Bình giảng bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Bạch Việt

New member
Xu
69
Bình giảng bài thơ Tràng Giang của Huy Cận


“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.

Từ dòng sông, sóng gợn, con thuyền xuôi mái và cành củi khô bập bềnh trôi dạt trên sóng… ở khổ một, Huy Cận nói đến cảnh tràng giang một buổi chiều mênh mông, vắng vẻ. Giọng thơ nhè nhẹ man mác buồn. Không gian nghệ thuật được mở rộng về đôi bờ và bầu trời. Những cồn cát thưa thớt nhấp nhô “lơ thơ” như nối tiếp mãi dài ra. Gió chiều nhè nhẹ thổi “đìu hiu” gợi buồn khôn xiết kể. Hai chữ “đìu hiu” gợi nhớ trong lòng người đọc một vần thơ cổ:

“Non Kì quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”.
(Chinh phụ ngâm)

Làng xóm đôi bờ sông, trong buổi chiều tàn cũng rất vắng lặng. Một chút âm thanh nhỏ bé lao xao trong khoảnh khắc tan chợ, vãn chợ ở đâu đây, ở từ một làng xa vẳng đến. Lấy động để tả tĩnh, câu thơ “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” đã làm nổi bật sự ngạc nhiên, chút bâng khuâng của người lữ khách về cái vắng vẻ, cái hoang vắng của đôi bờ tràng giang. Các nhà thơ mới coi trọng tính nhạc trong thơ, vận dụng nghệ thuật phối âm, hòa thanh rất thần tình, tạo nên những vần thơ giàu âm điệu, nhạc điệu, đọc lên nghe rất thích. Hai câu thơ đầu đoạn có điệp âm “lơ thơ” và “đìu hiu”, có vần lưng: “nhỏ – gió”, có vần chân: “hiu – chiều”. Câu thơ của Huy Cận làm ta liên tưởng đến câu thơ của Xuân Diệu:

“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều”…
(Thơ duyên)

Các điệp thanh: “nhỏ nhỏ”, “xiêu xiêu”, “lả lả”; các vần thơ, như vần lưng “nhỏ” với “gió”, vần chân “xiêu” với “chiều”. Những vần thơ “tươi nhạc tươi vần” ấy đã trở thành câu thơ trong trí nhớ của hàng triệu con người yêu thích văn học

Trở lại đoạn thơ trong bài “Tràng giang” của Huy Cận, ta như được nhập hồn mình vào cõi vũ trụ mênh mông và bao la. Trời đã về chiều. Nắng từ trên cao chiếu rọi xuống làm hiện ra những khoảng sâu thăm thẳm trên bầu trời. Vẻ đẹp của bầu trời thu quê hương ta đã trở thành vẻ đẹp của thi ca dân tộc: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Thu vịnh); “Trời cao xanh ngắt – Ô kìa…” (Tiếng sáo Thiên Thai); “Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng” (Xuân Diệu). Thi sĩ Huy Cận lại nhận diện bầu trời không phải là cao mà là sâu, “sâu chót vót”

“Nắng xuống / trời lên sâu chót vót”

Bầu trời và lòng sông “sóng gợn” là không gian hai chiều, rộng và cao, sâu. Trời cao thăm thẳm, rộng mênh mông in xuống, soi xuống lòng sông. Người ta thường nói “cao chót vót” và “sâu thăm thẳm”, nhưng Huy Cận lại cảm nhận là “sâu chót vót” vừa để làm nổi bật hai vế tiểu đối: “nắng xuống” // “trời lên”, vừa gây ấn tượng về cái bao la, mênh mông đến rợn ngợp của không gian vũ trụ vô tận, và cũng là nỗi buồn như vô tận trong lòng người. Khách li hương càng cảm thấy nhỏ bé, lẻ loi và cô đơn trước không gian vô hạn của vũ trụ. Dòng sông như dài thêm ra, bầu trời như rộng thêm ra, bến đò (hay bến lòng?) như cô liêu hơn, xa vắng, quạnh hiu hơn. Lời đề từ nhà thơ đã viết: “Bâng khuâng trời rộng, nhớ sông dài”, cảm hứng ấy đã được láy lại ở câu thơ số 8, mở ra một trường liên tưởng đầy ám ảnh về vũ trụ thì vô hạn vô cùng, còn kiếp người thì nhỏ bé, hữu hạn:

“Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.

Cảnh sắc tràng giang được nói đến trong đoạn thơ là một không gian nghệ thuật đẹp mà buồn. Vẻ đẹp của những dòng sông trên mọi miền đất nước hội tụ trong tâm hồn thi nhân. Vẻ đẹp của tình yêu quê hương, tình yêu sông núi. Tình yêu đó mang nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước của Huy Cận, của thế hệ các nhà thơ thời tiền chiến. “Tràng giang” đã hợp lưu trong lòng người hơn 60 năm rồi. Đọc đoạn thơ trên, ta mới thấu hiểu nỗi lòng thi nhân trước cách mạng: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm…”.

Sưu tầm

* Nếu các bạn không xem được bài trực tiếp trên Diễn đàn, xin vui lòng click vào chữ Download File để tải về máy. Chúc các bạn học tốt!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bình giảng bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận

Bình giảng bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận
Bài làm

Phong trào thơ mới đi qua đã để lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị. "Tràng giang" của Huy Cận mang vào trong thơ ca giai đoạn này một hơi thở riêng, độc đáo, một phong cách riêng, vẻ đẹp riêng và vì thế, "Tràng gian" vẫn còn "chảy" mãi cho đến tận bây giờ và mai sau.

Cùng với nhiều nhà thơ khác đương thời, Huy Cận luôn mang tâm tư của mình nỗi sầu của cả một thế hệ.

Màu năm tháng cũng ngậm ngùi thế nhỉ?

Nhưng, đó là nỗi sầu nhân gian, nỗi sầu như "vạn kỉ" chảy về. "Tràng giang" tiêu biểu cho phong cách thơ anh là vậy. Nỗi lòng của tác giả trong "Tràng giang" man mác, bâng khuâng để đi đến cái cuối cùng, cái cốt lõi là nỗi buồn "không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà".

"Tràng giang" là một bài thơ đẹp. Nó đẹp trước hết là nỗi buồn. Thường thường, đẹp và buồn là hai người bạn tâm giao, nhất là đối với các thi sỹ thơ mới.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp.

Nỗi lòng ấy không thể đem ra mà đong, mà đếm. Nỗi lòng ấy cứ lớp lớp vỗ vào nhau, tràn lên nhau ngày càng nặng trĩu. Cãi nặng của lòng người lại được gợn lên nhau như sóng nước dập dềnh bao la nên càng hụt hẫng, chơi vơi hơn. Nối buồn làm cho thi nhân thấy cô độc quá:

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.


Dường như cái có thật ấy bỗng trở nên mờ ảo, hư vô. Có cái gì đó hiện thân của sự cằn cỗi, héo hon và hiện thân của Huy Cận đang cô độc đến rợn người...Đó là nỗi buồn trống trải, bơ vơ. Đã có lúc hồn của thi nhân lay lắt trong ngọn gió "đìu hiu", trong cái không gian tĩnh lặng đến tuyệt đối, một âm thanh buôn cũng không thể gợi ra. Đã có lúc hồn của thi nhân như tan ra, trải ra trên sông nước dệp dềnh và tràn vào vũ trụ bao la với "sông dài, trời rộng", với "nắng xuống trời lên"...mọi cảnh vật đối với nhà thơ đều mênh mang quá, còn bản thân ông lại chỉ là một "bến cô liêu". Cái hữu hạn bỗng nhỏ nhoi trước cái vô hạn và càng như thế lại càng buồn hơn. Đã có lúc Huy Cận dường như bơ vơ đi tìm nơi nương náu để đỡ trống trải, nhưng chỉ thấy "Bèo dạt về đâu hàng nối hàng - Mênh mông không một chuyến đò ngang". Sắc màu "bờ xanh", "bãi vàng" không sưởi ấm được con người cô độc, mà càng khiến cho thi nhân thêm buồn. Nỗi buồn ấy bao trùm toàn bài thơ, làm nên vẻ đẹp của tác phẩm. Nhưng đến khổ thơ cuối, nỗi buồn được nguyên cớ khiến cho tạo vật thấm đẫm nỗi buồn:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời non nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.


Và như thế, bài thơ lại càng trở nên đẹp hơn ở cái tình của thi nhân. Trong khi một số nhà thơ khác có phần còn đang "say", đang "điên", đang trong chốn "điêu tàn" hay mê mải với tình yêu thì Huy Cận lại đau vì phải xa mái nhà xưa. Cũng là nối buồn riêng tư, nhưng cái riêng tư của thi nhân rộng lớn quá, nhân ái quá và cao cả quá. Thôi Hiệu xưa nhớ nhà trong buổi chiều tà, khói sóng, thì nay, Huy Cận thương nhà khi không có cái cớ gì để mà buồn thương, mà gợi nhớ!

Ta nhận thấy trong cái hùng vĩ của thiên nhiên "lớp lớp mây cao đùn núi bạc", trong cái nhỏ nhoi yếu ớt của một sinh vật sống "chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa" và trong cái "dợn dợn" của nước non...có mang một tâm sự u uẩn, nặng trĩu. Phải chăng đó là tâm sự "bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" là niềm khao khát được sống trong sự giao cảm giữa con người với con người, con người với dân tộc, với đất nước của chính nhà thơ?

Có thể nói chính cái buồn cao cả ấy đã làm nên nội dung tình cảm của bài thơ, làm nên vẻ đẹp riêng của "Tràng giang". Mặt khác, phải thấy rằng, Huy Cận là mọt nhà thơ trẻ (lúc bấy giờ) đầy tài năng.

"Tràng giang" biểu hiện một cách sinh động cho nghệ thuật thơ Huy Cận. Đọc "Tràng giang", ta thấy bài thơ có những hình ảnh rất độc đáo và sinh động. Đó là hình ảnh "củi một cành khô lạc mấy dòng". Những ngôn từ vương vãi ở đâu đó được nhà thơ nối lại thành một câu thơ giản dị gần gũi mà sâu dắc dường nào: "Củi một cành khô lạc mấy dòng". Chỉ có "củi khô" mới nói lên được nỗi đau đời còn chắt lại. Và như thế, với riêng thơ ca, cũng đủ in đậm một nỗi lòng trong bao nhiêu nỗi lòng thi sĩ khác. Bài thơ còn rất nhiều hình ảnh đẹp và buồn. Đó chính là hình ảnh một "Tràng giang" mênh mang sóng nước, một cồn nhỏ hắt hiu, một màu xanh, màu vàng lặng lẽ của cây lá. Và hình ảnh cuối cùng nặng trĩu xuống vì lòng tin thi nhân cũng đã quá nặng với đất trời rồi:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.


Đó là một hình ảnh vĩ đại quá sức tưởng tượng khiên ta có cảm giác như một hình ảnh hoang đường. Mây không gợi sự nhẹ nhàng mà gợi sự u uất. Bên cái hùng vĩ ấy, cánh chim bỗng trở nên bé nhỏ hơn, yếu đuối non nớt hơn. Cánh chim ấy lại như chao xuống vì sức nặng của hoàng hôn, nhịp nhàng trong buổi chiều ta bóng xế. Ta có cảm giác như cánh chim nhỏ nhoi lắm lại vừa rộng lớn lắm, đủ sức để cõng cả bóng chiều, nâng đỡ cả đám mây cao núi bạc dẫu có thể một lúc nào đó chới với giữa không gian. Có lẽ đây là một hình ảnh quen thuộc trong thơ Đường, nhưng sao ở đây nó lại mới đến thế, lạ và đẹp đến thế!

Có thể nói trong "Tràng giang", Huy Cận đã làm công việc cao cả củ một nghệ sỹ, đó là "chắt lọc ngôn từ". Từ ngữ trong Tràng giang được sử dụng rất đắt, không đơn điệu mà sinh động, gợi tả với các điệp từ "điệp điệp", "song song", "đìu hiu", "chót vót", "lặng lẽ", "lớp lớp", "dợn dợn".

"Tràng giang" có niêm luật chặt chẽ như một bài thơ Đường luật. Vì thế đọc lên, ta có cảm giác như giọng thơ hoài cổ, chắc, khỏe và cũng chất đầy nỗi bâng khuâng nhớ mong, chất đầy tâm sự thầm kín.

Đọc Tràng giang, cái đọng lại cuối cùng, là tư thế của con người - một thi nhân trước vũ trụ. Tư thế ấy thật đẹp, thật lớn lao biết bao! Nỗi buồn đã không làm cho con người trở nên yếu đuối nhỏ nhoi. Con người ở đây vừa kiêu hãnh, vừa đa sầu đa cảm. Nhà thơ đã dựng lên một không gian ba chiều rộng lớn mênh mông, sâu thẳm và xanh vời vợi. Trùm lên không gian ấy là sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối, duy chỉ còn tiếng lòng của nhà thơ đang thầm gọi trong xa xăm một dáng hình Tổ quốc.

Khó có thể nói hết được cái giới hạn cuối cùng của nỗi lòng trong "Tràng giang", cũng như khó có thể nói hết vẻ đẹp tận cùng của nó. Nội dung tình cảm và nghệ thuật điêu luyện trong "Tràng giang" đã làm nên phong cách riêng của Huy Cận.

Vẻ đẹp của bài thơ "Tràng giang" đã làm nên sức sống mãnh liệt của nó. "Tràng giang" vẫn là một dòng chảy bất tận trong mạch văn dân tộc suốt trong nửa thế kỷ qua và có lẽ nó còn chảy mãi, chảy mãi..."Tràng giang" tồn tại trong văn chương bằng vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của một sự sáng tạo nghệ thuật và một cái "tâm" bao la, cao cả của người nghệ sỹ.

Trần Hòa Bình
Lớp 11, trường PTTH Quảng Xương, Thanh Hóa*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top