Bài thơ "Mộ" của Hồ Chí Minh

Bút Nghiên

ButNghien.com
Phân tích bài thơ "Mộ" (Chiều tối) của Hồ Chí Minh​


I . ĐẶT VẤN ĐỀ .


Một con người yêu đời, say mê với cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm với thời gian . Đối với Hồ Chí Minh , thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, của cuộc sống con người . Trong Nhật kí trong tù, Bác có nhiều bài thơ viết về thời gian và sự vận động của hiện thực , trong đó Chiều tối là bài thơ hay hơn cả . Nó không chỉ diễn tả sự lưu chuyển của thời gian trong cảm nhận của Bác mà còn thể hiện được dòng tâm trạng của thi nhân trước bước đi của thời gian và trong nhịp sống của cuộc đời .


II . GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
.

Chiều tối là bài thơ thứ 31 trong tập thơ Nhật kí trong tù, ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường bị giải đi qua hết nhà lao này đến nhà lao khác . Trên con đường chuyển lao ấy, một ngày kia, Người chợt nhận thấy cánh chim chiều .

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không


Hai câu thơ tái hiện không gian và thời gian của buổi chiều tối nơi núi rừng . Lúc ấy người đi ngước mắt nhìn lên bầu trời và chợt thấy chim bay về tổ, mây chầm chậm trôi . Nhà thơ không trực tiếp nói về thời gian nhưng thời gian vẫn hiện về qua cảnh vật . Đây là cách cảm nhận thời gian mang tính truyền thống đã từng in đậm trong nhiều bài thơ . Chim bay về tổ có ý nghĩa báo hiệu thời gian của buổi chiều tối . Ta bắt gặp trong ca dao hình ảnh:

Chim bay về núi tối rồi

đến Truyện Kiều của Nguyễn Du cánh chim mang theo cả thời gian và tâm trạng:


Chim hôm thoi thót về rừng

rồi buổi chiều nghiêng nghiêng xuống theo đôi cánh chim bé nhỏ trong “Tràng giang” của Huy Cận :


Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

hay trong “Độc tọa Kính Đình sơn” (Một mình ngồi trên núi Kính Đình) của Lí Bạch :


Chim bầy vút bay hết
Mây lẻ đi một mình


Hình ảnh thơ của Lí Bạch và của Bác có nét tương đồng, nhưng thơ của Lí Bạch sắc thái thời gian hiện lên không rõ nét thì hai câu thơ của Bác vừa có ý nghĩa chỉ thời gian, vừa nhuốm đầy tâm trạng .

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Ở đây không phải chim bay trong trạng thái bình thường mà là bay mỏi, bay mải miết cho kịp tới chốn ngủ nơi rừng xanh quen thuộc . Cánh chim mỏi mệt hay nhà thơ mỏi mệt lê bước trên chặng đường đi đày giờ đây không biết đâu là chốn dừng chân ? Sự tương đồng ấy dễ tạo nên sự cảm thông sâu sắc giữa người với cảnh .

Câu thơ thứ hai tiếp tục phác họa không gian, thời gian và tâm trạng:

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Câu thơ dịch chưa lột tả hết ý nghĩa của nguyên tác . Cô vân là chòm mây cô đơn, lẻ loi ; mạn mạn độ là trôi lững lờ, chậm chạp mang dáng vẻ trì hoãn . Chòm mây như có tâm hồn, như mang tâm trạng . Nó cô lẻ và lặng lẽ lững lờ trôi giữa không gian bao la rộng lớn của trời chiều . Bầu trời có chim có mây nhưng mây cô đơn, chim mệt mỏi, đã thế lại đang trong trạng thái chia lìa: Chim bay về rừng, chòm mây cô đơn ở lại . Hai câu thơ tả cảnh mà mở ra cả một không gian tâm trạng . Cảnh buồn, người buồn . Nhưng trong nỗi buồn trước cảnh chiều muộn còn có một khát vọng tự do ẩn kín trong đôi mắt dõi nhìn theo cánh chim lẫn mây giữa bầu trời cao rộng .

Nếu như hai dòng thơ đầu đã nói tới cánh chim mệt mỏi, chòm mây cô đơn thì hai câu thơ sau đã hiện lên một “chốn ngủ” cho con người .

Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng


Trong bản dịch, người dịch đã đưa vào chữ ‘tối’ quá lộ liễu . Trong thi pháp thơ cổ chỉ muốn người đọc tự cảm nhận chiều tối phủ xuống mà không cần một sự thông báo trực tiếp nào . Điều đó làm lộ tứ thơ . Trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ có thể lấy xa để nói cao, lấy động để nói tĩnh, dùng sáng để nói tối . Trong chiều tối, Bác không hề nói đến tối mà người đọc vãn cảm nhận thấy bóng tối đang buông xuống xóm núi là nhờ có chữ “hồng” ở cuối bài thơ . Trời tối , người đi mới nhìn thấy ánh lửa hồng rực lên như thế .

Cũng như nhiều bài thơ khác của Bác, hình tượng thơ trong bài thơ vận động thật khỏe khoắn và bất ngờ . Trong cảnh chiều muộn của miền sơn cước tưởng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ đâu ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh và bóng tối . Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động , bên lò than rực hồng đã mang lại ánh sáng và niềm vui, mang lại sự sống mãnh liệt và ấm áp . Mặc dù thời gian vận động từ chiều đến tối, từ ngày sang đêm nhưng hình tượng thơ vẫn vận động theo xu thế phát triển .

Khi bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối , con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, con người đã kịp tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm để sưởi ấm cho con người và cảnh vật . Ánh sáng, hơi ấm, con người đã đưa lại niềm vui bình dị cho người tù nhân xa xứ . Trong cảnh ngộ của riêng mình, Bác vẫn tìm thấy niềm vui . Niềm vui ấy xuất phát từ cuộc sống lao động của người dân Trung Hoa ở một xóm núi nào đó trên đất Quảng Tây . Nếu như không có tình người tha thiết thì làm sao Bác có được một niềm vui như thế giữa đất người xa lạ .

III . KẾT THÚC VẤN ĐỀ .


Bài thơ Chiều tối không chỉ miêu tả cảnh chiều nơi núi rừng miền sơn cước với làn mây, cánh chim và cuộc sống lao động của con người . Toát lên toàn bộ bài thơ là hình tượng nhân vật trữ tình có tấm lòng yêu thương rộng lớn luôn luôn nâng niu trân trọng mọi sự sống trên đời, có tâm hồn lạc quan luôn hướng về tương lai và ánh sáng .

(Sưu tầm)


Tham khảo thêm 1 số bài về Chiều tối - Mộ của Hồ Chí Minh:

1. Phân tích bài thơ Chiều tối - Mộ của Hồ Chí Minh

2. Phân tích bài thơ Chiều tối - Mộ (Hồ Chí Minh)

3. Phân tích bài Chiều tối - Hồ Chí Minh

4. Phân tích bài thơ Chiều tối

5. Bình giảng bài thơ Chiều tối (Hồ Chí Minh)

6. Chiều tối và Lai tân - Hồ Chí Minh
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Trong bài của bạn có liên tưởng thơ Lý Bạch, bài “Độc tọa Kính Đình sơn”, tôi có đôi dòng về bài thơ này như sau:


Độc toạ Kính Đình sơn
Chúng điểu cao phi tận,
Cô vân độc khứ nhàn.
Tương khan lưỡng bất yếm,
Chỉ hữu Kính Đình sơn.
tôi dịch như sau:
Ngồi một mình ở núi Kính Đình
Bầy chim bay tuyệt tích rồi,
Mây nhàn một đám ngang trời vẫn trôi.
Nhìn nhau mắt chẳng muốn rời,
Ta cùng đỉnh Kính Đình thôi đó mà.

Bài này không gian và thời gian đều chỉ tương đối, Chim và mây hờ hững chỉ để chứng minh đang hiện hữu. Thi nhân và Núi Kính Đình như chìm vào nhau, cùng đối diện, cùng tĩnh lặng, khẩu khí thật phi thuờng của một trích tiên đạt đạo.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Phân tích bài thơ “Mộ” (Chiều tối) của Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ “Mộ” (Chiều tối) của Hồ Chí Minh.
Bài làm

Buổi chiều đi vào trong văn thơ khá nhiều và thường rất buồn bởi ây là thời điểm gợi sầu, gợi nhớ cho lòng những kẻ xa quê. Trong chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, trên chặng đường bị giải đi từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo, Hồ Chí Minh cũng vẽ ra một bức tranh chiều tối trong “Nhật kí trong tù”: bài thơ “Chiều tối”. Bài thơ phảng phất cái ý vị cổ điển của nhiều bài thơ xưa nhưng lại mang đậm những nét cốt cách của Hồ Chí Minh.

Nơi núi rừng, ánh mặt trời vào lúc sắp tắt hẳn chỉ cón hắt ánh sáng lên đỉnh trời; người tù ngẩng đầu nhìn lên thấy ở đó có một cánh chim và một chòm mây:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không

Hình ảnh thơ xuất hiện thật tự nhiên. Hai câu thơ đầu này dường như chỉ miêu tả cảnh vật nhưng qua cảnh vật mà ta thấy hiện ra một tư thế, một cái nhìn của người ngắm cảnh. Xưa nay, mỗi khi tả cảnh trời chiều, thi nhân thường điểm thêm vào đó hình ảnh một cánh chim bé bỏng.

Chim bay về núi tối rồi (Ca dao)
Chim hôm thoi thóp về rừng (Nguyễn Du)
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa (Huy Cận)

Đây là hình ảnh không gian nhưng lại mang ý nghĩa thời gian. Hai câu thơ của Bác gợi cho ta nhớ đến hai câu thơ của Lí Bạch trong bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (Một mình ngồi trên núi Kính Đình):

Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn
(Chim bầy vút bay hết
Mây lẻ đi một mình)

Hình ảnh thơ của Lí Bạch và của Hồ Chí Minh có những nét tương đồng, nhưng sắc thái biểu hiện thời gian trong hai câu thơ của Lí Bạch không rõ nét, còn hai câu thơ của Hồ Chí Minh vừa có ý nghĩa biểu hiện thời gian vừa có ý nghĩa biểu hiện tâm trạng. Ở đây, cánh chim mà người tù Hồ Chí Minh nhìn thấy là cánh chim đã mỏi nhưng vẫn gắng bay cho kịp tới chốn nghỉ ngơi nơi rừng thẳm quen thuộc, chứ không hề “cao phi tận”, bay vào chốn vô cùng vô hạn để biến mất trong cõi hư không siêu hình. Cánh chim không chỉ là nét vờn vẽ của một họa sỹ; dường như Bác không nhìn theo cánh chim bay về rừng chỉ với cái nhìn thưởng thức thẩm mĩ của một nghệ sĩ, mà nhiều hơn là với đôi mắt lưu luyến, trìu mến của một tấm lòng yêu thương, cảm thông đối với một biểu hiện của sự sống. Đây là con chim có sự sống. Câu thơ bảy chữ mà có tới 4 động từ, trạng từ diễn tả hoạt động, trạng thái sinh hoạt của loài chim (quyện, quy, tầm, túc). Đường bay, hoạt động ấy có mục tiêu cụ thể, gần gũi: về rừng tìm cây để ngủ qua đêm. Câu thơ của Bác đã đưa cánh chim từ cõi hư không phảng phất ý vị siêu hình trở về với thế giới hiện thực, thế giới sự sống hàng ngày, bình thường giản dị song bất diệt trên trái đất này.

Câu thơ thứ hai tiếp tục phác họa không gian, thời gian và tâm trạng. Chòm mây như có tâm hồn, như mang tâm trạng: nó cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ trôi qua lưng trời. Dường như Bác cảm nghe được cái không gian bao la, yên tĩnh của cảnh chiều muộn. Bầu trời chiều phải thoáng đãng, cao rộng đến thế nào thì mới làm nổi bật lên hình ảnh chòm mây lững lờ đang trôi chầm chậm (mạn mạn) ngang qua bầu trời mênh mông như vậy.

Ta nhận ra sự đồng điệu giữa hồn người và cảnh vật. Cánh chim kia sau một ngày bay đi tìm mồi, giờ này đã mệt mỏi, chòm mây kia sau một ngày trôi lang thang trên lưng trời, giờ này cũng có tâm trạng uể oải. Người tù có lẽ cũng vậy, sau một ngày lê bước trên đường đi đày, lúc hoàng hôn sắp chùng xuống, trong lòng tự dưng thấy lẻ loi, mệt mỏi, bước chân cũng đã nặng nề.

Hai câu đầu mở ra một cảnh buồn. Cảnh buồn vì người buồn. Buồn vì xa tổ quốc, xa đồng bào, bị mất tự do không biết đến bao giờ mới thôi, lại gặp cảnh núi rừng hoang vắng xa lạ lúc chiều tối. Dẫu vậy, nỗi buồn ấy cũng không hề có dấu hiệu của sự nặng nề, bi lụy. Người tù vẫn nhận ra cánh chim kia đang bay về tổ chứ không phải vô phương, vô định. Còn bức tranh thiên nhiên vẫn thoáng đạt, cao rộng, trong trẻo. Nó là sự thể hiện một tâm hồn thanh thản, một tâm hồn luôn gắn bó và giao hòa với thiên nhiên. Xét cho cùng, tình cảm đối với thiên nhiên của Bác, trong chiều sâu chính là lòng yêu thương sự sống, và cảm quan nghệ sĩ của Bác – chính là cảm quan nhân đạo. Cái đẹp là ở phía sự sống. Điều đó lí giải vì sao có sự xuất hiện đột ngột, bất ngờ của hình ảnh người thiếu nữ trong bức tranh toàn cảnh:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

Nếu như hai câu đầu dựng lên tấm phông làm nền thì hai câu này làm nổi lên hình tượng trung tâm ở cận cảnh: một thiếu nữ ở sơn thôn, với công việc lao động bên bếp lửa gia đình. Một chất thơ khác, một hơi thở trữ tình khác đã được đưa vào càng làm cho vẻ đẹp của buổi chiều hôm thêm hài hòa phong phú. Sự xuất hiện của thiếu nữ xay ngô làm cho bức tranh bỗng trở nên khỏe khoắn, có sức sống. Với nét vẽ đậm khỏe đó, Bác đã đặt người con gái ở vị trí chủ thể của thiên nhiên và đẩy lùi ra phía sau nền trời chiều cùng cánh chim, chòm mây, rừng cây; đẩy lùi ra phía sau cảm giác buồn mỏi. Ngữ động từ “ma bao túc” được láy vắt dòng từ cuối câu thơ thứ ba sang đầu câu thơ thứ tư đã diễn tả được sự vận động xoay tròn của cối xay ngô, diễn ta sự vận động thời gian từ chiều đến tối, diễn tả cái nhìn mê mải của nhà thơ. Thời gian trôi dần theo cánh chim và làn mây, theo những vòng xoay của cối xay ngô, quay quay mãi, “ma bao túc”, “bao túc ma”…và đến khi cối xay dừng lại thì “lô dĩ hồng”: lò lửa đã rực hồng, tức trời đã tối. Dùng cái sáng để nói cái tối là nét nghệ thuật tài tình của bài thơ này. Bác không hề nói nói đến tối mà người đọc vẫn hiểu được bóng tối đang bao trùm xuống xóm núi là nhờ có chữ “hồng” ở cuối bài thơ. Trời tối, người đi mới tìm thấy ánh lửa rực hồng lên đến thế. Nhịp câu thứ tư là 4/3, nhịp ba ngắn chấm dứt cho cả một sự vận động, chuyển biến đúng với cái tối lúc đến nhanh, thu dần cuộc sống bên lò than rồi tỏa cái ánh sáng, cái ấm ra theo âm thanh nồng ấm của chữ hồng. “Với một chữ hồng, Bác đã làm cho toàn bộ bài thơ rực sáng lên, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã được diễn tả trong 3 câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối. Chữ “hồng” trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “thi nhãn” (con mắt của thơ) hoặc là “nhãn tự” (chữ mắt), nó sáng bừng lên, có cân lại, chỉ một chữ thôi với hai mươi bảy chữ khác nhau dầu nặng đến mấy đi chăng nữa. Với chữ “hồng” ấy có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu, mà chỉ thấy màu đỏ nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm Bác” (Hoàng Trung Thông). Bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối, con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, con người đã tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm để sưởi ấm cho con người, cho cảnh thiên nhiên. Đốm lửa hồng sáng rực đã bất ngờ xua tan cái lạnh lẽo hoang vắng của núi rừng, xua tan nỗi buồn lẻ loi, đơn độc trong lòng người và ngoại cảnh. Ánh sáng, hơi ấm, con người đã đem lại niềm vui bình dị cho người tù nhân xa xứ. Trong cảnh ngộ bị giam hãm tù tội với biết bao khó khăn, gian khổ, người đọc vẫn chờ đợi một sự chạnh nghĩ đến mình, một thoáng thương thân của Bác. Nhưng điều đó không hề xảy ra. Phải là một bậc chí nhân mới quên đi nỗi khổ đau tột độ của mình, để trìu mến từng cánh chim trời, từng áng mây trôi, để nặng tình thương cho một kiếp sống cần lao hay còn vĩ đại hơn nữa nếu hiểu rằng, để chỉa sẻ với những niềm vui bình dị của người dân xứ người mà Bác không hề quen biết. Thế mới biết, niềm vui hay nỗi buồn buồn của Bác không thể cắt nghĩa bằng chính cảnh ngộ của Người. Dường như lúc này Bác đã quên rằng mình vừa mới trải qua một ngày đói rét lê bước trên đường đi đày, quên đi trước mặt đang là một xó tối hôi hám, bẩn thỉu của nhà tù đang đợi sẵn mình. Người mở lòng ra vui với cảnh sống đầm ấm, bình yên nơi xóm núi. Nếu không có một tình người tha thiết thì làm sao Bác có được một niềm vui như thế giữa đất người xa lạ. Đó là biểu hiện của tâm lòng thiết tha yêu cảnh, yêu người, vị tha đến phi ngã.

Khi viết những câu thơ về Bác:

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Hay

Nâng niu tất cả chỉ quên mình

Có lẽ nhà thơ Tố Hữu đã nghĩ đến cả những bài thơ như “Chiều tối” này chăng? Bởi vì, như có người đã nói, đây là những vần thơ quên mình của Bác.

Nhưng ngẫm ra, sự “nâng niu tất cả” ấy phải xuất phát từ một lẽ sâu xa, lớn đẹp hơn: “Bác sống như trời đất của ta”.

Và như thế, chất thơ của “Chiều tối”, xét cho cùng, là chất thơ của tình yêu cuộc sống.

“Chiều tối” thêm một bằng chứng về sự vận động của tư tưởng và hình ảnh thơ Hồ Chí Minh: luôn hướng đến ánh sáng, đến sự sống. Vẻ đẹp của cuộc sống, của con người luôn tỏa ngát trong bài thơ này. Đấy là ánh sáng của một tấm lòng thương người, yêu đời mãnh liệt.

Nguyễn Tấn Huy*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Nhân đọc bài viết này, tôi gửi vào đây một bài viết của tác giả Nguyễn Thế Duyên để các bạn tham khảo, hy vọng sẽ góp thêm một phần cảm nhận.

Tôi đã đọc thắc mắc của bạn Hương tình yêu và ý kiến của một vài bạn xung quanh bài thơ này. Tôi cũng đã đọc một vài bài bình về bài thơ này . Những bài bình ấy làm tôi không thỏa mãn. Nó có vẻ hơi khiên cưỡng khi người viết cố áp đặt cho nó những điều vốn nó không có ( có thể là vì một lí do tế nhị nào đó) Vì vậy tôi mạnh dạn viết bài này

  • Quyện điểu qui lâm tầm thúc thụ
    Cô vân mạn mạn độ thiên không
    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Điều đầu tiên phải nói rằng : Đây là một bài thơ hay, rất hay và độc đáo. Nó hay và độc đáo ở ngay trong hoàn cảnh sáng tác bài thơ . Những bài thơ tả cảnh như thế này các thi nhân đều làm trong những lúc trà dư ,tửu hậu, nhàn nhã còn cụ Hồ chí minh làm nó trong lúc bị giải đi tù. Trong hoàn cảnh đó, phải là một người rất lạc quan, rất tin vào lí tưởng của mình, rất tin vào sự chiến thắng của con đường mình đã lựa chọn thì cụ mới có thể ung dung ngắm nhìn phong cảnh, cảm hứng viết thơ như một người đang du ngoạn Phong thái đó chỉ có thể tìm thấy trong những vĩ nhân. Nếu không hiểu điều này bài thơ bị mất một nửa giá trị

  • Quyện điểu phi lâm tầm thúc thụ

  • Quy lâm mạn mạn độ thiên không

Hai câu đầu đẫm chất đường thi. Hai câu tả cảnh và là hai câu thực . Chim mỏi cánh rồi đi tìm chỗ để ngủ. Trên trời,những đám mây cô độc đang chầm chậm trôi về rừng. Chỉ với hai câu một cảnh chiều bình yên ở một miền rừng núi vắng vẻ đã được nhà thơ vẽ nên một cách sinh động. năm từ “mạn mạn độ thiên không” thật là tuyệt bút. “Mạn mạn”có nghĩa là chậm chạp, từ “Độ” có nghĩa từ từ . Đọc cả câu “Mạn mạn độ thiên không”người đọc có cảm giác thời gian như ngưng đọng lại. Nhịp thơ kéo dài triền miên tạo nên được một cảm giác vắng vẻ u buồn của một miền sơn cước
Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì đó chưa phải là Hồ chí Minh mà ta mong đợi . Vì tất cả các nhà thơ đường đều làm được điều này. Ta thử đọc một vài câu thực của những bài thơ đường nổi tiếng để thấy được điều đó

  • Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

  • Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Hay như

  • Cốc khẩu sơn tàn hoàng điểu hi

  • Tân di hoa tận hạnh hoa phi

Ta sẽ thấy tất cả các nhà thơ đường đều có thể chỉ bằng hai câu thơ mà vẽ nên một bức tranh rất sinh động. Vậy đâu là sự khác biệt của một bậc vĩ nhân, của một danh nhân văn hóa thế giới?
Điều đó nằm trong hai câu kết của bài thơ. Đối với các nhà thơ xưa,cái tôi của thi nhân bao giờ cũng là trung tâm của bài thơ. Muốn nói trời nói đất gì thì nói thì cuối cùng câu kết bao giờ cũng nhằm nói đến tâm trạng, một ước vọngcủa chính tác giả. Cái “Tôi”của người viết trùm lên toàn bộ bài thơ. Ta thử đọc một vài câu kết của những bài thơ nổi tiếng để thấy được điều này

  • Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu (tôi say nằm lăn ở sa trường anh đừng cười)

  • Cổ lai chinh chiến thử nhân hồi ( vì xưa nay đánh trận mấy ai trở về)

Hay

  • Thi liên u trúc sơn song hạ ( Thương mấy cây trúc lặng lẽ trước song)

  • Bất cải thanh âm đãi ngã quy (Không thay màu chờ ta về)

Nhưng trong bài mộ này thì khác. Cái “Tôi” của người viết đã biến mất mà thay vào đó là một cô thôn nữ và chính cô đã trở thành trung tâm của bài thơ

  • Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

  • Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Giữa cảnh chiều vắng vẻ, u buồn hình bóng một cô gái hiện lên làm không khí thay đổi hẳn. Thời gian như ngưng đọng của hai câu thực bắt đầu chuyển động. Nếu hai câu thực “Tĩnh”bao nhiêu thì hai câu kết lại “ Động” bấy nhiêu.Đặt hai câu động cạnh hai câu tĩnh, bản thân sự sắp xếp này đã chứng tỏ bút lực dồi dào của người viết. Chúng tôn nhau lên làm cả hai đều rực rỡ
Tôi xin tự nhận tôi là người đọc không nhiều. nhất là cổ thi nhưng những bài cổ thi nổi tiếng tôi đều đã đọc và tôi chưa đọc được một bài thơ tả cảnh nào lấy con người làm trung tâm của bài thơ cả. (Tôi xin giới hạn điều này ở thơ tả cảnh vì những bài thơ cổ tố cáo chế độ , thương sót người nghèo như bài bần nữ của Tần thao Ngọc hay bài Thạch hào lại của Đỗ Phủ thì lại khác. Nhưng kể cả những bài đó hình ảnh con người cũng không phải là trung tâm của bài thơ mà phải nói chính xác là số phận con người mới là trung tâm của bài thơ)
Đây là bài thơ tả cảnh nếu không nói là duy nhất thì cũng là cực kì hiếm hoi đã lấy hình ảnh con người làm trung tâm của bài thơ và đấy,theo tôi,chính là sự khác biệt giữa một danh nhân văn hóa với những nhà thơ khác. Việc bao túc ma hoàn (xay ngô xong) với việc “Lô dĩ hồng” (lò than hồng) là hai việc độc lập với nhau chẳng hề có một chút quan hệ gì thế nhưng chính cô gái, chính con người, đã làm cho những thứ rời rạc ấy đã có mối liên kết với nhau. Người đọc như có cảm giác rằng chính vì cô gái xay ngô xong nên lò than mới rực hồng
Chắc có bạn sẽ hỏi tôi rằng : Vậy anh nói thế nào về Bà huyện thanh quan? Tôi xin thưa rằng trong thơ của bà huyện thanh quan hình bóng con người cũng luôn xuất hiện như câu

  • Lom khom dưới núi tiều vài chú

  • Lác đác bên sông rợ mấy nhà

Hay

  • Gác mái ngư ông về viễn phố

  • Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Nhưng hình ảnh con người ở đây chỉ là những nét chấm phá của một bức tranh tả cảnh chứ nó không phải là hình ảnh trung tâm của bài thơ. Trung tâm bài thơ vẫn là nỗi lòng của người viết là cái “ Ta với ta “của bà
Tôi nhớ rằng Hồ chí Minh chưa bao giờ nói nghệ thuật vị nhân sinh. Nhưng qua bài thơ này , cụ đã thể hiện rõ quan điểm sáng tác của mình
Chúng ta hãy đọc lại câu cuối của bài thơ

  • Bao túc ma hoàn – lô dĩ hồng

Câu thơ bị ngắt làm đôi. Nhịp thơ nhanh khác hẳn với nhịp thơ của hai câu thực càng làm cho người đọc có cảm giác “ động” của câu kết. Tiếng Hồng ở cuối bài thơ làm không gian bừng sáng. Giữa khung cảnh sâm sẩm tối một miền rừng núi hoang vắng, hình ảnh bếp lửa hồng rực rỡ gieo vào lòng người đọc một cảm giác tươi sáng ở phía trước. Một số nhà phê bình văn học thường ví bếp lửa hồng như một niềm tin,vào lí tưởng hay những gì khác nữa tôi cho rằng như thế quá khiên cưỡng, có vẻ chính trị hóa văn học. Nó chỉ làm cho bài thơ mất đi vẻ đẹp đích thực của nó
Nếu hai câu thực là một bức tranh mầu xám thì hai câu kết là một bức tranh mầu hồng. Đặt hai bức tranh cạnh nhau và giữa hai bức tranh ấy là hình bóng một cô gái. Cụ đúng là một thiên tài. Có phải cụ muốn nói :Con người, Chỉ có con người mới làm nên sự thay đổi kì diệu này?


Tác giả: Nguyễn Thế Duyên . Nguồn: vnthuquan.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top