BỒ CÂU CẢNH BÁO NGUY HIỂM BẰNG CÁNH
Khi bồ câu bay lên không trung vì sợ hãi, đôi cánh của chúng tạo ra tiếng rít đặc biệt để cảnh báo những con khác.
Ảnh: pbase.com.
Nhiều nhà điểu học phỏng đoán rằng bồ câu có một cách nào đó để cảnh báo đồng loại khi chúng phát hiện mối nguy hiểm, bởi mỗi khi một con bay lên vì hoảng sợ, những con khác gần nó cũng đồng loạt bay theo.
Tiến sĩ Robert Magrath, một nhà khoa học của Đại học quốc gia Australia, cùng các cộng sự ghi âm những tiếng động mà cánh chim bồ câu tạo ra khi chúng bay trong tình huống an toàn. Sau đó nhóm nghiên cứu dùng một con chim diều hâu giả để dọa một đàn chim bồ câu đang ăn trên mặt đất. Họ ghi âm toàn bộ tiếng động mà đàn chim phát ra trong lúc vỗ cánh để bay lên.
Các chuyên gia so sánh hai đoạn băng ghi âm và nhận thấy tiếng rít mà cánh chim tạo ra khi nhìn thấy chim diều hâu giả có cường độ âm thanh và nhịp độ lớn hơn nhiều so với khi chúng bay bình thường.
Nhóm của Magrath phát lại cả hai đoạn băng gần một số đàn chim bồ câu khi chúng kiếm ăn trên mặt đất.
“Chúng tôi nhận thấy chúng chỉ vội vã bay lên sau khi nghe thấy những tiếng rít mà đàn chim gặp diều hâu giả tạo ra. Đàn chim vẫn tiếp tục kiếm mồi khi chúng tôi phát đoạn băng kia”, Magrath nói với BBC.
Magrath cho biết, chim bồ câu có một lông vũ rất hẹp. Theo phán đoán của ông, chiếc lông đó rung động để tạo nên tiếng rít khi chim vỗ cánh.
Nguồn: Minh Long - VnExpress*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: