Giòn rụm bánh mì cay Hải Phòng
Chiếc bánh mỳ bé khoảng 2 đầu ngón tay, dài hơn gang tay nhưng lại thơm nồng và chứa đủ vị ngọt, vị béo và cay tê nơi đầu lưỡi.
Với các tiêu chí rẻ, ngon, bánh mì cay từ lâu không còn là “của để dành” của người Hải Phòng mà trở thành món ăn yêu thích của người dân các tỉnh miền miền Trung như Quãng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... Gần đây, món ăn này đã gia nhập vào thế giới phong phú của ẩm thực Sài Gòn và khá được lòng giới trẻ bởi vị giòn, cay đặc biệt.

"Đồ nghề" của tủ bánh mì cay đơn giản với lọ tương ớt, hộp pate, thịt kho, cá ngừ.
Khác với tạo hình của các loại bánh mì thường thấy, bánh mì cay có màu vàng nhạt, dài hơn gang tay, chiều ngang chỉ nhỉnh hơn hai ngón tay một chút. Chính vì hình dáng đó mà nhiều người còn gọi nó với một cái tên khác là mì que. Nhưng hình dạng bánh không phải là nguyên nhân của tên gọi, mà do vị cay xé lưỡi của ớt, vị chua nhẹ của cà trong chí chương (tương ớt), nguyên liệu chính làm nên tên gọi của món bánh này.
Tên gọi đầy đủ của chí chương là lạp chí chương, có nguồn gốc từ người Hoa. Đây là một loại gia vị lên men với nguyên liệu chính là ớt và cà chua tươi, bỏ hạt, tán nhuyễn, nêm thêm dăm củ tỏi, chút muối. Chí chương để càng lâu và càng cay càng ngon, càng tạo được sức hấp dẫn cho món ăn này.

Khi nhai, mùi thơm của vỏ bánh giòn tan quyện đều với mùi patê thơm phức, miếng thịt kho đậm đà hay cá ngừ mịn tan trên đầu lưỡi, vị cay của ớt khiến thực khách không thể... ngơi miệng. Cứ thế vừa ăn vừa hít hà, vừa cảm nhận tất cả cái ngon của món ăn. Càng ăn, càng ghiền. Thậm chí, có người ăn đến cái thứ 4, thứ 5 vẫn “thòm thèm”, vẫn muốn ăn nữa. Có lẽ vì thế mà bánh mì cay trở thành món ăn chơi, ăn lót dạ đắt hàng.

Bánh mì cay thịt kho vừa miệng.

Bánh mì cay cá ngừ mềm, đậm đà vị thơm của cá và vị ngon của sốt.

Mỗi ổ bánh mì cay có giá 9.000 đồng.
Địa chỉ: Bánh mì cay, 169 Lý Tự Trọng, quận1, TP. HCM.
57 Bùi Thị Xuân, quận 1, TP. HCM.
Nguồn:Internet
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: