• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
BIẾN ĐÔI KHÍ HẬU LÀ GÌ?
NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN VÀ CÁCH ỨNG PHÓ

Từ mấy năm nay chúng ta ắt hẳn đã nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng cảnh báo về biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng ta vẫn nghe như nước đổ lá khoai, rằng đó là chuyện của thế giới, ta cứ tiếp tục những hoạt động sinh tồn bình thường, những việc đó đã có các nhà khoa học, những nhà nghiên cứu, nhà cứu thế lo liệu. Như thế quả là một suy nghĩ sai lầm. Bởi chính chúng ta cũng không nằm ngoài những cá thể bị ảnh hưởng, hay còn gọi là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Và chính chúng ta, với những hành động thường ngày gây hại đến môi trường đang làm cho quá trình biến đổi khí hậu trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Có lẽ không nên bàng quang, đã đến lúc để tìm hiểu về nó, biến đổi khí hậu và gì với những tác hại khủng khiếp mà nó có thể gây ra để cùng chung tay ngăn chặn điều đó nhé!

bien-doi-khi-hau.jpg

1. Biến đổi khí hậu là gì?

Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm: Khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai, bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định.

Biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế - xã hội, đến sức khỏe và phúc lợi của con người.

2. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu

Những nhân tố có thể làm cho sự biến đổi khí hậu xuất hiện là thay đổi bức xạ khí quyển, bao gồm các quá trình như biến đổi bức xạ mặt trời, độ lệch quỹ đạo của Trái Đất, quá trình kiến tạo núi, kiến tạo trôi dạt lục địa và sự thay đổi nồng độ khí nhà kính. Nhiều phản ứng khác nhau của môi trường về biến đổi khí hậu có thể tăng cường hoặc giảm bớt các biến đổi ban đầu. Một số thành phần của hệ thống khí hậu, chẳng hạn như các đại dương và chỏm băng, phản ứng chậm với biến đổi bức xạ mặt trời vì khối lượng lớn. Do đó, hệ thống khí hậu có thể mất hàng thế kỷ hoặc lâu hơn để phản ứng hoàn toàn với những biến đổi từ bên ngoài.

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

hien-tuong-mua-axit.jpg

Hiện tượng mưa axit.
3. Các biểu hiện của sự biến đổi khí hậu Trái đất
  • Sự nóng lên của khí quyển và trái đất nói chung.
  • Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất.
  • Sự dâng cao mực nước biển do tan băng dẫn tới sự ngập úng của các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển.
  • Sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của trái đất dẫn tới nguy cơ đe doạ sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người.
  • Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác.
  • Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển.
4. Cách phó với biến đổi khí hậu
  • Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch
  • Cải tạo, nâng cấp hạ tầng
  • Làm việc gần nhà
  • Tiết kiệm, giảm chi tiêu
  • Ăn uống thông minh, tăng cường rau, hoa quả
  • Chặn đứng nạn phá rừng
  • Tiết kiệm điện
  • Khai phá những nguồn năng lượng mới
  • Ứng dụng các công nghệ mới trong việc bảo vệ Trái đất
Nguồn: khoahoc.tv​
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU KHỦNG KHIẾP NHƯ THẾ NÀO?
Cụm từ biến đổi khí hậu giờ đây đã không còn chỉ là cụm từ xa xôi, mường tượng mà nó đã thực sự hiện hữu xung quanh cuộc sống chúng ta. Chỉ cần để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy được điều đó. Những trận lũ lịch sử, những đợt hạn hán kéo dài, có đơn thuần chỉ là hiện tượng tự nhiên như hàng ngàn năm nay? Biến đổi khí hậu thực sự đã và đang đem lại những hậu quả nặng nề.

1. Các hệ sinh thái bị phá hủy

Biến đổi khí hậu và lượng cacbon dioxite ngày càng tăng cao đang thử thách các hệ sinh thái của chúng ta. Các hậu quả như thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm nặng, năng lượng và nhiên liệu khan hiếm, và các vấn đề y tế liên quan khác không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta mà còn là vấn đề sinh tồn.

San hô bị tẩy trắng do nước biển ấm lên chỉ là một trong rất nhiều tác hại của biến đổi khí hậu đến các hệ sinh thái.

2. Mất đa dạng sinh học

Nhiệt độ trái đất hiện nay đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C nữa. Sự mất mát này là do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, do nạn phá rừng và do nước biển ấm lên. Các nhà sinh vật học nhận thấy đã có một số loài động vật di cư đến vùng cực để tìm môi trường sống có nhiệt độ phù hợp. Ví dụ như là loài cáo đỏ, trước đây chúng thường sống ở Bắc Mỹ thì nay đã chuyển lên vùng Bắc cực.

Con người cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Tình trạng đất hoang hóa và mực nước biển đang dâng lên cũng đe dọa đến nơi cư trú của chúng ta. Và khi cây cỏ và động vật bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc nguồn lương thực, nhiên liệu và thu nhập của chúng ta cũng mất đi.

3. Chiến tranh và xung đột

Lương thực và nước ngọt ngày càng khan hiếm, đất đai dần biến mất nhưng dân số cứ tiếp tục tăng; đây là những yếu tố gây xung đột và chiến tranh giữa các nước và vùng lãnh thổ.

Do nhiệt độ Trái Đất nóng lên và biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu đã dần làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một cuộc xung đột điển hình do biến đổi khí hậu là ở Darfur. Xung đột ở đây nổ ra trong thời gian một đợt hạn hán kéo dài, suốt 20 năm vùng này chỉ có một lượng mưa nhỏ giọt và thậm chí nhiều năm không có mưa, làm nhiệt độ vì thế càng tăng cao.

Theo phân tích của các chuyên gia, các quốc gia thường xuyên bị khan hiếm nước và mùa màng thất bát thường rất bất ổn về an ninh.

Xung đột ở Darfur (Sudan) xảy ra một phần là do các căng thẳng của biến đổi khí hậu.

4. Các tác hại đến kinh tế

Các thiệt hại về kinh tế do Biến đổi khí hậu ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỉ đô la; ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền khổng lồ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế.

Các tổn thất về kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các chính phủ phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể, nhu cầu thực phẩm và nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết, chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ, và các căng thẳng về đường biên giới.

5. Dịch bệnh

Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho các con vật truyền nhiễm như muỗi, ve, chuột,… sinh sôi nảy nở, truyền nhiễm bệnh gây nguy hại đến sức khỏe của nhiều bộ phận dân số trên thế giới.

Tổ chức WHO đưa ra báo cáo rằng các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới.

Hàng năm có khoảng 150 ngàn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy.

6. Hạn hán

Trong khi một số nơi trên thế giới chìm ngập trong lũ lụt triền miên thì một số nơi khác lại hứng chịu những đợt hạn hán khốc liệt kéo dài. Hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp của nhiều nước. Hậu quả là sản lượng và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa, một lượng lớn dân số trên trái đất đang và sẽ chịu cảnh đói khát.

Hiện tại, các vùng như Ấn Độ, Pakistan, và Châu Phi đang hứng chịu những đợt hạn hán, lượng mưa ở các khu vực này ngày càng thấp, và tình trạng này còn tiếp tục kéo dài trong vài thập kỷ tới. Theo ước tính, đến năm 2020, sẽ có khoảng 75 triệu đến 250 triệu người dân châu Phi thiếu nguồn nước sinh hoạt và canh tác, dẫn đến sản lượng nông nghiệp của lục địa này sẽ giảm khoảng 50%.

7. Bão lụt

Nhiệt độ nước ở các biển và đại dương ấm lên là nhân tố tiếp thêm sức mạnh cho các cơn bão. Những cơn bão khốc liệt đang ngày một nhiều hơn. Trong vòng chỉ 30 năm qua, số lượng những cơn giông bão cấp độ mạnh đã tăng gần gấp đôi.

8. Những đợt nắng nóng gay gắt

Các đợt nắng nóng khủng khiếp đang diễn ra thường xuyên hơn gấp khoảng 4 lần so với trước đây, và dự đoán trong vòng 40 năm tới, mức độ thường xuyên của chúng sẽ gấp 100 lần so với hiện nay.

Hậu quả của các đợt nóng này là nguy cơ cháy rừng, các bệnh tật do nhiệt độ cao gây ra, và tất nhiên là đóng góp vào việc làm tăng nhiệt độ trung bình của trái đất.

9. Các núi băng và sông băng đang teo nhỏ

Các núi băng và sông băng đang co lại. Những lãnh nguyên bao la từng được bao phủ bởi một lớp băng vĩnh cữu rất dày giờ đây được cây cối bao phủ. Lấy một ví dụ, các núi băng ở dãy Hy Mã Lạp Sơn cung cấp nước ngọt cho sông Hằng – nguồn nước uống và canh tác của khoảng 500 triệu người – đang co lại khoảng 37m mỗi năm.

10. Mực nước biển đang dâng lên

Nhiệt độ ngày càng cao trên trái đất khiến mực nước biển đang dần dâng lên. Nhiệt độ tăng làm các sông băng, biển băng hay lục địa băng trên trái đất tan chảy và làm tăng lượng nước đổ vào các biển và đại dương.

Các bờ biển đang biến mất. Bãi biển ở Miami nằm trong số rất nhiều những khu vực khác trên thế giới đang bị đe dọa bởi nước biển dâng ngày càng cao.

Các nhà khoa học đã tiến hành quan sát, đo đạc và nhận thấy rằng băng ở đảo băng Greenland đã mất đi một số lượng lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đảo quốc hay các quốc gia nằm ven biển. Theo ước tính, nếu băng tiếp tục tan thì nước biển sẽ dâng thêm ít nhất 6m nữa vào năm 2100. Với mức này, phần lớn các đảo của Indonesia, và nhiều thành phố ven biển khác sẽ hoàn toàn biến mất.

Nguồn: moitruong.com.vn
 
Sửa lần cuối:

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
CHÙM ẢNH VỀ HẬU QUẢ CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Nếu không tự ý thức được trách nhiệm của mình, nếu không thay đổi thái độ sống đối với môi trường từ bây giờ thì có lẽ chúng ta sẽ còn phải trả cái giá còn đắt hơn thế này nữa.

Hãy quan sát những hình ảnh sau đây để thấy được sự khủng khiếp mà biến đổi khí hậu mang lại cho hành tình của chúng ta!

1.jpg
Grossglockner, Áo: Biển báo này cho thấy sông băng lớn nhất Áo đang thu hẹp nhanh đến mức nào. Chỉ trong vòng hai thế kỷ, chiều dài sông đã giảm xuống 3 km. Các sông băng trên khắp châu Âu bắt đầu tan nhanh từ những năm 1980.

2.jpg
Lodwar, Kenya: Xác con lừa - nạn nhân của hạn hán - là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thức ăn và nước uống của tộc Kurtana. Hơn 23 triệu người ở Đông Phi đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm trầm trọng do biến đổi khí hậu.

3.jpg
Đảo Funafuti, Tuvalu: Mực nước biển tăng cao đe dọa cuộc sống của 10.000 người dân trên đảo Funafuti. Quốc đảo này có thể sẽ là nước đầu tiên biến mất dưới lòng biển do biến đổi khí hậu.

4.jpg
Kangerlussuaq, Greenland: Các tảng băng này nằm lại sau khi một trận lụt tràn qua phía đông thị trấn Kangerlussuaq.

5.jpg
Wilcannia, Australia: Nhiều con chuột túi và đà điểu sa mạc đã chết trong cơn hạn hán ở vùng trung tâm Australia.

6.jpg
San Marcos Tlacoyalco, Mexico: Thung lũng Tehuacan từ lâu đã phải chịu đựng tình trạng khan hiếm nước. Hạn hán, biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn nước ngầm dự trữ hiếm hoi ở đây.

7.jpg
Công viên quốc gia Los Glaciares, Argentina: Một tảng băng lớn rơi xuống từ vách sông băng Perito Moreno.

8.jpg
Wrightwood, California, Mỹ: Một lượng lớn nhà cửa đã bị thiêu rụi. Hơn 80.000 người đã phải di tản do cháy rừng lan rộng mất kiểm soát.

9.jpg
Khu bảo tồn quốc gia Lake Mead, Nevada, Mỹ: Hạn hán kéo dài bảy năm và nhu cầu dùng nước tăng cao do tăng trưởng dân số ở vùng Tây Nam đã khiến mực nước hồ Mead - nguồn cung cấp nước cho Las Vegas, Arizona, Nam California - giảm xuống 30 m so với mực nước thấp nhất đo được từ thập niên 1960.

10.jpg
Tripa, Indonesia: Người dân đốt rừng nguyên sinh để lấy đất trồng cọ ở tỉnh Aceh. Dầu cọ được dùng cho nhiều sản phẩm, từ kẹo chocolate tới ngũ cốc ăn sáng và dầu gội đầu.

11.jpg
Kayobry, Haiti: Bà Erlande Toussaint, 63 tuổi, ngồi ngoài ngôi nhà bị bão Gustav phá hủy.

12.jpg
Rạn san hô Great Barrier, Australia: San hô ở Great Barrier bị tẩy trắng do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

13.jpg
Catcliffe, Anh: Làng Catcliffe là một trong những nơi bị ngập lụt sau những cơn mưa lớn (lên tới hơn 100 mm trong 24 giờ).

14.jpg
Boulder, Nevada, Mỹ: Vệt màu trắng quanh hồ Mead cho thấy lượng nước tiếp tục giảm xuống gần thành phố Boulder.

15.jpg
Bangkok, Thái Lan: Người dân địa phương di chuyển trong nước lụt ngập tới ngang ngực ở làng Amornchai, ngoại ô Bangkok.

16.jpg
Wivanhoe, Australia: Mặt đất nứt nẻ là hậu quả của mực nước xuống thấp ở đập Wivenhoe - nguồn nước chính của vùng Brisbane.

17.jpg
Sông băng Greenland: Các sông băng của Greenland đang tan với tốc độ kỷ lục, nhanh hơn so với dự đoán. Nước băng tạo thành các hồ nước màu xanh biếc trên bề mặt, hấp thụ ánh sáng mặt trời và càng đẩy nhanh quá trình tan băng.

18.jpg
Manitoba, Canada: Một cơn lốc xoáy khổng lồ xuất hiện ở vùng Manitoba. Mùa bão của Canada đến sớm và dữ dội hơn nhiều do hiệu ứng nóng lên toàn cầu.

Đây chỉ là những hình ảnh tiêu biểu, đại diện cho sự khủng khiếp mà biến đổi khí hậu mang lại mà thôi. Tác hại của nó còn nhiều hơn thế, âm thầm, len lỏi vào Trái Đất rồi một ngày chúng ta không để ý nó sẽ giết dần, giết mòn sự sống trên Trái Đất. Những thành quá mà Trái Đất này mất hàng trăm triệu năm để có được. Qủa thật là đáng tiếc và đau lòng phải không?
Nguồn: news.zing.vn
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ SỰ SỐNG CÒN CỦA 14 ĐỊA ĐIỂM
CHỊU ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ NHẤT
Trong số những địa điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, có những địa điểm là chốn du lịch trong mơ của rất nhiều người. Đến một lúc nào đó, dù bạn có thật nhiều tiền, có thật nhiều thời gian cũng không còn cơ hội để dạo ngắm Venice thơ mộng, thám hiểm rừng Amazon cổ kính hay thư giãn giữa chốn thiên đường Maldives.

GreatBarrierReefGettyImages157400772.jpg
Great Barrier Reef, Australia: Kéo dài hơn 2.200 km, Great Barrier Reef, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của Australia, là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu người lặn ống thở và thợ lặn mỗi năm. Tuy nhiên, nhiệt độ đại dương tăng đã gây ra sự tẩy trắng khiến san hô chuyển sang màu trắng và bị chết hàng loạt. Trong báo cáo của các nhà khoa học, có tới 50% san hô bị ảnh hưởng sau các sự cố tẩy trắng vào năm 2016 và 2017. Ảnh:Getty.

VeniceGettyImages688233316.jpg
Venice, Italy: Venice nổi tiếng với kiến trúc cổ điển, không gian lãng mạn cùng hệ thống kênh đào dày đặc. Tuy nhiên, thành phố tuyệt đẹp này đang phải đối mặt với một vấn đề lớn, đó là khi mực nước biển dâng cao sẽ khiến tình trạng ngập lụt ở Venice trở nên nghiêm trọng. Trong nỗ lực nhằm bảo vệ Venice, các nhà hoạt động xã hội đã đưa ra ý kiến kêu gọi đầu tư vào các cửa cống tiên tiến và các công nghệ khác để ngăn chặn các đợt nước biển dâng. Ảnh: Getty.

glaciernationalparkGettyImages530664445.jpg
Công viên quốc gia Glacier, Montana, Mỹ: Trải rộng khoảng 4.000 km2 ở Montana, trong khu vực biên giới giữa Mỹ và Canada, Glacier thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Thế nhưng khi nhiệt độ toàn cầu tăng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nguyên sơ của công viên, đe dọa đến nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, hàng nghìn loài thực vật và khiến các dòng sông băng tan chảy. Theo một báo cáo công bố vào tháng 5/2017, từ năm 1966, khí hậu ấm lên đã làm giảm kích thước của 39 sông băng khác nhau trong công viên, trong đó có những con sông giảm tới 85% diện tích. Các nhà khoa học đã dự đoán rằng, đến cuối thế kỷ này, công viên sẽ không còn dòng sông băng nào tồn tại. Ảnh: Getty.

DeadSeaGettyImages178963866.jpg
Biển Chết: Biển Chết đang nhỏ lại với tốc độ khoảng 1,2 cm mỗi năm và 1/3 diện tích bề mặt vùng biển này đã biến mất, đồng thời các hố sụt đã xuất hiện ở những nơi không còn nước. Các chuyên gia ước tính rằng, với tốc độ mất nước hiện tại, biển Chết có thể sẽ hoàn toàn khô cạn vào năm 2050. Ảnh: Getty.

climatechangeamazonGettyImages137578327.jpg
Rừng Amazon: Rừng nhiệt đới lớn nhất trên trái đất, Amazon chiếm khoảng 40% diện tích của Nam Mỹ. Tại đây, du khách sẽ tìm thấy những con vẹt đuôi dài đỏ tươi và những con ếch phi tiêu độc màu xanh, những con báo đốm và những con lười trong rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang khiến môi trường nơi đây dần thay đổi. Hạn hán khiến Amazon trở nên khô cằn và dễ xảy ra cháy rừng hơn. NASA đã đưa ra cảnh báo rằng, cây ở Amazon sẽ bắt đầu chết nếu mùa khô của khu vực kéo dài hơn 5-7 tháng. Ảnh:Getty.

GettyImages666315412.jpg
Bán đảo Yamal, Nga: Khi băng tan chảy, thời tiết trở nên khó lường, và mùa đông bị rút ngắn lại, khiến cuộc sống và việc chăn thả tuần lộc ở tây bắc Siberia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào mùa đông năm 2013, nhiệt độ ấm bất thường mang mưa đến, sau đó một lớp băng dày đã bao phủ đồng cỏ khiến tuần lộc không thể đào qua băng để tìm thức ăn, dẫn đến hàng chục nghìn con đã chết đói. Các nhà nghiên cứu khí hậu dự đoán rằng loại thời tiết này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn khi trái đất tiếp tục ấm lên và đây là thông tin nguy hiểm đối với những con tuần lộc. Ảnh: Getty.

climatechangemaldivesGettyImages552085039.jpg
Maldives: Nằm ở Ấn Độ Dương, Maldives được tạo thành từ một loạt đảo san hô với nhiệt độ quanh năm dao động trong khoảng 27-29 độ C. Nơi đây là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn và đắt đỏ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, với độ cao trung bình là 1.3 m so với mực nước biển, Maldives, quốc gia thấp nhất thế giới, đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn khi mực nước biển đang ngày càng dâng cao. Ảnh: Alamy.

KeyWestA5D8T5.jpg
Key West, Florida, Mỹ: Key West nổi tiếng với những tòa nhà màu hồng phấn, điều kiện lặn biển lý tưởng và bầu không khí thoải mái. Tuy nhiên, năm 2017, thành phố đã bị cơn bão Irma tàn phá, và trước đó Key West đã phải đối mặt với việc mực nước biển sẽ tăng khoảng 38 cm trong 30 năm tiếp theo. Thiên tai, lũ lụt liên tục đã khiến Key West phải thực hiện kế hoạch trị giá 1 triệu USD nhằm nâng cao các con đường trước khi chúng nằm dưới mực nước biển. Ảnh: Getty.

climatechangerhoneGettyImages483817400.jpg
Thung lũng Rhône, Pháp: Nằm ở phía nam nước Pháp, thung lũng Rhône là một trong những khu vực sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất trên thế giới. Thung lũng kéo dài khoảng 200 km và địa điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, môi trường trở nên bất lợi cho sự phát triển của cây nho, nhiều chuyên gia dự đoán rằng sản lượng rượu vang sẽ giảm sút nghiêm trọng và các nhà sản xuất rượu sẽ buộc phải di dời đến các vùng khác. Ảnh:Getty.

MumbaiGettyImages528440033.jpg
Mumbai, Ấn Độ: Là nơi sinh sống của hơn 18 triệu người, Mumbai là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Thành phố sôi động này liên tục mở rộng, phát triển với những tòa nhà chọc trời dọc bờ biển. Thế nhưng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc nước biển dâng cao, đến năm 2050, Mumbai sẽ thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt. Ảnh: Getty.

climatechangealpsGettyImages172532868.jpg
Dãy Alps: Dãy Alps trải dài qua 8 quốc gia châu Âu, từ lâu đã là địa điểm trượt tuyết nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo của Time, nhiệt độ tăng, và băng tan đã khiến mùa giải của các môn thể thao mùa đông diễn ra ở đây vào năm 2017 bị rút ngắn 38 ngày so với năm 1960. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã dự đoán rằng đến cuối thế kỷ này, bạn sẽ phải leo đến độ cao hơn 3.000 m mới có thể nhìn thấy băng tuyết trên núi. Ảnh: Getty.

climatechangenapaGettyImages473247268.jpg
Thung lũng Napa, California, Mỹ: Napa có tới hơn 1.000 nhà sản xuất rượu vang thương mại. Ghé thăm nơi đây, du khách có thể nhâm nhi rượu vang, nho đen Pinot và thưởng ngoạn quang cảnh những vườn nho nằm cạnh núi Saint Helena. Tuy nhiên, giống như thung lũng Rhone ở Pháp, khí hậu dần thay đổi đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc trồng nho và sản xuất rượu vang, khiến “thiên đường” rượu vang ở Napa có nguy cơ biến mất. Ảnh: Getty.

RiodeJaneiroGettyImages469294573.jpg
Rio de Janeiro, Brazil: Các chuyên gia về khí hậu đã dự đoán rằng Rio de Janeiro sẽ là thành phố Nam Mỹ bị tổn thương nặng nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo cho thấy nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, mực nước biển xung quanh Rio sẽ tăng lên khoảng 81 cm vào năm 2100, đủ để khiến nhiều bãi biển nổi tiếng, sân bay và thậm chí một số khu dân cư nội địa chìm trong biển nước. Ngoài mối lo ngại về lũ lụt, việc nước biển dâng cao cũng sẽ dẫn đến sạt lở đất, thiếu nước, và lây lan bệnh tật. Hiện nay, lãnh đạo thành phố đã hợp tác với NASA để cố gắng tìm ra giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty.

AlaskaGettyImages499171624.jpg
Alaska: Alaska rộng lớn là địa điểm du lịch mạo hiểm lý tưởng của nhiều du khách trên thế giới. Tuy nhiên, nơi đây đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trái đất ấm lên khiến băng ở Alaska tan chảy dẫn đến sạt lở đất và bờ biển. Ngoài ra, tình trạng thời tiết này còn mang đến một hệ lụy khác đó là cháy rừng. Theo thông tin thống kê, diện tích rừng bị cháy trong 10 năm qua ở Alaska là lớn nhất so với những thập kỷ trước đây, và con số này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2050. Ảnh: Getty.

Vì vậy, không còn cách nào khác rằng hãy cùng chung tay thay đổi cách sống, có thái độ tích cực đối với môi trường. Để gìn giữ những giá trị tinh thần này, để nếu một ngày chúng ta còn có cơ hội để thưởng thức nó.

Nguồn: news.zing.vn
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NGUY CƠ DIỆT VONG CỦA CÁC LOÀI VẬT
Biến đối khí hậu làm cho môi trường sống cua hàng ngàn loài sinh vật bị thay đổi, khiến chúng không kịp thích nghi, thậm chí nhiều loài đã không còn môi trường và thức ăn để sinh tồn. Nguy cơ từ ô nhiễm mỗi trường cùng các độc tố hóa học, chất thải công nghiệp đã giết chết hàng ngàn sinh vật.

Hơn 3.500 con dơi quạ “bỏ mạng” ở Australia, loài mực khổng lồ thường xuyên “phơi thây” trên bãi biển trong khi trên dãy núi Alps (châu Âu) không còn cảnh những đàn bướm lượn lờ khoe sắc... Thảm cảnh này cho thấy tình trạng Trái đất ấm dần lên đang bắt đầu hủy diệt thiên nhiên. Hầu hết các loài động, thực vật đều bị ảnh hưởng, và quá trình biến đổi khí hậu diễn ra chóng vánh đến mức muôn loài không kịp thích ứng để sinh tồn.

Theo một báo cáo của các nhà khoa học LHQ vào năm 2007, khoảng 30% số loài trên thế giới có thể bị diệt vong nếu nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng thêm 2,5oC và con số này sẽ tăng lên 70% nếu nhiệt độ tăng thêm 3,5oC. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu bởi trong 520 triệu năm qua, thiên nhiên trên Trái đất từng trải qua 5 thời kỳ “đại tuyệt chủng”, và 4 trong số đó có liên quan đến độ ấm gia tăng ở các vùng biển nhiệt đới.

Bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là động thực vật ở những vùng khí hậu hàn đới, cao nguyên và những loài ít có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ – theo chuyên gia Wendy Foden thuộc Hiệp hội Bảo tồn thế giới. Điển hình là nhiều loài bướm sống trên các cao nguyên ở Bắc Mỹ và miền Nam nước Pháp đã “biệt tăm biệt tích” trong khi gấu Bắc cực và chim cánh cụt hàng ngày đang chứng kiến mái nhà chung của mình tan dần thành nước.

Khí carbon dioxide (CO2) – “thủ phạm” chính gây ra hiện tượng ấm nóng toàn cầu – cũng đồng thời làm gia tăng độ axít trong nước biển, khiến san hô và phiêu sinh vật, thức ăn chính của cá voi và nhiều sinh vật biển có vú khác, chết hàng loạt. Tình trạng nấm độc sinh sôi dưới tác động của khí hậu ấm nóng đã “xóa sổ” một số loài ếch ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Âu.

“Về lâu dài, mọi sinh vật đều bị tác động”, chuyên gia Foden cảnh báo. Chỉ có một số ít được hưởng lợi từ quá trình biến đổi khí hậu, chủ yếu là những loài sinh sản nhanh, đã từng sống trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau hoặc có khả năng thích nghi với môi trường sống thay đổi. Chẳng hạn như gián, chim bồ câu và cỏ dại.

Tại Australia, năm 2002 vào thời điểm nhiệt độ tăng trên 41oC ở bang New South Wales, người ta chứng kiến cảnh dơi quạ “rơi rụng” hàng loạt với số lượng hơn 3.500 con – chiếm khoảng 10% số cá thể của loài ở nước này. Khi nhiệt độ tăng cao, động vật thường tìm tới những nơi có khí hậu mát mẻ. Qua khảo sát hơn 1.500 loài động vật, nhà sinh vật học Camille Parmesan ở ĐH Texas (Mỹ) kết luận 40% trong số này đã tản đi nhiều nơi, phần lớn hướng đến hai địa cực. Một nghiên cứu khác cho thấy hơn một chục loài chim đã di cư khoảng 20 km lên phía Bắc nước Anh, 39 loài bướm cũng bay đến khu vực phía Bắc ở châu Âu và Bắc Mỹ cách xa mái nhà cũ hơn 200 km.

Woman_Sydney.jpg

Thu gom xác dơi đầu xám ở ngoại ô thành phố Sydney (Australia) vào những ngày nắng thiêu đốt tháng 1-2002. Hơn 3.500 con dơi quạ đã chết vì nhiệt độ đột ngột tăng. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, hàng triệu con sứa biển Địa Trung Hải đã “tái định cư” ngoài khơi bờ biển Bắc Ireland và Scotland trong khi loài mực Humboldt khổng lồ – có thể tăng trưởng tới 2,1 m - đã phơi mình trên bờ biển California mỗi khi nước biển ấm lên. Trong điều kiện thời tiết ấm nóng hơn, 60% số loài động thực vật sẽ di cư, sinh sản và trổ hoa sớm hơn vào mùa Xuân. Tình trạng này, theo nhà nghiên cứu Parmesan, có thể làm “đổ vỡ” quan hệ phụ thuộc giữa chim chóc và côn trùng (thức ăn chính của loài chim), cũng như giữa côn trùng và các loài hoa mà chúng thụ phấn. Đây là một trong những nguyên nhân làm thu hẹp số cá thể ở động và thực vật.

Trước tình trạng nhiều loài không phát triển kịp để thích nghi với môi trường sống biến đổi, các chuyên gia bảo tồn đề xuất việc thành lập các hành lang tự nhiên để thu hút muông thú kéo đến, đồng thời “tái định cư” chúng ở những khu vực có khí hậu ôn hòa hơn.

Trường hợp thú đầu tiên tuyển chủng vì biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, các sinh vật tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu hiện nay mới chỉ có chim chóc, côn trùng và các loài thuỷ sinh vật, chứ chưa có loài thú nào. Nhưng mới đây, các nhà khoa học đã xác định được trường hợp thú tuyệt chủng đầu tiên, và đáng chú ý hơn đó lại là một loài chuột - một trong những sinh vật có khả năng thích nghi khủng khiếp nhất hành tinh.

873-1466359456330.jpg

Cụ thể, đó là loài chuột Bramble Cay Melomys - một loài thú thuộc họ gặm nhấm, có kích cỡ tương đồng với những con chuột đồng cỡ nhỏ. Chúng là loài thú bản địa duy nhất quanh khu vực rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier, tại một hòn đảo giữa Queensland (Úc) và Papua New Guinea.

Loài chuột này từng rất đông và... hung hãn vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng chỉ vài thập kỷ sau đó, chúng đã bị liệt vào danh sách những loài thú đang gặp nguy hiểm.

Đến năm 2014, các chuyên gia đã thực hiện khảo sát trên toàn hòn đảo, bằng cách sử dụng bẫy, máy quay nhằm xác định số lượng chuột Bramble Cay trên đảo. Để rồi cuối cùng sau 2 năm, họ buộc phải đưa ra kết luận rằng loài chuột này đã chính thức tuyệt chủng.

Sự thay đổi mực nước biển là một trong những nguyên nhân chính góp phần hủy diệt đời sống của những sinh vật nhỏ. Tính đến tháng 3/2014, khu vực có thể sinh sống trên đảo đã thu hẹp đến mức kỷ lục. Các khu vực để loài chuột có thể trú ẩn, như hang đá, kẽ đá... dần biến mất.

Đất liền bị thu hẹp cũng khiến lượng thức ăn trở nên khan hiếm. Loài chuột này vốn chỉ ăn thực vật, nay còn phải cạnh tranh cùng rùa và chim biển. Và hệ quả thì ai cũng thấy rồi đó, Trái đất lại mất đi một loài thú nữa.


Rạn san hô Great Barrier Reef đang bị nhuộm trắng vì axit trong nước biển tăng cao​

Nhưng không dừng lại ở đó, các chuyên gia tin rằng sự tuyệt chủng này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Sự thật là biến đổi khí hậu đang khiến thế giới sinh vật trên toàn cầu phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo một báo cáo từ năm 2015, sẽ có ít nhất 1/6 loài sinh vật trên Trái đất phải đối mặt với thảm hoạ tuyệt chủng vì điều này.

Nguồn: Báo Cần Thơ, The Guardian, Business Insider​
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TÁC ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO TỚI BẮC CỰC

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) ngày 20/1, trong năm 2015, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã lên tới mức cao kỷ lục. Những số liệu của NASA và NOAA cho thấy trong năm 2015, đặc biệt là trong 10 tháng đầu năm, nhiệt độ trung bình ở đất liền trên toàn cầu và trên các bề mặt đại dương cao hơn 0,9 độ C so với trung bình của thế kỷ 20, vượt qua nhiệt độ của năm trước đó (0,16 độ C).

Đây được coi là năm nóng nhất kể từ năm 1880 và là lần thứ 4 kỷ lục nhiệt độ toàn cầu được thiết lập trong một thế kỷ qua.

220116_nhietdotraidat-500x375.jpg


Việc nhiệt độ Trái Đất tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn tới thiên nhiên cũng như đời sống con người và các loài sinh vật. Trong đó hiện tượng băng tan ở hai cực chính là mối hiểm họa khôn lường đối với nhân loại.

1. Trái Đất ấm lên sẽ bùng nổ thẩm thực vật ở Bắc Cực

Đây là kết quả nghiên cứu từ mô hình máy tính của các nhà khoa học, được đăng tải trên Tạp chí Biến đổi Khí hậu Tự nhiên, số ra ngày 31/3.


Ảnh: architizer.com

Nghiên cứu cho biết khi nền nhiệt độ ấm lên, các loài cỏ, cây bụi và các loài cây khác tại Bắc Cực sẽ phát triển, xuyên thủng các lớp băng bao gồm cả những lớp băng vĩnh cửu.

Đến năm 2050, diện tích các thảm thực vật ở Bắc Cực có thể sẽ tăng thêm 52% khi cây trưởng thành, và trải rộng ra hàng trăm cây số.

Bắc Cực đã và đang chịu tác động mạnh của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Trong 25 năm qua, nhiệt độ ở đây tăng nhanh gấp hai lần so với những khu vực còn lại trên thế giới và theo các nhà khoa học, hiện tượng thảm thực vật bùng nổ sẽ vượt ra ngoài vùng Bắc Cực.

Chuyên gia Richard Pearson từ Trung tâm Bảo tồn và Đa dạng Sinh học thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ cho biết việc tái phân bổ trên diện rộng của thảm thực vật Bắc Cực sẽ gây ra những tác động nhất định tới hệ sinh thái toàn cầu.

2. Điều gì sẽ xảy ra với nhân loại nếu chất cực độc dưới Bắc Cực thoát ra ngoài

Thử tưởng tượng xem viễn cảnh đáng sợ khi trữ lượng thủy ngân khổng lồ ở Bắc Cực thoát ra môi trường? Chắc chắn đó là 1 cái kết đắng.

Bạn tin được không, tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực hiện đang tích trữ một lượng thủy ngân khổng lồ đáng sợ, gấp hai lần lượng thủy ngân tự nhiên của cả hành tinh này cộng lại. Câu hỏi là sẽ ra sao nếu lượng thủy ngân này…"thoát" ra ngoài môi trường?

Các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ đã tiến hành đo đạc 13 "mẫu lõi" của tầng đất bị đóng băng ở Alaska, Mỹ từ năm 2004 đến năm 2012.

Các mẫu này được thu thập từ các địa điểm cách xa nhau, với những đặc điểm đất khác biệt, đủ để chúng có thể đại diện cho toàn bộ bắc bán cầu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, có đến 793 triệu kg thủy ngân đang bị mắc kẹt trong lớp đất băng vĩnh cửu của bán cầu Bắc kể từ kỷ nguyên băng hà cuối cùng.
lop-bang-bac-cuc.jpg

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm
tan chảy vùng đất đóng băng vĩnh cửu.​

Để dễ tưởng tượng hơn, chúng ta hãy làm một phép so sánh. Khối lượng thủy ngân này gấp khoảng 10 lần lượng phát thải thủy ngân do con người gây ra trong 30 năm gần đây và gần gấp đôi tổng lượng thủy ngân được tìm thấy trong các vùng đất không đóng băng, trong đại dương và khí quyển.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Bắc bán cầu lại có thể tích trữ cả một "bể chứa" thủy ngân khổng lồ đến như vậy. Lý giải cho điều này, ông Paul Schuster - nhà khảo sát địa chất Hoa Kỳ cho biết, thủy ngân tự nhiên đi vào lớp băng vĩnh cửu từ khí quyển. Là một phần của chu trình thủy ngân, hơi thủy ngân trong khí quyển đã kết dính với các chất hữu cơ trong đất, sau đó bị chôn vùi bởi trầm tích. Theo thời gian, khối lượng thủy ngân này bị vùi lấp sâu trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu.

"Sẽ không có bất cứ vấn đề gì về môi trường nếu mọi thứ vẫn đóng băng như vậy. Tuy nhiên chúng ta đều biết rằng Trái đất đang nóng lên từng ngày, dẫn đến tình trạng băng tan. Mà dựa theo vật lý thì khi băng tan đến một mức độ nhất định, khối lượng thủy ngân này hoàn toàn có thể bị phóng thích ra ngoài môi trường", ông Paul nói.

Phát hiện này có tính chất cảnh báo nghiêm trọng vì nếu kịch bản "thủy ngân bị phóng thích" này xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hệ sinh thái trên khắp thế giới.

Nếu để thủy ngân hòa vào nguồn nước, nó có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. Thủy ngân vô cơ có thể bị chuyển hóa thành methyl thủy ngân - một chất độc mạnh gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
bieu-do.jpg

Bản đồ này cho thấy nồng độ thuỷ ngân (tính bằng microgram/mét vuông)
ở các độ sâu khác nhau.​

Rất nhiều trường hợp ngộ độc methyl thủy ngân ở người đã được ghi nhận sau khi họ ăn cá bắt được ở vùng nước nhiễm độc. Methyl thủy ngân cũng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và cũng là tác nhân gây ra nhiều dị tật bẩm sinh.

Steve Sebestyen - một nhà khí tượng học tại Cục Kiểm Lâm Mỹ cho biết: "Việc thuỷ ngân này được thải ra môi trường sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn vì thủy ngân có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các sinh vật".

Và kịch bản xấu nhất là khi thuỷ ngân rơi vào khí quyển, nó có thể có sức ảnh hưởng đến toàn thế giới. Bước tiếp theo trong nghiên cứu này là mô phỏng sự thay đổi khí hậu để có thể làm tan lớp đất đóng băng vĩnh cửu cũng như lên kịch bản cho trường hợp tồi tệ nhất - khi thủy ngân bị phóng thích ra môi trường.

24% diện tích đất trên đường xích đạo là đất đóng băng vĩnh cửu, và có một bể thuỷ ngân khổng lồ ẩn sâu trong lớp đất đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu lớp băng ấy tan biến mất? Thủy ngân sẽ thâm nhập vào chuỗi thức ăn như thế nào? Đây là những câu hỏi lớn mà chắc hẳn các nhà nghiên cứu sẽ mất rất nhiều thời gian để trả lời.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top