình xâm nhập vào phương Đông để tìm kiếm thị trường buôn bán. Cùng với sự phát triển chủ nghĩa tư bản là các cuộc xâm chiếm thuộc địa ở các châu lục trên thế giới. Đến giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển lên giai đoạn mới gọi là giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Với học thuyết “châu Âu là trung tâm”, quy sự phát triển của lịch sử nhân loại vào sự tiến hóa chung của “nền văn minh phương Tây”, các nước tư bản phương Tây đã đóng vai trò “người đi khai hóa”, để tiến hành xâm lược các nước thuộc các châu lục khác trên thế giới. Trong đó, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng cũng là một trong những khu vực nằm trong mục tiêu xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Nhiều quốc gia vốn được độc lập, tự chủ dưới chế độ phong kiến hoặc trong quan hệ tiền phong kiến ở khu vực Đông Nam Á lần lượt rơi vào tình cảnh một nước thuộc địa, phụ thuộc. Chủ nghĩa thực dân với đặc điểm là xây dựng trên cơ sở quan hệ tư bản chủ nghĩa, kết hợp với những tàn dư của chế độ phong kiến và tiền phong kiến nặng nề đã trở thành một lực cản sự phát triển của các nước này. Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và nhân dân trong nước chuyển hóa thành mâu thuẫn cơ bản giữa dân tộc với bọn thực dân cướp nước và bọn tay sai bán nước, từ đó dẫn đến sự vùng dậy mạnh mẽ của nhân dân các nước thuộc địa.
Trước cách mạng tháng Mười, ở khu vực Đông Nam Á đã từng tồn tại hai xu hướng cứu nước theo con đường Cần Vương và Dân chủ. Trước xu thế phát triển của thời đại con đường Cần Vương nhanh chóng bị thất bại. Có thể coi khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 ở Việt Nam là tiếng vang vọng cuối cùng của chiều hướng này. Vào những năm đầu thế kỷ XX, quyền lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á do giai cấp tư sản nắm giữ. Ở các nước Đông Nam Á, giai cấp tư sản dân tộc vẫn còn có vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh giành độc lập, vì bản thân giai cấp này vẫn bị áp bức, bóc lột. Tuy nhiên, do bản chất không cương quyết cách mạng, dễ dao động, thỏa hiệp vì quyền lợi của họ phần lớn gắn liền với giai cấp thống trị, nên họ không thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi triệt để. Do đó, mặc dù đã có nhiều cố gắng, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo xu hướng này đều không mang lại những kết quả cụ thể nào. Trong khi “mây đen bao phủ” khắp bầu trời Đông Nam Á và phong trào giải phóng dân tộc lâm vào cuộc khủng hoảng về lãnh đạo, bế tắc về đường lối thì Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã mở ra một bước ngoặt mới cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Năm 1917, cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở Nga: chính quyền Xô viết công nông binh được thành lập. Đây được coi là “cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử loài người, lần đầu tiên trên thế giới chính quyền đã từ trong tay một thiểu số người bóc lột chuyển sang tay đa số người bị bóc lột” Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga có tiếng vang rộng lớn đối với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Khác với tất cả các cuộc cách mạng xã hội đã từng diễn ra trong lịch sử loài người, nhằm thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương tức bóc lột khác thì cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga chứa đựng một nội dung vô cùng vĩ đại nhằm thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Với ý nghĩa đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Nó như “ánh mặt trời rạng đông xua tan đêm tối, cuộc cách mạng tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”

Có thể nói, “Cách mạng tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng Bônsêvich lãnh đạo” Cách mạng tháng Mười Nga thành công có một ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Nó đã biến học thuyết Mác - Lênin thành thực tiễn sinh động, chứng minh tính khoa học đúng đắn của học thuyết này bằng thực tiễn cách mạng. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa thâm nhập vào Đông Nam Á và được các nhà yêu nước đón nhận như một lý tưởng mới, một giải pháp mới tiến đến độc lập.
Dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Đông Nam Á bắt đầu chuyển sang một bước ngoặt mới với nội dung, tính chất và xu hướng phát triển mới khác trước. Phong trào giải phóng dân tộc chuyển dần sang giai cấp vô sản lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản làm kim chỉ nam hành động, mục tiêu là làm cách mạng dân tộc dân chủ triệt để rồi tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các tầng lớp ở các nước Đông Nam Á, trong đó có giai cấp công nhân.
Giai cấp công nhân ở các nước Đông Nam Á, vốn là những nước thuộc địa, bị mấy tầng áp bức nặng nề, vì vậy, họ kiên quyết đấu tranh để giải phóng tất cả các tầng lớp nhân dân lao động trong đó có bản thân họ. Mối quan hệ chặt chẽ giữa công nhân và nông dân ở các nước thuộc địa ở Đông Nam Á là cơ sở quan trọng tạo nên sức mạnh cho mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Chính sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào các nước Đông Nam Á đã tạo thêm động lực cho sự phát triển của phong trào công nhân. Điều này hoàn toàn đúng với nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước…”. Thực tế đã cho thấy, ở các nước thuộc địa ngoài cơ sở kết hợp phong trào công nhân với chủ nghĩa Mác - Lênin như các nước phương Tây, còn cần thêm điều kiện về phong trào yêu nước mới đủ điều kiện cho Đảng cộng sản ra đời.
Lúc này, ở Đông Nam Á, cùng với phong trào yêu nước tiếp tục sôi nổi, phong trào công nhân từng bước trưởng thành; các đảng của giai cấp vô sản - Đảng cộng sản - lần lượt được thành lập ở các nước và trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 5-1920, Đảng Cộng sản Indonesia được thành lập, đây được coi là Đảng cộng sản thành lập đầu tiên trong khu vực. Tiếp theo đó là ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930), Đảng Cộng sản Malaysia (4-1930), Đảng cộng sản Philippines (11-1930)… Như vậy, sự xuất hiện của các tổ chức Đảng cộng sản lãnh đạo phong trào đấu tranh theo xu hướng xã hội chủ nghĩa là biểu hiện mới đánh dấu sự thức tỉnh của khu vực Đông Nam Á dưới ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười. Sự thức tỉnh đó không chỉ hạn chế ở mức độ phấn khởi về mặt tinh thần, không dừng lại ở nhận thức nữa mà đã đi vào thực tiễn đấu tranh thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở khu vực Đông Nam Á.
Ở Indonesia, trong những năm 1926-1927, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, cuộc khởi nghĩa chống thực dân Hà Lan đã bùng nổ mạnh mẽ ở Xumatơra (11-1926) và đảo Java (1-1927). Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt, song nó đã chứng tỏ rằng giai cấp công nhân, thông qua chính đảng của mình có khả năng lãnh đạo phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc.

Ở Malaysia, cuộc bãi công của 10 vạn công nhân năm 1936, 20 vạn công nhân năm 1939 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Malaysia đều đạt được thắng lợi, buộc thực dân Anh phải chấp nhận yêu sách của quần chúng. Ở Philippines đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của nông dân đảo Tangulan (1-1931), cuộc bãi công lớn của công nhân cảng Negerot (1930) và công nhân thuốc lá Manila.

Ở Việt Nam, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ, từ sau chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tuy vậy phong trào yêu nước vẫn dường như trong đêm tối không có đường ra, vì khủng hoảng về đường lối cứu nước và thiếu sự lãnh đạo của một chính đảng phù hợp. Cuộc khủng hoảng này được giải quyết với việc xác định con đường cứu nước đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc - con đường cách mạng vô sản trong phong trào giải phóng dân tộc. Đường lối đấu tranh của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là đường lối đấu tranh của giai cấp vô sản, lấy lực lượng công nhân, nông dân làm lực lượng nòng cốt cho cách mạng. Bằng đường lối đấu tranh ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam không những đã liên kết được sự đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam, mà còn liên kết được nhân dân các nước thuộc địa khác, đặc biệt là Lào và Campuchia, từ đó mở ra một thời kỳ đấu tranh mới rộng khắp trên bán đảo Đông Dương vào những năm đầu của thập niên 30. Đặc biệt, trong năm 1930, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam đã lên đến đỉnh cao với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chính quyền Xô Viết được thành lập và đây là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông trong lịch sử Việt Nam.
Có thể nói, Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã tạo ra một bước phát triển mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. Từ sau Cách mạng tháng Mười, các dân tộc bị áp bức ở Đông Nam Á đã tìm thấy con đường đi đến thắng lợi của mình - con đường độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc và phong trào cách mạng vô sản ở các nước chính quốc phải liên kết chặt chẽ với nhau trong một dòng đi chung của thời đại theo khẩu hiệu chiến lược của Lênin “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Và chính Cách mạng tháng Mười đã “mở đầu một thời đại mới, thời đại tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, thời đại của chủ nghĩa đế quốc sụp đổ và cách mạng vô sản thắng lợi”
Năm 1945, chủ nghĩa phát xít bị thất bại trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng lịch sử của Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít đã cổ vũ, tạo điều kiện cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Đông Nam Á bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh mạnh mẽ nhằm giải phóng đất nước, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ở Myanmar, từ tháng 3-1945, Đồng minh nhân dân tự do chống phát xít đã tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa giải phóng miền bắc và đông bắc đất nước. Ngày 5-5-1945, lực lượng cách mạng Myanmar đã tấn công giải phóng thủ đô Rangoon và đến tháng 8-1945, toàn bộ lãnh thổ Myanmar được giải phóng.

Ở Malaysia, phong trào quần chúng phát triển mạnh, đã đánh đuổi quân Nhật, thành lập chính quyền nhân dân ở các địa phương. Trước khi quân Anh quay lại, trong khoảng 4 tháng ở Malaysia những người cộng sản đã hoạt động như một chính phủ thực sự. Ở Indonesia, giai cấp tư sản dân tộc nắm được thời cơ, tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng, đã tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Indonesia (17-8-1945).
Ở Philippines, lực lượng Hukbalahap cùng với nhân dân Philippines giải phóng phần lớn đảo Luy-xông và nhiều đảo khác, thành lập được các Ủy ban nhân dân vệ quốc để điều hành công việc của địa phương.
Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cách mạng đi đến tận cùng, giành thắng lợi triệt để. Tháng 8-1945, Cách mạng thánh Tám thành công. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể nói, Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đầu tiên đã chọc thủng một khâu trọng yếu của hệ thống thuộc địa thế giới, đã giành thắng lợi bằng lực lượng vĩ đại của chính mình, đã xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tinh thần Cách mạng tháng Tám là “tinh thần độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình, chủ động, sáng tạo, quật khởi xông lên, xóa bỏ xích xiềng nô lệ, tự mình thay đổi cuộc sống của mình” Chính vì thế, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam đã nêu lên một tấm gương về tinh thần cách mạng, về con đường cách mạng, và là thắng lợi đầu tiên mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phối hợp với Cách mạng tháng Tám Việt Nam, nhân dân Lào đã nổi dậy cướp chính quyền và ngày 12-10-1945, nước Lào tuyên bố độc lập. Ở Campuchia, nhân dân Khmer cũng đứng lên đấu tranh mạnh mẽ đòi độc lập dân tộc.
Nhìn chung, năm 1945 - ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng, lợi dụng thời cơ thuận lợi này, nhân dân ở hầu hết các nước Đông Nam Á đã nhất tề đứng dậy đấu tranh, tạo nên cơn bão táp cách mạng đầu tiên đồn dập tấn công vào chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Điều đó cho thấy, phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Đông Nam Á thời kỳ 1917-1945 đã có một bước phát triển mới về chất so với trước. Việc thành lập các nhà nước độc lập đầu tiên ở Đông Nam Á đã đánh dấu thắng lợi chung của nhân dân thuộc địa, đã đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử thế giới, mở đầu một sự tan rã của chủ nghĩa thực dân chẳng những ở khu vực mà trên toàn thế giới. Nguồn gốc của những thắng lợi này là do nhiều nhân tố, nhưng có một nhân tố rất sâu xa và rất quan trọng - đó là ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, cuộc cách mạng đã dẫn dắt các dân tộc bị áp bức đi tới con đường vinh quang và thắng lợi. “Thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với số phận các dân tộc phương Đông. Nó thức tỉnh các dân tộc bị áp bức ở châu Á, chỉ cho nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc con đường giải phóng, nêu gương tự do dân tộc thật sự”
Cũng như nhiều quá trình cách mạng khác, cách mạng Việt Nam đã phát triển theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga. Đó là con đường đúng đắn mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra và nhân dân Xô viết đã đi tiên phong trong việc biến nó thành hiện thực. Tư tưởng của Cách mạng tháng Mười đã soi sáng con đường của cách mạng Việt Nam: giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng lao động, giải phóng giai cấp. Trong cuộc đấu tranh này, nhân dân Việt Nam tin theo con đường cách mạng vô sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã chọn lựa và khẳng định con đường này đã đưa đến những thắng lợi to lớn về sau. Điều này được minh chứng qua thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám (8-1945), “lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” Qua đó, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam có thể được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử thế giới kể từ sau Cách mạng tháng Mười Nga.

Tiếp nối truyền thống của thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta tiếp tục làm nên chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ (5-1954), chiến thắng chủ nghĩa thực dân Pháp; và cuối cùng là đại thắng mùa Xuân 30-4-1975, chấm dứt 21 năm chống đế quốc Mỹ can thiệp và xâm lược. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”, và mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Tất cả những thành quả đó là nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin, có ánh sáng của Cách mạng tháng Mười soi đường, đó là nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã dẫn đắt dân tộc ta đi theo đúng con đường mà thời đại mới đã tạo ra.
Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top