Bí mật thành nhà hồ

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
BÍ MẬT THÀNH NHÀ HỒ

Thành nhà Hồ được xây dựng cách đây hơn 600 năm ( 1397), là bức thành bằng đá, có quy mô lớn nhất ở nước ta, với nhiều tên gọi khác nhau như: Tây Đô, Tây Giai, An Tôn, Tây Kinh…thành nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa do Hồ Quý Ly cho xây dựng, để dời từ Thăng Long về đây, nhằm chuẩn bị đối phó với quân Minh xâm lược vào đầu thế kỷ XIV.

Từ xưa đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều sách báo giới thiệu, nhưng thành nhà Hồ vẫn còn không ít bí ẩn, mà đến nay chưa giải đáp hết! Nhìn bức thành hình chữ nhật, hai mặt Nam Bắc dài hơn 900m. Đông Tây dài hơn 700m, cao trung bình từ 5 – 6 m, có nơi tới 10m, được ốp bằng những phiến đá rất lớn, có phiến dài tới 5m, rộng 1,7m, nặng gần 30 tấn, không ít người đã tự đặt câu hỏi: “ Đá dùng để xây thành lấy ở đâu?”.

Trước đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng người xưa lấy đá ở mấy ngọn núi Xuân Đài, An Tôn, Trác Phong… quanh vùng để xây thành? Có người lại cho rằng phải lấy đá tận núi An Hoạch ( núi Nhồn) cách địa điểm xây thành hàng chục cây số. Song, khi phân tích đá theo phương pháp của thạch học, thì thấy hàm lượng CaO, MgO, SiO2, SO3…của đá dùng xây thành không hoàn toàn giống đá những núi trên.

Nếu ai để ý quan sát thì sẽ nhận thấy cách cổng thành phía Tây vài trăm mét, hiện còn dấu vết mấy ngọn đồi đất đỏ trộn lẫn với đá dăm, người địa phương cho hay thủa trước đó là các quả núi có tên gọi Kim Ngọ ( Ngựa vàng) và Kim Ngưu ( Trân vàng). Vậy có thể người xưa đã lấy đá của mấy quả núi này để xây thành, mà các ngọn đồi hiện nay dấu vết của công trường khai thác đá thủa đó chăng? Vả lại những tảng đá lớn nhất đều được xây ở thành phía Tây, gần nơi khai thác đá để đỡ công vận chuyển? Điều đáng chú ý là dãy thành phía Đông xa nơi lấy đá nhất, nay còn khá hoàn chỉnh, đá được đẽo đục, sắp xếp cẩn thận, cân đối. Ngược lại dãy thành phía Tây còn dang dở, đá không đẽo gọt, phải chăng người xưa đã tính toán dãy thành này gần công trường khai thác đá sẽ làm sau, nhưng vì lúc đó giặc Minh đã rục rịch xâm lược nước ta, nên dãy thành này xây vội vàng và chưa kịp hoàn thất?.

Việc người xưa lấy đá của mấy ngọn núi để xây thành là một kinh nghiệm quý giá hậu thế chúng ta học tập, đó là nên tính toán khai thác gọn từng trái núi, không nên lấy đá nham nhở như hiện nay, vừa có tác dụng xấu đối với môi trường sinh thái, vừa làm mất vẻ đẹp của cảnh quang tự nhiên.

Câu hỏi thứ hai được đặt ra là thủa xưa người ta đã dùng cách gì để vận chuyển và nâng hàng vạn khối đá chồng lên nhau cao tới 5, 6 mét? Ngày nay nếu để ý chúng ta sẽ thấy một số tảng đá được đẽo, mài thành khối chữ nhật khá bằng phẳng, song bị mất một góc. Sở dĩ làm vậy là để có thể buộc dây và nêm thật chắc từng khối đá, rồi dùng voi, trâu bò, sức người kéo trượt chúng trên mặt đường lát đá, hoặc trên những viên đá bi, hiện còn thấy vứt rải rác quanh thành.

Thành nhà Hồ có 4 cổng: Đông, Tây, Nam , Bắc cũng làm toàn bằng đá khối. Cổng phía Nam gọi là cổng Tiền, có 3 cửa, là cổng lớn nhất. Cửa giữa rộng 5,8m, cao 8m. Hai cửa bên rộng 5m, cao 7,8m. Các cửa của cả 4 cổng đều hình vòm cuốn , do nhiều tảng đá hình múi bưởi, tự nêm khít vào nhau, với độ cong cân đối đến kỳ lạ.

Vừa xây người xưa đã dùng cách gì để tạo được các vòm cuốn nói trên. Một câu chuyện dân gian địa phương cho biết thủa đó Hồ Quý Ly đã bắt dân nộp giấy bản để xây thành? Ban ngày thấy có đoạn thành dán bằng giấy, qua đêm, giấy đã biến thành đá, như thể họ Hồ được thần linh giúp sức xây thành!.

Đi sâu tìm hiểu thì thấy việc Hồ Quý Ly bắt dân nộp giấy bản là có thật. Ngoài mục đích họ Hồ lợi dụng sự mê tín của người dân để nâng cao uy tín, quyền lực mình, thì giấy bản đã được các kiến trúc sư thời đó sử dụng và việc xây thành. Trước hết, họ dùng giấy trộn với mật, vôi và trấu làm thành một loại vữa tương tự như xi măng ngày nay, để trát vào kẽ hở giữa các phiến đá.

Hiện nay phân tích những mẩu vữa trát còn lại cũng phát hiện được các thành phần trên, trong đó có giấy bản.

Ngoài ra, nhân dân địa phương còn truyền lại, rằng lúc đầu việc xây dựng các vòm cổng không thành công. Về sau viên quan phụ trách đã có sáng kiến dùng giấy dán thành hình vòm cổng thật, rồi cắt ra từng mảnh rồi sai thợ đẽo, gọt, mài các tấm đá trùng khớp với từng mảnh cắt, nên khi ghép lại đá lại đã được hình cổng vòm khít khao cân đối một cách lạ lùng như hiện nay chúng ta vẫn thấy.

Trải qua hơn 6 thế kỷ, thành nhà Hồ đã bị thời gian, mưa nắng và con người tàn phá, nên không còn giữ được vẻ xưa. Nhưng ngày nay, đứng trước một công trình kiến trúc với hàng vạn khối đá, mấy chục vạn khối đất, được hoàn thành trong một thời gian ngắn bằng sức người, khiến chúng ta phải ngạc nhiên, thán phục người xưa về kỹ thuật xây dựng, về cách tổ chức điều phân phối công lao động. Một nhà nghiên cứu người Pháp đã nhận xét thành nhà Hồ là “ một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam trước đây” ( Louis Bezacier – L’ Art Vietnamien – Paris 1954).

Ngày nay đến thành nhà Hồ, chúng ta chỉ thấy có hai bài thơ hay chữ Hán khắc trên vách cổng phía Tây, làm dưới triều Bảo Đại, nhằm lên án Hồ Quý Ly cho xây thành và thoán đoạt ngôi vua nhà Trần. xin giới thiệu một trong hai bài nói trên:

HỒ THÀNH CỔ TÍCH

Hưng vong Trần tích kim cổ lai
Thạch triệt Hồ thành thử cựu đôi
Sầu trúc lâu đài thiểu lực
Cung Sơn, Thạch Lộ chí thương đài.

Dịch:

DẤU CŨ THÀNH NHÀ HỒ

Dấu Trần hưng thịnh vẫn còn đây
Mấy bức thành hoàng đá ghép xây
Buồn dựng lâu đài hoa kiệt sức
Hoa Nhai, núi Đốn phủ rêu đày.

Nhiều người đứng trước thành nhà Hồ, đã đặt câu hỏi: Chả nhẽ Hồ Quý Ly – một ông vua hay chữ, có những tư tưởng và hành động táo bạo, bị giới nho sĩ lên án, lại không để lại bút tích gì, nhắn nhủ người đời trên một tấm đá nào đó của công trình trường cửu này chăng? Và đây cũng là một bí ẩn nữa của thành nhà Hồ mà chưa có lời giải đáp.



Theo NXBLD.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top