Bàn về các tín hiệu thị giác và thính giác

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Số 6/ 2007
--- o0o ---

BÀN VỀ CÁC TÍN HIỆU THỊ GIÁC VÀ THÍNH GIÁC

Roman Jakobson



Vì sao khi không mô tả hiện thực ngoại hiện thì hội họa và điêu khắc trừu tượng lại gặp phải sự phản đối, còn trong lịch sử nhiều thế kỉ của âm nhạc những lời kêu gọi hướng đến việc mô tả hiện thực bên ngoài lại là ngoại lệ hiếm hoi?

Câu hỏi này liên quan đến một điều bí ẩn khác đã được biết: vì sao lời nói nghe thấy được lại là phương tiện tổng hợp, tự tại và chủ yếu duy nhất để giao tiếp giữa những con người? Những tín hiệu để nhìn khác nhau hoặc là thuần túy có tính bổ trợ, đi kèm như cử chỉ và điệu mặt, hoặc như các chữ viết và mẫu tự tượng hình, xét từ quan điểm kí hiệu học là, theo thuật ngữ của J. Lotz, những tổ chức kí sinh, những siêu cấu trúc võ đoán được gán ép cho thoại ngữ trong quá trình sơ khai của sự phát triển của nó(1). Sapir đã diễn đạt ngắn gọn điều này như sau: "Ngôn ngữ nói đi trước tất cả các hệ thống giao tiếp mang tính biểu tượng khác mà chúng, hoặc là những vật thay thế chẳng hạn như chữ viết, hoặc là sự bổ trợ cho nó, như điệu bộ kèm theo lời nói"(2).

Nhà nghiên cứu tài năng đã quá cố M. Aronson, người mà ban đầu làm việc ở Viên với N. Trubeskoi, còn sau đó với V. Eikhenbaum ở Leningrad đã công bố một bài báo có tính khuyến nhủ trong đó mô tả những thí nghiệm được tiến hành tại phòng bá âm Leningrad nhằm nâng cao và phát triển kịch truyền thanh. Các nhà nghiên cứu, trong tiến trình của vở kịch, đã đưa vào đó các âm ghi được giống như thật của vô số các tiếng động tự nhiên. Nhưng hóa ra là "chỉ một phần không đáng kể những tiếng động xung quanh được chúng ta tiếp nhận rõ ràng và có quan hệ với những hiện tượng nhất định". Các cán bộ của phòng bá âm đã ghi cẩn thận những tiếng động của nhà ga, của đường sắt, bến cảng, đường phố, tiếng gió, tiếng mưa... nhưng vì thấy rằng thính giả nhận biết rất kém những âm thanh này, thành ra cần "vừa lòng với số lượng các tiếng động có ý nghĩa xác định"(3). Có thể chỉ đồng tình với tác giả rằng giá trị thông tin của các tiếng động tự nhiên thì tối hạn chế ("những tiếng động chưa phải là ngôn ngữ"). Và do vậy rất khó dùng chúng trong kịch truyền thanh. Nhưng kết luận của ông cho rằng "trong đời sống của chúng ta, nhìn có ý nghĩa hơn nghe" thì cần phải được giải thích rõ thêm.

Nếu sử dụng cách phân loại tín hiệu do C.S. Peirce đề xuất thành: các tín hiệu - biểu số, các tín hiệu - biểu hình, các tín hiệu - biểu tượng(4), thì có thể nói rằng đối với cá nhân tiếp nhận, tín hiệu - biểu số được liên tưởng với đối tượng mà nó biểu hiện do có những quan hệ thực tồn giữa chúng trong tự nhiên; tín hiệu có tính biểu hình - do sự tương đồng thực tế, trong khi đó giữa tín hiệu biểu tượng và đối tượng mà nó chú dẫn không tồn tại một quan hệ tự nhiên - có tính tiên định nào. Tín hiệu - biểu tượng là tín hiệu của đối tượng "trên cơ sở sự thỏa thuận". Cơ sở của các quan hệ giữa những biểu tượng đa loại thuộc cùng một hệ thống là những nguyên tắc truyền thống. Mối liên hệ giữa cái biểu đạt được tri nhận cảm tính của biểu tượng và cái được biểu đạt của biểu tượng này được nhận thức (được phiên dịch) trong tư tưởng dựa trên sự liên tưởng có tính chất thỏa thuận, giả tạo và theo tập quán. Như vậy, các tín hiệu - biểu tượng và các tín hiệu - biểu số ở trong quan hệ liên tưởng với các đối tượng (có tính nghệ thuật trong trường hợp thứ nhất, có tính tự nhiên - trường hợp thứ hai). Còn bản chất của tín hiệu biểu hình là trong sự tương đồng với đối tượng. Mặt khác tín hiệu - biểu số, trái ngược với tín hiệu biểu hình và tín hiệu - biểu tượng, cần thiết đòi hỏi sự đồng hiện hữu thực tế của đối tượng được chỉ thị. Nói đúng ra thì, sự khác nhau căn bản giữa các tín hiệu của ba loại là ở thứ bậc của các đặc tính hơn là ở bản thân các đặc tính. Vậy, theo Peirce, mọi bức tranh đều "bị quy ước khá nhiều trong phương thức mô tả" và ở mức độ mà "những nguyên tắc quy ước giúp cho sự tương đồng", thì tín hiệu như vậy có thể xem như một biểu tượng biểu hình. Mặt khác, vai trò của các tín hiệu biểu hình và của các biểu trưng - biểu số trong ngôn ngữ tất thảy còn chờ được nghiên cứu cẩn thận.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, việc sử dụng và phân biệt các tín hiệu - biểu số có tính thị giác lớn hơn nhiều so với các tín hiệu - biểu số thính giác. Tương tự, những tín hiệu biểu hình thính giác tức sự mô phỏng tiếng động tự nhiên rất khó nhận ra và hầu như không được sử dụng. Mặt khác, tính tổng hợp của âm nhạc, vai trò nền tảng của lời nói trong văn hóa loài người và, sau cùng, chỉ là dựa vào sự ưu thế hơn của từ ngữ và âm nhạc trong lĩnh vực truyền thanh cũng cho phép khẳng định rằng kết luận của Aronson về ưu thế của sự nhìn so với sự nghe trong đời sống của chúng ta là đáng tin đối với các tín hiệu - biểu số và tín hiệu biểu hình, nhưng không đáng tin đối với các tín hiệu - biểu tượng.

Con người có thiên hướng coi mọi đối tượng rơi vào trường nhìn của mình là sự kích thích thị giác. Có thể chỉ ra sự ham thích phổ biến đối với việc giải thích những đốm, vết đủ loại, những gốc cây đổ, cành cây gãy như là sự mô tả sinh vật, phong cảnh hay tĩnh vật, nghĩa là như các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Cái thiên hướng bẩm sinh biến một hình tượng thị giác bất kì thành một đối tượng thực tồn nào đấy như vậy khiến cho các hình vẽ trừu tượng bất giác được xem như những bức tranh huyền bí và do đó gây nên sự bức bối chất phác một khi chưa cắt nghĩa được sự huyền bí hư ảo này.

Rõ ràng là, cả tri nhận thính giác lẫn tri nhận thị giác đều "làm việc" vừa trong không gian vừa trong thời gian, nhưng đối với các tín hiệu thuộc thị giác thì chiều đo không gian là quan trọng hơn, còn các dấu hiệu thuộc thính giác - chiều đo thời gian. Một tín hiệu thị giác phức tạp bao gồm một loạt những hợp phần đồng bộ, còn một tín hiệu thính giác phức tạp, thông thường, là một chuỗi gồm các hợp phần kế tiếp nhau. Sự phức điệu, đa âm, hòa tấu là những biểu hiện của tính đồng bộ trong âm nhạc dù trạng thái thống trị ở đây vẫn thuộc về tính trình tự. Vai trò ưu tiên của tính trình tự trong ngôn ngữ đã có một lúc nào đấy được giải thích sai như là tính trực tuyến. Thế nhưng các âm vị, tổng hòa của những dấu hiệu khu biệt được hiện thực hóa đồng thời, lại cho thấy trục thứ hai trong tính trình tự của lời nói. (Chính tư duy giáo điều theo lối trực tuyến đã khiến các môn đồ của nó, do không đếm xỉa đến cấu trúc thứ bậc của mọi kết cấu cú pháp, đã coi trình tự ngôn ngữ như một dãy nhãn hiệu).

Có sự khác biệt vô cùng lớn giữa bức tranh, có tính không gian, về cơ bản được tri nhận đồng thời (tức khắc) và diễn trình trong thời gian của lời nói hay âm nhạc tuần tự tác động lên thính giác chúng ta. Ngay cả khi xem những bức tranh đang chuyển động cũng nảy sinh ý muốn bao quát đồng thời kết cấu không gian của chúng. Tính chất trình tự của các tiếng trong lời nói hoặc các âm của nhạc để có thể sinh ra, được tri nhận và ghi nhớ cần đáp ứng hai yêu cầu căn bản - có cấu tạo trình tự thứ bậc và được phân hóa ra các thành tố cơ sở đứt đoạn được tổ chức nhằm cho một mục đích cụ thể nào đấy mà lại phù hợp với những mô hình nhất định (hoặc sử dụng cách diễn đạt của Foma Arvinsk, Significantia artificialiter - biểu đạt bằng các phương tiện của nghệ thuật ). Trong các bộ tín hiệu thị giác không có những thành tố tương tự nhau, mà ngay cả nếu một cấp độ nào đấy của các yếu tố có tồn tại thì (thực chất) vừa không có tính bắt buộc vừa không có tính hệ thống. Chính sự vắng mặt của hai tính chất này đã gây nghi ngại, làm nên sự nhọc mệt, cản trở khả năng tri giác và ghi nhớ ở con người khi xem loại phim trừu tượng.

Năm 1963 tác giả của tiểu luận này trong một bài báo của mình đã xem xét hai kiểu rối loạn ngôn ngữ tương phản nhau - đồng thời (simultané) và tiếp diễn (successif), và tương ứng với những kết qủa mà A.P. Luria và K.G. Pribrama, đã cố gắng gắn kiểu rối loạn thứ nhất với sự tổn thương đốt sống lưng, còn kiểu rối loạn thứ hai với sự tổn thương vùng vòm giữa(5). Trong cuốn sách cuối cùng của mình(6), Luria đã phát triển một cách độc đáo sự phân biệt cơ bản mà I.M. Xechennop đã để xuất năm 1878(7) giữa những tổng hợp kiểu đồng thời và những tổng hợp kiểu kế tiếp. Cả hai kiểu tổng hợp đều tham gia không chỉ vào hoạt động nói mà cả vào sự tri nhận thị giác. Cho dù thực ra thì sự tổng hợp đồng thời chỉ là phần ấn định cuối cùng, nhưng trước đoạn cuối cùng này là, như Luria đã nhấn mạnh, chuỗi những quá trình tìm tòi tuần tự. Còn về lời nói thì trong đó, các tổng hợp đồng thời là bước chuyển của sự kiện được phát triển trong thời gian sang cấu trúc đồng đại, trái lại khi tri giác bức tranh thì những tổng hợp này lại phù hợp một cách tốt nhất với chính bản chất của bức tranh được chiêm ngắm.

Trong hoạt động nói cũng như trong sự tri nhận thị giác, những tổn thương đốt sống lưng có ảnh hưởng đến các tổng hợp đồng thời. Mặt khác những tổng hợp kế tiếp, đặc biệt là "tiến trình tri nhận thị giác" và việc kiến tạo một trình tự nói hoàn chỉnh sẽ kém đi do những tổn thương ở vùng vòm. Khi Luria chỉ cho người bệnh bị tổn thương não "một bức tranh phức tạp" thì “ngay lúc đầu người bệnh chỉ nắm lấy được một thành phần, rồi sau đấy dần dà mới nhận thức được những phần còn lại"(8).

KẾT LUẬN

Có thể chỉ ra những nhị phân khác nhau của các tín hiệu. Các tín hiệu tạo hình mà cơ sở của chúng là ở sự thực tồn trong tự nhiên, sự tương đồng hoặc mối liên hệ với đối tượng được biểu thị trong phần lớn trường hợp là các tín hiệu thị giác đối lập với các tín hiệu phi tạo hình vốn đa phần là các tín hiệu thính giác. Các tín hiệu thị giác gắn kết trước hết với không gian, còn các tín hiệu thính giác - với thời gian; nguyên tắc kết cấu cơ bản ở các tín hiệu loại đầu là tính tương đồng, ở loại thứ hai - tính trình tự. Trái ngược với kí hiệu thị giác, việc sử dụng của các tín hiệu thính giác là một tổ chức thứ bậc và những thành tố cơ sở đứt đoạn được chọn lựa theo cách thích hợp và được tổ chức lại nhằm đạt được mục đích đặt ra./.

Trịnh Bá Đĩnh dịch từ bản tiếng Nga
(R. Jakobson: Tuyển tập. M.,1986)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Lotz J: Natural and Scientific Language Proc. Amer. Acad. Art Sci., 80,87 (1951).

(2) Sapir E: Language, Selected Writings, Univ. of California Press, 1949, p.7.

(3) Aronson M:Radiolfilm, Slavische Rundschaud, 1, 539 (1929).

(4) Peirce C.S:Speculative Grammar, Collected Papers Haward Univ. Press, Cambridge, Mass., 1932, p. 129.

(5) Jakobson R: Towards a Linguistic Typology of Aphasic Impeirmants, Disorders of Language, Ciba Foundation Symposium, Churchill, London, 1964, p. 21.

(6) Luria A.P:Bộ óc người và những quá trình tâm lí, Nxb. Viện Hàn lâm khoa học sư phạm, 1963.

(7) Xechenkop I.M: Những yếu tố của tư tưởng,Nxb.VHLKH LX, M., 1959 .

(8) Luria A.P: Disorders of "Simultaneous Perception "in a Case of Bilateral Occipito - Parieltal Brain Injuri, Brain 82, 3 (1959).

Nguồn: https://vienvanhoc.org.vn
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top