Các chuyên gia nói gì về người đàn ông ôm xác vợ?

Hide Nguyễn

Du mục số
Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia y học, tâm lý và xã hội về hành vi ôm xác vợ 7 năm của một người đàn ông đang gây tranh luận nhiều chiều.



TS Trần Thu Hương, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): Không có gì kỳ quặc


Thực ra hành vi ôm xác vợ của ông Lê Vân không có gì kỳ quặc. Đây là cách ông thể hiện thái độ không chấp nhận việc người thân yêu gần gũi nhất của mình đã ra đi.


Theo quan niệm của người phương Đông, người chết có cả phần hồn lẫn phần xác. Phần xác có thể tiêu hủy nhưng phần hồn vẫn còn. Ông Vân có thể cho rằng cách làm này sẽ tạo ra một nơi trú ngụ cho linh hồn của vợ để ông có nơi tâm sự.


Xét về mặt văn hóa thì hành vi này đúng là lệch chuẩn, là trái với luân thường đạo lý. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tâm lý, tâm linh thì chúng ta khó có thể nói hành động của ông Vân là đúng hay sai. Chúng ta không có mốc tâm linh nào để đánh giá hành vi này. Do vậy, không nên phán xét, quy kết là hành vi trên sai hay đúng.


Hiện nay có một mâu thuẫn đang được đặt ra là chính quyền địa phương muốn dùng luật pháp, quy định để xử lý (dùng thế nào là chuyện khác), nhưng xét về khía cạnh tâm lý, tâm linh thì hành vi của ông Vân không gây ảnh hưởng đến ai.


Do đó, nếu mạnh tay dùng luật pháp thì có thể ông Vân sẽ chống đối. Nếu ông nghe theo một cách gượng ép thì sau đó có thể ông sẽ bất mãn dẫn đến hậu quả không tốt.


Vấn đề cốt lõi hiện nay là chúng ta cần tìm được điểm giao thoa giữa quản lý bằng luật pháp với hành vi không gây ảnh hưởng đến ai của ông Vân. Cách tốt nhất là vận động tư tưởng, có sự can thiệp hài hòa của gia đình và cả chính quyền địa phương.


Đối tượng quan trọng nhất phải tham gia vận động chính là các con ông Vân, sau đó đến các cá nhân và đoàn thể khác. Họ phải làm sao để ông Vân hiểu và chấp nhận sự thật, không thể trốn tránh thực tế mãi được.
Việc này thực ra không dễ để giải quyết, rất cần một người có đủ khả năng đứng ra thuyết phục ông Vân từ bỏ việc mình đang làm.


Trên thế giới, hiện tượng thích xác người chết không phải là hiếm. Ở Việt Nam, do quan niệm về thuần phong mỹ tục nên mới đặt ra vấn đề phán xét bằng luật pháp. Việc này cũng cần hết sức cân nhắc, thận trọng vì sẽ gây khó cho cả người quản lý lẫn người thực thi.


Xacvo2.jpg



Ông Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Mai Hương:
Chưa thể khẳng định ông Vân có bị tâm thần hay không

Đây đúng là một hành vi kỳ dị, một sở thích lạ thường, hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu các vai trò xã hội của ông Vân vẫn được ông đảm bảo bình thường như những người khác (vai trò làm cha, làm con, làm hàng xóm, anh em, bạn bè, ...) thì không thể nói ông Vân bị tâm thần được.
Chúng ta phải xem xét, phân tích trong tổng thể, toàn diện các hành vi đời sống của nhân vật. Nếu các hành vi kì dị khác cũng xuất hiện liên tục với mật độ dày đặc thì có thể đặt nghi vấn ông Vân có vấn đề về tâm thần. Còn nếu chỉ có hành vi ôm xác vợ, các hành vi khác vẫn bình thường thì không thể nói quy kết hoặc nói trước được điều gì.


Tôi không khám cho ông Vân nên không biết thực tế thế nào. Tuy nhiên, nếu khám thì có thể có hai khả năng: Hoặc là ông Vân tiềm ẩn nhiều yếu tố của bệnh tâm thần (điên) hoặc ông vẫn hoàn toàn bình thường. Cả hai khả năng này đều là 50-50.




Trần Trọng Linh, một chuyên gia tâm lý (Pháp): Ai cũng có vấn đề tâm lý riêng

Theo quan điểm của tôi không nên ồn ào và quy chụp tội lỗi cho riêng ai, thậm chí cả cơ quan quản ly địa phương cũng không nên nhân danh này nọ để quy chụp tội lỗi cho các cán bộ địa phương.
Tôi nhận thấy rằng những người dân quê mặc dù sự hiểu biết về xã hội cũng như tâm lý khá sơ lược, họ cũng theo dõi và biết chuyện của gia đình ông Lê Vân nhưng cảm thấy sự viêc thật sự không gây ra hậu quả gì.


Đứng về phía chuyên môn để nhận định vấn đề thì ai cũng có vấn đề tâm lý riêng thế nên mới tạo ra sự đa dạng cuộc sống. Nhưng vấn đề tâm lý nào có ảnh hưởng đến cá nhân hay cộng đồng không thì mới cần phải đem ra giải quyết, khắc phục.


Nói riêng về vấn đề của ông Lê Vân thì không có gì ảnh hưởng đến cá nhân cũng như cộng đồng. Sự việc này vẫn diễn ra bao nhiêu năm ở cái thôn quê và không gây trở ngại lớn cho cuộc sống cộng đồng, có chăng thi chỉ là sự tò mò không tránh khỏi. Còn chuyện của cháu bé con ông Vân, năm nay cháu cung 11-12 tuổi. Tôi nghĩ mọi sinh hoạt cũng như phát triển về tâm lý và thể chất của cháu vẫn diễn ra bình thường cho tới khi các "Nhà báo" vào cuộc.


Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu của mình khác nhau và chúng ta nên tôn trọng họ.




Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Đây là hành vi lệch chuẩn

Cần đặt trong bối cảnh xã hội cụ thể để xem xét, đánh giá mới có thể lý giải được hành động của người đàn ông trong câu chuyện này. Nếu xem xét từ khía cạnh văn hoá, phong tục tập quán trong cách ứng xử với người đã mất ở nơi người đàn ông này sinh sống và thuộc về, theo như cách các bài báo đưa tin thì chính quyền địa phương, những người xung quanh và cả con cái của người đàn ông này đều không đồng ý cách ông đã ứng xử với người vợ đã mất của mình (ngủ dưới mồ với vợ hoặc khai quật và đưa cốt của người quá cố vào trong hình nhân rồi ngủ cùng...) thậm chí bản thân ông cũng tự cảm thấy mình khác người.
Điều này cho thấy rằng, cách mà người đàn ông này đã làm với người vợ quá cố không phải là phong tục tập quán... của cộng đồng nơi ông sinh sống. Nói cách khác, đây không phải là chuẩn mực mà người dân nơi đây chia sẻ và thực hành. Do đó, có thể xem việc mà người đàn ông này đã làm là hành vi lệch chuẩn.


Mặt khác, một trong những mong đợi chung của người Việt khi đã mất (đã chết) là được yên nghỉ. Việc làm của người đàn ông này cũng có thể xem như là ích kỷ khi người vợ đã mất rồi vẫn không được yên nghỉ. Tình cảm quyến luyến với người thân đã mất là điều đáng trân trọng, khó khăn để vượt qua và mỗi người, mỗi nhóm xã hội có những cách thức khác nhau để thể hiện tình cảm này. Tuy nhiên, cách làm như người đàn ông này vừa vượt xa cách thức thông thường, vừa mất vệ sinh - ảnh hưởng tới sức khoẻ của bản thân và các con.


Cần xem xét động cơ thực sự của việc này là gì? Các nhà báo cần tìm hiểu thận trọng và định hướng dư luận xã hội tránh trường hợp ngộ nhận hoặc mong muốn có những thông tin "hot" mà vô tình gây hoang mang cho công chúng.



Theo :Tuanvietnam.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top