Các mảng kiến thức thường gặp trong đề thi các môn khối A

Thandieu2

Thần Điêu
Đề thi ĐH, CĐ các môn khối A thường có những dạng nào? Và cách làm bài như thế nào để đạt điểm cao nhất?

Môn Toán
Nội dung đề thi trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ hằng năm thường được chia thành những mảng kiến thức sau

1. Giải tích (4 điểm)

a/ Khảo sát hàm số (2đ): Thường được cho dưới dạng vẽ đồ thị hàm số cùng các câu hỏi liên quan: giao điểm của hai đồ thị, tiếp tuyến, biện luận tăng giảm, cực trị và biện luận số nghiệm của một phương trình bằng phương pháp đồ thị…

Đặc biệt, HS phải nắm vững phương pháp tìm phương trình đường thẳng đi qua hai điểm cực đại và cực tiểu của đồ thị hàm số bậc 3 và hữu tỉ. Trong phần đồ thị, cần nắm vững phương pháp vẽ đồ thị hàm số chứa giá trị tuyệt đối.

b/ Tích phân (1đ): Bao gồm các bài toán tính một tích phân cụ thể và ứng dụng tích phân để tìm diện tích hình phẳng, thể tích vật thể tròn xoay. Để làm tốt phần này, HS cần nắm vững các phương pháp tích phân như: phương pháp phân tích, đổi biến số, từng phần.

c/ Giải tích tổ hợp (1đ): Cần nhận định rõ khi nào dùng cùng công thức khai triển nhị thức Newton và sử dụng số hạng thứ k để tìm số hạng chứa.Vận dụng để khai triển lũy thừa ba số hạng dạng (a+b+c)x .

2. Hình học (3 điểm): Gồm hình học giải tích phẳng và hình học giải tích trong không gian:

- Đối với hình học giải tích phẳng (1đ): HS phải nắm vững cách viết phương trình đường thẳng, đường tròn, elip… thỏa mãn một điều kiện cho trước và cách viết phương trình tiếp tuyến với đường tròn, elip... Đặc biệt: viết phương trình đường thẳng đi qua hai tiếp điểm.

- Đối với hình học giải tích trong không gian (2đ): Nắm vững cách chuyển đổi giữa các phương trình tham số, chính tắc, tổng quát cùng các vấn đề về đường thẳng mặt phẳng, mặt cầu và các bài toán liên quan. Khi giải toán hình học không gian ngoài phương pháp tổng hợp, học sinh phải biết cách chọn hệ trục tọa độ để giải toán. Nắm vững cách chọn hệ trục khi giả thiết cho tam diện 3 góc vuông , hình hộp chữ nhật, hình lập phương, hình lăng trụ, hình chóp…

3. Toán sơ cấp (3 điểm)

- Lượng giác: Học sinh cần nắm vững các phương pháp giải các phương trình lượng giác cơ bản. Khi gặp phương trình lượng giác bất kì biết hạ bậc, biến đổi về cung giống nhau và đem về dạng tích số để giải. Biết nhìn vào đường tròn lượng giác để giải các bất phương trình đơn giản . Vận dụng điều kiện có nghiệm của phương trình để tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của hàm số.

- Đại số: HS phải nắm vững cách giải phương trình và bất phương trình: vô tỉ, mũ, logarit, chứa trị tuyệt đối. Cũng cần chú ý các hệ đối xứng loại 1, loại 2 và hệ có vế trái đẳng cấp bậc 2 cùng điều kiện để các hệ này có nghiệm. Trong các bài toán đặt điều kiện để phương trình có nghiệm, vô nghiệm HS cố gắng chuyển bài toán về phương pháp sử dụng đồ thị để biện luận. Trong các bài toán đặt điều kiện để bất đẳng thức đúng với mọi x thuộc đoạn [a:b] hoặc bất phương trình nhận mọi x thuộc [a:b] làm nghiệm, ta nên chuyển bài toán về sử dụng min, max.

Thí sinh cần nắm vững các kiến thức và cách vận dụng tam thức bậc hai để giải toán. Đặc biệt các định lý đảo về dấu tam thức thức bậc hai. Riêng HS học chương trình phân ban còn lưu ý thêm các dạng toán về số phức.

Cuối cùng, để làm tốt bài thi và đạt điểm cao trong kỳ thi, khi làm bài phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, không nên sử dụng kiến thức ngoài chương trình phổ thông để giải toán. Các bạn hãy nhớ rõ phương châm: dễ làm trước, khó làm sau.

16109HDhoa.jpg

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Môn Vật lí

5 “bí quyết” để làm bài tốt:

1. Nắm rõ các định luật vật lý, các định nghĩa, công thức một cách chính xác. Các bạn hãy tự tóm tắt thật ngắn gọn, nhưng đầy đủ các kiến thức Vật lí cần thiết, đặc biệt là bảng tóm tắt các công thức, các hằng số Vật lí thường gặp.

2. Chú ý về đơn vị, thứ nguyên và tính hợp lý của kết quả. Khi làm xong các phép tính, bạn cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi, bạn hãy cân nhắc xem đáp số có phù hợp với thực tế không, bạn hãy chú ý về đơn vị và cách viết kết quả theo quy tắc khoa học. Ví dụ nên viết: 1,2.10-3 m thay vì 0,0012 m; hoặc nên viết 3,5.106 m/s thay vì 3500000 m/s!

3. Để ý đến các sơ đồ mạch điện, cách bố trí các quang cụ và các câu hỏi về đồ thị. Dạng câu hỏi này ít được quan tâm trong các kỳ thi tự luận nhưng sẽ xuất hiện nhiều trong bài thi trắc nghiệm. Do các hiện tượng Vật lí xảy ra theo những quy luật nhất định nên có thể tìm thấy bài toán đồ thị ở mọi nội dung của chương trình. Kỹ năng đọc và vẽ đồ thị đối với học sinh phổ thông có lẽ chưa được tốt lắm! Bạn hãy luyện tập với loại bài tập này nhiều hơn.

4. Chú ý đến các hiện tượng Vật lí và ứng dụng trong thực tế. Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà học sinh do chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn, ví dụ: Hiện tượng phản xạ thông thường và phản xạ toàn phần; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến; khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng Vật lí; điều kiện để có cộng hưởng, có phản xạ toàn phần, có hiện tượng quang điện, có hiện tượng quang dẫn...

5. Cần vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ và phỏng đoán khi làm bài trắc nghiệm để chọn nhanh câu trả lời mà không cần phải mất thời gian tính toán.

Môn Hóa học


Đề thi thường có các câu hỏi giáo khoa hoặc bài tập có tính toán nhỏ (thường là câu I và câu III) có nội dung của kiến thức vô cơ - đại cương. Để lấy điểm trọn vẹn câu này, TS phải nắm thật vững giáo khoa và làm bài thật chuẩn xác. Với các câu này, nội dung thường nằm trong các phần: cấu tạo nguyên tử - bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học; phản ứng oxy hóa khử, chuyển dịch cân bằng, dung dịch - sự điện ly, các bài toán pH, tính chất hóa học của những chất thuộc các nguyên tố halogen S, O, N, P, Al, Fe.

Những câu có nội dung hóa hữu cơ thường có nội dung nằm trong các bài tiêu biểu thuộc các nhóm nguyên tố:(C, H); (C, H, O) và (C, H, O, N), kết hợp halogen với các cách cho thường gặp như viết phản ứng, nêu hiện tượng thí nghiệm, hoàn thành sơ đồ phản ứng, điều chế, nhận biết và tách chất.
Về bài toán vô cơ, chủ yếu là các bài toán về kim loại và hợp chất của kim loại phản ứng với axit; muối; phản ứng nhiệt luyện, các phản ứng trong dung dịch. Ở câu này, yêu cầu ở TS cao hơn, để lấy được điểm tối đa phải là các TS khá giỏi!

Các bài toán hữu cơ có yêu cầu tìm công thức và định lượng trên các chất tiêu biểu thuộc các nhóm nguyên tố: (C, H, O); (C, H, O, N) . Câu này thường ít có TS lấy được điểm tối đa.

Hiển nhiên với đề thi trắc nghiệm thì có nhiều câu hỏi hơn so với đề thi tự luận, cho nên nội dung các câu hỏi sẽ phân bố khắp chương trình từ lớp 10-12 (nhưng chủ yếu vẫn là kiến thức ở lớp 12).

Đề thi năm nay sẽ có nội dung trọng tâm nằm ở các phần sau: Cấu tạo nguyên tử - Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học - liên kết hóa học. Những câu hỏi trong phần này sẽ đơn giản, chỉ cần hiểu các cách giải câu hỏi này như những đề tự luận của các năm trước là có thể có kết quả tốt.

Phản ứng oxy hóa khử; cân bằng hóa học; các bài toán sự điện ly, pH cũng cho ở mức độ vừa phải, cần tham khảo kỹ các câu hỏi của đề thi từ các năm trước là TS có thể lấy được điểm tối đa. Còn lại là các câu hỏi nằm ở phần trọng tâm của chương trình lớp 12. Các câu hỏi giáo khoa cũng có nội dung tương tự những năm trước. Đối với yêu cầu về định lượng, năm nay sẽ khai thác mạnh các định luật và các kỹ thuật giải toán nhanh, đây là xu thế của cách ra đề trắc nghiệm.


  • Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top