Vụ Vũ Ngọc Minh, du học sinh (DHS) Việt ở Deakin University, Úc bị nhóm thanh niên địa phương hành hung dã man đang khiến cộng đồng DHS Việt ở Úc và các quốc gia khác lo lắng, bất an. Các bậc cha mẹ cũng cảm thấy bất lực, không thể bảo vệ an toàn khi con đang ở quá xa.
“Tôi đã tin tưởng vào nền văn minh của nước Úc, tin tưởng vào pháp luật và sự cởi mở của người dân nên gửi con mình sang học tập. Đọc tin cháu Minh bị hành hung, não bị chấn thương nặng có thể dẫn đến bị tâm thần, bị liệt hay sống trong tình trạng thực vật tôi rất lo lắng, chỉ muốn gọi con về nước”, bà Ngọc Hương, Q.3, có con gái đang du học tại Úc bày tỏ. Nhiều gia đình cùng hoàn cảnh hiện cũng có chung nỗi bất an tương tự.
Đông đảo học sinh, sinh viên quan tâm tìm hiểu về du học các nước nhưng lại quên
việc trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết
Sau vụ việc, báo chí Úc đã phân tích về tình trạng bạo lực đang nhắm vào DHS là do nhiều nguyên nhân: thứ nhất, do có nhiều nhóm côn đồ mới thành lập ở các vùng đông dân nhập cư; thứ hai là tình trạng khủng hoảng kinh tế dẫn đến những hành xử cực đoan của một số thanh niên; thứ ba là vì bia rượu và khả năng thiếu kiềm chế từ giới trẻ. Tuy báo chí không đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc, nhưng DHS ở Úc tin rằng, đó chính là nguyên nhân thứ tư.
DHS Võ Xuân Hoài, Tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam ở Pháp nhìn nhận: Thời gian qua, đã có nhiều vụ án gây gổ, đánh nhau liên quan đến DHS Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Theo tôi biết, nguyên nhân chủ yếu là phân biệt chủng tộc, màu da, đảng phái (như ở các nước Nga và một số nước Đông Âu, Đức, Mỹ....); mâu thuẫn trong kinh doanh buôn bán (ở các nước Đông Âu và Đức...) nơi có nhiều DHS tham gia kinh doanh. Thậm chí ở Vương quốc Anh, có một số sinh viên VN đã làm các việc phi pháp trong quá trình học tập (trồng thuốc phiện, buôn bán chất gây nghiện, ảnh hưởng thị trường của “xã hội đen”). Ngoài ra, mâu thuẫn còn xảy ra khi đi chơi ở các quán bar, vũ trường, DHS Việt Nam đi học ở các nước nhưng vẫn giữ cái tính “yêng hùng”, đôi lúc thiếu kiềm chế bản thân dẫn đến bị đánh trả đũa....
Nhiều bậc cha mẹ bức xúc: DHS Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi. Các em bỏ tiền ra mua kiến thức, góp phần phát triển kinh tế của nước mà các em đang theo học nên các em phải có quyền được bảo vệ. Dư luận đòi hỏi chính phủ các nước phải nghiêm trị những kẻ côn đồ để làm gương. Tuy nhiên, phần lớn những vụ việc trên lại không liên quan đến côn đồ, mà là do cách ứng xử thiếu kiềm chế của chính DHS.
Ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hội Liên hiệp tư vấn du học Việt Nam (VIECA) cho rằng, không ít cha mẹ “đẩy” con du học thật xa để “rảnh rang” kiếm tiền nhưng quên trang bị cho con kỹ năng sống nơi đất khách. Đó là điều rất nguy hiểm. Nếu một DHS có cách ứng xử tốt, “chín bỏ làm mười” sẽ tránh được xung đột phát sinh và đảm bảo an toàn cho chính mình.
Bà Hồ Thị Ngọc Sương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ du học (thuộc Hội Dạy nghề TP.HCM) khuyên: DHS phải được trang bị kiến thức, kỹ năng để đối phó với các tình huống nguy hiểm. Ví dụ, nếu bị gây hấn, rượt đuổi phải biết phản ứng nhanh như leo lên trạm xe, cửa hàng… có camera ghi hình. Ở nước ngoài, nếu thấy xô xát, người dân hoặc sợ liên lụy nên im lặng hoặc sẽ báo cảnh sát chứ không có chuyện nhảy vào can thiệp. Do vậy, chỉ có DHS tự bảo vệ mình trong tình huống hiểm nghèo.
Mặt khác, DHS Việt thấp bé, nên thường được bọn tội phạm “chiếu cố”. Vì thế, cha mẹ nên cho con rèn luyện thể lực, ít nhất là học võ để phòng khi bất trắc. Trong trường hợp không thể tự vệ, chỉ có cách... vừa chạy vừa la là tốt nhất, hoặc xịt chất cay (DHS nên “thủ” bình xịt trong người, để có thêm thời gian… chạy là kinh nghiệm “tẩu vi thượng sách” của Minh Hùng, DHS ở Melbourne.
Theo Võ Xuân Hoài, ở các nước có đông DHS Việt đều có thành lập Hội SV VN. Hội này liên kết chặt chẽ với chính quyền nước sở tại cũng như các hội đoàn nên đây là địa chỉ lý tưởng cho các bạn DHS khi gặp các vấn đề pháp lý với nước ngoài. Để an toàn, các DHS không nên tham gia các tổ chức chính trị, phe phái, nhóm hội, đặc biệt là không tham gia buôn bán phạm pháp. Ở các nước có tình hình tội phạm phức tạp, DHS Việt nên đi theo nhóm và không nên về quá khuya, nên có sẵn các số điện thoại đặc biệt như: cảnh sát, cứu thương, taxi, Hội SV VN tại nước sở tại... để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Việt Báo (Theo PNO)