Các vị vua tuổi Sửu

Hide Nguyễn

Du mục số
Trong lịch sử 1000 năm độc lập nước ta có nhiều nhân vật lịch sử tuổi Sửu, trong đó có 6 vị vua. Đánh giá họ là công việc của các nhà sử học. Nhân năm Sửu, chúng tôi chỉ đưa một ít tư liệu, giúp bạn đọc vui xuân.


CôngThương - 1- Vua Lê Đại Hành - Tân Sửu 941, tên húy là Lê Hoàn.

Sớm mồ côi, Lê Hoàn được một vị quan nhỏ là Lê Đột nhận về nuôi. Lớn lên ông đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn và đã lập được nhiều chiến công. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên nhà Đinh. Lê Hoàn có công lao trong cuộc đánh dẹp và được giao chức vụ Thập đạo tướng quân Điện tiền đô chỉ huy sứ- tức chức vụ tổng chỉ huy quân đội, trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ. Lúc đó ông mới 27 tuổi.

Sau khi cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua. Lê Hoàn trở thành Nhiếp chính trong một tình thế đầy khó khăn.

Các đại thần thân cận của Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc cùng tướng Phạm Hạp nổi dậy chống lại Lê Hoàn nhưng bị Lê Hoàn nhanh chóng đánh dẹp. Phò mã Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào Nam, cùng vua Chăm Pa với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết.

Thấy triều đình Hoa Lư rối ren, nhà Tống bên Trung Quốc có ý định cho quân tiến vào đánh chiếm Đại Cồ Việt. Vua Tống nhiều lần viết thư sang dụ và đe dọa triều Đinh bắt phải quy phụ đầu hàng. Trước tình hình đó, tướng Phạm Cự Lạng và các triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua.

Chiến công phá Tống bình Chiêm: Đầu năm 981, vua nhà Tống phát quân sang đánh Đại Cồ Việt, chia hai đường thủy bộ. Sau hai trận thảm bại ở Bạch Đằng, Tây Kết, quân Tống rút lui về nước. Năm sau, Lê Đại Hành lại mang quân vào Nam đánh Chiêm Thành vì trước đó vua nước này bắt giữ sứ giả của Đại Cồ Việt, đại phá được quân Chiêm Thành, giết chết vua Chiêm là Bà Mỹ Thuế.

Lê Đại Hành làm vua, cho xậy dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước.

Về đối ngoại, sử dụng chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng cương quyết. Sứ Tống là Lý Giác rất khâm phục Lê Đại Hành, làm thơ tặng ông, trong đó có câu: "Ngoài trời còn có trời soi nữa", ý nói vua Lê không kém gì vua Tống.

Lê Đại Hành lập 5 hoàng hậu, trong đó có Dương thái hậu nhà Đinh (Dương Vân Nga). Lê Đại Hành mất năm Ất Tỵ 1005, trị vì được 25 năm. Lê Đại Hành cùng Dương Vân Nga được thờ ở đền vua Lê tại Hoa Lư, Ninh Bình.

2- Thượng vương Nguyễn Phúc Lan- Tân Sửu 1601 là chúa Nguyễn thứ 3 trong lịch sử Việt Nam, người gốc Gia Miêu, Thanh Hóa. Nguyễn Phúc Lan là con trai thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, mẹ là là con gái của Mạc Kính Điển. Năm Ất Hợi (1635) lên nối ngôi khi Nguyễn Phúc Nguyên chết, gọi là chúa Thượng.

Phúc lan đã cho dời phủ từ làng Phước Yên sang Kim Long là nơi rộng rãi, thuận tiện xây dựng phủ Chúa và dinh thất quan lại. Kim Long đã mang lại nhiều lợi ích cho nền thương mại. Thuyền buôn từ từ các nơi trong và ngoài nước theo sông Hương lên Huế thuận tiện, phẩm vật của người Âu và Trung Hoa đều có ở đây. Khách phương xa ghé đến không khỏi ngạc nhiên khí thấy cảnh tượng huy hoàng của Kim Long. Mỗi khi Chúa ngự đi đâu đều có hàng nghìn thị vệ theo hầu, tiền hô hậu ủng, cờ xi rợp trời…

Phúc Lan mất ngày 19/3/1646 trên chiến thuyền tại phá Tam Giang sau khi đại thắng quân trịnh trở về, thọ 49 tuổi. Sau ông được nhà Nguyễn truy tôn là Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế. Lăng táng tại xã An Bằng (Hương Trà, Thừa Thiên). Vua Gia Long đặ tên lăng là Trường Diên. Ngài được thờ ở an thứ nhất bên hữu trong Thái Miếu.

3- Vua Lê Hy Tông - Quý Sửu 1663, tên húy là Lê Duy Cáp hay Lê Duy Hợp.


Đời Hy Tông đặt hai niên hiệu là Vĩnh Trị (1/1676-9/1680) và Chính Hòa (10/1680-3/1705) Đó là thời thịnh trị, nhà vua tuân giữ cơ nghiệp có sẵn, chấn hưng kỷ cương, thưởng phạt nghiêm túc phân minh, nhân dân yên nghiệp làm ăn. Người đời ca ngợi đó là vua bặc nhất trong thời Trung Hưng.

Tháng 4 năm 1705, ông nhường ngôi cho con trai là Lê Duy Đường để làm thái thượng hoàng. Mất tháng 4 năm 1716, thọ 54 tuổi. Táng tại Phú Lăng, xã Phú Lâm, huyện Đông Sơn, thuộc Thanh Hóa.

Hiện nay chùa Hòe Nhai (tức Hồng Phúc tự) có một bức tượng tạc nhà vua mặc triều phục đang cúi lạy và mang trên lưng một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen. Tương truyền tượng này do chính vua Lê Hy Tông sai tạc. Điều này chứng tỏ Lê Hy Tông rất sùng đạo Phật.

4- Vua Tự Đức- Kỷ Sửu 1829 tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Thì, là con thứ hai của vua Thiệu Trị.

Tự Đức là một người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Có rất nhiều giai thoại về Tự Đức, nhất là những chuyện ông giao thiệp với các nhà vǎn, các học giả đương thời. Ông rất thích lịch sử, đã chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, trong đó tự ông ghi nhiều lời bình luận. Tự Đức rất yêu nghệ thuật, đã tập trung về kinh đô Huế nhiều người soạn kịch bản tuồng, và cho soạn những vở tuồng lớn như Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy.

Tự Đức được người đời ca ngợi là ông vua có hiếu. Dù làm vua, ông luôn luôn kính cẩn, vâng lời mẹ dạy. Ông ghi chép các lời rǎn của mẹ vào một cuốn sách đặt tên là cuốn Từ huấn lục. Thậm chí khi thấy mình phạm tội, ông còn nằm ra, đặt roi trên chiếc mâm son để chờ bà Từ Dũ trừng phạt. Tự Đức cũng được đánh giá là một vua tốt, chăm chỉ xem xét mọi việc triều chính không hề trễ nải, và được các quan trong triều nể phục.

Tự Đức thi hành chính sách cấm Đạo Chúa, đối xử rất tàn bạo đối với các giáo sĩ, là cái cớ để năm 1858, quân Pháp đánh Đà Nằng, sau đó là chiếm Nam kỳ...

Vua Tự Đức vì lúc bé bị bệnh đậu mùa nên không có con. Ông nhận ba người cháu làm con nuôi: Hoàng trưởng tử Ưng Chân, tức vua Dục Đức, Hoàng tử Ưng Kỷ, tức vua Đồng Khánh, Hoàng tử Ưng Đăng, tức vua Kiến Phúc

5- Vua Dục Đức- Quý Sửu 1853 là vị vua thứ 5 của nhà Nguyễn, ông lên ngôi ngày 20 tháng 7 năm 1883, nhưng chỉ tại vị được ba ngày.


Vua Dục Đức tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Ái, là con thứ 2 của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Khi là con nuôi vua tự Đức đổi tên là Nguyễn Phúc Ưng Chân. Vua Tự Đức mất để di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, nhưng trong di chiếu có đoạn viết: "... Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây." Thọ lãnh di chiếu của vua Tự Đức, Ưng Chân lên ngôi kế vị ngày 20 tháng 7 năm 1883.

Theo một vài tài liệu thì lúc làm lễ lên ngôi, Ưng Chân đã cho đọc lướt đoạn này. Hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường dâng lên Hoàng Thái Hậu Từ Dũ tờ hạch tội buộc cho vua Dục Đức bốn tội lớn: Muốn sửa di chiếu, tự động đưa một giáo sĩ vào thành, có đại tang mà mặc áo màu, hư hỏng, ăn chơi.

Dục Đức bị phế bỏ theo lệnh của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức). Dục Đức bị giam ở Dục Đức Đường, rồi Thái Y Viện và cuối cùng bị bỏ đói đến chết trong ngục thất tại Thừa Thiên. Tuy mới 30 tuổi nhưng Dục Đức cũng đã để lại 19 người con gồm 11 con trai (trong đó có vua Thành Thái) và 8 con gái.

6- Vua Bảo Đại – Quý Sửu 1913, vua thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, là người có tây học. Bảo Đại tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên Nguyễn Phúc Thiển là con của vua Khải Định và bà Từ Cung Hoàng Thị Cúc. Về thân thế của Bảo Đại vẫn còn nhiều nghi ngờ, vì vua Khải Định bị mang tiếng là bất lực và không thích gần đàn bà!

Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, người Công giáo, quốc tịch Pháp và tấn phong bà làm Nam Phương Hoàng hậu. Xóa bỏ chế độ cung tần, thứ phi.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 11 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại ra đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại thoái vị, trở thành "công dân Vĩnh Thụy". Trong dịp này, ông có câu nói nổi tiếng "Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ".

Tháng 9 năm 1945, ông được mời ra nhận chức "Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam", ông là một trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh đứng đầu, trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ông được cử đi công tâc nước ngoài và không trở về.

Nhờ sự giúp đỡ của Pháp, Bảo Đại tuyên bố giữ danh hiệu Hoàng đề tạm quyền rồi làm Quốc trưởng của “Quốc gia Việt Nam” Sau Hiệp định Genève 1954, Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Năm 1955 ông bị phế truất bởi Ngô Đình Diệm- một nhân vật tuổi Sửu (1901-1963). Từ đó ông bắt đầu cuộc sống lưu vong cho đến ngày tạ thế năm 1997, 83 tuổi, thọ nhất trong các vua nhà Nguyễn.

Trong cuộc đời của mình, ngoài Hoàng Hậu Nam Phương, Bảo Đại có thêm 7 vợ và nhân tình trong đó có 3 người Việt Nam, 3 người Pháp, 1 người Pháp lai Trung Quốc, để lại 13 người con đa chủng tộc.


Tư liệu sưu tầm.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top