Báo động về tình trạng pha tạp tiếng Việt

Hide Nguyễn

Du mục số
• Nguyễn Văn Chiển​


Trong các nước ở châu Á, nước ta là nước có chữ viết sớm được la-tinh hoá và được gọi là chữ quốc ngữ. Trong các nước trên thế giới, không biết nước nào có được một thứ chữ tuyệt vời như thế! Tuyệt vời vì liền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong phong trào diệt giặc dốt, chỉ cần học ba tháng là một người bình thường có thể biết đọc, biết viết. Chữ quốc ngữ của chúng ta thật tuyệt vời vì viết thế nào đọc thế nấy, đọc thế nào viết thế nấy, mỗi âm chỉ có một chữ tương ứng, do đó tránh được cái nạn chính tả mà các tiếng Anh, tiếng Pháp đều mắc phải. Nó tuyệt vời vì liền sau cách mạng các trường đại học đều có thể dạy ngay bằng tiếng Việt. Nhờ được dạy bằng tiếng Việt mà những khái niệm trừu tượng nhất trong khoa học và triết học được sinh viên tiếp thu dễ dàng và dần dần thấm sâu vào tiềm thức. Nếu dạy bằng ngoại ngữ thì phải mất hàng chục năm học ngoại ngữ may ra sinh viên mới hiểu được sâu sắc như qua tiếng Việt.

Sở dĩ nước ta có thể dạy bằng tiếng Việt ở bậc đại học ngay sau cách mạng là do công lao của các nhà khoa học đàn anh như GS Nguyễn Xiển năm 1942 đã sáng lập tờ báo Khoa học và nhất là GS Hoàng Xuân Hãn biên soạn cuốn danh từ khoa học đầu tiên. Việc dạy học từ cấp phổ thông đến đại học bằng chữ quốc ngữ được duy trì trong suốt các năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi hoà bình được lập lại để đưa việc giảng dạy vào nền nếp, các nhà khoa học đầu ngành đã chủ trì việc xây dựng các từ điển khoa học chuyên ngành, sau đó hàng loạt từ điển đối chiếu Nga - Việt, Anh - Việt về tất cả các môn khoa học cơ bản đã ra đời vào thập kỉ 60 của thế kỉ trước. Trong thời gian đó, Uỷ ban Khoa học - Kĩ thuật Nhà nước có hẳn một tổ chuyên lo về các thuật ngữ khoa học theo ba phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng.

Thế nhưng vào các năm 90 của thế kỉ trước xuất hiện ý kiến viết các thuật ngữ khoa học tiếng Việt sao cho chúng giống tiếng phương Tây, nghĩa là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ðáng tiếc ý kiến đó lại được một số nhà ngôn ngữ học hưởng ứng và đưa vào cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1998. Trong đó hàng loạt thuật ngữ đã được Việt hoá từ lâu như: axit, bazơ, bazan, canxi, cacbon, magiê, v.v. lại được thay bằng nguyên dạng hoặc gần dạng Anh, Pháp thành: acid, bas, basalt, calcium, carbon, magnesium, v.v. Theo tôi, thử hỏi những từ không có vần trong tiếng Việt này, người dân Việt bình thường không đọc nổi, sao chúng lại nghiễm nhiên nằm trong một cuốn Từ điển tiếng Việt?

Trong những năm 90 đó rất nhiều học giả và nhà báo đồng loạt lên tiếng đề nghị Nhà nước sớm có một đạo luật về tiếng Việt! Ðể xây dựng một quốc gia với 54 dân tộc anh em thành một cộng đồng thống nhất vững, mạnh, rõ ràng cần có một đạo luật quy định tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức và chữ quốc ngữ truyền thống là chữ viết chính thức của nước ta. Thế nhưng hơn mười năm trôi qua có lẽ vì quá bận trong việc phát triển kinh tế, mà đề nghị nói trên chưa được thực hiện. Hiện nay, trừ các trường học đến cấp phổ thông và hai tờ báo Nhân Dân và Hà Nội mới còn giữ gìn chữ quốc ngữ truyền thống, còn lại hình như ai làm chủ một phương tiện thông tin hoặc một nhà xuất bản đều tự cho quyền hành xử tiếng Việt theo quan niệm riêng của mình!

Một số nhà ngôn ngữ cho rằng tên riêng người nước ngoài là thiêng liêng, phải viết nguyên dạng không được phiên âm, thí dụ trên báo phải viết Chirac không được phiên âm thành Si-rắc. Người ta quên mất điều cơ bản rằng tiếng Việt dùng để trao đổi giữa người dân Việt với nhau chứ đâu phải với người ngoại quốc. Hậu quả của sự buông lỏng là trong các sách báo tiếng Việt bị tiếng Anh lấn át nghiêm trọng bởi các từ như live show, tuổi teen, v.v. Tình trạng này lan ra ngoài phố, các tên cửa hiệu đều thích trưng chữ nước ngoài như beauty care thay vì chăm sóc da, game thay vì ghêm hoặc trò chơi điện tử, photocopie, fotocopy, thay vì sao chụp, v.v. Thậm chí một từ tiếng Việt lâu đời như cà-phê cũng lại bị viết thành coffee, cafe, caphé, v.v. Tệ hơn một số cửa hàng còn dám thay cả ngữ pháp tiếng Việt khi trưng tên cửa hiệu: Cây nhãn quán hoặc Thịt chó quán! Quả là một sự xúc phạm tiếng mẹ đẻ!

Nước Pháp là nước có quan hệ văn hoá lâu nay với nước ta có lẽ là một thí dụ nổi bật về việc nhà nước quản lí ngôn ngữ, chữ viết như thế nào. Trước tình trạng tiếng Anh xâm nhập sách báo tiếng Pháp, bằng hàng loạt sắc lệnh ban hành trong các năm 1966, 1980 lập một Uỷ ban tối cao về tiếng Pháp; năm 1975 Quốc hội và Thượng viện ra đạo luật về việc dùng tiếng Pháp. Nước Pháp ở sát ngay cạnh nước Anh mà còn không chấp nhận sự pha trộn tiếng Anh. Thế thì tại sao chúng ta lại để cho sự pha tạp ấy càng ngày càng nghiêm trọng. Tiếp theo đề nghị của các cố giáo sư Nguyễn Thạc Cát, Nguyễn Kim Thản, nhà báo Ðỗ Quang Lưu và nhiều trí thức khác, chúng tôi đề nghị Nhà nước cần sớm có một đạo luật về ngôn ngữ tiếng Việt.


Theo nhandan.com.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top