Bị lừa vì chạy trường

Hide Nguyễn

Du mục số
Ham vào đại học, nhiều người bị lừa


Trước và trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, hàng loạt lời rao chạy điểm, chạy suất trúng tuyển ĐH được tung ra thu hút nhiều phụ huynh, thí sinh muốn đảm bảo một chỗ học ở giảng đường ĐH.

Sau nhiều ngày trao đổi qua điện thoại, sáng 16/7 một người tự xưng là ThS Nguyễn Văn Hùng, giảng viên thỉnh giảng khoa địa lý Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), hẹn gặp chúng tôi để thỏa thuận về đề nghị: “Chạy trúng tuyển cho một thí sinh vào học chính quy một trong các trường: ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM hoặc ĐH Luật TP.HCM”.

bien-nhan_c8058.jpg


Thí sinh N.T.T.L. (Q.Tân Phú, TP.HCM) thẫn thờ nhìn lại tờ biên nhận, mất tiền và không được vào đại học.

Bao nhiêu cũng lấy

Sau một giờ để chúng tôi chờ đợi, một thanh niên mang kính cận, mặc áo sơmi trắng tiến đến xưng là ThS Nguyễn Văn Hùng rồi luôn miệng nói: “Tôi sợ công an theo dõi nên ngồi đằng xa, thấy không có gì mới đến”. Tỏ vẻ trịnh trọng, Hùng cho biết: “Anh chịu chi khoảng 60 triệu đồng, chúng tôi sẽ đảm bảo đậu 100%. Nếu không có tên trong danh sách trúng tuyển năm nay của một trong ba trường trên, chúng tôi sẽ hoàn trả toàn bộ tiền đặt cọc”.

Hùng giải thích: “Chúng tôi phải lo lót rất nhiều cửa, từ phòng đào tạo, trưởng khoa cho đến hiệu phó, hiệu trưởng, nói chung mỗi cửa phải chi tiền từ 5-10 triệu để nhờ tác động làm giả các bài thi, điểm thi của người chạy. Mức giá trên là do chúng tôi có mối quan hệ cực kỳ thân thiết với lãnh đạo, nếu không đừng hòng chạy vào đây học được”.

Để tạo thêm niềm tin khi thấy chúng tôi có vẻ phân vân, người này bồi thêm: “Chúng tôi chỉ dám đảm bảo trúng tuyển vào các trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Luật TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, Nông lâm TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, còn các trường khác chúng tôi không dám nhận vì không có mối quan hệ thân thiết”.

Rút ra trong túi một tờ giấy được gấp nhỏ, Hùng bảo tôi xem kỹ để nắm thêm thông tin. Tờ giấy Hùng đưa ghi cụ thể tên tám người, ba trường hợp ghi chạy điểm, năm trường hợp chạy trực tiếp vào các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Luật TP.HCM. Ngoài tên họ, trên phiếu còn ghi số tiền đã đặt cọc từ 4-13 triệu đồng. Trong danh sách trên, người duy nhất có ghi số điện thoại kèm địa chỉ cụ thể là P.V.T. (Bình Dương).

Lấy lại tờ giấy, Hùng đi ngay vào chủ đề chính: “Chúng tôi đảm bảo em của anh trúng tuyển vào ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Nếu đồng ý, đặt cọc 18 triệu đồng”. Hùng còn đề nghị chúng tôi phải cung cấp ngay số báo danh, phòng thi, hội đồng thi của người chạy để họ tác động ngay, chứ không kịp. Sau khi thỏa thuận, chúng tôi viện cớ chưa chuẩn bị đủ tiền, chỉ đặt cọc trước 500.000 đồng để giữ chỗ. Người này cũng... vui vẻ nhận ngay.

Không có ThS Nguyễn Văn Hùng

Tiến sĩ Lê Khắc Cường, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), khẳng định: “Tôi đã kiểm tra toàn bộ thông tin về giảng viên biên chế, hợp đồng, thỉnh giảng tại khoa địa lý nhưng không có ai tên là ThS Nguyễn Văn Hùng, các khoa khác cũng không có ai tên như vậy. Chắc chắn có kẻ tự xưng vì mục đích xấu”.

Một đầu mối khác được nhiều thí sinh, phụ huynh rỉ tai nhau từ khi kết thúc thi ĐH, CĐ đợt 3 đến nay là một thanh niên tên Hà, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM, chuyên nhận chạy thí sinh dưới điểm sàn trúng tuyển vào các trường ĐH thuộc khối ngành kỹ thuật, trong đó đảm bảo đậu là Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải - cơ sở II.

Liên lạc với đầu mối này, Hà vồn vã ra giá: “Chạy vào ngành điện tử viễn thông giá 40 triệu đồng, ngành cơ khí ôtô giá 55 triệu đồng, ngành quy hoạch giao thông giá 70 triệu đồng... còn các ngành khác thì cứ hẹn gặp, tôi sẽ báo giá đầy đủ”. Khi hỏi về tiền cọc, Hà yêu cầu đặt cọc 15 triệu đồng, nếu thiếu một đồng hợp đồng chạy trường sẽ không được thực hiện. Thế nhưng khi nghe chúng tôi muốn đặt cọc trước 11 triệu đồng, Hà hồ hởi bảo sẽ cho đàn em chạy đến để làm hợp đồng ngay.

Một đầu mối nữa do một người đàn ông tên Khiêm (ngụ tại Q.12) đứng đầu cũng được một số thí sinh, phụ huynh ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM tìm cách liên hệ. Liên lạc với người này “nhờ chạy giúp em trai vừa thi xong ĐH, trúng tuyển vào ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM”, ông Khiêm ra giá: “Mức giá chính thức chạy trúng tuyển vào ngành tài chính - ngân hàng của trường là 35 triệu đồng, đặt cọc 10 triệu đồng, chuẩn bị sẵn hồ sơ học sinh - sinh viên, giấy CMND photo, hình 3x4, học bạ THPT, bằng tốt nghiệp THPT..., hẹn chỗ rồi ông sẽ đến để bàn bạc chính thức”.

Tiền mất!

Những lời hứa như thật của các đầu mối này đã đưa không ít phụ huynh, thí sinh vào tròng. Ông P.X.B. (Dĩ An, Bình Dương) vì muốn cho con là P.X.H. (sinh năm 1993) trúng tuyển ĐH nên liên lạc với đường dây chạy trường của ThS Hùng để nhờ cậy.

“Dù con tôi không thi trường này nhưng sau khi nghe anh Hùng tuyên bố đảm bảo 100% trúng tuyển vào trường, tôi tin tưởng đặt cọc ngay 4 triệu đồng nhờ chạy. Thế nhưng tối 26-7, nghe tin trường công bố điểm thi, tôi dành nguyên một đêm dò toàn bộ danh sách các khối thi nhưng không thấy tên cháu. Ngay sau đó, tôi điện thoại tới số của anh Hùng, lần đầu máy đổ chuông nhưng không thấy bắt máy, lần sau thì máy ò e í... Chắc dính lừa đảo mất tiền rồi” - ông B. tiếc nuối.

Tương tự, bà H.T.C. (Hóc Môn, TP.HCM) lúc đưa con là N.V.D. (sinh năm 1992) đi thi ĐH tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) gặp một thanh niên tự xưng là Hùng nhận chạy trường. Bà đã trả cho người này 6 triệu đồng và hứa sau khi có tên trong danh sách trúng tuyển sẽ trả thêm 14 triệu đồng. Và rồi “cả tuần nay mẹ con tôi cứ hồi hộp chờ điểm thi. Tuy nhiên lúc trường công bố điểm thi, xem tổng điểm ba môn thi của cháu rất thấp. Tôi gọi điện để hỏi anh Hùng nhưng không liên lạc được, nhắn tin báo điểm thi của cháu rất thấp nhưng không thấy hồi âm” - bà C. than thở.


rao-vat_7bfe2.jpg



Thí sinh N.T.T.L. (Q.Tân Phú, TP.HCM) thẫn thờ nhìn lại mẩu rao chạy trường, vừa tiếc số tiền đã mất, vừa buồn vì không được vào đại học.

Còn thí sinh N.T.T.L. (Q.Tân Phú, TP.HCM) không giấu được nỗi buồn khi xem danh sách điểm thi của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM không có tên mình dù đã chi tiền cho Hà chạy điểm, làm giả bài thi. L. nói: “Em tìm cách liên lạc với người này nhưng điện thoại hoài không được. Hiện giờ, ngoài số điện thoại liên lạc, em không biết một thông tin gì khác”.
Theo Trường Giang
Tuổi Trẻ
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top