Beethoven và những bài thơ

Hide Nguyễn

Du mục số
Tác giả: Ngọc Anh

Trong chuyến lưu diễn lần đầu trên đất Mỹ năm 1964 của The Beatles, ca khúc "Roll Over Beethoven" nhiều lần vang lên trên sân khấu làm khuấy đảo công chúng Mỹ. Một phóng viên thù nghịch với The Beatles hằn học hỏi tay trống Ringo Starr của ban nhạc: "Anh nghĩ gì về Beethoven?" Ringo Starr buột miệng đáp rất nhanh: "Tôi thích Beethoven, đặc biệt là những bài thơ".

Lied: Adelaide
Nhạc: Ludwig van Beethoven
Thơ: Friedrich von Matthisson
Thể hiện: Hermann Prey (giọng tenor)

[flash]https://www.nhaccuatui.com/m/TU5OzqL--W[/flash]


***


Năm 1964 hai đĩa đơn "Roll Over Beethoven" và "All My Loving" của ban nhạc The Beatles cùng lọt vào bảng xếp hạng 100 Billboard. Ca khúc "Roll Over Beethoven" do nhạc sĩ Mỹ Chuck Berry sáng tác và được các thành viên ban nhạc Anh này yêu thích ngay từ ngày họ chưa lấy tên là The Beatles.

Trong chuyến lưu diễn lần đầu trên đất Mỹ năm 1964 của The Beatles, "Roll Over Beethoven" cũng nhiều lần vang lên trên sân khấu làm khuấy đảo công chúng Mỹ. Một phóng viên thù nghịch với The Beatles hằn học hỏi tay trống Ringo Starr của ban nhạc: "Anh nghĩ gì về Beethoven?" Ringo Starr buột miệng đáp rất nhanh: "Tôi thích Beethoven, đặc biệt là những bài thơ".

Từ đó đến nay câu trả lời hớ hênh đó của Ringo Starr đã được người ta trích dẫn lại nhiều lần để mà cười nhạo. Nhưng nếu Beethoven ở trên thiên đường nghe được câu trả lời của kẻ hậu sinh Ringo Starr, hẳn ông sẽ tủm tỉm hết sức nhân ái. Bởi vì Beethoven là một nhà soạn nhạc rất yêu thơ.

beethoven.jpg


Quả vậy, Beethoven là một trong những nhà soạn nhạc vô cùng yêu thích thi ca. Có rất nhiều (nếu không muốn nói là tất cả) các nhà thơ yêu âm nhạc cũng như có rất nhiều các nhà soạn nhạc yêu thơ. Nhưng nói đến mối liên hệ giữa thơ và âm nhạc cổ điển, tên tuổi đầu tiên cần được nhắc tới là Ludwig van Beethoven.

Ông là nhà soạn nhạc đầu tiên đưa thơ vào thể loại giao hưởng (với thơ Schiller trong giao hưởng số 9), là tác giả của tập liên khúc được cho là tập liên khúc đích thực đầu tiên, là người đã phổ biết bao bài thơ không chỉ tiếng Đức mà cả tiếng Anh thành những ca khúc nghệ thuật hết sức tuyệt vời và có sức sống vững bền đến tận ngày nay.

Adelaide, một trong những lied nổi tiếng nhất và cũng được lấy vào hợp tuyển nhiều nhất của Beethoven, được sáng tác vào khoảng năm 1794 -1795 khi tác giả ở tuổi 25. Ca từ của Adelaide là một bài thơ Đức thời kỳ đầu lãng mạn do Friedrich von Matthisson (1761-1831) sáng tác. Có cấu trúc như một bản sonata cỡ nhỏ, Adelaide là một trong những tác phẩm rất tâm đắc của Beethoven và chính ông đã chơi phần đệm piano trong một buổi hòa nhạc kỉ niệm sinh nhật nữ hoàng Nga năm 1815.

Adelaide

Thơ: Friedrich von Matthisson
Bạn em lẻ loi có thơ thẩn trong vườn Xuân,
Ánh diệu kỳ dịu dàng vây bủa
Mà những cành trổ hoa đu đưa làm run rẩy,
Ơi Adelaide!

Trong suối phản chiếu, trong tuyết núi non,
Trong những đám mây vàng của ngày dần tắt,
Trong những cánh đồng sao, bóng hình em tỏa sáng,
Ơi Adelaide!

Những làn gió đêm trong lá mềm vi vu,
Hoa chuông bạc tháng Năm ngân nga trong thảm cỏ,
Những con sóng rầm rì và sơn ca lanh lảnh:
Ơi Adelaide!

Một ngày, lạ sao! từ mồ tôi sẽ mọc lên
Một đóa hoa từ tro tim tôi đó;
Sẽ lập lòe trên từng tờ lá tía:
Ơi Adelaide!


Thoạt nhìn bài thơ của Matthisson, nhà soạn nhạc trẻ tuổi nghĩ ngay đến một kiểu phổ nhạc theo khổ thơ và cách xử lý của Beethoven càng làm thấm đẫm lời thơ và ý thơ bằng một phương tiện màu sắc và thể hiện hết sức trữ tình. Adelaide, với thời lượng biểu diễn khoảng 6 phút, được viết ở giọng Si giáng trưởng cho giọng tenor hoặc soprano mặc dù nó cũng được biểu diễn ở những phiên bản chuyển soạn cho những loại giọng khác.

Bài thơ của Matthisson là lời thổ lộ nỗi khát khao dành cho một người con gái lý tưởng (tên là Adelaide) và hình như không thể với tới được. Bài thơ rõ ràng là đã đánh trúng tình cảm của Beethoven, người mà cuộc đời riêng thường có nỗi khát khao về một người phụ nữ lý tưởng xa xôi. Bức thư cám ơn mà Beethoven đã viết cho nhà thơ đã chứng tỏ cảm tình sâu sắc của ông đối với bài thơ này.

Adelaide (Op. 46) được Artaria xuất bản ở Vienna với lời đề tặng cho tác giả bài thơ. Rất lâu sau Beethoven mới gửi cho Matthison một bản sao lied này vì e rằng nhà thơ sẽ không thích nó. Song Matthison cảm thấy đây là lied hay nhất trong tất cả những lied phổ thơ ông. Rất nhiều thính giả sau này xem nó là một trong những tác phẩm hay nhất thời kỳ đầu của Beethoven.

Adelaide phổ biến ở thời của tác giả và đã được tái bản rất nhiều lần. Rất nhiều nghệ sỹ piano như Franz Liszt, Henri Cramer và Sigismond Thalberg đã soạn những phiên bản dành cho piano độc tấu dựa trên lied này. Ở thế kỷ 19, nhà phê bình Eduard Hanslick đã gọi Adelaide là "lied độc nhất của Beethoven mà sự mất mát của nó sẽ để lại một khoảng trống trong đời sống tình cảm của dân tộc chúng ta." Do đó thật dễ hiểu vì sao mà các lied do các nhà soạn nhạc khác (Karl Philipp Emanuel Pilz, Vincenzo Righini hay thậm chí cả Franz Schubert...) cùng phổ bài thơ này của Matthison đều không nổi tiếng bằng.


***

An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa) Op. 98 là tập liên khúc duy nhất của Beethoven và thường được cho là tập liên khúc đích thực đầu tiên trong lịch sử thể loại lied. Đây là một tác phẩm quan trọng không chỉ vì giá trị âm nhạc mà còn vì nó đóng vai trò như một bước ngoặt lớn trong phong cách và sự nghiệp của Beethoven.


Liên khúc 6 lied: An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa)
Nhạc: Ludwig van Beethoven
Thơ: Alois Isidor Jeitteles
Thể hiện: Ben Heppner (giọng tenor)


[flash]https://www.nhaccuatui.com/m/dkOhsx8QS6[/flash]


---


Tác phẩm mở ra một con đường mới cho nhà soạn nhạc ở nhiều khía cạnh: chủ nghĩa anh hùng và sự huy hoàng của quá khứ đều vắng mặt ở đây; cá tính hướng ngoại (quan tâm đến người khác hơn bản thân mình) nhường chỗ cho sự diễn tả có sức nặng hơn, nội tâm hơn.

Ở mức độ cá nhân, âm nhạc biểu trưng cho nhận thức rõ ràng của Beethoven, rằng ông có thể sẽ không bao giờ kết hôn và rằng tuổi trẻ của ông, với tất cả những thất vọng cay đắng của nó, đã qua rồi.

Tuy nhiên dù âm nhạc phản ánh nỗi đau của tác giả nhưng nó chưa bao giờ gợi lên bất cứ sự ta thán nào; thực tế là âm điệu vẫn còn khá đúng mực, thậm chí đôi chỗ mang màu sắc tươi sáng - tiếng "Ừ" thanh thản trước những điều bất khả của số phận.

beethovenworking.jpg


Tranh: Beethoven sáng tác nhạc trong căn hộ của mình ở Vienna trong những năm tháng cuối đời. Sách và những bản nhạc rơi vương vãi xung quanh (Nguồn: musicwithease.com)
Tập An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa) của Beethoven gồm tất cả sáu ca khúc với phần đệm piano được biểu diễn liền một mạch:

No. 1 : Auf dem Hügel sitz ich spähend (Trên đồi đăm đắm nhì̀n)
No. 2 : Wo die Berge so blau (Nơi núi non xanh thế)
No. 3 : Leichte Segler in den Höhen (Những con én nhẹ nhõm trên không)
No. 4 : Diese Wolken in den Höhen (Ơi những đám mây kia trên trời)
No. 5 : Es kehret der Maien,es blühet die Au (Tháng Năm về, đồng cỏ nở hoa)
No. 6 : Nimm sie hin denn, diese Lieder (Thì hãy nhận những khúc ca này)


Tháng Năm về, đồng cỏ nở hoa

(Lied No. 5 trong tập liên khúc Gửi người yêu phương xa)
Thơ: Alois (Isidor) Jeitteles
Nhạc: Ludwig van Beethoven
Tháng Năm về, đồng cỏ nở hoa,
Gió nhẹ thổi thật dịu dàng, êm ả,
Những dòng suối giờ róc rách chảy.
Trên mái nhà hiếu khách, nhạn bay về,
Chim bận rộn xây phòng cưới của mình
Chính là nơi tình yêu cư ngụ.
Chim hối hả từ khắp phương mang lại
Cho giường cưới nhiều nhánh cỏ mềm,
Nhiều nhành cỏ ấm áp cho con mình.
Giờ đôi chim thuỷ chung cùng chung sống,
Tháng Năm đoàn tụ những gì đông chia cắt
Những tình yêu, nó biết cách tác thành.
Đồng cỏ nở hoa, tháng Năm về,
Gió nhẹ thổi thật dịu dàng, êm ả,
Chỉ có anh không thể nào rời bỏ.
Lúc mùa xuân tác hợp mọi lứa đôi,
Chỉ tình ta là chẳng biết mùa xuân,
Ta chỉ có lệ làm niềm an ủi.


Alois Isidor Jeitteles (1794 - 1858), tác giả của chùm thơ gồm sáu bài mà Beethoven phổ nhạc thành tập liên khúc này là một bác sĩ, nhà văn, chính trị gia và nhà báo. Jeitteles là con trai của một gia đình Do Thái theo ngành y và văn hóa. Ông học y khoa ở Prague và Vienna, từ năm 1821 ông đã hành nghề y thành công tại Brno. Ông đã được ca ngợi một cách đặc biệt trong đợt dịch tả hoành hành ở Moravia từ tháng 9/1831 đến mùa thu năm 1832 mà 65 ngàn người đã bị mắc bệnh, một phần ba trong số đó không qua khỏi.

Nhưng tình yêu suốt đời của bác sỹ Jeitteles là văn học. Ông quan tâm đến những tác phẩm kịch bằng tiếng Ý cổ và Tây Ban Nha cổ và đã dịch những tác phẩm của Calderóna de la Barca. Chính ông cũng là một người có văn phong đặc biệt đầy tài năng và những vở kịch trĩu đầy chất nhại lại một cách hài hước của ông được biểu diễn tại Vienna.

Bác sĩ Jeitteles cũng sáng tác nhiều thơ nhưng ngày nay người ta chỉ còn nhắc đến ông như là tác giả phần lời thơ trong tập An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa) của Beethoven. Alois Isidor Jeitteles qua đời ở tuổi 64, 31 năm sau khi Beethoven qua đời. Ông được chôn cất tại nghĩa trang của người Do Thái ở Brno, thành phố quê hương.

Trên bia mộ của Jeitteles có dòng chữ: "Ông đã sống trong tình yêu của Chúa và qua đời trong sự thanh bình của Thiên đường". Nếu bạn là người yêu mến Beethoven và tập liên khúc An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa), xin hãy đừng quên cái tên Alois Isidor Jeitteles bởi trong các tác phẩm thanh nhạc cổ điển lời ca cũng là một yếu tố nghệ thuật vô cùng quan trọng.



Nguon :TuanVietNam
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top