• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Các thầy cô giáo nghĩ gì khi nhận phong bì của sinh viên?

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Các thầy cô giáo nghĩ gì khi nhận phong bì của sinh viên?

Tôi biết, sẽ có rất nhiều khó khăn, trắc trở với mình trên con đường “tìm kiếm sự minh bạch cho bản thân tôi” nhưng điều quan trọng là tôi có niềm tin. Tôi tin “xã hội sẽ trong sạch nếu từng thành viên trong xã hội đó trong sạch”.

Chúng ta đã khá quen thuộc với cụm từ “tham nhũng”. Ở bất cứ đâu và lĩnh vực nào, hầu như đều phải đối mặt với tệ nạn này. Đặc biệt, môi trường chuẩn mực giáo dục mà “văn hoá lót tay” hay “văn hoá phong bì” đang ngày càng phổ biến.

Từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho đén đại học, “tham nhũng” đang ngày một lấn lướt. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tivi, chúng ta không còn ngạc nhiên với các bài viết như “Lớp chọn cũng phải sạch” (báo Dân trí), hay “Con học lớp chọn, mẹ cũng phải đua theo” (báo Dân trí) và còn vô số các bài báo khác. Trước một bối cảnh xã hội như vậy, thanh niên chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước có thể và sẽ làm gì để đối phó với vấn nạn này.

Hồi tháng 7/2009, Trung tâm sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng Việt nam (Live&Learn) đã thực hiện một dự án “Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ” (dự án đoạt giải trong Ngày sáng tạo Việt Nam 2009).

Trước khi dự án được thực hiện, Live&Learn có thực hiện một cuộc khảo sát về sự quan tâm của thanh niên Hà Nội về vấn đề tham nhũng và kết quả là chỉ có 6% số thanh niên được hỏi không chấp nhận tham nhũng (trong khi đó con số ở Thuỵ Điển là trên 70%), số phần trăm còn lại thì đồng ý hoặc coi đó là một lẽ đương nhiên của cuộc sống, xã hội.

Sau một năm dự án được thực hiện, vào tháng 7/2010 Live&Learn tiếp tục thực hiện một cuộc khảo sát với chủ đề tương tự cho thanh niên. Kết quả lần này là trên 20% số thanh niên được hỏi không đồng ý với tham nhũng.

Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như trong cách nhìn nhận của thanh niên về vấn nạn tham nhũng. Nhưng các bạn hãy tự hỏi, liệu những con số đó đã phản ánh toàn bộ vấn đề?

Là một sinh viên ngồi trên ghế giảng đường đại học, hàng ngày hàng giờ tôi đang phải chứng kiến, phải đối đầu với vấn nạn tham nhũng. Dường như “văn hóa lót tay”, “văn hoá phong bì” là một xu hướng mới của sinh viên đại học Việt Nam.

Từ năm học đầu tiên trên ghế đại học, từ những môn học đầu tiên của những năm đại học, chúng tôi đã thực hiện hành vi “đi thầy” mỗi dịp thi giữa kì và cuối kì. Cho tới tận năm thứ hai, hành vi đó tôi vẫn coi như là một sự phổ biến của xã hội bây giờ và tôi chưa từng suy nghĩ băn khoăn vì hành động “đóng tiền” cho lớp trưởng để “đi thầy”. Có chăng chỉ là đôi lần số lượng môn thi nhiều và tôi phải đóng nhiều thì đôi lúc trong đầu tôi cũng xuất hiện cụm từ “ôi, tốn kém quá’.

Còn bây giờ là sinh viên năm thứ ba, cách nhìn nhận vấn đề của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi thấy mình đã trưởng thành, bản lĩnh hơn rất nhiều và đặc biệt là “dám đứng lên nói chính kiến của bản thân mình”.

Vào tháng 11 tới này, lớp tôi sẽ có một môn thi hết kì và theo lời lớp trưởng là “lớp tôi cũng sẽ không là ngoại lệ vì các anh chị khoá trước cũng “đi thầy””.

Thực sự khoá học Cracking Class 2010 với chủ đề “Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ” đã thay đổi con người tôi rất nhiều. Trong buổi họp lớp về vấn đề đi hay không, tôi đã mạnh dạn đứng lên nói rõ quan điểm của mình, đó là “một sự không công bằng trong xã hội. Nhiều bạn ngày đêm miệt mài học tập, kết quả cuối cùng cũng như những bạn không khi nào học tập gì cả.

Thứ hai đó là một xu hướng xấu trong xã hội. Các khoá trước đã làm, khoá mình cũng làm và rồi các thế hệ đàn em, con cháu chúng ta cũng sẽ làm. Như vậy, bao giờ vấn nạn đó mới chấm dứt. Hơn nữa, các bạn sẽ vui vẻ khi mình được điểm cao nhờ hành vi đó chứ ?”.

Điều khiến tôi buồn nhất không phải là cả lớp tôi quyết định “đi thầy” ngoại trừ tôi mà là tôi chưa thể khiến các bạn thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, tôi chưa thể là một “change agent” (tác nhân thay đổi). Nhưng dù sao đi chăng nữa, tôi đã thay đổi chính bản thân mình, thay đổi để bản thân mình trong sạch và minh bạch.

Và như các bạn đều biết, hậu quả của một người không theo số đông ở Việt Nam. Đúng vậy, tôi cũng nhìn thấy những ánh mắt “cô lập” của các bạn trong lớp với bản thân mình, tôi không nhìn thấy sự ủng hộ từ các bạn trong lớp tôi.

Nhiều lúc, tôi cảm thấy rất nặng nề mỗi khi tới lớp vì tôi thấy mình như đang bị tách khỏi môi trường lớp tôi. Nhưng trên hết, ý nghĩ “chùn bước, hay cũng đi theo các bạn” chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Câu nói “nếu muốn thế giới thay đổi, hãy thay đổi từ chính bản thân bạn”, đó chính là sự động viên tinh thần lớn đối với tôi.

Một điều đáng buồn hơn nữa là, tôi còn bị các bạn “trù dập” vì hành động “không đi thầy” của mình. Các bạn trong lớp tôi viết trong “phong bì” với dòng chữ “cả lớp đi, trừ bạn…”.

Và dĩ nhiên tên tôi sẽ nằm trọn vẹn cùng dòng chữ “trừ bạn”. Tôi biết, sẽ có rất nhiều khó khăn, trắc trở với mình trên con đường “tìm kiếm sự minh bạch cho bản thân tôi” nhưng điều quan trọng là tôi có niềm tin.

Tôi tin “xã hội sẽ trong sạch nếu từng thành viên trong xã hội đó trong sạch”. Đó chính là sợi kim chỉ nam giúp tôi mạnh mẽ bước trên con đường và những giá trị mà tôi lựa chọn.

Nghiêm Thị Loan​



LTS Dân trí - Những suy nghĩ của bạn sinh viên viết bài trên đây thể hiện rất đúng bản chất ngay thẳng và nhạy cảm với chân lý của tuổi trẻ.

Quả thật không gì buồn hơn sống trong môi trường giáo dục, lẽ ra phải được thể hiện những chuẩn mực về đạo đức, nhân cách, thì những sinh viên sống trong môi trường đó lại phải cùng nhau hối lộ tập thể thầy giáo trước mỗi kỳ thi gọi là “đi thầy”! Nghe sao mà thấy buồn và xót xa quá!

Là những sinh viên có lòng tự trọng, thì không bao giờ chịu cúi đầu xin xỏ ai và chỉ thấy vui trước kết quả đích thực xứng đáng với năng lực của bản thân và do chính mình phấn đấu mà có. Và nếu là những người thầy chân chính thì ắt phải biết coi trọng và luôn khuyến khích, nâng đỡ những sinh viên có bản lĩnh như vậy.

Rất tiếc là môi trường giáo dục ngày nay đã bị thẩm thấu nhiều tệ nạn xã hội, cho nên mới xuất hiện những người thầy chấp nhận khái niệm “đi thầy”- một hành động làm mất thể diện của cả thầy lẫn trò!

Hành động dũng cảm chống lại tệ nạn đó thật đáng hoan nghênh. Chắc rằng không ít bạn trẻ muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề của bài báo đặt ra.

Diễn đàn Kiến thức mong nhận được những ý kiến đóng góp của các bạn.
 
(Dân trí) - “Nếu phát hiện được có tình trạng giáo viên nhận phong bì thông qua nhiều kênh như báo chí, đơn thư phản ánh thì ngành giáo dục sẽ xử lý thật nghiêm khắc. Phải giữ được uy tín của nhà giáo là quan trọng nhất”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết như trên khi trao đổi với Dân trí nhân kỷ niệm 28 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

101119201934-482-594.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Thưa Thứ trưởng, là người giảng dạy nhiều năm nay lại giữ cương vị lãnh đạo ngành, kỷ niệm ngày 20/11 nào mà Thứ trưởng nhớ nhất?

Câu hỏi này hơi riêng tư nhưng tôi nhận thấy nếu không có riêng thì không có chung. Ngày này không chỉ là ngày hội của nhà giáo mà còn là ngày hội toàn dân dành cho những người gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Gắn bó với công việc giảng dạy hơn 20 năm, cứ đến ngày hội này tôi đều trào dâng cảm xúc vinh dự, tự hào, vui mừng phấn khởi vì thấy Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm nhiều đến giáo dục. Đặc biệt gần đây là tất cả nhà giáo đều được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Niềm vui như được nhân lên rất nhiều lần.

Vui vì trong nghề dạy học này, mọi người thường nói rằng, đây là nghề cao quý. Vui vì sự trưởng thành của mỗi một học sinh cũng là sự thành đạt của nghề giáo chúng tôi. Thấy xã hội ngày càng tôn vinh nghề trồng người này, chúng tôi càng tự thấy phải làm sao cho xứng đáng với mong muốn của mọi người, nhất là trong xu thế hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và sự cạnh tranh về trí tuệ càng đòi hỏi phải tập trung nâng cao hơn.

Điều Thứ trưởng day dứt nhất hiện nay là gì?

Điều mà tôi day dứt nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên quá thiếu. Bên cạnh đó, cường độ lao động lớn, tâm huyết với nghề, nhưng đời sống lại khó khăn. Có một số giáo viên tuổi đã cao nhưng chưa đủ thâm niên để nhận sổ bảo hiểm. Hiện nay, chúng tôi đang trình Bộ để có kiến nghị với Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho những giáo viên này được đóng bảo hiểm đủ năm.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đây là niềm vui dành cho giáo viên mầm non. Bộ GD-ĐT đang tìm phương án giải quyết để nâng cao chất lượng bậc học này là trang thiết bị của các cháu phải đầy đủ; học sinh dân tộc được dạy tiếng Việt trước khi vào lớp 1; Giáo viên được đào tạo trình độ chuẩn và được hưởng theo ngạch bậc để đảm bảo yên tâm công tác. Đến năm 2015 phấn đấu đạt chuẩn mầm non 5 tuổi, trong đó 95% trẻ trở lên được đến trường, 90% trẻ được học 2 buổi/ngày; đội ngũ giáo viên có thể sống được từ đồng lương.
Bộ cũng tính giao việc thực hiện xuống cấp ủy mỗi địa phương triển khai thực hiện. Ngoải ra, mỗi địa phương cũng nên có chính sách ưu đãi đối với nhà giáo để đảm bảo thầy, cô có thể sống ở mức tối thiểu để có thể sống tâm huyết, yêu nghề.

Thưa Thứ trưởng, thời gian vừa qua các vấn đề như tình trạng lạm thu, học thêm dạy thêm, học sinh đánh nhau, và sự xuống cấp đạo đức của một số nhà giáo… đã gây bức xúc trong dư luận. Với vai trò nhà quản lý giáo dục, bà có ý kiến gì?

Nhà giáo phải là người được cả xã hội tôn vinh, coi trọng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít “con sâu làm rầu nồi canh”. Với một số nhà giáo vi phạm đạo đức mà khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Phải làm sao để mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, sáng tạo cho học sinh.

Nhiều vụ việc giáo viên đánh học sinh gây bức xúc dư luận, theo tôi, đã là giáo viên phải là người biết kiềm chế các cơn giận dữ, bực tức chứ dùng hình thức đánh học sinh không có tác dụng thậm chí gây phản cảm. Học sinh hư phải dùng cảm hóa. Điều này, chúng tôi vẫn thường xuyên đưa ra rút kinh nghiệm trong tất cả các cuộc họp toàn ngành. Giáo viên phải hạn chế thấp nhất những biểu hiện bộc phát đó. Phải coi đó như những ứng xử hàng ngày. Đừng biến nó thành bản chất của giáo viên.

Hiện nay, Bộ cũng đã ban hành các chuẩn dành cho giáo viên. Tôi cũng hy vọng những điều mà dư luận lên án trong thời gian qua sẽ không còn tái diễn. Bộ cũng đã phối hợp với ngành khác như Hội Phụ nữ để cùng chăm lo đời sống của mỗi giáo viên. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức, không thể vì một con sâu mà làm rầu nồi canh được.

Những trường hợp cá biệt trên chỉ là một số rất nhỏ trong hàng triệu nhà giáo. Chúng ta phải đi đến những vùng sâu, vùng xa mới thấy rất nhiều thầy cô giáo sống rất khó khăn nhưng để vận động học sinh tới trường họ phải cùng ăn cùng ở với nhiều gia đình để vận động các em đến trường. Thậm chí có nhiều thầy, cô đã trích cả đồng lương ít ỏi để phụ giúp cho những gia đình nghèo. Đặc biệt, trong đợt bão lụt vừa qua, có nhiều cô giáo đã hy sinh thân mình cứu các em học sinh. Điều này chúng ta càng phải trân trọng.

101119201934-528-945.jpg
Tình cảm chân thành của học trò chính là những đóa hoa đẹp nhất, trân trọng nhất gửi đến thầy cô giáo.

Vừa qua, trên báo điện tử Dân trí đã đăng tải nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về hiện tượng “đi thầy”, “văn hóa phong bì” trong nhà trường trở thành phổ biến, từ mầm non cho đến sau đại học và hiện tượng này bùng nổ vào ngày 20/11. Đa số các ý kiến cho rằng, hiện tượng “đi thầy” là một hành vi tiêu cực, vụ lợi, làm vẩn đục môi trường giáo dục, phá hoại những giá trị tốt đẹp của giáo dục và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Thứ trưởng nhận xét về vấn đề này như thế nào?

Bộ vừa có hai cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong giáo dục, trong đó Bộ thông báo về những tiến triển tham nhũng trong giáo dục. Có nhiều đại biểu khẳng định, tham nhũng trong giáo dục không lớn nhưng con sâu vẫn có thể làm rầu nồi canh. Tuy nhiên, không phải vì không lớn mà chúng ta không giải quyết triệt để vấn nạn này. Đó là dạy thêm học thêm, tuyển sinh… Bộ đã ban hành chưong trình hành động phòng chống vấn nạn này.

Song, theo tôi, ngày 20/11 vẫn luôn là ngày rất đẹp đối với mỗi người làm thầy vì đây là ngày học sinh tri ân và nhớ tới thầy cô giáo của mình. Các em hãy đến thăm thày giáo bởi tình cảm chân thành.
Tôi từng làm giáo viên chủ nhiệm nhiều năm nên tôi hiểu. Cứ đến ngày 20/11, các thầy cô giáo mong có thật đông học sinh đến chơi và tặng 1 bông hoa như thế là vui lắm rồi vì đó là tình cảm thật. Chứ không có thầy cô giáo nào lại nghĩ đến ngày này lại nhận được nhiều quà hay nhận phong bì của học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải là không có, vẫn có nhưng ít.
Tôi cho rằng, giáo viên nào cũng có lòng tự trọng cao. Nếu như ai đưa tiền mà xúc phạm nhân phẩm thì cũng không ai nhận. Chúng ta không nên lấy 1 sự việc cá biệt mà đánh đồng cả xã hội. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay. Nhìn nhận một cách khách quan, thầy cô giáo ngày nay vẫn giữ được những bản chất tốt đẹp nhất của người thầy.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình cảm thầy - trò hiện nay không được “thắm” như xưa bởi nhiều lý do. Tại sao vậy thưa Thứ trưởng?
Tôi cho rằng, quan hệ thầy - trò hiện nay chịu tác động của nền kinh tế thị trường, quan hệ này không chỉ ảnh hưởng riêng đến thày cô giáo mà còn tác động đến mỗi học sinh, phụ huynh.

Có nhiều phụ huynh cho rằng, mình có nhiều tiền là có thể mua được lòng thầy cô giáo. Theo tôi, đây là suy nghĩ sai lầm. Phụ huynh phải nhìn nhận lại, đừng lấy vật chất để làm hỏng thầy cô giáo.

Nếu phát hiện được có tình trạng giáo viên nhận phong bì thông qua nhiều kênh như báo chí hay thư phản ánh thì ngành giáo dục sẽ xử lý thật nghiêm khắc. Phải giữ được uy tín của nhà giáo là quan trọng nhất.
Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh (thực hiện)​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top