• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Các anh chị giúp em bài địa 9 này với!

1. Tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam

Từ bao đời nay, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của dân tộc Việt Nam. Bước vào thế kỷ 21, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hướng mạnh về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình. Đây là hướng đi đúng đắn, bởi lẽ biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, trong đó nổi bật lên các lợi thế là:

1.1. Vị trí chiến lược của biển - nhân tố địa lợi đặc biệt của sự phát triển

Việt Nam nằm ở rìa Biển Đông, vùng biển có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong Chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới.

Hiện nay, nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... có nền kinh tế hầu như phụ thuộc sống còn vào con đường Biển Đông. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc... được vận chuyển bằng con đường này. Đặc biệt, nền kinh tế Singapore hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Biển Đông.

Việt Nam có lợi thế là vùng biển nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến có lượng tàu bè qua lại nhiều nhất thế giới. Bờ biển Việt Nam lại rất gần các tuyến hàng hải đó nên rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển trên Biển Đông. Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

1.2. Các nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong số các nguồn tài nguyên biển, trước tiên phải kể đến dầu khí, một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội của vùng biển Việt Nam. Trên vùng biển rộng hơn l triệu km2 của Việt Nam, có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông. Có thể khai thác từ 30-40 nghìn thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít), khoảng 20 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Mặc dù so với nhiều nước, nguồn tài nguyên dầu khí chưa phải là thật lớn, song đối với nước ta nó có vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bên cạnh dầu, Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khoảng 3 nghìn tỷ m3/năm. Ngoài dầu và khí, dưới đáy biển nước ta còn có nhiều khoáng sản quý như: thiếc, ti-tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng-gan, đồng, kền và các loại đất hiếm. Muối ăn chứa trong nước biển bình quân 3.500gr/m2. Vùng ven biển nước ta cũng có nhiều loại khoáng sản có giá trị và tiềm năng phát triển kinh tế như: than, sắt, ti-tan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.

Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3- 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5- 1,8 triệu tấn/năm. Đến nay đã xác định 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Dọc ven biển có trên 37 vạn héc ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Riêng diện tích nuôi tôm nước lợ có tới 30 vạn ha. Ngoài ra còn hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Phá Tam Giang, Vịnh Văn Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Với tiềm năng trên, trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi, trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện và hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn/ năm.

Việt Nam với bờ biển dài hơn 3.260 km, nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (không kể một số đảo). Tính bình quân cứ 100 km2 đất liền nước ta có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới, đồng thời bờ biển lại mở ra cả ba hướng đông, nam và tây nam, rất thuận lợi cho việc đi ra mọi nẻo đường đại dương. Dọc theo bờ biển nước ta có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng hải cảng, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng nước sâu, quy mô tương đối lớn (kể cả cảng trung chuyển quốc tế) như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Hòn La - Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải... Riêng khu vực từ Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có khả năng xây dựng cảng biển lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ. Khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển Việt Nam có hàng trăm bãi tắm, trong đó có những bãi tắm có chiều dài lên đến 15- 18km và nhiều bãi tắm có chiều dài 1-2km đủ điều kiện thuận lợi khai thác phát triển du lịch biển. Các bãi biển của nước ta phân bố trải đều từ Bắc vào Nam. Từ Móng Cái đến Hà Tiên có hàng loạt các bãi tắm đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Lăng Cô, Mỹ Khê, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên… Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu như Vịnh Hạ Long- hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, đang nằm trong danh sách đề cử kỳ quan thiên nhiên của thế giới, Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh đẹp nhất hành tinh, bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Tiềm năng du lịch biển của nước ta không thua kém bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực.

Chúng ta không chỉ có bờ biển dài mà còn có hệ thống đảo và quần đảo phong phú, trải dài từ vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo thống kê, ven bờ nước ta có 2.773 đảo lớn, nhỏ các loại với tổng diện tích vào khoảng 1.700 km2. Trong đó có 24 đảo có diện tích tương đối lớn (trên 10 km2), 82 đảo có diện tích lớn hơn 1 km2 và khoảng 1.400 đảo chưa có tên. Đặc biệt có ba đảo có diện tích trên 100 km2 là Phú Quốc, Cái Bầu và Cát Bà. Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển nước ta còn có nhiều thế mạnh khác trong đất liền như các di tích, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống, các lễ hội. Hiện nay Việt Nam có đến 6/7 di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới được UNESCO công nhận đều nằm ở các tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình) nên sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch biển phát triển mạnh hơn. Hệ thống cảng biển của nước ta hiện nay đủ tiêu chuẩn để đón các tàu khách quốc tế cỡ lớn.
Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hoá - xã hội của biển, vùng ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo cho du lịch biển có lợi thế phát triển hơn hẳn so với nhiều loại hình du lịch khác trên đất liền.

1.3. Nguồn nhân lực dồi dào ven biển là một nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển


Với số dân hơn 20 triệu người đang sinh sống, các vùng ven biển và đảo của Việt Nam đang có lực lượng lao động khoảng 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước. Đây là nguồn nhân lực quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Chủ trương phát triển kinh tế biển Việt Nam

Kinh tế biển hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế diễn ra trên đất liền nhưng trực tiếp liên quan đến khai thác biển. Cụ thể là:

- Các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, chủ yếu bao gồm: (1) Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); (2) Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng hải sản); (3) Khai thác dầu khí ngoài khơi; (4) Du lịch biển; (5) Làm muối; (6) Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; và (7) Kinh tế đảo.

- Các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển, tuy không phải diễn ra trên biển nhưng những hoạt động kinh tế này là nhờ vào yếu tố biển hoặc trực tiếp phục vụ các hoạt động kinh tế biển ở dải đất liền ven biển, bao gồm: (1) Đóng và sửa chữa tàu biển (hoạt động này cũng được xếp chung vào lĩnh vực kinh tế hàng hải); (2) Công nghiệp chế biến dầu, khí; (3) Công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản; (4) Cung cấp dịch vụ biển; (5) Thông tin liên lạc biển; (6) Nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; (7) Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; và (8) Điều tra cơ bản về tài nguyên - môi trường biển.

Với cơ cấu ngành, nghề đa dạng, trong đó có nhiều ngành, nghề then chốt như khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, kinh tế biến đóng vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta. Trong mấy thập kỷ gần đây, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển. Có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động kinh tế biển phải kể đến Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 6/5/1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, trong đó khẳng định rằng, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Song song với nhiệm vụ đó là bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020. Sau Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ thị triển khai thực hiện như Chỉ thị 399 ngày 5/8/1993 về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt và Chỉ thị 171/TTg năm 1995 triển khai Nghị quyết 03-NQ/TW.

Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa ra một số quan điểm trong phát triển kinh tế biển. Đó là: “Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá kinh tế biển hướng mạnh vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ làm động lực; vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lý, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực”. Quan điểm này được cụ thể hoá bằng các giải pháp: “Đầu tư thích đáng cho khoa học- công nghệ; tăng cường năng lực điều tra khảo sát, nghiên cứu khí tượng- thuỷ văn và môi trường, thực trạng tài nguyên và dự báo xu thế biến động trong những thập kỷ tới. Từ nay đến năm 2000 cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm thăm dò dầu khí, khoáng sản biển, nguồn lợi hải sản và năng lượng biển, nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển, tiếp tục hiện đại hoá khí tượng- thuỷ văn”. Thi hành Chỉ thị này, một loạt kế hoạch về phát triển kinh tế biển đã được thông qua như: Chiến lược phát triển thuỷ sản 2010; Chiến lược phát triển du lịch 2010; Chiến lược phát triển giao thông vận tải 2010…

Bước sang thế kỷ 21, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) khẳng định mục tiêu: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh công tác nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển; mở mang du lịch; bảo vệ môi trường; tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển”. Những nội dung nêu trên tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ X (2006).

Từ những quan điểm, biện pháp nêu trên, cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế- xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, có thể thấy rõ hơn chủ trương rất quan trọng là: cần đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Việc thực hiện những chủ trương, chính sách nêu trên đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Ðến nay, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp gần 50% GDP của cả nước (trong đó riêng kinh tế trên biển chiếm hơn 20% GDP), với quy mô tăng khá nhanh, cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng phục vụ xuất khẩu đem về một lượng ngoại tệ lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hình thành một số trung tâm phát triển để hướng ra biển... Tuy nhiên, xét cả về mặt chủ quan và khách quan, thực tế hiện nay cho thấy trong việc khai thác lợi thế từ biển còn không ít hạn chế, khó khăn và yếu kém. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hằng năm còn nhỏ bé, chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, 1/7 của Hàn Quốc và 1/260 kinh tế biển của thế giới. Những năm qua, do chưa có chiến lược tổng thể, cho nên các ngành, các địa phương thiếu căn cứ để quy hoạch. Tính đồng bộ của các chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô, nhận thức về vai trò, vị trí của biển, sự quan tâm phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cả Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Cho đến trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII, cũng chưa có cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ quản lý, điều hành chung, dẫn đến những hoạt động đầu tư manh mún, chưa đồng bộ, hiệu quả thấp, kinh tế biển phát triển chậm, thiếu bền vững và cơ cấu chưa hợp lý.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp bách là Đảng và Nhà nước ta cần nâng các quan điểm chỉ đạo nêu trên lên tầm của một văn bản chiến lược. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007), nhằm đáp ứng yêu cầu nêu trên. Quan điểm chỉ đạo được nêu trong phần định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là "nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn". Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Để đạt được mục tiêu tổng quát nêu trên, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Trong đó, nhiệm vụ chiến lược kinh tế "làm giàu từ biển" được chỉ đạo bởi quan điểm: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho một quãng thời gian gần 3 kế hoạch 5 năm (2007-2020), không gian kinh tế biển được mở rộng và nhất thể hóa trên phạm vi vùng biển, ven biển và hải đảo gắn kết chặt chẽ với các vùng quy hoạch lâu nay trong đất liền. Sự phát triển các ngành kinh tế biển được gắn kết hữu cơ với nhau trên cơ sở phát huy cao nhất lợi thế của mỗi ngành.

Có thể nói rằng, Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã kế thừa những quan điểm về phát triển kinh tế biển và các lĩnh vực khác liên quan đến biển đã ban hành trước đó, nhưng phải khẳng định rằng, đây là Nghị quyết của Trung ương toàn diện đầu tiên về biển, mở ra một chương mới trong tư duy về biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Trong Chiến lược biển, phần về chiến lược phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung chủ yếu nhất.

ST.
 
Nước ta có nguồn tài nguyên biển - đảo khá phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.

* Có tài nguyên sinh vật biển phong phú tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản:
- Có bờ biển dài (3260km), thuận lợi cho nuôi trồng, vùng biển rộng trên 1 triệu km2, thuận lợi cho đánh bắt và khai thác.
- Tổng trữ lượng 4 triệu tấn, có thể khai thác hàng năm là 1,9 triệu tấn.
- Vùng biển có hơn 2000 loài cá, trong đó có 110 loài có giá trị kinh tế, có trên 100 loài tôm, nhiều loại đặc sản.

* Có tài nguyên du lịch biển phong phú có thể phát triển nhiều loại hình du lịch.
- Dọc bờ biển có trên 120 bãi cát dài, rộng, phong cảnh đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng.
- Nhiều đảo ven bờ có phong cảnh đẹp, hấp dẫn du khách.
- Có vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới.

* Có nguồn khoáng sản phong phú
- Biển có độ mặn lớn, nắng nóng quanh năm thuận lợi cho nghề làm muối.
- Dọc bờ biển có nhiều bãi cát chứa oxit titan có giá trị xuất khẩu (Hà Tĩnh, Bình Định).
- Nhiều nơi có cát trắng (Quảng Ninh, Khánh Hoà) làm nguyên liệu cho ngành sản xuất thuỷ tinh, pha lê.
- Nguồn dầu khí có trữ lượng hàng chục tỉ tấn ở thềm lục địa (đặc biệt là Vũng Tàu) tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp năng lượng, hoá chất phát triển.

* Phát triển giao thông vận tải biển
- Nằm gần đường hàng hải quốc tế quan trọng.
- Bờ biển có nhiều vũng, vịnh thuận lợi cho việc xây dựng cảng, đặc biệt là các cảng nước sâu.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top